Ra giêng cưới nhau

0
30
Hình: Chị Hương ngày ấy chuyển sang nghề chăn dê.
   

Lưu Thủy Hương

tùy bút

*

Nhà thằng Quỳ ở trong một con đường hẻm lụp xụp, nơi dân nghèo tứ xứ từ đâu đâu đổ về sống vất vưởng. Những dãy nhà mái tôn ọp ẹp nằm san sát nép vô nhau, còng lưng chịu mưa gió, nắng đốt. Buổi chiều ở xóm nghèo không bao giờ trôi qua nhạt nhẽo. Tiếng máy dệt thun xạch xạch, rình rình, tiếng cưa sắt roang roang, xét xét đệm thêm vô những tiếng chửi rủa nhéo nhéo, tiếng say rượu nhè nhè, tiếng karaoke nhựa nhựa… “Ra giêng anh cưới em, ra giêng ta cưới nhau”…

Thằng Quỳ không thích ở lại trong căn nhà nhỏ xẹp, lọt thỏm giữa những tiếng ồn ào bất tận để trở thành nguồn cảm hứng cho má nó ca mãi bài “gà mái nuôi con”. Nó ra đầu đường ngồi vật vựa với đám bạn lêu lổng trố mắt nhìn người ta qua lại. Buồn buồn, tụi nó rủ nhau chơi trò ném đá, tấm bảng sắt méo mó nhà thầy Viễn rung lên loảng xoảng. “Viễn thú y – Thiến heo – Thiến chó”. Thầy Viễn mặc áo thun ba lỗ vàng ệch tay cầm dây thòng lọng te te xông ra, cả đám con nít ré lên bụm quần bỏ chạy. Nhưng thầy Viễn ít khi ở nhà để canh chừng tấm bảng quảng cáo, thầy xách bộ dao thiến đi mãi sang mấy xóm bên, đi tới đâu heo chó la thất thanh tới đó.

Thầy Viễn học chung trường với Hương, ngành Chăn Nuôi Thú Y, nhưng thầy ra trường lâu lắm rồi, không rõ từ năm nào. Khi Hương vào trường học ngành Trồng Trọt, thầy đã là bác sĩ thú y có tiếng trong vùng.

Chán chuyện phá nhà thầy Viễn, tụi nhỏ ra đường lớn ngồi chờ Hương đi học về.

Chiếc xe đạp mini vừa lọc cọc qua được con đường đầy bùn sình ổ gà, thằng Quỳ ngồi vắt vẻo trên bờ rào đã hát rống lên.

Chiếc xe mini

Dài hai chục thước

Một anh ngồi trước

Chị Hương ngồi sau

Hai người hun nhau

Bánh xe xẹp lép…

Bao giờ Hương cũng phải nín cười, đạp xe cho lẹ. Tụi nhỏ thì cười to khặc khặc, thấy khoái chí quá xá vì bắt nạt được chị Hương, mà chị Hương chẳng bao giờ trả treo cãi lại. Nhàm nhàm, tụi nhỏ quay qua trêu ghẹo lẫn nhau, kết cuộc thường có một đứa u đầu, sứt môi.

Thằng Quỳ chẳng biết ba nó là ai. Má nó là thợ dệt thuê lang thang trong xóm làm việc bất kể giờ giấc. Buổi chiều xui xẻo nào cả hai má con cùng hội ngộ dưới một mái nhà tôn, hàng xóm sẽ được xem màn múa kiếm. Má thằng Quỳ múa ỷ thiên kiếm rượt thằng con chạy cùng đường.

Chiều nay, không hiểu má nó luyện nội công theo bí kíp gì mà chỉ xuất ra toàn những chiêu hiểm độc. Thằng Quỳ vừa chạy vừa la ầm ĩ, bay qua đám xoong nồi, thau rổ lủ khủ ngổn ngang trong hẻm, giật tung mớ áo quần, tã lót hàng xóm treo tòn teng dọc đường. Má nó vác chổi ào ào thi triển khinh công đuổi sát phía sau quyết bắt được thằng nghịch tử. Bếp cá kho nhà ai đổ sấp ở chân tường, nước màu cháy xèo xèo, thơm nức. Thằng Quỳ từ ngõ hẻm phóng luôn ra đường, lao thẳng vô đầu xe đạp của Hương, té lăn quay ra đất. Hương lảo đảo lủi xe xuống vũng sình hét lên kinh hoảng. Má thằng Quỳ cũng hét lên. Người đi đường cũng hét lên. Thằng Quỳ nằm thiêm thiếp trên đất hé mắt nhìn, cái cán chổi đã lăm lăm tới bên cạnh, nó hét lên kinh hoảng hơn ai hết.

Nhưng má nó liệng chổi bò ra đất sờ soạng khắp người thằng quý tử, vừa sờ vừa khóc, vừa kể con cà con kê. Hóa ra chiều nay thằng Quỳ lãnh học bạ. Hoá ra suốt ba năm nay thằng Quỳ bị đòn vì suốt ba năm nay nó chỉ học một lớp.

Trong khi những đứa nhỏ khác toe toe hát bài “Em yêu trường em“ thì thằng Quỳ chỉ yêu cái chỗ ngồi của nó. Mặc kệ lũ bạn cuối năm lên lớp mới, thằng Quỳ chỉ muốn ở lại lớp cũ, ngồi đúng cái bàn đầy dẫy vết mực, vết cào sướt mà nó đã tốn công lưu dấu bao năm. Thằng Quỳ lại còn một tình yêu đặc biệt khác nữa. Nó yêu gia cầm, chuyên sưu tầm trứng vịt. Tuần nào nó cũng khệ nệ mang về cho má một rổ trứng, liệng ra bàn cho má chăm sóc rồi chạy ra ngõ chơi nhơn nhơn. Đủ loại trứng, trứng lịch sử, trứng chính tả, trứng tập đọc, trứng tập viết, trứng làm toán… Trứng nào cũng tròn. Má nó không ưa ăn hoài hoài món trứng vịt lạt của thằng nghịch tử, nhưng cũng không biết làm gì hơn ngoài chuyện vác chổi đập nó.

