Hình bên dưới là bình luận của anh nguyễn hồ (hình như anh là kiến trúc sư) bên dưới bài viết mà tôi trao đổi quan điểm với nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. Cái còm này sau đó được anh mang về đăng trên trang cá nhân với tư cách là một stt. Nhân đây ta lại thử bàn thêm về việc Tôn trọng phụ nữ.
Có lẽ chúng ta đều biết, để phụ nữ có được những quyền lao động, chính trị, xã hội, văn hóa… như bây giờ, phụ nữ và nhân loại nói chung đã phải trải qua ít nhất là gần 250 năm tranh đấu không ngừng nghỉ. Để hôm nay, một người phụ nữ được công khai cất lên tiếng nói của mình, dõng dạc đối đáp với đàn ông thì phải mất hàng ngàn năm đã chìm trong tăm tối của việc họ bị tước đoạt các quyền con người cơ bản. Nay, một người đàn ông Việt Nam lại đem lòng thương hại phụ nữ mà muốn mang họ trở lại với cái quá khứ tối tăm kia, thương nhau như thế, bằng mười hại nhau!
Không gì xúc phạm một người phụ nữ bằng cách nói rằng “đừng tranh luận với phụ nữ”; cũng không một người phụ nữ có tự trọng nào lại muốn được chiếu cố, được tỏ ra yêu chiều theo kiểu ban ơn. Theo tôi, ngay ngắn tranh luận với phụ nữ là một trong những cách tôn trọng họ tốt nhất (thậm chí còn hơn cả việc giao tiền cho họ giữ), vì đó là sự tôn trọng một Con Người với sự hiểu biết và tâm thế rằng, họ (phụ nữ) có đầy đủ phẩm chất và quyền lợi chính đáng, không thua kém đàn ông ở bất kỳ điểm nào.
Bỏ qua sự quy chụp (lại quy chụp) rằng tôi “quăng một người phụ nữ lên bàn mổ” khi tác giả Nguyễn Hồ đã lờ đi việc chính nữ nhà văn đã tự “quăng” mình lên mạng rồi quay ra vu vạ cho tôi là “chim mồi”, thì hơn đâu hết việc xếp phụ nữ xuống chiếu dưới bằng một thái độ trịch thượng, kẻ cả, ban ơn, coi phụ nữ là một cái gì “chỉ để yêu” như yêu một viên kẹo hay một con thỏ cưng, nó chứng tỏ một cách hùng hồn tâm thức Á đông của không ít đàn ông Việt ngày nay, tự coi mình là bề trên, yêu phụ nữ bằng ơn mưa móc của “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” mà đến nay còn chưa thể tẩy rửa hết được. Phải chăng đây mới chính là chỗ sâu kín của “tính độc tài” do “tâm lý hoang tưởng” về “sức mạnh đàn ông” gây ra?
Các “nữ kiệt” như Thatcher, Merkel, Thái Anh Văn… chắc sẽ lấy làm chán chường lắm nếu bọn đàn ông không “đưa họ lên bàn mổ chính trị” để đấu tay đôi với họ, phải không thưa anh Nguyễn Hồ? Hai nghìn năm trước, một người phụ nữ Việt Nam còn cưỡi voi đanh tan cả một đạo quân xâm lược hùng hậu kia mà, chẳng lẽ sự kiện đó chưa đủ làm cho đàn ông Việt giật mình hay sao?
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, bằng một cá tính mạnh mẽ đã viết “Bóng đè”, qua đó giải phóng mình khỏi các lề thói cũ kỹ, hủ lậu. Và bạn đọc, trong đó có không ít nhà phê bình văn học đã đưa tác phẩm của chị “lên bàn mổ”, gây ra những tranh cãi nhiều chiều, người khen hết lời, kẻ chê không tiếc tay, tạo thành một không khí văn học sôi động trong một thời gian. Đó không những là thành công của nhà văn mà còn gián tiếp thể hiện sự tôn trọng của xã hội, trong đó có nam giới đối với phụ nữ. Tôi tin rằng, cái dư âm đó đến nay còn đọng lại trong Đỗ Hoàng Diệu như một kỷ niệm đẹp đẽ của một thời và sẽ là của một đời viết văn.
Không gì xúc phạm chị cho bằng quan niệm rằng, “phụ nữ viết văn, thôi thì cứ khen một tiếng, đừng có chê họ mà làm gì”. Tôi nghĩ, với cá tính của mình, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu sẽ nổi giận với kẻ nào đã “yêu” chị bằng một tình yêu sỉ nhục đến thế(?).
Tôi chọn cách trao đổi thẳng thắn, đường hoàng với một quan điểm đã được nữ nhà văn công khai trên thế giới phẳng; và tôi tin rằng, dù sau đó chị đã block tôi, nhưng chị vẫn sẽ thấy mình được tôn trọng hơn là khi phải nhận cái yêu chiều ban ơn của những người nhân danh bênh vực phụ nữ. Có phải thế không, thưa chị Đỗ Hoàng Diệu?
Và anh Nguyễn Hồ, chắc cũng đã hiểu rằng, việc tôi chọn trao đổi thẳng thắn với anh ở đây, cũng là đang thể hiện một thái độ tôn trọng nhất mực. Chúng ta có thể bất đồng quan điểm, đó điều bình thường, thậm chí lành mạnh nữa, nhưng nói chuyện đường hoàng, rõ ràng, đó là tinh thần “dân chủ” vậy.
Nhân đây, cũng xin nói thêm: nhiều người than thở rằng việc những “người viết phản biện” bất đồng với nhau là điều đáng buồn, nên đoàn kết lại thì hơn. Tôi thấy quan niệm dĩ hòa vi quý ấy là thái độ xuê xoa không những không cần thiết mà còn có hại. Trao đổi với nhau trên tinh thần tôn trọng cá nhân, dù vẫn quyết liệt trong quan điểm, đó mới là cách thúc đẩy tiến trình văn hóa thảo luận và tư tưởng tự do trong một xã hội đang bị tù hãm khắp nơi.
Thái Hạo