Những tinh hoa Úc khiến Bắc Kinh nhức đầu

    0
    78
    Ảnh : Reuters
    VOA

    Hiện nay có một số nhân vật tại Úc làm cho Bắc Kinh nhức đầu và căm phẫn. Ngoài giới tình báo Úc mà phần lớn người dân thường không biết đến, có năm nhân vật mà tư tưởng và hành động của họ đã tác động đáng kể lên dư luận Úc trong thời gian qua, gây khá nhiều chú ý và tranh cãi trong giới tinh hoa, và qua đó dịch chuyển quan điểm đối với Bắc Kinh.

    Người phải nhắc đến đầu tiên là giáo sư John Fitzgerald. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu tại Úc về Trung Quốc, không chỉ về học thuật, lý thuyết, mà còn những kinh nghiệm thực tiễn khi từng làm việc cho Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tại Trung Quốc. Ông viết về nhiều đề tài khác nhau về Trung Quốc, và là một trong những người lên tiếng cảnh báo Úc sớm nhất về hiểm họa Trung Quốc. Ông cẩn trọng trong từng lời nói, luôn đưa ra bằng chứng dữ kiện thích đáng khi trình bày quan điểm của mình, và sâu sắctrong các nhận định hay kết luận. Trong bài viết “Nhân phẩm và kẻ thù của nó” một tháng sau khi ông Lưu Hiểu Ba mất, giáo sư Fitzgerald trình bày nhiều chi tiết về chính sách giáo dục yêu nước của Bắc Kinh, trong đó cấm mọi giáo viên dạy học, nghiên cứu hay xuất bản bảy đề tài bao gồm: dân chủ hiến định, xã hội dân sự, cấp tiến hóa kinh tế, tự do báo chí, phê bình lịch sử của Đảng Cộng sản, thách thức chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc, và các giá trị phổ quát (như quyền con người và tự do, bao gồm tự do học thuật). Nghiên cứu và lý luận của Fitzgerald ảnh hưởng sâu sắc lên Clive Hamilton, John Garnaut và Andrew Hastie.

    Người kế tiếp là giáo sư Clive Hamilton, tác giả cuốn “Cuộc xâm lược âm thầm: Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc”. Sau khi phát hành cuốn sách gây khá nhiều tranh cãi này, ông Hamilton được mời sang quốc hội Hoa Kỳ điều trần, và cũng kể từ đó ông tiếp tục viết nhiều bài để vạch trần các hoạt động tình báo gây phá hoại không chỉ cho cộng đồng người Hoa tự do tại Úc, mà còn liên tục cảnh báo những mưu mô, trí trá và đe dọa của Bắc Kinh đối với nền dân chủ của Úc. Tác phẩm “Cuộc xâm lược âm thầm” của ông được dịch sang tiếng Hoa trước tưởng niệm 30 năm biến cố Thiên An Môn vào tháng Sáu vừa qua, để độc giả người Hoa đọc. Nó làm cho Bắc Kinh căm phẫn và gọi ông cố tình “phỉ báng và bôi nhọ” họ. Độc giả của tác phẩm này, ngoài cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới, còn là người Hoa tại Hồng Kông và Đài Loan, mặc dầu các tiệm sách tại Hồng Kông khó thể nào công khai bày bán nó.

    Hugh White, một giáo sư khác, cũng chuyên về Trung Quốc, từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Úc, và là một trong các tác giả chính của Bạch thư Quốc phòng Úc năm 2000. Ông cũng là người viết nhiều sách, luận văn và bài viết trên các cơ quan nghiên cứu cũng như truyền thông lớn nhất tại Úc. Tác phẩm mới nhất “Làm sao để phòng thủ Úc” vào đầu tháng Bảy vừa qua đã gây khá nhiều tranh cãi trong giới tinh hoa Úc. Giáo sư White cho biết ông đã nghĩ về viết về tác phẩm này cách đây 35 năm khi bắt đầu tiếp cận đến các vấn đề quốc phòng của Úc. Có thể nói giáo sư White là một trong những người nhận diện ra được sớm nhất những thách thức đến từ sự trổi dậy của Trung Quốc đối với cho Á châu Thái Bình Dương, đặc biệt cho nước Úc, ngay cả trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.

    Trong phần trao đổi với ký giả John Garnaut thuộc nhật báo Sydney Morning Herald vào năm 2016, khi được hỏi những gì ông viết trước đây có sai lầm gì không khi nhìn lại, thì giáo sư White cho biết vài điều thú vị. Một, nền kinh tế của Trung Quốc, theo đà phát triển hiện nay, có thể qua mặt Hoa Kỳ, nhưng ông không ngờ (vào năm 2016) là nó phát triển nhanh hơn ông dự tính, có thể lớn hơn nền kinh tế Hoa Kỳ đến 30 phần trăm vào năm 2030 tính theo thước đo PPP (Purchasing Power Parity). Hai, sức mạnh hàng hải (hải quân) của Trung Quốc đã phát triển nhanh và mạnh trong thời gian ngắn hơn ông dự đoán, làm cho những chọn lựa của Hoa Kỳ trở nên bị giới hạn. Ba, khác với dự đoán của ông, Hoa Kỳ khá chậm trong việc nhìn ra Trung Quốc là thử thách lớn đối với họ, do đó chậm chập trong việc đề ra các chính sách thích hợp.

