Home Blog Page 1349

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 18)

0
Kiều Duy Vĩnh

LTS: Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7/7/2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo”.

 

Kỳ 18

 

Thế là cuộc đàn áp bắt đầu. Lũ đầu trâu mặt ngựa xông vào đánh tù. Tôi nhìn thấy ác ôn Tằng, theo sau là tên tay sai đắc lực nhất: Nhạn Hải Phòng xông vào chỗ bác Túy. Chúng hùng hổ lắm.

Nhưng một điều bất ngờ xảy ra. Cản đường chúng là tu sĩ Bạch Duy Vĩnh người Nghệ An, ông vốn bị què một chân, vì bị cùm ở xà lim nhiều ngày quá. Ði đứng ông đều phải chống gậy; thấy hai tên Tằng, Nhạn xông vào đánh bác Túy, ông cầm cây tre con để chống nạng ấy đứng chắn đường. Tên Nhạn xông lên trước, ông cầm cây tre quất vào mặt nó, tay kia đẩy tên Tằng lùi lại. Tôi cực kỳ ngạc nhiên và thán phục cử chỉ anh dũng cao cả tuyệt vời của tu sĩ Bạch Duy Vĩnh. Ông cân nặng độ 38 cân, cao độ 1 mét 50, xanh và gầy. Lúc nào ông cũng nhã nhặn tươi cười, giúp đỡ mọi người. Sống rất tư cách, đức độ và tử tế. Ông có cái tính là không cởi trần bao giờ, lúc còn áo may ô thì ông mặc may ô. Rách thì ông vá vào mặc, rách đến không vá được nữa thì ông cắt vải sô màu ra may áo may ô mặc. Thấy vậy, có lần tôi được nhà tiếp tế cho một đôi áo may ô, tôi đem biếu ông, nói thế nào tôi cũng không làm cho tu sĩ Bạch Duy Vĩnh nhận. Tôi vốn không hay mặc may ô chỉ cởi trần nên cuối cùng đem đổi sắn cho bọn tự giác hình sự. Tôi nhìn ông lúc đó, tôi liên tưởng tới một nhân vật của Ðông Chu Liệt Quốc: Yêu Ly. Một mình ông ngang nhiên dũng cảm đứng chặn hai tên ác ôn to lớn. Nhưng ông không chống cự được lâu. Chỉ một cái đạp chân, một quả đấm là ông ngã quay lơ ra, và chúng xông đến ông Túy. Chúng đánh ông Túy không tiếc tay và lôi ông ra ngoài trại. Trại tù náo loạn. Cuộc săn đuổi trói đánh diễn ra ác liệt.

Mũi nhọn đầu tiên chĩa vào là bác Lâm Ðình Túy, rồi đến các đấng bậc tu sĩ, chánh trương, trùm trưởng, đến giáo dân rồi nữa là đến chúng tôi những kẻ ngoại đạo nhưng chống bướng, cứng đầu cứng cổ, cũng bị đánh lôi ra sân trại.

Tôi vào loại khỏe, to con, nên tôi vẫn nhớ cho đến tận bây giờ, được phân công đánh tôi là tên Nhạn. Giá mà ở ngoài mà được ăn no thì không dễ gì nó đánh được tôi, nhưng ở tù ăn đói lâu ngày, sức khỏe giảm chúng lại đông nên tôi không chống cự được lâu chỉ được ít phút chúng đánh tôi ngã và lôi ra trói ở sân trại. Trong số bị đánh dã man, tôi thấy còn có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (tác giả Hoa Ðịa Ngục, tập thơ đã được giải thưởng của Pen Club quốc tế). Anh vốn gầy yếu và tù lâu quá lại có bệnh nên nó chỉ đánh anh vài đòn là anh đã gục xuống không dậy nổi. Chúng nó kéo lê anh xềnh xệch lôi ra sân.

