Home Blog Page 1430

Hoa Kỳ sắp có tiểu bang thứ 51?

VOA

Ngày 11/6, cư dân vùng lãnh thổ Puerto Rico đã đi đầu phiếu để trở thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ trong một cuộc trưng cầu không có tính ràng buộc pháp lý.

Gần nửa triệu phiếu ủng hộ giải pháp Puerto Rico trở thành một bang của nước Mỹ, khoảng 7.600 phiếu ủng hộ giải pháp độc lập cho Puerto Rico trong tư cách một vùng lãnh thổ, và gần 6.700 phiếu muốn duy trì nguyên trạng. Tỷ lệ đi bỏ phiếu là 23%.

Đây là cuộc trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc thứ năm của cử tri đảo Puerto Rico. Năm 2012, dân đảo đã chọn giải pháp trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, nhưng Quốc hội, cơ quan có quyền đưa ra quyết định tối hậu về tương lai của Puerto Rico, không làm gì để xúc tiến giải pháp này.

Thống đốc Puerto Rico, Pedro Rossello, nói:

“Chúng tôi đã tạo cơ hội cho người dân lên tiếng trong việc đưa ra một giải pháp và chỉ trong vài giờ là có kết quả. Chúng tôi trông đợi sẽ có nhiều phiếu ủng hộ việc trở thành tiểu bang, và chúng tôi sẽ sử dụng những lá phiếu này, là những lá phiếu phê chuẩn cuộc bỏ phiếu năm 2012, để đảm bảo ý nguyện dân chủ của người dân, những công dân Mỹ cư ngụ ở Puerto Rico, được thực hiện”.

Nhiều người cho rằng quy chế lãnh thổ của Puerto Rico đã góp phần đẩy hòn đảo này vào một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 10 năm qua.

Nhưng phe đối lập lo ngại hòn đảo sẽ mất đi bản sắc văn hóa và cảnh báo rằng Puerto Rico sẽ chật vật hơn nữa về mặt tài chính, bởi vì nếu trở thành một bang của nước Mỹ, cư dân sẽ bị buộc phải trả hàng triệu đôla tiền thuế cho chính phủ liên bang.

Ông David Aldarondo, một người ủng hộ giải pháp độc lập cho Puerto Rico, nói:

“Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn, tôi tin sẽ có một sự chuyển tiếp dễ dàng hơn nếu trở thành một tiểu bang, nhưng nếu muốn chọn giải pháp độc lập, ví dụ như ngày mai, tôi tin rằng chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong một khoảng thời gian nhưng rốt cuộc, có thể không xảy ra trong đời tôi, Puerto có thể trở thành một quốc gia tốt đẹp, một hòn đảo tốt đẹp”.

Hiện nay cư dân Puerto Rico là công dân Mỹ, họ được miễn thuế thu nhập liên bang, nhưng vẫn phải trả tiền bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế và các sắc thuế địa phương. Theo quy chế hiện nay, vùng lãnh thổ này nhận được ít tài trợ của liên bang hơn so với các tiểu bang của Hoa Kỳ.

Cuộc trưng cầu dân ý trùng hợp với ngày kỷ niệm 100 năm Hoa Kỳ cấp quốc tịch Mỹ cho cư dân Puerto Rico, mặc dù họ không được đi bầu trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và chỉ có một đại diện ở Quốc hội với quyền hạn bỏ phiếu hạn chế.

Thái Bình Dương báo động làn sóng tàu Việt trộm hải sâm

VOA

Trong phòng xử án chật cứng những bị cáo vào một ngày đầu tháng Ba, 50 ngư dân Việt Nam lần lượt bước lên đối diện chánh án Tòa án Quốc gia Waigani của Papua New Guinea để nghe cáo trạng. Họ không có luật sư biện hộ và chỉ hiểu được chuyện gì đang diễn ra nhờ một nữ tu Công giáo người Việt thông dịch. Rồi từng người họ nhận tội.

Nhà chức trách Papua New Guinea bắt giữ những người đàn ông này vào cuối tháng 12 năm ngoái khi họ đang đánh bắt hải sâm trong vùng biển phía đông nam của nước này mà không có giấy phép hợp lệ. Cả 48 thuyền viên và 2 thuyền trưởng bị tuyên án bốn năm tù giam cùng lao động khổ sai nếu họ không nộp khoản tiền phạt hơn 6.000 đôla mỗi thuyền viên và gần 50.000 đôla mỗi thuyền trưởng.

Dù tới nay 43 thuyền viên đã nộp tiền phạt và được hồi hương, án tù và mức tiền phạt là lời cảnh cáo không khoan nhượng của Papua New Guinea đối với những tàu cá Việt đã liên tục xuất hiện trong vùng biển nước này khoảng ba năm gần đây để đánh bắt trộm hải sâm, loài sinh vật biển được tiêu thụ phần lớn ở các thị trường Châu Á để làm thuốc và chế biến những món cao lương mỹ vị.

Nhưng Papua New Guinea không phải là điểm đến duy nhất.

Với màu sơn xanh da trời đặc thù, những chiếc tàu gỗ nhỏ phần lớn xuất phát từ Quảng Ngãi giờ đang tỏa rộng khắp khu vực tây nam Thái Bình Dương và tiến sâu vào vùng duyên hải của những nước như Palau, Liên bang Micronesia, Úc, New Caledonia, Quần đảo Solomon và Vanuatu, vượt qua những chặng đường có khi hơn 10.000 km.

