Tạm giam kéo dài gần 4 năm như bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết là chuyện không tưởng

0
114
Yee Lip Chee (đứng giữa) đã bị Hội đồng xét xử đọc quyết định khởi tố vụ án ngay tại Tòa nhưng đến nay vẫn "nhởn nhơ" ngoài vòng pháp luật. Dư luận cho rằng đã có sự "bảo kê" cho tội phạm từ phía Cơ quan điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh GDVN
(GDVN) – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu: “Thời hạn truy tố, xét xử cũng không bao giờ đến 4-5 năm, tôi chưa từng thấy trường hợp nào như vậy”.
06:09 12/06/17

Chuyện thật như đùa: Tạm giam gần 4 năm mà không tuyên án!

Hiện nay những trường hợp không may bị tạm giam, tạm giữ lâu năm ở Việt Nam kéo dài gần 4 đến 5 năm đang khiến dư luận rất bức xúc.

Có trường hợp tòa án trả hồ sơ nhiều lần yêu cầu điều tra lại nhưng rồi vẫn chịu cảnh ngồi ăn cơm tù mà không biết mình bị tội gì?

Bên hành lang Quốc hội, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội kháo 14, trao đổi về hiện tượng trên, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Đại biểu Quốc hội đoàn Khánh Hòa – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Việc công dân chưa bị kết án tại một bản án của tòa án mà bị tạm giam 4 năm là vi phạm tố tụng, cần nhanh chóng được xem xét giải quyết”.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn Khánh Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (ảnh nguồn quochoi.vn).

Trước thắc mắc về việc công dân rơi vào hoàn cảnh như vậy cần thiết phải giải quyết như thế nào, ông Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng: “Trách nhiệm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng phải làm theo quy định của luật tố tụng về vấn đề tạm giam, tạm giữ, vấn đề thủ tục xét xử sơ thẩm.

Quá trình điều tra theo thủ tục, nếu vi phạm luật tố tụng thì các cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Khi người dân rơi vào hoàn cảnh đó thì phải có đơn kiến nghị, nhờ luật sư, gửi các cấp có thẩm quyền tức là cấp cao hơn cơ quan tố tụng để biết vấn đề này người ta cùng giải quyết với mình.

Hậu quả đến như vậy thật tiếc, còn ai vi phạm thì người đó sẽ chịu trách nhiệm, về mặt nhà nước không ai muốn điều đó”.

Cũng liên quan trường hợp những công dân chưa bị kết án mà tạm giam lên tới gần 4 đến 5 năm, bên hành lang Quốc hội ngày 9/6, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu  – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Tôi nghĩ không thể xảy ra, không ai cho phép gia hạn nhiều như vậy”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc công an tỉnh Nghệ An (ảnh nguồn quochoi.vn).

Lý giải nhận định của mình, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: “Viện kiểm sát họ kiểm sát gia hạn tạm giam. Ở cơ quan điều tra mà gia hạn tối đa nhất cũng chỉ có 3 lần thôi.

Lần cao nhất có 4 tháng, nghĩa là tổng cao nhất không quá 12 tháng, không bao giờ có thể thêm được gì nữa. Trừ tội phạm đặc biệt về an ninh quốc gia có gia hạn thêm nhưng không đáng kể. Cái đó là thời hạn tạm giam”.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng: “Thời hạn truy tố, xét xử cũng không bao giờ đến đó, không ai nghĩ tạm giam 4 đến 5 năm. Tôi làm điều tra lâu năm chưa có trường hợp nào như vậy?”.

Rõ ràng câu chuyện bắt tạm giam lên đến gần 4 năm mà không tuyên án là nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Oái ăm thay, điều đó lại có thật xảy ra với trường hợp của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết tại Thành phố Hồ Chí Minh (Kế toán trưởng Công ty L&M Việt Nam).

Người ra quyết định cho phi vụ tạm giam không tưởng này lại chính là Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải – khi ông đang giữ cương vị Phó Viện trưởng viện Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng lạ thay, sau khi báo chí có hàng loạt bài viết phản ánh về những dấu hiệu vi phạm thì ông Dương Ngọc Hải vẫn đang bình yên vô sự, thậm chí còn được lên chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; và còn được trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Ai trả tự do cho bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết?