Trời thì mưa và rét. Rét đến cắt ruột. Hôm ấy rét đến 0 độ và ở Sapa cách đấy độ 20km, có tuyết rơi.

Chúng nó lôi tất cả chúng tôi ra sân trại. Những ai bị liệt vào loại cầm đầu, chống bướng thì chúng trói cánh tiên treo tay lên hàng rào dây thép gai.

Trong số bị trói cánh tiên đầu hàng là bác Lâm Ðình Túy, đến tu sĩ Bạch Duy Vĩnh (địa phận Xã Ðoài), rồi đến tu sĩ Khải (nhà thờ Hàm Long, Hà Nội), cạnh đó là bác Hải, cha đẻ của tu sĩ Khải, nhà ở phố Ngô Thời Nhiệm. Cả hai cha con đều bị bắt đi tù, và ở cùng một trại, nay lại bị đàn áp trói cùng một dây. Ðây là một gia đình Công Giáo đáng kính trọng, đáng khâm phục. Bao giờ gặp bác Hải và tu sĩ Khải tôi đều kính cẩn cúi chào. Bác Hải giờ đã chết, còn tu sĩ Khải nay đã trở thành linh mục nhà thờ Lớn. Thật là xứng đáng. Trong số bị trói ấy còn có thêm tôi và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Trói cánh tiên có nghĩa là trói quặt hai cánh tay ra sau lưng. Ðầu tiên lấy một đoạn dây gai nhỏ trói hai ngón tay cái lại với nhau, rồi đến lấy dây thừng to trói hai cổ tay ngoặt lại với nhau, ngực nhô ra, đầu bị ấn xuống, hai tên ác ôn lôi hai tay treo ngược lên hàng rào dây thép gai.

Tôi nhìn thấy bác Lâm Ðình Túy nhắm mắt rũ xuống.

Trói chừng độ một tiếng đồng hồ thôi thì đã khó thở, hai tay tê dại đi, ngực đau buốt, không còn điều khiển nổi cơ quan bài tiết nữa. Ðau đớn lắm. Quằn quại dưới trời mưa khát, đói, mệt. Lúc đó cuộc đàn áp đã lắng xuống. Chúng không bắt được mọi người đi làm, chúng bèn đổi giọng cho dọn vệ sinh trong trại tù chứ không được nghỉ. Mấy người tù hình sự đi qua chỗ chúng tôi bị trói, thấy đau đớn quá bèn xui:

“Sao các bác các anh không xin các ông ấy, để các ông ấy nhẹ tay cho có đỡ hơn không?”

Chúng tôi bị đánh bị trói đau đớn lắm nhưng không một ai van xin cả. Chúng tôi chỉ kêu lên thôi. Kêu trời vì đau đớn quá.

“Trời ơi, đau quá.”

Thế thôi.

Ðộ hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi được cởi trói cho vào cùm ở xà lim. Tôi nghĩ là chỉ kéo dài thêm độ một tiếng nữa thì sẽ có người chết tại đó. Phần tôi, tôi đã ngoắc ngoải rồi. Mắt hoa, đầu váng, rồi vào trạng thái hôn mê không còn biết gì nữa. Lúc nó cởi trói lôi tôi vào xà lim tôi loạng quạng quay cuồng không biết nó lôi mình đi đâu.

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 17)

0
Kiều Duy Vĩnh

LTS: Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7/7/2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo”.

 

Kỳ 17

 

Chắc hắn còn định làm một cái gì đấy để hòng trấn áp mọi người, nhưng bị Hoàng Tiên Như phá đám hắn không làm được, nên hắn đọc nhanh lệnh kỷ luật cho xong việc.

Thế là Lâm Ðình Túy đi xà lim. Nhưng cho ông đi xà lim là lại mắc mưu ông như ở các trại dưới: Ông chỉ mong có thế. Ác ôn Tằng nhận ra ngay. Chỉ mấy ngày sau, hắn lôi ngay ông ra khỏi xà lim, tay chân hết hạn cùm xiềng. Hắn bắt ông đi làm. Tất nhiên là ông không đi. Ông cứ nằm. Các giáo dân chăm sóc thuốc thang cho ông, ông dần dần tỉnh lại, có thể ngồi dậy làm việc thiêng liêng.