Và khi tin tức về những vụ phát hiện và bắt giữ những tàu cá này được loan tải thường xuyên hơn, giới chức ngư nghiệp của các nước trong khu vực trong những cuộc phỏng vấn với VOA bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về một vấn đề đang lớn dần mà họ nói cần biện pháp ứng phó cấp bách.

Làn sóng ‘tàu xanh’

“Đó là vấn đề rất nghiêm trọng cho chính phủ các đảo này trên một số phương diện,” ông James Movick, Tổng giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương (FFA), nói. “Một phương diện dĩ nhiên là chuyện vi phạm biên giới quốc gia. Những tàu này đang tiến vào bên trên những rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế 12 hải lý và bên trong lãnh hải, và đây là sự vi phạm về nhập cảnh, quyền chủ quyền và kiểm soát biên giới.”

Ông Movick đầu tháng 5 đã chủ trì một hội thảo tập trung bàn về những tàu cá trái phép của Việt Nam ở khu vực tây nam Thái Bình Dương, được gọi bằng cái tên “Vietnamese blue boats” (những chiếc tàu xanh dương Việt Nam). Tại đây, các nước thành viên bị ảnh hưởng của FFA chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của mình về những chiếc tàu này trong hai ngày nhóm họp ở thành phố Brisbane, Úc.

Tình trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài không phải là hiện tượng mới. Bộ Nông nghiệp và Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho biết hàng trăm ngư dân, phần lớn từ các tỉnh trung và nam bộ, mỗi năm đều bị các nước láng giềng của Việt Nam như Philippines, Malaysia và Indonesia bắt giữ trong vùng biển của họ vì hoạt động đánh bắt trái phép.

Quảng Ngãi nổi bật trong số những tỉnh có nhiều ngư dân đi đánh bắt trái phép ở nước ngoài. Dữ liệu những vụ bắt giữ tàu Việt Nam thời gian gần đây trong khu vực tây nam Thái Bình Dương cho thấy đa phần lớn những con tàu này mang ký hiệu “QNg” với đại đa số ngư dân đến từ xã Bình Châu, ven biển phía đông Quảng Ngãi. Họ nhắm mục tiêu vào những loài hải sâm có giá trị kinh tế lớn mà trữ lượng còn khá dồi dào ở những đảo quốc xa xôi.

Bức hình chụp ngày 10 tháng 6 năm 2015 được Chính phủ Palau công bố cho thấy ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu cá của mình neo đậu ở thành phố Koror, Palau sau khi bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của đảo quốc nhỏ bé này.

Bức hình chụp ngày 10 tháng 6 năm 2015 được Chính phủ Palau công bố cho thấy ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu cá của mình neo đậu ở thành phố Koror, Palau sau khi bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của đảo quốc nhỏ bé này.

Lợi nhuận béo bở

“Đặc thù của Quảng Ngãi là nghề lặn, các tỉnh khác không có nghề lặn nên không có qua chi bên đó,” ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết. Ông giải thích thêm rằng vì ở các rạn đá, rạn san hô mới có hải sâm có giá trị kinh tế lớn nên ngư dân Quảng Ngãi mới đi xa như vậy xâm phạm vùng biển các nước.

Vụ bắt giữ những ngư dân Quảng Ngãi ở Papua New Guinea hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy quyết tâm theo đuổi lợi nhuận béo bở của họ từ những chuyến đi biển kéo dài hàng tháng liền.

Chánh án John Kaumi của Papua New Guinea, trong phán quyết tuyên phạt 50 ngư dân Quảng Ngãi vào đầu tháng 3, nói rằng tổng cộng quãng đường mà một trong hai chiếc tàu đã đi từ cảng Sa Kỳ của Việt Nam tới nước ông là hơn 12.600 km, với những điểm dừng ở Philippines, Malaysia và New Caledonia, nơi mà các ngư dân cũng bị nghi đánh bắt hải sâm trái phép trước khi vòng lên Papua New Guinea tiếp tục hoạt động.

Với phương thức thu hoạch “thô sơ nhưng hữu hiệu một cách tàn nhẫn,” tổng sản lượng hải sâm mà ngư dân trên hai chiếc tàu này đánh bắt được là hơn 3 tấn, trong đó có hơn 2,6 tấn hải sâm vú trắng (white teatfish), một trong những loài hải sâm có giá cao nhất trên thị trường Châu Á. Papua New Guinea ước tính lượng hải sâm vú trắng này trị giá hơn 411.000 đôla.

Họ cứ tới lấy như thể là của mình và chẳng màng gì tới sinh kế của người dân địa phương họ bỏ lại đằng sau.

Ngành khai thác hải sâm của Papua New Guinea từng cung ứng 10 phần trăm lượng hải sâm buôn bán toàn cầu vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, giá tăng và thương nhân ồ ạt đổ vào ngành kinh doanh này đã dẫn tới việc khai thác quá mức, khiến Cơ quan Ngư nghiệp Quốc gia của Papua New Guinea ban hành lệnh cấm khai thác tạm thời vào năm 2009. Lệnh cấm này được dỡ bỏ vào năm ngoái.

Papua New Guinea cho biết từ năm 2014 tới nay đã bắt giữ chín tàu đánh bắt hải sâm trái phép của ngư dân Việt Nam, tất cả đều tới đây trong khoảng thời gian lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.

“Chúng tôi xem đây rõ ràng là sự xem thường luật pháp của chúng tôi,” ông Gisa Komangin, viên chức quản lý của Cơ quan Ngư nghiệp Quốc gia Papua New Guinea nói với VOA bên lề hội thảo ở Brisbane. “Người dân bản địa nước chúng tôi lệ thuộc rất nhiều vào hải sâm và công dân Papua New Guinea tôn trọng lệnh cấm tạm thời. Sao chúng tôi lại cho phép hành vi của những người rõ ràng không tôn trọng luật pháp của chúng tôi?”

