Home Blog  SỐNG GIỮA XÁC CHẾT

 SỐNG GIỮA XÁC CHẾT

0
 SỐNG GIỮA XÁC CHẾT
Cầu Tràng Tiền, Huế

Võ Thu Phương

Tôi sanh năm Mâu Thân, bị lịch sử đóng dấu xuống cuộc đời như một vết tích. Chỉ cần mở miệng nói “sanh năm 68” là người đối diện có thể đáp suôn sẻ: “à, năm Mậu Thân”. Mà tôi lại được sanh ngay trong đợt pháo bắn vào Sài Gòn, pháo rớt trúng nhà bảo sanh ngay cạnh giường Mẹ, suýt nữa tôi chết mà không kịp thấy ánh sáng mặt trời. Bởi vậy mà khi tôi cầm bút, điều làm tôi khắc khoải nhất vẫn là: đề tài Mậu Thân, nó như một tảng đá quá nặng mà tôi phải khổ sở mang vác. Tôi viết về Mậu Thân vì trách nhiệm làm người bảo tôi phải viết, viết một lần hay viết cả đời mình thì cũng chỉ là một cách bỏ tảng đá trên lưng xuống.

Không ai có thể áp đặt cho tôi chữ “hận thù” khi mà ở thời điểm tang thương Tết Mậu Thân tôi còn nằm trong bụng mẹ. Không ai có thể kết án tôi là cực đoan khi trên con đường đi tìm sự thật tôi chỉ là một đứa trẻ – suốt một thời thơ ấu – đã không biết rằng mình cất tiếng khóc chào đời giữa hàng triệu tiếng khóc đau thương. 

Năm nay tôi năm mươi lăm tuổi, đủ già, đủ chín chắn để điềm tĩnh nói rằng: “Giết người là một tội ác cần phải được xét xử”.

Giết người vô tội không phương tự vệ, giết trẻ em phụ nữ, thảm sát xóm làng, thảm sát bạn bè thầy cô lại càng không thể nào biện minh hay tha thứ được.

Tôi đăng lại một truyện thriller viết vào mùa xuân 2013, trên con tìm đi tìm sự thật và nỗi đau của một vùng đất. 

Truyện rất dài, chia làm 3 phần. Ai yếu tim, xin đừng đọc.

Lưu Thủy Hương – VTP

*

– Thriller –

 SỐNG GIỮA XÁC CHẾT

PHẦN 1

*

Cơn ác mộng bắt đầu khi Lân quyết định giấu xác thằng nhỏ đánh giày vô tủ áo quần.

Thật ra, tôi chẳng lạ lùng gì chuyện giết người và phi tang xác chết. Báo chí đăng đầy, như cơm bữa. Ở nơi nào có hoa hậu thì ở nơi đó có án mạng. Đọc riết rồi quen. Đọc quen rồi ghiền. Càng giết dã man càng gây cảm xúc mạnh. Khoái nhất là những bài báo có kèm theo hình ảnh minh hoạ. Một vài vũng nước đen. Một cái chân người chết tái ngắt ló ra sau tấm chiếu. Tờ báo tôi vừa đọc sáng nay trên máy bay đưa tin cô nữ sinh hoa hậu bị người yêu cưỡng bức rồi chặt ra từng khúc. Báo đăng chi tiết tới độ tôi bỗng cảm thấy nghẹt thở vì bị thằng loạn óc bóp cổ. Mấy ngón tay tôi đau rêm như đang bị nó cắt ra từng đốt. Tôi nhìn qua người khách kế bên, ông ta cũng đang đọc bài báo đó. Khuôn mặt người đàn ông đờ đẫn trong nỗi sợ hãi khoái trá. Cặp mắt có hai cái mí sưng bụp và mọng đỏ ngước lên nhìn tôi. “Tất cả chúng ta đều có thể trở thành kẻ giết người.” Tôi rùng mình như bị bắt quả tang. “Hay trở thành kẻ bị giết.”

Ở nơi nào có hoa hậu thì ở nơi đó có án mạng. Căn phòng này cũng không ngoại lệ, một hoa hậu và một xác chết. Nếu kể thêm cho đúng giọng điệu câu khách của báo Công An, thì sẽ có thêm một đại gia và một chiến sĩ cách mạng lão thành.

Thằng nhỏ nằm đó, cạnh chân bàn, quấn kín trong tấm mền nỉ trắng. Loại mền khách sạn dành cho những phòng có máy lạnh. Máu trên đầu nó đang thấm ra một vùng bằng trái táo. Tôi nói tới trái táo tây của nàng Bạch Tuyết, chứ không phải trái táo ta nhỏ bằng trái chanh, hay trái táo tàu nhỏ bằng đốt ngón tay.