    Năm 2013, giáo sư White có viết bài “Sự lựa chọn của Úc” trên tạp chí Foreign Affairs. Quan tâm của giáo sư White bao lâu nay là giữa một nước Trung Hoa góp phần quan trọng cho nền kinh tế Úc nhưng sẽ thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ, và một Hoa Kỳ góp phần quan trọng cho nền an ninh Úc nhưng chủ trương duy trì nguyên trạng và có thể dùng chiến lược ngăn chặn để kiềm chế Trung Quốc, thì sự chọn lựa của Úc là gì? Theo giáo sư White thì giới lãnh đạo chính trị Úc cần nói thẳng cho Washington suy nghĩ của mình và tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ chia sẻ quyền lực với Trung Quốc tại châu Á. Mấy hôm sau đó, giáo sư White viết thêm một bài khác “Abbot sẽ chọn Trung Quốc?” với mong muốn tân Thủ tướng Tony Abbot vừa đắc cử lúc đó mạnh dạn trình bày vấn đề này với Washington.

    Úc, tuy có lẽ là đồng minh thân cận và trung thành nhất đối với Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến II, nhưng Úc chưa phải là cường quốc, trong khi sự trổi dậy của Trung Quốc trong thời gian qua gây quá nhiều thiệt hại về kinh tế và nhiều lo lắng cho Hoa Kỳ về an ninh. Cho nên đề nghị của giáo sư White dường như hơi lý tưởng.

    Đầu năm nay, hai giáo sư Hamilton và White được mời đến trường đại học La Trobe để tranh luận về đề tài liên quan đến quan hệ của Úc với Trung Quốc. Tuy có nhiều điểm giống nhau, cách nhìn và giải quyết vấn đề giữa hai ông cũng lắm khác nhau. White tuy xem Trung Quốc như con chó sói, ông vẫn tin rằng có thể sống chung với nó được, không cần phải hoảng hốt, mà phải chọn cách đấu tranh một cách khôn khéo, bởi vì White không tin rằng Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo thành công trong vấn đề này (tuy không nói thẳng ra nhưng White hàm ý cung cách của ông Trump). Trong khi đó, giáo sư Hamilton thì cho rằng mặc dầu thuyền trưởng Hoa Kỳ hiện nay là điên rồ, nhưng con thuyền không dễ dàng gì quay ngược. Hamilton cũng biện luận rằng White không hiểu chiến tranh chính trị và bản chất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và theo Hamilton thì nhìn cách hành xử của Trung Quốc cho chúng ta thấy rằng sống trong vòng ảnh hưởng của họ thì rất là khó chịu.

    Ký giả John Garnaut cũng tham dự cuộc tranh luận quan trọng này và cũng đặt câu hỏi với hai ông. Chính Garnaut cũng là một chuyên gia thâm sâu về Trung Quốc, làm việc trực tiếp tại Bắc Kinh từ năm 2007, biên tập viên cho Fairfax Media về châu Á Thái Bình Dương. Garnaut viết nhiều bài giá trị về các vấn đề ngoại giao. Đặc biệt sau bài viết có tính cách cố vấn cho Thủ tướng Malcolm Turnbull trên báo Sydney Morning Herald, Garnaut được mời làm cố vấn cao cấp cho ông Turnbull từ năm 2015 đến 2016, và làm Cố vấn Chánh cho Bộ Thủ tướng và Nội các từ năm 2016 đến 2017.

    Sau khi rời khỏi hai trách nhiệm trên, Garnaut có viết một bài trên tạp chí Foreign Affairs với tựa đề “Trung Quốc can thiệp vào Úc như thế nào” vào tháng Ba năm 2018. Garnaut trình bày chi tiết các hoạt động âm thầm gây ảnh hưởng của ĐCSTQ lên cộng đồng người Hoa tự do tại đây, ảnh hưởng lên chính trường Úc, và phương thức đối phó của chính quyền Úc dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Turnbull. Garnaut có nhắc đến tác phẩm của Hamilton đã bị ba nhà xuất bản ký hợp đồng nhưng sau đó e ngại Bắc Kinh trả đũa nên rút lại quyết định.

    Có nhiều người Tây phương, từ trí thức, học giả, chuyên gia cho đến chính trị gia, đã sai lầm trong nhận định về Trung Quốc. Là điều không khó hiểu. Nhưng John Garnaut được xem là người không hiểu sai về Tập Cận Bình (và ĐCSTQ) bấy lâu nay.

    Người sau cùng mà tôi muốn nói đến là dân biểu Andrew Hastie. Thứ Năm 8 tháng Tám vừa qua, ông Hastie đã gửi bài viết đăng trên báo Sydney Morning Herald với tựa đề “Chúng ta phải nhìn thấy Trung Quốc – Cơ hội và đe dọa – với con mắt sáng suốt”. Bài viết này đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, gây tranh cãi gây gắt trong nội bộ Đảng Cấp tiến cũng như trong chính trường Úc. Ông Hastie đã ví sự thất bại của người Pháp vì không nhìn ra được sự thay đổi trong chiến tranh di động của Phát xít Đức, và người Úc cũng thế, đã thất bại trong việc nhìn ra người láng giềng độc đoán của mình đã trở nên di động như thế nào. Bắc Kinh tức giận với toàn nội dung bài này, nhưng giận nhất là vì bị Hastie ví họ như Đức dưới thời Hitler. Trung Quốc lập tức phản ứng cho rằng ông Hastie vẫn còn “tư duy Chiến tranh Lạnh và sự thiên vị ý thức hệ”. Phía đối lập Đảng Lao động nhận xét rằng suy nghĩ này là “cực đoan, quá lố và không hoan nghênh”.

    Bài viết của Hastie có sự liên hệ mật thiết với các nhân vật nói trên, đặc biệt với ký giả Garnaut và giáo sư Fitzgerald. Các vấn đề và mối liên hệ này sẽ được mổ xẻ trong bài tới.

    Phạm Khú Khải

    Úc Châu, 12/08/2019

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here