Trong lúc nói chuyện với VOA, ông Komangin cho biết có thêm ba chiếc tàu xanh vừa được phát hiện trong vùng biển của Papua New Guinea.

Tổn thất và chi phí

“Họ cứ tới lấy như thể là của mình và chẳng màng gì tới sinh kế của người dân địa phương bỏ lại đằng sau,” ông Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia của Liên bang Micronesia, nói trong một chuyến thăm hồi gần đây của VOA.

Liên bang Micronesia, một quốc đảo nhỏ bé và hẻo lánh nằm ở trung Thái Bình Dương, đã bắt giữ chín tàu đánh cá và xấp xỉ 169 ngư dân từ Việt Nam kể từ tháng 12 năm 2014, theo một bản báo cáo tóm tắt mà Bộ Tư pháp nước này cung cấp cho VOA.

Ông Pangelinan cho biết hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam không chỉ gây nên tổn thất về sinh kế cho người dân nước ông vốn lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ngành ngư nghiệp mà còn tạo thêm gánh nặng tài chính hết sức to lớn cho đảo quốc này, nơi có nền kinh tế nhỏ với nhiều thách thức về phát triển.

Trong những vụ việc gần đây, mỗi một tàu tuần tra tiêu tốn 30.000 tới 40.000 đôla chỉ để đi ra những đảo xa xôi thực hiện công tác giám sát, ông nói. Nếu phát hiện có tàu đánh bắt trái phép thì việc đưa những tàu này về xử lý có thể tốn thêm 15.000 đôla, tùy theo quãng đường và thời gian các tàu ở ngoài khơi. Nhưng ông Pangelinan nói chi phí lớn hơn cả là một khi ngư dân được đưa vào cảng thì nhà chức trách phải lo về an ninh và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ trong lúc chờ tòa án xét xử.

Một ngư dân được khám sức khỏe trước khi được hồi hương, Pohnpei, Liên bang Micronesia. (IOM Micronesia)

Một ngư dân được khám sức khỏe trước khi được hồi hương, Pohnpei, Liên bang Micronesia. (IOM Micronesia)

“Chuyện này kéo dài đã hai, ba năm nay rồi và chúng tôi tin chắc là chi phí đã vượt mức 200.000 đôla,” giám đốc cơ quan ngư nghiệp của Liên bang Micronesia nói. “Số tiền 200.000 đôla đó lẽ ra có thể đã được dùng để chi trả cho thuốc men bệnh viện, trả lương cho giáo viên, thanh toán những dịch vụ chính phủ cơ bản.”

Điểm nóng mới

Dù tầm hoạt động vẫn quanh khu vực tây Thái Bình Dương, nhưng dường như trọng tâm hoạt động của những tàu đánh bắt hải sản trái phép từ Việt Nam gần đây đã dịch chuyển xuống phía nam với những vụ bắt giữ mới nhất trong năm nay tập trung ở Úc, New Caledonia và Quần đảo Solomon. Số liệu mà VOA thu thập và kiểm đếm cho thấy từ đầu năm 2017 tới nay có ít nhất 18 tàu với khoảng 207 ngư dân bị bắt giữ trong khu vực này, nhiều nhất ở New Caledonia, với 11 tàu và khoảng 105 ngư dân.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp này trở thành điểm nóng mới nhất của làn sóng tàu xanh đến từ Việt Nam. Cách Úc 1210 km về hướng đông, New Caledonia có khu bảo tồn hải dương lớn thứ ba trên thế giới trải rộng trên diện tích 1,3 triệu kilômét vuông và nổi tiếng về sự đa dạng sinh học phong phú và độc đáo. Những rạn san hô và đảo biệt lập như Chesterfield, Bellona, Astrolabe, Pétrie, và Entrecasteaux – vốn được xem là những địa điểm nguyên sơ cuối cùng của hành tinh – lại chính là mục tiêu nhắm tới của những tàu đánh bắt hải sâm trái phép từ Việt Nam.

Sự xuất hiện liên tục của những chiếc tàu xanh này gần một năm qua khiến nhà chức trách New Caledonia lo ngại rằng có thể còn nhiều tàu như vậy nữa đang hoạt động mà chưa bị phát hiện trong khi người dân thì bất an và phẫn nộ. Truyền thông địa phương cho hay căng thẳng đã gia tăng ở xã Bélep ở phía bắc hòn đảo này, nơi những chiếc tàu xanh thường bị phát hiện, vì ngư dân Việt Nam ẩu đả với ngư dân địa phương.

Trong thông cáo gửi tới VOA qua email, Bộ Ngoại giao Pháp nói họ “cực kỳ lo ngại” về tình trạng các tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển của New Caledonia để đánh bắt trái phép, điều mà Pháp gọi là “vấn đề đang lớn dần.”

“Trong bối cảnh này, ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ những khu vực hải dương và sự đa dạng sinh học hải dương,” thông cáo viết.

“Vì thế chúng tôi đang tích cực tập trung nỗ lực của mình vào vấn đề này, trong khi tôn trọng những quy định quốc tế và tham gia đối thoại thẳng thắn với Việt Nam, một đối tác trọng yếu của Pháp ở Châu Á.”