Chị cả của Lân ngồi co rút nơi góc salon, cặp mắt trong veo như búp-bê ngước lên lỗ thông hơi trên trần nhà. Từ đó, tiếng máy lạnh rì rì vọng ra, xăng xái chạy trước kịch bản, thổi vô phòng mùi xác chết hăng hăng. Khi mà cái xác mới tinh còn chưa kịp bốc mùi tử khí. Thằng nhỏ vừa bị chị Trung lỡ tay xô ngã, đầu đập vô cạnh bàn. Người nó còn mềm oặt khi Lân xốc lên. Lân nhăn mặt nói:

“Em phụ anh đưa nó về phòng mình.”

Trời, làm gì có phương hướng giải quyết tiêu cực kiểu này. Tôi khoái đọc báo Công An, khoái theo dõi những vụ án mạng. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi khoái nhúng tay vô những vụ giết người. Những người làm báo chuyên nghiệp cũng nắm chắc điều đó. Độc giả chỉ đọc báo tìm cảm giác mạnh chứ không giết người. Lời nói của người đàn ông trên máy bay thoảng qua tai tôi, bây giờ, nó lại giống như giọng đe doạ của Lân. “Hay trở thành kẻ bị giết.” Bất giác tôi lùi lại nửa bước.

“Anh không thể đưa nó về phòng mình. Đây là án mạng, anh phải báo công an.”

Lân kê đầu gối đỡ ngang vai thằng nhỏ. Bộ mặt gã co rút, tím ngắt lại như trái cà dái dê héo.

“Ngu vừa thôi chứ. Chuyện này đổ bể ra, gia đình mình sẽ gặp trăm ngàn thứ phiền phức. Báo chí. Công an. Bác sĩ. Dư luận… Dù gì nó cũng chết rồi, chẳng ai cứu sống được. Chị Trung chỉ lỡ tay xô ngã.”

Đừng quên cái chữ “ngu” này, nghen. Những vụ hạ nhục nhân phẩm như vầy đều phải ghi sổ đen để khi nào có dịp là thanh toán sòng phẳng. Tạm thời đành phải chịu lép đã. Tôi đổi giọng líu ríu, yếu như con cuốn chiếu:

“Thì… híc… mình báo với công an là… híc… lỡ tay.”

“Ngu vừa thôi chứ. Ai mà tin. Một thằng nhỏ đánh giày nửa đêm vô phòng bà già đi dép nhựa, rồi bị xô té bể đầu. Họ sẽ làm lớn chuyện để gia đình mình khánh tận, chứ loại gian manh cùng đinh này đầy đường, có mất đi một đứa cũng chẳng việc gì.”

Khuôn mặt Lân bây giờ trắng bệch ra vì căng thẳng, vì cố gắng quá sức, vì nói quá nhiều. Da mặt Lân giãn ra tới độ chỉ cần dí cái móng tay lên là nổ banh một phát. Tôi nắm chặt hai bàn tay của mình trong túi áo ngủ, chặt tới độ những cái móng đâm sâu vô lớp da và những khớp xương lồi hết lên. Tôi lại càng tin chắc là nếu tôi xỉa tay mình vô mặt Lân lúc này, mặt gã sẽ nổ banh. Mười một giờ đêm. Đốm đỏ trên đầu thằng nhỏ đã loang lớn bằng bàn tay, chỗ đó ướt đẫm, thấm sang ống tay áo pyjama trắng của Lân. Suy nghĩ loé sáng trong cái đầu mà Lân luôn nguyền rủa là ngu ngốc.

“Nó còn sống. Chắc là nó vẫn còn sống. Anh coi kìa, máu đang chảy ra.”

Chị Trung ngồi đờ đẫn ở ghế salon bỗng đứng bật dậy, lanh lợi tỉnh táo như chưa từng điên. Chị rờ tay vô cạnh bàn rồi cúi xuống bên cái xác thằng nhỏ. Bàn tay khô cứng thọc nhanh vô lớp mền trắng giống như xẻng xúc đất. Khuôn mặt lạnh lẽo bỗng nở nụ cười kỳ quái. Người chưa quen nhìn thấy nụ cười này là dựng đứng tóc gáy. Đôi môi chị mỏng lét vàng khè mở ra, mấp máy:

“Nó chết rồi. Lúc ngã xuống, nó giật nảy người hai bận rồi chết.” Chị Trung nói tới đó thì thưỡn ngực lên, nảy hai cái thiệt là dung tục. “Để chị giúp em khiêng xác nó đi.”