Thấy ông ngồi dậy được, ác ôn Tằng ra lệnh cho Quản giáo Cát phụ trách toán già đan lát, người khu 5 Bình Ðịnh tập kết ra Bắc, phải bằng mọi cách bắt Lâm Ðình Túy lao động. Nhưng gọi ông, ông không ra tập họp. Sau khi nhận tù xong, Quản giáo Cát vào nhà giam, túm cổ lôi ông dậy. Kéo đi làm. Ðược một quãng, hắn mỏi, nghỉ tay, ông liền ngồi xuống không đi. Chúng tôi toán già lại ngồi xuống chờ. Hết mệt, quản giáo Cát lại đến lôi ông dậy đi ông không đi. Cứ thế lằng nhằng mãi đến hai tiếng đồng hồ sau mới đến chỗ làm.

Quản giáo Cát mệt nhoài vào buồng nghỉ. Ông ngồi yên ở sân. Quản giáo Cát hết mệt; cầm một con dao, một thanh tre đến trước mặt bảo ông cầm dao chẻ nan. Ông không nhìn và cũng không trả lời. Hắn đặt dao xuống và đi vào nhà.

Sang đến sáng ngày hôm sau, rút kinh nghiệm hôm trước, hắn đưa toán ra chỗ làm rồi mới quay về trại lôi ông Túy đi. Cũng phải mất độ hai tiếng sau, hắn mới lôi được ông tới. Trời nắng nóng sớm, hắn mệt mồ hôi lã chã. Nhưng lệnh trên bắt hắn phải làm bằng được là: Bắt Lâm Ðình Túy lao động. Hắn lại cầm ra cho ông một con dao và một thanh tre. Ông vẫn cứ ngồi im. Hắn đặt trước mặt ông và đi vào nhà. Chắc hắn chán cái trò này lắm rồi. Vừa tức vừa mệt.

Ðến hôm thứ ba. Dẫn toán ra chỗ làm xong, hắn quay về cùng với Toán trưởng, và cũng phải đến hai tiếng đồng hồ sau hắn mới lôi được ông đến chỗ làm. Giúp hắn làm được việc đó, ngoài Toán trưởng, lại có thêm một trật tự viên. Nhưng mà mệt quá. Hắn vào bàn giấy ngồi thở. Hắn cứ để ông ngồi ngoài sân cho mặt trời thiêu đốt, không đem dao và tre ra nữa. Chờ cho đến lúc gần trưa nắng thật gắt. Hắn đi ra chỗ ông, tay cầm một bó nan to, hắn để nắm nan xuống đất trước mặt ông. Hắn bảo:

“Thế này nhé. Anh Túy. Tôi được lệnh là bắt anh phải lao động. Lệnh như thế. Bây giờ đây tôi đưa anh nắm nan này, anh dùng tay đãi mỏng nó ra phơi nắng. Có thế thôi, xong việc anh vào trong nhà có bóng mát mà nghỉ. Ai lại cứ ngồi phơi nắng mãi thế.”

Rồi hắn đứng chờ xem phản ứng của ông ra sao. Túy vẫn không nhìn hắn và không trả lời. Nắm nan vẫn y nguyên nằm trước mặt ông.

Ðứng một lúc, hắn chán, chán lắm, và cái nắng thì nắng quá. Hắn chịu thua đi vào bàn giấy ngồi. Chiều đến, chả là ở chỗ lán làm việc có trồng chuối, có một buồng chuối chín hắn sai cắt ra phát cho tù mỗi người một quả, chính tay hắn, cầm một quả to, chín ngon nhất đến để trước mặt ông bảo:

“Thôi ăn đi vậy, rồi mà về.”