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết thêm rằng đại sứ quán Pháp ở Hà Nội đã chính thức lên tiếng với giới hữu trách Việt Nam để bày tỏ lo ngại, yêu cầu tăng cường giám sát và tìm kiếm giải pháp, cũng như xác định những mạng lưới địa phương tổ chức đưa ngư dân đi đánh bắt trái phép.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp email của VOA hỏi về sự tiếp xúc này.

‘Tội ác đối với đa dạng sinh học’

Manuel Ducrocq, Phó giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp và Môi trường Hải dương Caledonia, là thành viên duy nhất của phái đoàn New Caledonia đến dự hội thảo “Tàu xanh” ở Brisbane. Cũng như những đại diện khác thuyết trình tại hội thảo, anh bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về hoạt động đánh bắt trái phép của những chiếc tàu này. Nhưng với anh vấn đề không chỉ dừng lại ở chuyện xâm phạm biên giới quốc gia và đánh bắt tài nguyên trái phép.

“Đó là tội ác đối với đa dạng sinh học,” anh nói với VOA trong những phút giải lao bên lề hội nghị.

Cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh, anh Ducrocq giải thích rằng chính phủ New Caledonia đã quyết định hợp lực với toàn thể người dân bảo vệ vùng biển của họ và duy trì sự đa dạng sinh học cũng như việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển, “để con cái của chúng tôi có thể có cơ hội nhìn thấy san hô, nhìn thấy hải sâm và ăn chúng.”

Chính vì vậy anh xem việc những tàu Việt Nam xâm phạm không gian bảo tồn này và lấy đi hải sâm là điều “không thể chấp nhận được.”

“Vào lúc này những chiếc tàu đó vẫn tiếp tục đi vào vùng bảo tồn đa dạng sinh học, và có lẽ trong vài tháng hay một năm nữa sự đa dạng sinh học mà chúng tôi đã ra sức bảo tồn sẽ bị hủy hoại và có thể biến mất,” anh lo lắng nói về viễn cảnh sắp tới.

“Chúng tôi nghĩ giải pháp duy nhất là ở Việt Nam.”

Chuyện một người Việt chờ bị trục xuất khỏi Mỹ

0

VOA

Là con nuôi của một gia đình Mỹ từ tấm bé, Kristopher Larsen lần đầu tiên được cho biết ông không phải là một công dân Mỹ tại một nhà giam bang Washington, trong khi đang thọ án tù về tội danh bắt cóc, và vì thế phải đối mặt với khả năng bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Ông Larsen, giờ mới hơn 40 tuổi, chưa bao giờ nghĩ mình là công dân nước nào khác hơn là Hoa Kỳ. Ông là một trong hàng ngàn người nước ngoài được cha mẹ người Mỹ nhận làm con nuôi nhưng không có quốc tịch Mỹ bởi vì cha mẹ không làm hồ sơ nhập tịch.

Vào lúc kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975, Tổng thống Gerald Ford hạ lệnh di tản sang Mỹ các trẻ em mồ côi Việt Nam trong một sứ mạng nhân đạo được đặt tên là Chiến dịch Babylift. Kristopher Larsen, lúc đó mới lên 4, được một gia đình quân nhân Mỹ nhận làm con nuôi. Ông lớn lên trong một “gia đình Mỹ 100%.”

“Có thể nói cuộc đời của tôi là cuộc đời của một đứa trẻ tiêu biểu lớn lên ở bang Alaska. Luôn luôn sống ở ngoài trời, luôn luôn có gia đình bên cạnh. Đối với tôi, đó là một cuộc sống thật trọn vẹn.”

Larsen theo học đại học và khởi sự con đường sự nghiệp trong ngành công nghệ thông tin. Rồi anh lấy vợ, sinh hai đứa con rồi dời cư tới thành phố Seattle. Anh kể tiếp:

“Có một thời gian, tôi có trong tay tất cả những gì tôi có thể mong ước.”

Cho đến khi mọi sự đổi khác. Sau một thời gian hôn nhân sóng gió, tiếp theo là một giai đoạn rượu chè be bét, vợ Larsen bỏ ông ra đi, mang theo 2 đứa con.

“Tình huống đó thực sự đã đẩy tôi xuống vực thẳm… Tôi quyết định tự sát bằng tay của cảnh sát. Tôi thực hiện ý định đó bằng cách bắt cóc người khác.”

Larsen bắt cóc một đứa trẻ 9 tuổi rồi gọi cho cha mẹ em để đòi tiền chuộc. Một quan tòa bang Washington ra phán quyết phạt tù 12 năm đối với Larsen. Và chính ở trong tù, Bộ Di trú và Nhập tịch Mỹ đã tìm được ông.

Kristopher Larsen:

“Họ bảo tôi rằng tôi sẽ mất việc làm trong nhà tù. Tôi không được hợp tác với bất cứ công việc giáo dục nào. Về cơ bản là rốt cuộc, tôi sẽ mất hết tất cả các quyền của một tù nhân tiêu biểu, bởi vì họ cho biết là có lệnh trục xuất tôi.”

Đối với chính phủ Mỹ, Larsen là một công dân Việt Nam không có giấy tờ hợp lệ và có quá trình tội phạm.

Larsen cho biết gia đình ông không đồng ý:

“Gia đình tôi nói: Con là con nuôi. Là một công dân Mỹ. Con đã là một thành viên trong gia đình này từ năm 1975.”

Nhưng chính phủ Mỹ nói gia đình của Larsen không làm hồ sơ nhập tịch cho ông. Ước lượng có đến 35,000 người nước ngoài được cha mẹ người Mỹ nhận làm con nuôi, nhưng không có quốc tịch Mỹ bởi vì cha mẹ nuôi không hoàn tất thủ tục xin nhập tịch.