Nỗi oan của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập tại hàng trăm bài báo trong suốt gần 4 năm qua. Đặc biệt dư luận rất bức xúc khi ông Dương Ngọc Hải là người có trách nhiệm trực tiếp vì đã đẩy bà Tuyết vào vòng lao lý.

Chiếu theo quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu thì trường hợp của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị giam giữ 42 tháng (khoảng 1.260 ngày) đúng là một chuyện “không thể xảy ra và không ai cho phép như vậy”.

Khi cần bắt, truy tố bà Tuyết, chính ông Dương Ngọc Hải đã khẳng định trong cáo trạng rằng bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết “làm giả con dấu, làm giả chữ ký ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam; làm giả hồ sơ, sổ sách kế toán và đã chiếm đoạt 12,7 tỷ đồng của tiêu sài cá nhân”.

Còn đối với Wong Kong Hee – Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam, ông Dương Ngọc Hải hạ giọng nhận xét: “Mặc dù có nhiều chữ ký trên các chứng từ nhưng hai ông này không biết, không cùng Tuyết chiếm đoạt tài sản của Công ty L&M Việt Nam và hai ông này là bị hại của vụ án”.

Tại hồ sơ vụ án và ở các phiên tòa công khai, đại diện Viện kiểm sát là Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu đã không thể trưng ra được bất cứ chứng cứ nào để thể hiện việc bà Tuyết làm giả các loại giấy tờ như cáo trạng truy tố khi Hội đồng xét xử và các luật sư yêu cầu.

Ngược lại, chính vị đại diện cơ quan công tố buộc phải đề nghị Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra các “bị hại” mà trước đó Viện kiểm sát đã dốc hết sức để bảo vệ là Yee Lip Chee.

Tuy nhiên, đề nghị là vậy nhưng ngay sau đó, vì không ra lệnh cấm xuất cảnh của Công an và Viện kiểm sát, Yee Lip Chee và Wong Kong Hee – những kẻ trước đó tố cáo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, những kẻ bị Hội đồng xét xử đọc quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nhanh chân rời khỏi Việt Nam “cao chạy xa bay”.

Còn bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thì vẫn bị ông Dương Ngọc Hải và thuộc cấp ở Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đều đặn ký các quyết định tạm giam “để điều tra” mặc dù đến nay vẫn không thể chứng minh được bà Tuyết có tội.

Khi chiếu theo quan điểm của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư – ông Đỗ Ngọc Thịnh, để xảy ra việc tạm giam đến gần 4 tới 5 năm là lỗi thuộc về cơ quan tố tụng thì trách nhiệm trước tiên của ông Dương Ngọc Hải, người ra lệnh bắt tạm giam bà Tuyết.

Số phận của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết sẽ đi về đâu cần thiết phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng cấp cáo hơn Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Dấu hiệu oan sai đối với bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã quá rõ, nhưng sự chần chừ vào cuộc của cơ quan chức năng đang đẩy công dân này vào tận cùng của bĩ cực.

Mới đây nhất, tại phiên tòa ngày 19/1/2017, Tòa án cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định “chưa có căn cứ bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tòa cũng hủy án sơ thẩm và yêu cầu điều tra lại vụ việc.

Tòa cũng ra lệnh cho Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh phải khởi tố điều tra đối với Yee Lip Chee cùng vụ án với bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết mới làm sáng tỏ được vụ án: “có hay không hành vi gian dối của bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết” – là yêu cầu bắt buộc khi muốn kết tội người đã bị tạm giam nhiều năm.

Với hàng loạt dấu hiệu vi phạm như vậy nhưng ông Dương Ngọc Hải vẫn đang bình yên vô sự, trong khi bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thì tiếp tục bị tạm giam.

Câu hỏi lúc này đặt ra là: Ai? Cơ quan nào có thể ngăn chặn những hành vi sai trái của ông Dương Ngọc Hải, trả lại sự công bằng cho bà Tuyết?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here