Ông cũng không nhìn hắn và cũng không đáp lại. Ðến lúc ra về quả chuối vẫn nguyên để đấy.

Sang đến hôm thứ tư. Sáng sớm đã thấy hắn xuống, vào tận nhà giam vẻ mặt hồ hởi bảo:

“Thôi từ hôm nay cho anh Túy nằm nhà.”

Có lẽ hắn đã báo cáo lên ban giám thị về tình cảnh như vậy, không tài nào khuất phục nổi ông Lâm Ðình Túy, ngoài chuyện giết ông. Và thế là quản giáo Cát chịu thua. Nhưng chỉ riêng quản giáo Cát chịu thua thôi, chứ tên ác ôn Tằng, cán bộ công an sai lại có thể chịu thua Lâm Ðình Túy được. Cứ chờ đấy. Cứ đợi đấy. Rồi sẽ biết.

Ít lâu sau, tôi thấy ngày nào ác ôn Tằng cũng đảo qua, nhìn vào chỗ bác Túy nằm. Bác thì bác không nhìn thấy hắn. Chắc là hắn muốn Bác nhìn hắn lắm. Hắn tái mặt, đi tiếp:

Tôi cảm thấy có một điều gì đấy sẽ xẩy ra. Tôi chờ. Tôi lại thấy không khí im lắng, vắng lạnh của Cổng Trời những năm của thập kỷ 60 lởn vởn xuất hiện ở đâu gần đây. Cái mùi báo hiệu Thần Chết sắp đi qua.

Thế rồi Noel năm 1973.

Thường thì mọi năm lễ Noel là tù được nghỉ nhưng năm ấy, chính quyền đã ký sắc lệnh không cho nghỉ hay sao ấy. Tù làm sao mà biết được chuyện đó. thế là sáng ngày 25 Tháng Mười Hai năm 1973, kẻng gọi tập hợp đi làm khuya rộn rã. Mọi người nhìn nhau. Các giáo dân thì từ chiều hôm trước đã họp mặt tổ chức lễ Giáng Sinh và đêm Réveillon rồi, mà đến sáng hôm 25 cuộc vui mừng sẽ còn tiếp diễn nữa. Nhưng tiếng kẻng lại giục giã gay gắt hơn. Mọi người rất ngạc nhiên. Nhưng không ai ra tập họp cả. Ban giám thị lại xuất hiện, trật tự viên tay sai lố ngố kéo vào. Họ vào từng nhà giam lùa ra tập họp. Nhưng không ai chịu ra cả. Lệnh:

“Ðánh và lôi chúng nó ra”.

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 16)

0
Kiều Duy Vĩnh

 

Kỳ 16

Ðối với tù: Quản giáo là chủ nô. Ðôi lúc tôi đã lẩn thẩn nghĩ rằng: Những kẻ nào bất tài, vô tướng, học thì dốt, đầu óc bã đậu, lại lười biếng thích ăn không thích làm nhưng lại muốn làm cha người ta, làm ông chủ người ta thì nên xin gia nhập làm ngành công an làm quản giáo coi tù. Làm quản giáo sướng lắm chứ, có dưới quyền khoảng trên dưới 40 tên nô lệ. Gọi dạ, bảo vâng, sai gì làm nấy. Nếu láo xược, không nghe sẽ có ngay đòn trừng trị của chính quản giáo, hay nếu không muốn ra tay thì đã có tay sai là mấy tên tù hình sự làm trật tự viên. Ngoài ra còn có súng của mấy lính coi tù hỗ trợ nữa. Ngày ngày, cắp quyển sách, ngồi ghi ghi, chép chép, đi theo đến chỗ tù làm, chán thì đi tới đi lui bảo ban, sai phái. Hết giờ về, ăn cơm, ngủ. Mai lại thế. Vậy, hỡi ơi, hãy cho con cháu mình, người nhà mình, thằng nào mà ngu dốt đi làm quản giáo.