Bà Becky Belcore, đồng Giám Đốc của Chiến dịch Bảo vệ Quyền của Con Nuôi, giải thích lý do:

“Hoặc là họ có biết, nhưng thủ tục tốn kém và phức tạp quá, trong khi họ đã hoàn tất tiến trình nhận làm con nuôi cũng vô cùng rắc rối và tốn kém rồi, nên họ không hoàn tất hồ sơ nhập tịch. Hoặc là các con nuôi bị đưa vào những gia đình ngược đãi hay lạm dụng họ, nên cha mẹ nuôi không chịu làm.”

Bà Belcore nói năm 2001, quốc hội đã thông qua một đạo luật trao quy chế công dân cho các con nuôi đến từ các nước khác. Tuy nhiên đạo luật này chỉ áp dụng cho con nuôi sinh ra sau năm 1983.

Để điền vào kẽ hở pháp lý này, Chiến dịch Bảo vệ Quyền của Con Nuôi đang vận động để thông qua Đạo luật Công dân cho Con nuôi. Dự luật này nằm ụ tại quốc hội trong suốt năm ngoái, nhưng những người bênh vực con nuôi đang ra sức làm việc để tiến cử dự luật này một lần nữa.

Ra tù, Kristopher Larsen chưa bị trục xuất bởi vì Việt Nam không nhận các công dân Việt đã ra khỏi nước trước năm 1995.

Ông Larsen nói:

“Bây giờ thì tôi lâm vào thế kẹt. Tôi không thể rời khỏi lãnh thổ Mỹ.”

Chờ đợi gì ở cuộc điều trần Bộ trưởng Tư pháp Sessions?

0

VOA

Bây giờ tới lượt ông Jeff Sessions bước ra trước ánh sáng và sự soi mói của mọi người.

Chưa đầy một tuần sau khi cựu Giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump mà ông mô tả là “gây bối rối” và “không thích hợp”, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions chuẩn bị xuất hiện trước cùng ủy ban trong ngày thứ ba 13/6 để thuật lại những gì đã xảy ra và để bị đối chất về một số phát biểu của ông Comey trong cuộc điều trần tuần trước.

Dự kiến cuộc điều trần của ông Sessions ​ tập trung vào cuộc điều tra về hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, và ông sẽ phải trả lời những câu hỏi về vai trò của ông trong các sự kiện dẫn đến việc sa thải ông Comey hôm 9 tháng 5, lúc đó là người lãnh đạo cuộc điều tra của FBI về vai trò của người Nga.

Phiên điều trần sắp sửa diễn ra có một nghị trình khá hạn chế: đó là “giải quyết những vấn đề đã được cựu Giám Đốc FBI Comey nêu ra” trong cuộc điều trần được rất nhiều người theo dõi hôm thứ Năm vừa rồi.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford trong chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS hôm chủ nhật, nói “chủ yếu đây là một cơ hội cho ông Sessions thuật lại câu chuyện từ quan điểm của ông, về một số cuộc đối thoại giữa ông Comey với Tổng thống Trump.”

Trong khi đó, các thành viên Đảng Dân chủ tìm cách mở rộng phạm vi cuộc điều trần để bao gồm các cuộc gặp gỡ giữa ông Sessions với Đại sứ Nga ở Washington trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump năm 2016, và vai trò của ông Sessions dẫn tới quyết định sa thải ông Comey.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal:

“Bộ trưởng Tư pháp cần cho người dân Mỹ biết tại sao ông không thành thật khai báo những cuộc tiếp xúc giữa ông với người Nga, ông phải giải thích những cuộc đối thoại giữa ông với người Nga mà ông đã tìm cách che giấu, và tại sao ông không bảo vệ Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI? Tại sao ông tham gia quyết định sa thải giám đốc FBI sau khi đã tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra vì những cuộc tiếp xúc với người Nga?”

Cuộc điều trần của ông Sessions, cuộc điều trần đầu tiên từ khi ông rút ra khỏi cuộc điều tra về vai trò của Nga hồi đầu tháng 3, diễn ra 5 ngày sau khi ông Comey khai rằng ông Trump đã tìm cách áp lực để ông bỏ qua cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, và rằng Bộ trưởng Tư pháp Sessions đã không đáp ứng quan ngại của ông, rằng ông không muốn diễn ra các cuộc tiếp xúc chỉ có ông với ông Trump.

Ông Comey sau đó nói trong một phiên điều trần kín rằng lãnh đạo FBI cảm thấy ông Sessions phải tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra về Nga vì nghi ông đã có một cuộc tiếp xúc thứ ba với đại sứ Nga.

Tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp bác tin về cuộc gặp gỡ thứ ba với Đại sứ Nga Sergey Kislyak.

Ông Jed Shugerman, giáo sư Trường Luật, Đại học Fordham, New York, nói ông Sessions sẽ bị chất vấn về những cuộc gặp gỡ giữa ông với ông Kislyak, và liệu ông có cố tình khai man khi không tiết lộ các cuộc tiếp xúc đó trong buổi họp chuẩn thuận ông vào chức Bộ trưởng Tư pháp hồi tháng Giêng năm nay?

Ông Stephen Gillers, giáo sư luật tại Đại học New York, nói chứng minh tội khai man là điều không dễ.

“Để buộc ai vào tội khai man, phải chứng minh là người ấy có ý định rõ rệt.”

Ông Sessions bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông khai man.

Một nghi vấn quan trọng khác của các nghị sĩ là vai trò của ông Sessions trong quyết định sa thải ông Comey.