Hai má con ôm nhau khóc giữa đường, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt lẫn với bụi đất. Hương bò từ vũng bùn lên cũng lết tới ngồi xẹp kế bên, thủ phạm tông xe bất đắc dĩ biến thành khán giả, ngập ngừng phát biểu ý kiến:

– Hay… hay là dì cho thằng Quỳ qua học với con?

Má thằng Quỳ lật đật quay qua nắm chặt tay Hương, như sợ vị cứu tinh bay mất, khuôn mặt tàn tạ héo úa run run nở một nụ cười. Thằng Quỳ đang nằm im dưới đất bỗng lại òa lên khóc thảm thiết, không phải vì đau mà vì sợ học.

Thằng Quỳ không dốt, nó chỉ lười. Lười suy nghĩ, lười ngồi một chỗ quá lâu, lười tập trung vô chuyện học khi đầu nó chỉ nghĩ tới chuyện chơi. Giờ học của nó thường phải kèm theo những lời hứa bất tận. “Học xong rồi chị cho Quỳ tắm con Lu Lu“. “Chút nữa chị làm đồ chơi cho Quỳ“. “Tuần sau chị cho Quỳ lên trường xem chị đấu bóng chuyền“.Thằng Quỳ mơ màng nghĩ tới chuyện được lên trường chị Hương xem thi đấu bóng chuyền. Hương phải mang banh về nhà, dạy cho nó vài chiêu. Hàng xóm thấy Hương đập banh ầm ầm với thằng Quý thì ngạc nhiên lắm. Xứ này con gái không ai chơi thể thao, các cô chỉ làm lụng vất vả rồi lấy chồng sớm.

Thiệt tình, Hương với nó chơi nhiều hơn học. Nhưng má thằng Quỳ chiều nào đi ngang qua nhà Hương cũng lén lén đứng nép ở cổng nhìn vô lặng lẽ.

Thằng Quỳ học hết một học kỳ, nó là học sinh tiên tiến, chuẩn bị lên lớp ba. Má nó mừng tưởng như con đỗ trạng nguyên, trịnh trọng mang tặng “cô giáo của thằng Quỳ“ một bịch táo. Mấy trái táo Mỹ đỏ au bóng loáng thơm nức. Hương gọt táo cho thằng học trò ăn, thủ thỉ:

– Ăn hết mới được về nghen. Tội nghiệp, má Quỳ mua táo làm gì tốn tiền.

Quỳ cắn miếng táo, nhẩn nha nói:

– Má lúc này ít khóc, thấy cười nhiều hơn.

– Thì Quỳ ráng học cho má cười hoài.

Nó nằm bò ra sàn nhà tự nhiên lếu láo nhìn Hương cười khúc khích:

– Chị Hương chẳng giống cô giáo tí nào, cô gì trẻ vậy?

– Quỳ chẳng giống học trò tí nào, học trò gì già vậy?

Hai chị em cùng cười đồng lõa. Cả hai đều biết, không phải nhờ Hương kèm cặp, không phải vì những lời chửi mắng thường xuyên của má nó, cũng không phải vì Quỳ hết yêu cái chỗ ngồi cũ kỹ của lớp hai mà tình hình biến chuyển. Mà, tất cả chỉ vì câu nói phũ phàng của Hương: “Quỳ già rồi sao còn chơi chung với mấy đứa nhỏ xíu?” Thằng Quỳ đau điếng. Lần đầu tiên nó ý thức được rằng mình đã già ngắt so với mấy đứa bạn cùng lớp. Nó chơi chung với đám lóc nhóc, lè nhè đó không còn thấy hứng thú. Mà đám con ranh hỉ mũi chưa sạch đó cũng không thích chơi với một thằng sồn sồn hay múa máy tay chân như nó.

Nếu tình hình này không được cải thiện, một lúc nào đó bạn bè trong lớp sẽ gọi nó là chú xưng cháu, cô giáo sẽ gọi nó là anh xưng em. Trước viễn cảnh éo le, Quỳ giác ngộ. Nó quyết tâm làm cuộc cách mạng thay đổi quan điểm xưa “cả đời chỉ cần học một lớp là đủ”.

Tin thằng Quỳ lên lớp lan ra khắp con hẻm chẳng hấp dẫn gì bọn trẻ nghèo lêu lổng. Nhưng buổi chiều Hương đi học về đã có thêm mấy đệ tử hì hụi đẩy xe cho Hương qua con đường đất bùn sình. Mấy đứa nhỏ tay cắp mấy quyển tập rách bìa cong mép, lòng chỉ nghĩ tới chuyện vui chơi. Dù gì, chơi với chị Hương cũng vui hơn ngồi đầu ngõ lơ láo nhìn người qua đường, Dù gì, học với chị Hương cũng đỡ chán hơn cãi nhau chí tử rồi phải ghé thầy Viễn xin bông băng thuốc đỏ. Hương mất mấy buổi chiều bọc lại tập sách cho tụi nhỏ, mấy buổi chiều chăm sóc những phần bài tập lem nhem và những buổi tối cặm cụi làm đồ chơi chung.

(còn tiếp)

*

Võ Thu Phương TT11

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here