Trở lại với ác ôn Tằng. Hắn đứng yên, mất đến gần một phút sau không có phản ứng gì. Lúc ông Túy tát xong, tôi sợ hãi chờ đợi một cuộc đánh đập trả thù tàn bạo. Nhưng không. Quản giáo ác ôn Tằng quay người đi ra cổng trại, theo sau là mấy tên tay sai trật tự viên.

Chúng tôi im lặng ngồi chờ. Ðộ nửa tiếng sau, Tằng quay vào, mắt tái đi vì giận dữ, cặp mắt ti hí mắt lươn hơi toét không nhìn vào ai. Ðến trước mặt mấy cán bộ dưới quyền, hắn ra lệnh:

“Cho tất cả tù vào trại.

Khóa cửa lại. Còn thằng Túy để lại cho tôi.”

Chúng tôi lại lếch thếch ôm đồ của mình vào trong nhà. Còn lại một mình bác Túy, bác vẫn bình thản quỳ ở một góc cúi đầu cầu nguyện. Tằng chỉ tay, mấy tên trật tự xông vào khênh bác ra cổng trại.

Mãi đến chiều tối, những thằng ấy lại khênh bác về vứt một xó trong trại giam. Người bác rách nát. Nhưng mặt mũi không thâm tím, không chảy máu. Chỉ thấy bác nằm im, thoi thóp thở. Khi chúng quay ra, có mấy giáo dân người đồng hương đến chăm sóc cho bác. Bác nằm im không nói, không ăn. Họ chạy chữa cho bác, và chúng tôi được biết bác bị đánh què chân và gẫy hai cái xương sườn.

Sáng hôm sau chúng tôi lại được lệnh ra sân tập họp sớm hơn mọi ngày. Ðến đây tôi xin ngắt quãng để kể một chút về một nhân vật thật đặc sắc mà tôi gặp ở trại Phong Quang này: Anh Hoàng Tiên Như người Nghệ An. Trong đoạn này tôi chỉ kể một chút ít về anh thôi, còn chúng ta phải đi nốt với Ðức thánh tử đạo Lâm Ðình Túy, người đã vác cây thánh giá của Chúa cực kỳ nặng nhọc và gian khổ này.

Tập họp ngồi đầy đủ ở sân trại, ban giám thị và quản giáo, lính coi lục tục kéo xuống. Mọi lần bình thường thì không có ban giám thị, chỉ có quản giáo và lính coi tù xuống nhận tù đi làm thôi. Vừa mới xuống đến nơi, chúng tôi đã thấy tiếng quát tháo ầm ầm ở phía hàng trên chỗ gần cổng trại. Rồi mấy tay tù trật tự tay sai xông vào đánh đấm lôi một người ra khỏi hàng. Khi người ấy đứng dậy, thì tôi thấy anh cởi truồng… thỗn thện. Cả trại cười ầm lên như vỡ chợ. Hỗn loạn. Ðầu thì trọc, mặc một cái áo ngắn cộc rách tơi tả, cởi truồng, vừa đánh trả, vừa chạy vừa chửi. Anh cứ chạy quanh sân trại làm bọn tay sai mãi mới bắt được anh, lôi anh đi vào xà lim. Anh giẫy giụa, lăn ra đất, chửi bới om sòm với giọng Nghệ An:

“Ðù cha chúng bây, choa có sợ cái củ c. choa đây này.”