Toà Bạch Ốc thoạt tiên nói ông Trump sa thải ông Comey theo đề nghị của ông Sessions và Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người đã khiển trách cựu giám đốc FBI về cách xử lý cuộc điều tra về vấn đề email của bà Clinton hồi năm ngoái.

Nhưng sau đó, ông Trump nói trên kênh truyền hình NBC rằng ông sa thải ông Comey vì cuộc điều tra về Nga.

Giáo sư luật Gillers nói ông Sessions chưa trả lời tại sao ông đóng một vai trò trong việc sa thải ông Comey trong khi ông đã rút ra khỏi cuộc điều tra về Nga.

Trang mạng Politico tuần trước nói quyết định của ông Sessions tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra về Nga đã khiến Tổng thống Trump phẫn nộ. Giữa lúc căng thẳng lên cao giữa hai ông, ông Sessions mới đây đề nghị từ chức, nhưng ông Trump không chấp nhận đề nghị đó.

Cuộc điều trần của ông Sessions sẽ được theo dõi sát sao, tập trung vào những gì ông nói, cũng như những gì mà ông tránh, không nói ra.

Nhiều nghị sĩ Mỹ đòi tăng biện pháp trừng phạt Nga

0

VOA

Một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ hôm 12/6 đồng ý về dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, kể cả điều khoản đòi hỏi Quốc hội tái xét nếu Tòa Bạch Ốc nới lỏng, đình chỉ hoặc chấm dứt các biện pháp trừng phạt đã có.

Thỏa thuận lưỡng đảng được đưa ra dưới hình thức là bản tu chính một dự luật mà Thượng viện đang xem xét về việc trừng phạt Iran. Dự luật này dự kiến sẽ được ủng hộ mạnh mẽ khi trình ra toàn thể Thượng viện. Dự luật sau đó còn phải được Hạ viện thông qua và Tổng thống Donald Trump ký thành luật.

Một thông báo của giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện nói rằng bản tu chính “mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Nga để đáp lại hành động vi phạm quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Crimea, các cuộc tấn công mạng trắng trợn, và hành động can thiệp bầu cử, cũng như hành động hiếu chiến đang tiếp diễn ở Syria”.

Dự luật sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt hiện hữu nhắm vào các dự án năng lượng của Nga, trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với những cá nhân có dính líu vào các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, tiến hành các hoạt động tấn công trên mạng và làm ăn với giới tình báo và quốc phòng Nga.

Khởi tố điều tra vụ bắt người trái pháp luật tại xã Đồng Tâm

TTO – Việc khởi tố vụ án nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Khởi tố điều tra vụ bắt người trái pháp luật tại xã Đồng Tâm
Các chiến sĩ CSCĐ, cán bộ được người dân Đồng Tâm thả sau cam kết của chủ tịch Nguyễn Đức Chung – Ảnh: Xuân Long

Ngày 13-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15-4.

Việc khởi tố vụ án nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 15-4, do không đồng ý với việc cơ quan chức năng mời người dân đi chỉ mốc lộ giới khu đất Đồng Sênh (xã Đồng Tâm) nhưng lại tổ chức bắt một số người, người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người là cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động và cán bộ huyện Mỹ Đức.

Người dân đã đưa hơn 30 người này về nhà văn hoá thôn để giữ.

Tất cả cán bộ, chiến sĩ được thả ra vào ngày 22-4, sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với người dân và cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân thôn Hoành trong vụ việc này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 13-6, ông Nguyễn An Huy – Phó Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội- Trưởng đoàn Thanh tra đất đai tại Đồng Tâm – cho biết hiện đoàn thanh tra vẫn đang tiếp tục làm việc, đến nay chưa có kết luận thanh tra về vụ việc.

“Theo thời hạn công bố là đoàn thanh tra có 45 ngày làm việc, sau đó theo luật thanh tra chúng tôi còn có thêm 30 ngày để viết dự thảo báo cáo thanh tra nữa”, ông Huy thông tin.

Trước đó, ngày 20-4, Chánh Thanh tra TP Hà Nội đã ký quyết định 1121/QĐ-TTTP-P5 thành lập đoàn thanh tra toàn diện đất đai tại sân bay Miếu Môn và đất tại Đồng Sênh (xã Đồng Tâm). Đoàn gồm 6 người do ông Nguyễn An Huy, Phó Chánh thanh tra TP là Trưởng đoàn.

LÂM HOÀI

THÂN HOÀNG

Bắc Hàn thả sinh viên Mỹ trước chuyến thăm của sao NBA

VOA

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho hay Bắc Triều Tiên đã phóng thích một sinh viên đại học Mỹ, bị kết án 15 năm tù vì âm mưu đánh cắp một tấm áp phích tuyên truyền hồi năm 2016.

Trong một thông báo, ông Tillerson cho biết Otto Warmbier, 22 tuổi, đã được thả khỏi nhà tù và đang trên đường về Mỹ, nơi anh sẽ đoàn tụ với gia đình.

Thông báo phóng thích Warmbier được đưa ra cùng lúc cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman tới Bắc Triều Tiên hôm 13/6. Ông Rodman nói ông hy vọng chuyến đi sẽ “mở cánh cửa” giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng.

Rodman là bạn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông đã đến Bắc Triều Tiên trước đây vào năm 2013.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Thomas Shannon nói với các phóng viên rằng chính phủ Mỹ biết về chuyến đi của ông Rodman, nhưng cho biết ông Rodman đi với tư cách cá nhân.