Những chuyện như vầy báo chí chẳng bao giờ tưởng tượng ra nổi để mà đăng. Chỉ có người trong cuộc mới biết phải đối phó ra sao. Tôi im lặng. Chị Trung nhấc phần chân thằng nhỏ lên, thô bạo tới độ cái mền tuột ra để lộ hai bàn chân trần gầy đét. Tôi nhìn sững bàn chân có mấy cái ngón trắng bệch bám đầy bùn đất bỗng nghẹn thở, buồn nôn. Không phải tôi sợ thấy xác chết, mà bàn chân thằng nhỏ làm tôi nhớ tới thằng Út. Mỗi buổi tối, nó leo lên giường ngủ cũng với hai bàn chân nhỏ xíu lem luốc như vầy. Tôi phải bám vô tường mới đứng vững được.

“Nè… anh không thể mang nó về phòng mình. Bên đó làm gì có chỗ.”

Lân lôi xềnh xệch thằng nhỏ ra cửa, hai gót chân trần của nó kéo lê trên mặt thảm. Gã nói qua hơi thở giận dữ:

“Nhét nó vô tủ áo quần. Được chưa? Nó chỉ nằm đêm nay, ngày mai sẽ có người đưa đi.”

Tôi thèm đấm một cái hết ga vô bộ mặt căng bóng của Lân. Nếu ai bảo vợ đánh chồng là hỗn láo, là vô đạo đức, thì tôi sẽ cười ré lên. Hôn nhân giữa đại gia và hoa hậu, làm gì có theo một công thức đạo đức nào. Loại hôn nhân như mì ăn liền, ăn sống cũng được mà trụng nước sôi cũng được.

Thằng nhỏ bị chị em Lân bẻ gập lại, nhét vô tủ áo quần. Bàn chân nó thò ra khỏi mép cửa, cứ như đang cố sức bước ra ngoài. Lân đưa mũi giày lên, hất luôn cái chân vô tủ. Tôi ghê tởm nhìn đôi giày nâu vàng bóng loáng của Lân. Đôi giày da kiểu Anh, Charles Tyrwhitt, Lân đặt mua trên đường Đồng Khởi với giá hai mươi triệu. Lân cẩn thận chùi đầu mũi giày lên mép mền nỉ rồi kéo tà áo dài màu cẩm thạch của tôi choàng qua nửa cái xác. Trời Đất, cái áo dài tôi mặc trong show diễn “Tấm lòng vàng cho trẻ em đường phố” vào ngày quốc tế thiếu nhi. Cánh cửa kêu kèn kẹt khi nghiến qua góc mền, từ từ khép lại giam kín thằng nhỏ trong góc tối.

Lân tìm được ở đâu cuộn băng keo lớn. Hai chị em hì hụi dán chặt cánh cửa kéo, cứ như họ sợ thằng nhỏ tìm cách đẩy cửa chui ra. Sống lưng tôi ớn lạnh như có ai xát nước đá lên. Hay là thằng nhỏ chưa chết.

Đêm trôi đi chậm chạp trong niềm ám ảnh day dứt. Cái tủ áo quần chỉ nằm cách giường tôi có hai bước chân. Thằng nhỏ nằm trong đó, hy vọng là đã chết. Tôi hoang mang uống gần hết chai rượu đỏ, rồi thiếp đi trong cơn mê. Đâu đó, giữa bốn bức tường đen mịt, tiếng hét hãi hùng điên loạn của chị Trung chạy quanh quẩn mà không sao thoát ra được thế giới bên ngoài. “Truy lùng… gom hết vô một chỗ… xử lý.”

Tiếng động kỳ dị từ tủ áo quần vọng ra làm tôi choàng tỉnh.

“Nè. Anh có nghe thấy gì không? Thằng nhỏ còn sống.”

Ánh trăng chuồi qua mép màn cửa, rọi lên khuôn mặt Lân một khoảng trắng nhợt nhạt. Gã nhăn nhó như kẻ đột tử trong cơn đau đớn cùng cực. Lớp da mặt ban ngày luôn căng bóng của Lân bây giờ bèo nhèo, u sần như tấm giẻ lau nhà mục nát, vón cục. Tôi quan sát khuôn mặt luôn xa lạ đó, lại nhớ tới bộ phim mà tôi bị ám ảnh, The Lord of the Rings. Không ai biết được tuổi thật của Lân, kể cả bầu Huấn, người hoan hỉ giới thiệu tôi cho đại gia Đoàn Vĩnh Lân. Tôi cũng không hề có ý định tìm hiểu tuổi tác của Lân trên giấy tờ. Ai đã từng lăn lộn bò lết trong giới showbiz cũng biết, giấy tờ chẳng là cái cùi loi gì. Vài trăm đô, hay một bữa nhậu giá bèo, là có tên mới, ngày tháng năm sanh mới. Chỉ có một sự thật không sao mua được bằng tiền. Bộ mặt căng bóng trơ lì như xác chết của Lân mỗi khi cúi xuống hôn tôi, luôn làm cho tôi khiếp sợ và ghê tởm.

