Số phận các ‘đặc khu’ giờ ra sao?

0
413
Một góc đảo Phú Quốc (screen shot of Vietravel website)
   

VOA 16/08/2019

Phạm Chí Dũng

Ảnh: Một góc đảo Phú Quốc (screen shot of Vietravel website)

‘Nạn nhân’ đầu tiên và đông đảo hơn cả của cơn ác mộng tan vỡ đặc khu là những nhóm và cá nhân đơn lẻ đầu cơ bất động sản.

Hết thời điên loạn

Tháng 8 năm 2019, ngay sau khi chính quyền xứ Kiên Giang, với bí thư tỉnh này là Nguyễn Thanh Nghị – con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – thình lình có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ ngừng quy hoạch Phú Quốc làm đặc khu để chuyển sang hình thức khu kinh tế đơn thuần, toàn bộ con sóng đầu cơ đất nền ở Phú Quốc đã thêm một lần nữa, sau vài lần tạm thời lắng xuống, đóng băng chính thức.

Niềm hy vọng của giới đầu cơ bất động sản đến sau, những kẻ rơi vào tình thế ‘trâu chậm uống nước đục’ sau khi phải mua lại những miếng đất nền có sổ đỏ và cả đất nông nghiệp phi sổ đỏ với giá đã được những nhóm đầu cơ cá mập đẩy lên hàng vài chục lần trước đó, đã tan thành bong bóng trong nỗi tuyệt vọng chôn vốn mà chẳng biết khi nào mới ‘thoát hàng’ được.

Cơn sốt đất nền của ‘đảo ngọc’ Phú Quốc khởi sự từ năm 2015 và đã diễn tiến thành ít nhất 3 sóng tăng giá vào giai đoạn năm 2015, 2017 và 2018. Từ tình trạng một vùng đất dù có khung cảnh biển khơi thơ mộng nhưng không khí mua bán đất đai lặng như tờ và giá thấp lè tè, bất chợt được những ‘ông lớn’ như Tập đoàn Vingroup đầu tư những dự án khổng lồ để sau đó đất nền được ăn theo. Từ năm 2015 đến nay, mặt bằng giá đất nền chỉ tăng không giảm và đã vọt đến vài chục lần trong một cơn sốt mà chỉ có thể dùng từ ‘điên loạn’.

Cho tới lúc mà Kiên Giang phải chính thức hủy bỏ giấc mộng về đặc khu kinh tế Phú Quốc – động thái rất có thể đã chính thức chấm dứt thời kỳ đầu cơ bất động sản ở Phú Quốc…

Như vậy Kiên Giang đã trở thành địa chỉ thứ hai, sau Quảng Ninh, phải hủy bỏ kế hoạch làm đặc khu.

Vào tháng 6 năm 2019, Quảng Ninh đã phải xin Chính phủ cho Vân Đồn làm khu kinh tế theo cơ chế ‘đặc thù’, thay cho giấc mơ ‘lên đặc khu’ trước đó. Sóng đầu cơ bất động sản ở khu vực này cũng bởi thế chìm lắng từ đó đến nay.

Còn nạn nhân’ thứ hai của vụ hủy bỏ giấc mộng ‘đặc khu Phú Quốc’ và ‘đặc khu Vân Đồn’, nhưng đặc biệt hơn rất nhiều so với các nhà đầu cơ đất đai, chính là tác giả của dự luật Đặc khu một thời đình đám và đầy tai tiếng chính trị.

Ai?

Đó là giàn dáo giới quan chức đã từng vỗ tay nhiệt liệt khích lệ ‘luật bán nước’ (một tục danh mà dân gian đặc chỉ về dự luật Đặc khu).

Trước khi dự luật Đặc khu được khởi sự ‘lobby’ Bộ Chính trị đảng vào ngay sau tết nguyên đán năm 2018 và được chính thức tung ra Quốc hội vào giữa năm 2018 mà trước đó không thèm hỏi ý kiến dân chúng, quan chức Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (vào lúc còn chưa ‘mất tích dài hạn’) đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính trị kết luận về chủ trương ‘làm’ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là ‘luật bán nước’.

Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh – một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc – vào thời đó là Phạm Minh Chính. Khi đó, sau những cuộc làm việc đầy ‘tình hữu nghị’ với Đào Nhất Đào – trợ lý của Tập Cận Bình về đặc khu, thậm chí Phạm Minh Chính còn nêu ra đề xuất cho thuê đất đặc khu đến 120 năm, chứ không chỉ là 99 năm!

Sau ‘thành tích’ đề xuất ý tưởng và cả kế hoạch về xây dựng đặc khu Vân Đồn dành nhiều ưu ái cho nhà đầu tư cùng giới tài phiệt Trung Quốc và lại khá tương thích với ý đồ lấn dần lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh, không hiểu sao Phạm Minh Chính đã lọt vào Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức trung ương tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.

Dù đã được âm thầm chuẩn bị từ lâu, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu.

Nhưng ngay sau khi dự luật Đặc khu được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc lợi dụng để di dân. Một cuộc biểu tình khổng lồ lên tới hàng trăm ngàn người phản đối ‘luật bán nước’ đã nổ ra ở Sài Gòn và lan ra đến một nửa trong tổng số 63 tỉnh thành ở Việt Nam.

Cùng lúc, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’: vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’.

Rốt cuộc, ‘luật bán nước’ đã bị hoãn thông qua Quốc hội vào tháng 6 năm 2018 và hoãn trình ra Quốc hội tại hai kỳ họp cuối năm 2018 và giữa năm 2019, với lý do là luật này chưa ‘chín’ và “chính phủ đang tiếp tục hoàn chỉnh để báo cáo và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”.

Hội chứng ‘Hải Dương 8’

Trong khoảng thời gian ‘luật bán nước’ bị hoãn trình, một tin tức đã lan tràn trong giới cách mạng lão thành ở Hà Nội: Nguyễn Phú Trọng – khi đó còn là tổng bí thư mà chưa ngồi hẳn vào ghế chủ tịch nước của kẻ quá cố là Trần Đại Quang – đã có một cuộc gặp riêng kéo dài đến hai giờ đồng hồ với vài cựu quan chức thân tín để nghe báo cáo về thực chất mất chủ quyền an ninh và bị các nhóm lợi ích lợi dụng đẩy giá bất động sản trong dự luật Đặc khu. Cuối cuộc gặp này, ông Trọng đã thốt lên ‘Nó lừa mình!’.

Dù chưa biết rõ ‘nó’ là ai hoặc những ai, chỉ biết rằng từ giữa năm 2018 đến nay Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đã ‘chém vè’ mà không một lần nào xuất hiện cổ vũ cho dự luật này như ông ta đã ồn ào khuếch trương trước đây.

Cũng từ đó đến nay, người ta không còn thấy Nguyễn Thị Kim Ngân hiện ra để PR cho luật Đặc khu.

Một sự trùng hợp nhưng không hẳn là ngẫu nhiên là vào thời tháng 5 năm 2019 – khi chính phủ phải hoãn trình ‘luật bán nước’ ra Quốc hội và sau đó tỉnh Quảng Ninh không còn lao theo dự án ‘đặc khu Vân Đồn’ nữa, phía Trung Quốc đã bắt đầu khởi động chiến dịch mà có thể đặt tên là ‘Hải Dương 8’.

Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 được điều từ nơi khác về đã tiến vào khu vực Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam và lì lợm ở đó từ đó đến nay, gây ra một trận ‘vờn tàu’ và gấu ó ở mức độ vừa phải giữa ‘đảng anh’ và ‘đảng em’ khiến cộng đồng quốc tế phải chú ý.

Cái thây ma ‘luật bán nước’, dù vẫn có tin cho biết đang trường kỳ mai phục để chờ dịp hồi sinh, lại rơi đúng vào bối cảnh ‘chiến tranh dầu khí Việt – Trung’ ở Bãi Tư Chính. Hẳn đó là nguồn cơn chính trị rất trực tiếp mà đã khiến ‘đảng em’ tìm cách phản pháo đối với ‘đảng anh’ bằng cách cho đóng sổ giấc mơ ‘lên đặc khu’ của Phú Quốc và Vân Đồn, khiến giới đầu cơ bất động sản và những quan chức đã ôm đất giá rẻ nhưng chưa kịp ‘thoát hàng’ giá trên trời đành ôm nỗi hận thiên thu.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here