Giấc ngủ vội tại sân bay biến bà bộ trưởng thành hiện tượng mạng

0
Một bức ảnh chụp cảnh Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti ngủ trên ghế trong khi chờ chuyến bay tại một sân bay ở thành phố New York đang gây sốt trên mạng xã hội và bà được mệnh danh là “nữ siêu nhân”.
10:50 AM – 13/06/2017 Thanh Niên Online

Nhiều cư dân mạng chia sẻ bức ảnh bà Pudjiastuti ngủ trên ghế trong phòng chờ ở sân bay John F. Kennedy sau khi tham dự hội nghị Liên Hiệp Quốc về hàng hải hôm 11.6, theo trang tin The Star 13.6.

Ngay cả nam diễn viên Leonardo DiCaprio cũng bình luận về bức ảnh, ca ngợi công sức của bà trong việc chống nạn đánh bắt trái phép và bảo vệ đại dương.

Bức ảnh này lần đầu tiên được chia sẻ trên tài khoản Facebook mang tên Jim B. Aditya vào ngày 12.6.

“Nữ siêu nhân này đáng được gọi là mẹ của vùng biển Indonesia”, Jim chú thích về bức ảnh.

Jim cho biết thêm diễn viên DiCaprio gọi bà Pudjiastuti là người phụ nữ can đảm và là nguồn cảm hứng cho thế giới.

Sau đó, ít nhất 1.700 người dùng mạng xã hội chia sẻ bức ảnh, thu hút hàng trăm bình luận.

Một người đàn ông tên Edi Susanto viết trên Facebook: “Đây là vị quan chức luôn chăm lo cho người dân, nhất là ngư dân”.

Phúc Duy

Việt Nam ra quyết định tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng

Quyết định tước quốc tịch GS Phạm Minh Hoàng.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng mới xác nhận với VOA Việt ngữ rằng hôm 10/6 ông nhận được quyết định của Hà Nội về việc tước quốc tịch Việt Nam của ông.

Vị giáo sư cũng là một nhà đấu tranh dân chủ nói quyết định do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ngày 17/5/2017.

Ông Hoàng, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nói ông “băn khoăn” vì tờ quyết định không nói rõ chính quyền Việt Nam căn cứ vào lý do cụ thể gì để tước quốc tịch.

Theo giáo sư, việc quyết định chỉ dẫn ra hai điều 81, 91 của Hiến pháp, và Luật Quốc tịch Việt Nam là “mơ hồ” đối với ông.

Người từng bị chính quyền bỏ tù 17 tháng hồi năm 2011-2012 về tội “lật đổ chính quyền” nói với VOA rằng ông đã ủy quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh để khiếu nại về quyết định kể trên. Luật sư đã khẳng định với ông rằng quyết định tước quốc tịch này là “sai với luật”.

Ông Hoàng nói thêm ông là người sinh ra đã có quốc tịch Việt Nam và hiện đang sống trong nước. Vì vậy, theo ông, chính quyền không thể tước quốc tịch như các trường hợp người nước ngoài từng nhập quốc tịch Việt Nam, hay người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài vi phạm luật Việt Nam về an ninh quốc gia.

Nguy cơ bị tước quốc tịch Việt được giáo sư Hoàng, người có song tịch Việt-Pháp, nói đến từ đầu tháng 6, khi Tổng Lãnh sự quán Pháp báo cho ông “tin xấu” là Việt Nam “muốn trục xuất” ông.

Mục đích của tôi là muốn bày tỏ cho cộng đồng, cho chính phủ hai nước thấy ước vọng nhỏ nhoi của tôi là được sống, làm việc và chết trên quê hương của mình, trên Việt Nam của tôi. Tôi từ bỏ quốc tịch Pháp là để nói lên khao khát đó. Bỏ quốc tịch Pháp đối với tôi cũng là một mất mát. Nhưng mất mát lớn nhất của tôi là không được ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nếu mà mất nơi đó, tôi chẳng còn tiếc cái gì cả

Nói với VOA hôm 11/6, ông Hoàng cho hay tòa lãnh sự đã đàm phán với phía Việt Nam để ông được ở lại đến cuối tháng 6, và hiện còn quá sớm để biết liệu chính quyền có “cưỡng chế” để trục xuất ông hay không. Mặc dù vậy, ông chia sẻ rằng ông “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Hồi đầu tháng 6, giáo sư Hoàng bày tỏ ông sẵn sàng xin thôi quốc tịch Pháp với hy vọng giữ quốc tịch Việt.

Ông giải thích: “Mục đích của tôi là muốn bày tỏ cho cộng đồng, cho chính phủ hai nước thấy ước vọng nhỏ nhoi của tôi là được sống, làm việc và chết trên quê hương của mình, trên Việt Nam của tôi. Tôi từ bỏ quốc tịch Pháp là để nói lên khao khát đó. Bỏ quốc tịch Pháp đối với tôi cũng là một mất mát. Nhưng mất mát lớn nhất của tôi là không được ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nếu mà mất nơi đó, tôi chẳng còn tiếc cái gì cả”.

Tuy nhiên, động thái này của giáo sư có thể không tác động nhiều đến quyết định của Hà Nội. Theo lời thuật lại của ông, luật sư nói rằng Việt Nam “không quan tâm” đến việc ông Hoàng có quốc tịch của nước nào khác hay không, họ vẫn tước quốc tịch “nếu họ muốn”.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng du học, sinh sống ở Pháp từ đầu những năm 1970. Cuối thập niên 1990, ông về nước và giảng dạy tại Đại học Bách Khoa ở tp. HCM cho đến khi bị bắt vào mùa hè năm 2010 và bị bỏ tù sau đó.