Bàn tay tôi vừa định đặt lên vai Lân bỗng ghê tởm rụt lại. Tôi nói như báo tin dù biết, gã chẳng hề nghe được gì trong giấc ngủ mê muội:

“Lân, em phải gọi bác sĩ.”

Thoáng tiếng thằng nhỏ thở khò khè sau cánh cửa tủ. Hình như nó thiếu không khí. Hình như nó đang bị chôn sống giữa bốn lớp gỗ dán kín băng keo. Tôi nhớ tới lúc đầu hôm gặp nó trước cửa khách sạn, khi lẻn ra bên ngoài vài phút hóng gió. Buổi ăn tối với chị em Lân trong nhà hàng làm tôi ngộp thở. Những người khách già nua tàn tật, nửa điên nửa tỉnh, nói nói cười cười. Tôi thấy họ giống như đám ma đói bên những mâm thức ăn ngồn ngộn. Đôi môi vàng khè của chị Trung ngấu nghiến những khoanh thịt bò chưa chín tới còn tươm máu đỏ. Bộ móng tay đen đủi cào bới lên dĩa cơm trắng. Tôi nhắm mắt lại, quay mặt nhìn ra cửa sổ, nơi có chùm hoa sứ trắng đong đưa. Lẽ ra tôi vẫn có thể ở lại thêm vài phút, nhìn hoa sứ trắng để uống hết chai rượu Long Wood California. Nhưng lão già ngồi bên chị Trung đổ rượu tràn lan qua cửa miệng làm tôi thấy màu đỏ của wine trở nên nhớp nhúa. Năm nào chị em Lân cũng về lại đây dự đại lễ. Giới showbiz rỉ tai nhau tin đồn: ba người vợ trước của Lân theo hầu hạ chị chồng dịp này đều gặp tai nạn mà chết bất đắc kỳ tử. Một cô bị xe lửa cán ngang. Một cô té từ lầu cao xuống, cọc sắt xuyên qua lưng. Một cô bị bọn trấn lột bổ cuốc vô sau đầu. Tôi mỉm cười tự tin chấp nhận lời cầu hôn của Lân.

Thằng nhỏ đánh giày đột ngột bước ra khỏi gốc cây sứ bên cửa khách sạn. Nó tới cạnh tôi, nói bằng một giọng rỉ rả, ẩm ướt mưa phùn:

“Chị ơi, chị đánh giày không?”

Tôi không thích cái giọng mềm nhão như người sắp chết của nó, nhưng cái bóng gầy gò nách theo thùng đạn tróc lở móp méo mang vẻ nhẫn nhục quen thuộc làm tôi nhớ tới má, cứ vẹo lưng như vậy, tha thúng bánh tét đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Cả buổi chiều nay, nó bám theo tôi và chị em Lân cũng chỉ để hỏi câu này. Hình nó không tìm được khách. Hình như nó đói và lạnh. Hai bả vai nhô lên như báng xương rồng khô dưới lớp áo xỉn màu đất. Không biết trời xui đất khiến kiểu gì mà tôi lại đưa tay vuốt mái tóc bù xù của nó:

“Chị không đánh giày. Nhỏ cầm ít tiền đi ăn tối nghen.”

Nó rùng mình khi bàn tay tôi chạm lên tóc. Cả thân hình nó chao đảo cứ như là sắp té, miệng lại lảm nhảm:

“Chị đẹp như hoa hậu.”

Tôi tức cười nói:

“Thưởng thêm cho lời khen của nhỏ một tô bún bò.”

Nó phân vân vuốt tờ giấy hai trăm ngàn đồng giữa mấy cái ngón đóng đầy đất đen. Giọng nó run run:

“Mới nhìn qua, biết chị là người tốt. Nhưng sao chị đi chung với họ, lại ở trong khách sạn này?”

Hoá ra thằng nhỏ biết nhiều chuyện hơn tôi tưởng.

“Khách sạn này có gì không hay?”

Ánh mắt nó tối sầm lại:

“Khách sạn này có thắp đèn. Ban đêm chị đừng bước ra khỏi phòng. Cũng đừng cho ai vô phòng. Ở trong đó, khoá chặt cửa lại, chờ trời sáng.”

Không chờ tôi kịp tiêu thụ hết những lời cảnh cáo khủng khiếp, nó nhét tờ tiền giấy vô túi áo, nói luôn:

“Cái này em giữ làm kỷ niệm. Có ăn uống gì đâu mà chị cho tiền.”

“Mà, nè em. Cái khách sạn này có gì…”

Nó nhảy lùi lại một bước, biến mất sau gốc cây.

Cho tới khi nó chết, tôi vẫn không hiểu được, câu chuyện bên cây sứ nằm ở mức độ nào của sự tỉnh táo, sau khi uống hết ba ly rượu đỏ. Tờ tiền giấy hai trăm ngàn vẫn còn nằm ngay ngắn trong bóp của tôi.