Anh tên là Hoàng Tiên Như người Nghệ Tĩnh, vốn là Ðại úy Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam Anh Hùng. Anh ở binh chủng Pháo Binh, đã từng tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Hoạt động cách mạng từ năm 1945 đã từng chỉ huy cướp chính quyền ở tỉnh Nghệ An. Thế thì tại sao anh lại đi tù ? Anh bảo: “Tại vì tớ lấy vợ. Vợ tớ là con nhà địa chủ, lại là người theo đạo Thiên Chúa nữa cho nên chi bộ đảng, cấp trên chính quyền không cho lấy. Nhưng tớ yêu vợ tớ quá đi mất thôi. Không lấy thì không thể chịu được. Thà chết, thế là tớ cứ lấy. Bị kỷ luật ra khỏi quân đội, tớ theo vợ về xứ đạo, tớ theo vợ tớ thôi chứ tớ không theo Chúa, không theo đạo. Ấy thế mà bị bắt vào đây đấy.” Anh kể với tôi về anh như vậy và vỗ vai tôi bảo: “Cậu cũng đại úy, tớ cũng đại úy, hai thằng ‘huề’ nhé.”

Vào tù anh gặp một người bạn chiến đấu cũ làm phó giám thị trại giam. Nghĩ lại tình cảm xưa cũ, phó giám thị cho anh làm vệ sinh quét dọn trên nhà ban giám thị trại, và được hưởng quyền ưu tiên của tù tự giác, được đi lại tự do, được đun nấu, ăn uống đầy đủ. Nhưng có một hôm, một cán bộ quản giáo sai anh làm một công việc gì đó, anh thấy bị xúc phạm, anh cầm chổi ném vào mặt quản giáo và quát:

“Choa đấm c. vào cái mặt mày. Choa về trại tù đây.”

Anh bỏ về trại, không lên ban quét dọn nữa. Về trại, anh không làm gì cả. Cứ ngồi nhà, đun nước pha chè uống, đến bữa, xuống nhà bếp lấy cơm lên ăn no rồi chửi đổng. Không ai làm gì anh cả. Kể cả ác ôn Tằng cũng tránh mặt làm ngơ.

Ðôi lúc anh nổi cơn lên như hôm nay, anh ra xếp hàng thật sớm, cởi truồng ngồi ngay hàng đầu, cầm cái nón rách che hạ bộ, chờ đến lúc ban giám thị xuống thì anh bỏ cái nón ra để cho các vị ấy xem. Và câu chuyện đã xảy ra ầm ĩ như trên. Xong rồi cũng yên, nhưng không khí trang nghiêm thì không còn nữa. Ác ôn Tằng xuất hiện. Hắn giận lắm, giận lắm đấy. Không rào trước đón sau gì. Hắn đọc:

“Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Ðộc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Lệnh kỷ luật: Lâm Ðình Túy.

“Cùm một chân.

Ăn chín cân.”

Lý do: Dựa vào ho ra máu vài lần.

Dù trói trăn giáo dục nhiều lần.

Lao động vẫn ù lì không chịu

(Thơ Nguyễn Chí Thiện)

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 15)

0
Kiều Duy Vĩnh

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”


 

Kỳ 15

 

Ông lại ngước mắt nhìn, không nói năng gì. Và rồi ông không ra gặp người thân để nhận đồ tiếp tế. Ở đôi mắt hiền từ của ông, tôi thấy ánh lên một điều quyết định gì đấy, nó giống như ánh mắt tu sĩ Ðỗ Bá Lung ở Cổng Trời nhìn anh em trước khi đi xà lim và chết!

Thế rồi Tháng Mười Hai năm 1972, Mỹ bỏ bom B52. Tôi và một số phần tử nguy hiểm, trong đó có ông được lọc ra dẫn vào trại C sâu ở trong núi. Chúng tôi bị lùa tuốt vào một hầm ngầm đào sâu dưới lòng núi. Nếu bom Mỹ mà bỏ gần đấy, hầm sập là chết hết khỏi phải chôn. (Cái hầm này gần chỗ xà lim, giam phi công Mỹ, anh Phan Hữu Văn biết rõ vị trí này).