Cách đây ít ngày, ông Hoàng nói với VOA rằng ông nghĩ Hà Nội muốn tước quốc tịch là để “trả thù” cho các hoạt động ôn hòa của ông cổ súy dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam tố cáo ông là thành viên đảng Việt Tân, tổ chức bị chính quyền Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật. Ông Hoàng xác nhận là thành viên đảng này nhưng không làm gì trái luật Việt Nam.

Bạch Hồng Quyền ‘tạm an toàn; xem xét lánh nạn nước khác’

Bạch Hồng Quyền, nhà vận động vì môi trường ở Hà Tĩnh đang bị chính quyền Việt Nam truy nã, nói hiện nay anh đang ở một nơi khá an toàn và đang cân nhắc giải pháp đi đến một nước khác để lánh nạn.

Tuần qua nhà vận động 28 tuổi nói với VOA – Việt Ngữ rằng hiện anh đang ở một nơi mà công an Việt Nam khó phát hiện:

“Hiện tại thì tôi tạm thời an toàn, vì ở đây phía công an Việt Nam khó có thể tìm thấy được.”

Bạch Hồng Quyền nói anh đang cân nhắc quyết định đi sang một nước khác, theo đề nghị của một số đại diện ngoại giao nước ngoài:

“Bây giờ có rất nhiều tổ chức và một số đại sứ quán các nước đã liên hệ với tôi, muốn giúp đỡ tôi để tôi có thể đi sang một nước khác, để không bị phía chính quyền Việt Nam bắt bớ. Tôi đang xem có quyết định đi sang một nước khác hay không. Với những lời đề nghị đó thì tôi đang suy nghĩ, để đưa ra quyết định để ở ngoài tiếp tục hoạt động, giúp cho người dân bằng một cách nào đó.”

Tôi đang xem có quyết định đi sang một nước khác hay không.

Dù bị chính quyền Việt Nam truy nã và ra lệnh bắt, anh Bạch Hồng Quyền nói anh vẫn quyết tâm đến cùng để giúp người dân các tỉnh miền Trung, những nạn nhân vụ ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa gây ra vào tháng 4 năm ngoái.

Hôm 12/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố anh Bạch Hồng Quyền về “vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng và Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà”. Đến ngày 18/4, Công an Hà Tĩnh lại khởi tố và hôm 19/4 phát lệnh “bắt bị can để tạm giam”. Ngày 12/5, Cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Bạch Hồng Quyền.

Lệnh truy nã Bạch Hồng Quyền

Lệnh truy nã Bạch Hồng Quyền

Nói về lệnh bắt và truy nã, Bạch Hồng Quyền nói chính quyền muốn dập tắt tiếng nói phản kháng của người dân và làm tê liệt tinh thần của những người hoạt động vì môi trường như anh:

“Chính quyền Hà Tĩnh cố tình ra lệnh bắt và lệnh truy nã để giập tiếng nói mà lên tiếng cho những người ngư dân, những người dân bị thiệt hại do Formosa gây ra, cũng như làm cho tinh thần cho người đang muốn giúp đỡ người dân thêm sợ hãi để họ không giúp người dân tại 4 tỉnh miền Trung nữa.”

Từ khi bí mật rời nơi cư ngụ, Bạch Hồng Quyền biết chính quyền địa phương vẫn thường xuyên sách nhiễu gia đình, và vợ con anh:

“Đến ngày hôm nay, bên phía gia đình tôi và phía nhà vợ vẫn bị một số người an ninh thường phục theo dõi và canh nhà. Bên phía vợ, họ luôn luôn tìm cách đi theo. Có những hôm, khi vợ tôi đưa con đi học, những người an ninh chặn xe lại kiểm tra. Những người này không mặc sắc phục, họ chặn xe, tự xưng là công an thành phố Hà Nội. Họ mở cóp xe, kiểm tra túi sách. Sau khi kiểm tra, họ cũng không có biên bản về việc kiểm tra như thế.”

Có những hôm, khi vợ tôi đưa con đi học, những người an ninh chặn xe lại kiểm tra.

Blogger Lê Anh Hùng viết cho VOA: “Mặc dù đã xảy ra hơn một năm, nhưng đến nay vụ đại thảm hoạ môi trường ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là sự kiện nóng bỏng trong dư luận người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh những người bị thiệt hại chưa được đền bù thỏa đáng hoặc thậm chí là chưa được đền bù, còn thủ phạm Formosa Hà Tĩnh thì vừa được nhà chức trách cho phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và tập đoàn mẹ Formosa thì lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án. Nghĩa là, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là một đại hiểm hoạ quân sự – kinh tế – môi trường lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi.”

Blogger này viết tiếp: “Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt muốn khởi tố anh Bạch Hồng Quyền để hăm dọa dân chúng trong vụ Lộc Hà, và ngăn ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai, mặt khác họ lại sợ phiên tòa xét xử anh Quyền sẽ biến thành “ngày hội non sông”, khích động dân chúng ở Hà Tĩnh và Nghệ An nổi lên.”

Tháng trước, chị Bùi Hương Giang, vợ của anh Quyền khẳng định với VOA rằng chồng chị vô tội:

“Đó là tội danh mà nhà cầm quyền Cộng sản ghép cho anh Quyền. Mình thì luôn luôn ủng hộ chồng và thấy việc làm của chồng là đúng. Nhà máy Formosa đã xả thải ra môi trường, làm ô nhiểm môi trường biển. Chồng mình chỉ đến làm truyền thông giúp bà con lan tỏa tiếng nói của mình.”