TÔI PHẢI ĐI QUA DÙ XA HUN HÚT

    0
    697
    ảnh “Nhìn xuống” chụp tuần rồi cho Father's Day 2017
    Trần Trung Đạo

     

    Sau khi cha chết và lưu lạc nhiều nơi, tôi vào tá túc trong chùa Viên Giác, Hội An. Vài tháng một lần tôi được phép về Đà Nẵng thăm cô tôi, người gần gũi nhất còn lại của tôi lúc bấy giờ. Cô tôi bịnh thường xuyên.

    Cô tôi có vẻ vui hơn trong những lúc tôi về. Biết tôi suốt tháng ăn chay nên dù rất nghèo, cô cũng ráng mua sắm thêm chút cá thịt cho bữa ăn. Cô thức khuya hơn, dặn dò tôi hàng trăm việc. Cố gắng nhịn nhục. Cố gắng chịu đựng. Cố gắng học hành. Cô hỏi thăm từng việc lớn nhỏ trong ngôi chùa tôi đang tá túc.

    Cô nhắc tới bà Chín, người coi quản các công việc của chùa và không có cái nhìn thiện cảm dành cho tôi trong những ngày mới đến chùa.

    “Bà Chín có còn chửi mắng con không? ”
    “Không, bà Chín chết rồi.”
    “Sao vậy? ”
    “Xe tông chết.”
    “Có ai đánh con không?”
    “Không.”
    “Có ai bắt con làm chuyện gì nặng nề không? ”
    “Không.”
    “Thầy có biểu con đi tu không? ”
    “Có, nhưng không phải thầy Viên Giác.”
    “Thế ai biểu con? ”
    “Thầy Giải Nguyên.”
    “Thầy Giải Nguyên là ai? ”
    “Đệ tử của thầy Viên Giác.”
    “Con trả lời thầy Giải Nguyên sao? ”
    “Con nói con không muốn đi tu.”
    “Thầy nói gì thêm? ”
    “Thầy nói đi tu sẽ được các thầy lo lắng ăn học, mai mốt lớn sẽ được đi Huế hay Sài Gòn học thêm. Không đi tu chẳng lẽ ở trong chùa này hoài hay sao. Chùa chỉ dành cho người đi tu thôi, đâu có thể nuôi con hoài như vậy được.”
    “Thế con trả lời sao? ”
    “Con không biết trả lời sao vì không biết nếu thầy đuổi sẽ đi đâu, nhưng con nhất định không đi tu.”
    “Thầy hay hỏi thế không hay chỉ hỏi một lần? ”
    “Nhiều lần nhưng tháng nầy thì không hỏi nữa vì con đã bạch với thầy là con nhất định không đi tu.”
    “Con đừng bỏ đi. Nếu thầy đuổi thì về Đà Nẵng ở với cô.”
    “Nhưng ở Đà Nẵng với cô thì chỉ đi bán cà-rem hay đánh giày chứ làm gì có trường công để học.”
    “Ừ thì lúc đó hãy tính.”
    “Con phải đi học.”
    “Cô biết, nhưng lúc đó hãy tính, giờ còn đi học được thì phải lo học.”
    “Dạ.”

    Hai cô cháu tôi thường ngồi như thế rất lâu trong căn nhà nghèo nàn phía trong Ngã Ba Huế. Một đứa bé bất hạnh ngồi bên người đàn bà bất hạnh trong một đất nước bất hạnh.

    Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay gầy guộc cầm lấy tay tôi sợ rằng đứa cháu trai của cô sẽ khóc. Tôi không khóc. Cô không khóc. Không có hay vì không ai còn giọt nước mắt nào để nhỏ trong những đêm tôi về thăm cô. Nếu có chăng chỉ là những giọt nước mưa từ buổi chiều còn đọng trên mái tranh nghèo, như những nốt nhạc buồn, gõ từng nhịp đều vào chiếc lu hứng nước ngoài sân.

    Những đêm khuya im vắng tôi ngồi dưới hiên chùa ngắm hàng vạn vì sao mọc kín vòm trời. Một cảm giác lạ kỳ, vừa ấm cúng nhưng cũng vừa cô độc, vừa rất thực nhưng cũng vừa hư huyễn thường đến với tôi trong những đêm khuya khoắt như thế.

    Tôi chọn một vì sao nhỏ, lẻ loi và xa xôi nhất trong dải thiên hà bát ngát để làm bạn với mình, để chia sẻ những buồn vui bắt gặp trong ngày. Tôi tâm sự với sao những chuyện thầm kín nhất. Những chuyện tôi chưa từng nói với ai và, dù tôi muốn, cũng chẳng có ai gần gũi để cùng san sẻ.

    Như thầy Giải Nguyên có lần đã nói, nếu không đi tu, sớm hay muộn, tôi cũng phải ra khỏi nơi nầy. Tôi biết. Tôi biết. Dù thế gian này là giả tạo và mộng tưởng, dù khoảnh khắc tôi đang sống là vô thường hay hữu thể, thì con đường dài sâu hun hút phía bên kia cổng tam quan chùa Viên Giác vẫn là con đường có thực. Con đường đầy gai góc kia, một ngày không xa, trong cuộc đời này, tôi phải dẫm lên, tôi phải đi qua.

    Và cuối tháng 8 năm 1972, tôi lạy Phật ra đi, sau lưng cánh cửa chùa cũng vừa khép lại.

    Trần Trung Đạo

    (Trích trong Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác, viết chung với HT Thích Như Điển, ảnh “Nhìn xuống” chụp tuần rồi cho Father’s Day 2017)