Ðược vài ngày, thấy tình hình quá căng thẳng, họ vội vã chuyển chúng tôi lên Lao Kay ở trại Phong Quang. Hết Vinh Quang rồi lại Phong Quang. Sao mà họ khéo đặt tên hay đến thế cho các nhà tù ở miền Bắc này. Nào là” Thanh Cầm Thanh Hóa: Ðàn xanh, nào Ba Sao Nam Hà: Ba vì sao sáng, nào Hồng Ca Yên Bái: Bài ca mầu hồng. Trại Ngọc: Ngọc ngà châu báu. Yên Hòa Phú Thọ: Yên vui hòa thuận. An Thịnh Tuyên Quang: An ổn và thịnh vượng.

Ði tù mà Vinh Quang, và ở chỗ Phong Quang thoáng mát, thì nhất rồi còn phải kêu ca phàn nàn gì nữa.

Nhưng thật ra cái nhà tù Phong Quang này ở tít trong cùng tận của rừng xanh, núi đỏ, sát biên giới Việt-Trung nơi tận cùng của đất nước mà lại là Phong Quang thì cái tài dùng chữ “mỹ từ pháp,” tài lừa bịp đã đạt tới mức siêu đẳng rồi.

Chúng tôi được chuyển từ trại Vinh Quang, lên Phong Quang, Lao Kay. Lên đến trại vào quãng nửa đêm. Trại ở sâu trong rừng và cũng phân ra A, B, C. Vì trại Cổng Trời được phong “Anh Hùng” nên các trại dưới đều phải học tập rút kinh nghiệm để noi theo.

Và nếu ta cho điểm Cổng Trời là 10 thì Phong Quang cũng được 7 hoặc là 8. Ở đây cũng ghê lắm. Có một quản giáo ác ôn tên là Tằng, người Thái Bình, mặt da tai tái, mắt ti hí mắt lươn lại hơi toét, to béo, khỏe mạnh, vũ phu, tướng của một tên côn đồ đứng bến xe, cười cười nói nói, chuyên gọi tù bằng thằng. Khi cần, môi mím lại, mặt tái dại hẳn đi, lúc ấy là có chuyện giết người đấy.

Chúng tôi đến trại được quản giáo Tằng tiếp đón chu đáo: đèn pin dọi vào mặt từng người, tay thọc ngay vào hạ bộ chộp lấy sờ nắn, khám xét.

“Thôi được, vào ngủ đi. Sáng mai sẽ hay.” Hắn bảo thế.

Và sáng hôm sau, tôi được chứng kiến một điều mà hai lần tù gần 15 năm tôi chưa thấy bao giờ, trước không có và sau này cũng khó có.

Một chuyện động trời.

***

Quản giáo ác ôn Tằng, cầm bản danh sách tù đi đầu, theo sau lưng là một tiểu đội súng ống và một lũ tù hình sự tay sai làm trật tự viên trong đó có một tên hung ác nhất tên là Nhạn, người Hải Phòng.

Theo thường lệ, tù được gọi đến tên, ôm đồ đạc ra trước mặt quản giáo, rồi để những tù hình sự trật tự viên lục lọi khám xét. Lần lượt như vậy. Cho đến lúc gọi tên Lâm Ðình Túy. Không thấy trả lời. Ác ôn Tằng cao giọng đến lần thứ ba rồi cáu quát:

“Nó đâu? Thằng Túy đâu. Câm hả.”

Trong lúc khám xét ai cũng lo lấy thân mình trông lấy đồ đạc của mình. Cũng chẳng biết ông Túy ở đâu để mà giúp đỡ cả. Lúc đó ông Túy đang quỳ ở một góc để làm việc thiêng liêng. Cũng như ở các trại dưới, như ở trong nhà thờ, ông quỳ xuống cúi đầu nghiêm chỉnh, đàng hoàng, đĩnh đạc cầu nguyện thành kính. Với ông lúc ấy không có ai ở chung quanh, không có chuyện gì xảy ra cả. Vì mới đến hồi đêm, nên chưa kịp bàn giao những gì chi tiết, và cũng chưa có thì giờ để đọc hồ sơ lý lịch từng người, nên hắn, quản giáo ác ôn Tằng, cực kỳ giận dữ trước sự việc dám coi thường hắn đến như thế.

