Nguyễn Lan Anh
Đây là một loại vũ khí sinh ra từ sự tuyệt vọng của quân Nhật trong năm 1944-1945. Trong hai năm cuối của cuộc Thế chiến 2, quân đội Nhật, đặc biệt là Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã mất rất nhiều phi công chuyên nghiệp, được huấn luyện kỹ lưỡng trong cuộc không chiến với Hải quân Hoa Kỳ năm 1942-1943. Mặc dù các nhà lãnh đạo Nhật nhận ra rằng họ không có hy vọng đánh bại Mỹ, họ vẫn muốn ngăn chặn chính quốc bị tấn công bằng mọi giá, không quan tâm đến thương vong quân đội mình.
Bị suy yếu nặng nề do thiếu hụt tài nguyên (đặc biệt là nhiên liệu) và mất gần hết tất cả các phi công có kinh nghiệm trong cuộc chiến với Mỹ, Đô đốc Ōnishi Takijirō đã lên một ý tưởng cực đoan: “Tokkotai” hay “Đặc biệt Công kích Đội.” Ông cho các phi công lái máy bay ném bom đâm vào tàu chiến của địch, đặc biệt là tàu sân bay, nếu cuộc tấn công thành công, vụ nổ và hỏa hoạn sau đó sẽ gây thiệt hại nặng nề và tiêu diệt hàng trăm thủy thủ địch.
Mặc dù bản chất cực đoan, ý tưởng đã được các sĩ quan của Hải quân và Lục quân Nhật háo hức đón nhận. Do Nhật Bản gặp bất lợi nghiêm trọng về tài nguyên và công nghệ, chiến lược tấn công tự sát là một điều hợp lý. Việc hy sinh vài mạng quân Nhật để đổi lấy vài trăm mạng quân Mỹ không có lý do gì để các lãnh đạo vốn không coi mạng người ra gì của Nhật từ chối cả.
Chính vì vậy, quân Nhật tiến hành cải tiến một số loại máy bay thông thường để phù hợp với nhiệm vụ tự sát hơn. Ngoài ra, họ còn thiết kế một số vũ khí tự sát mới. Một trong số đó là Yokosuka MXY-7 Ohka.
Được nickname là Baka (ngu) bởi quân Mỹ, Ohka có rất nhiều điểm yếu khiến nó kém hiệu quả trong chiến tranh.
Một số điểm yếu được ghi nhận trong báo cách của Tình báo Hải quân Hoa Kỳ dưới đây:
“Tầm bay tối đa theo lý thuyết của BAKA [Ohka] khi phóng tại 27,000 feet là 55 dặm. 52 dặm trong số này sẽ bay với tốc độ 229 dặm trên giờ, với góc lướt là 5 độ 25 phút. Trong ba dặm còn lại, việc sử dụng các tên lửa sẽ làm tăng tốc độ lên 535 dặm một giờ, tỷ lệ thuận với việc tăng tốc độ là góc bổ nhào đồng thời cũng tăng theo.
Tại góc bổ nhào 50 độ hoặc lớn hơn, tốc độ tối đa sẽ là 618 dặm mỗi giờ…
Đối với tấn công các tàu chiến hạng nặng giáp dày, tên lửa sẽ hiệu quả nếu dùng làm ngư lôi tấn công ở tầm gần. Tuy nhiên, nếu được phóng từ xa, BAKA sẽ dễ bị tấn công bởi các máy bay chiến đấu trước khi đến được vị trí thuận lợi để tấn công. Thiếu sự cơ động, BAKA không thể tránh được các cuộc tấn công…”
Như mọi người có thể thấy, vì số lượng nhiên liệu tên lửa hạn chế, các phi công không được khởi động động cơ cho đến khi Ohka cách mục tiêu 3 dặm. Lý do là để tiết kiệm nhiên liệu và dùng khoản thời gian sử dụng nhiên liệu ngắn để tăng tốc và xuyên giáp đối phương. Do đó, trước khi mở động cơ tên lửa, các phi công sẽ phải lướt Ohka với tốc độ chậm khiến họ dễ bị các máy bay đánh chặn nhanh của Mỹ tấn công. Ngoài ra, nếu một Ohka bị trượt mục tiêu, không có cách nào để quay lại thực hiện một cuộc tấn công khác bởi vì khả năng cơ động của tên lửa bị hạn chế khi di chuyển ở tốc độ cao (cần nhớ rằng động lượng trong vật lý là thước đo mức độ khó của vật để quay trở lại. Động lượng = khối lượng * tốc độ. Tốc độ lớn của Ohka tạo ra rất nhiều động lượng, khiến tên lửa khó quay trở lại).
Bên cạnh đó, tầm bay hạn chế của Ohka khiến cho việc sử dụng nó để bắn tàu Mỹ cách chính quốc hàng nghìn dặm rất khó, phải sự dụng máy bay ném bom để vận chuyển tên lửa này đến chiến trường.
Đây là một điểm yếu khác của Ohka. Nặng gần 2 tấn, Ohka giảm đáng kể tầm bay và tốc độ của máy bay ném bom mẹ. Máy bay ném bom thường được sử dụng để vận chuyển Ohka là chiếc Mitsubishi G4M – nickname Betty bởi quân Mỹ. Betty có tầm bay xa 2.000 dặm. Khi gắn Ohka vào, tầm bay của Betty bị giảm xuống đến 500 dặm, một phần tư tầm bay tối đa của Betty. Tốc độ của nó sẽ giảm từ tốc độ tối đa 230 hải lý xuống còn 140 hải lý. Ngoài ra, bị kéo bởi “cục tạ” phía dưới, Betty còn trở nên kém cơ động hơn. Ngay cả khi không có Ohka, tốc độ của Betty vẫn chậm hơn các máy bay chiến đấu của Mỹ như F6F và F4U. Với Ohka kèm theo, Betty không thể nào chiến đấu với Mỹ, khiến cho nhiều máy bay bị radar phát hiện và bắn hạ. Khiến cho quân Nhật không chỉ mất cả Ohka mà còn mất luôn cả máy bay mẹ, có thể hiệu quả hơn nếu sử dụng trực tiếp làm nhiệm vụ tự sát như các máy bay khác.
Tham khảo thêm:
1/ “Kamikaze Attacks of WW2” của Robin L. Rielly.
2/ “The Japanese War Machin”.
[Kỹ sư Hoàng Phúc Minh]