Hắn đã gọi, gọi đến ba lần mà thằng tù không thèm đáp lại. Lâu nay có thế này bao giờ đâu: hắn nói mọi người phải răm rắp tuân theo, bây giờ lại có một thằng tù chính trị dám coi thường hắn. Ác ôn Tằng lừ lừ đi đến. Sau này tôi mới được biết là tù ở đây sợ hắn như cọp, hắn đánh tù không tiếc tay, tự tay hắn đánh, mệt, hắn sai tù tay sai đánh tiếp cho hắn xem cho hả lòng ác độc và đánh cho đến chết. Có một tù hình sự còn trẻ, không biết lúc hắn đi qua, đùa với bạn, giơ tay giả làm súng bắn, miệng kêu: tằng, tằng, tằng. Thế là phạm húy, bỏ mẹ rồi. Hắn gọi ra cho ăn đòn và ít lâu sau ngấm đòn chết. Thành ra ai cũng sợ. Nhìn thấy hắn là sợ rồi. Con người hắn toát ra tử khí. Thế mà Lâm Ðình Túy lại không biết điều đó.

Hắn lừ lừ đi đến.

Hắn nắm gáy ông lôi đứng dậy, ông vốn nhẹ cân và gầy yếu.

“Mày là thằng Túy. Sao tao gọi mày không trả lời hả?”

Ông nhìn hắn, từ từ quay người đứng thẳng dậy trước mặt hắn. Và thật bất ngờ đối với tất cả, ông giơ tay tát thật mạnh vào tên ác ôn Tằng, rồi ông lại từ từ quay người quỳ xuống tiếp tục làm công việc thiêng liêng của mình.

Chắc chắn là đối với tất cả những người đi tù ở miền Bắc này, từ xưa cho tới lúc ấy chưa có ai, chưa có bao giờ một người tù dám tát vào mặt quản giáo hay một người lính coi tù cả. Ðiều này xảy ra ngoài sức tưởng tượng của ác ôn Tằng nên hắn phản ứng rất là chậm chạp. Hắn đứng yên, hai tay thõng xuống mặt nghệt ra. Chúng tôi ngơ ngác bàng hoàng và chờ đợi. Ðây là chuyện động trời ở trong trại tù. Tù đánh quản giáo. Không phải là chuyện khi bị đánh thì chống lại, đánh lại mà lại ngang nhiên đánh tát vào mặt. 15 năm tù tôi chưa bao giờ thấy có chuyện ấy xẩy ra: Tù tát vào mặt quản giáo ác ôn và quản giáo đứng yên chịu trận.

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 14)

0
Kiều Duy Vĩnh 

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

 

Kỳ 14

 

Lần thứ nhất đã bị bắt tưởng vào tù đã cải tạo được, nên tha cho về làm người lương thiện. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy, ngựa theo đường cũ, lại tiếp tục hành nghề nên phải bắt lại lần thứ hai.

Như thế là y đã tái phạm nhiều lần. Vậy thì y đích là tên lưu manh chuyên nghiệp rồi còn phải thắc mắc gì nữa.”

Phó giám thị Cự nói trơn tru láo liên như vậy với bộ mặt xám và lạnh, tù nghe không một ai dám cười cả. Còn tôi, tôi cứ ngớ cả người ra. Ðến ngay cả ở trại Cổng Trời cũng chưa thấy giám thị, quản giáo nào dám giải thích như vậy cả.

Hắn nói gì thì mặc hắn, chúng tôi để ngoài tai. Nhưng với ông Lâm Ðình Túy, thì những điều mà phó giám thị Cự nói làm cho ông khó chịu. Và ông lại tỏ vẻ khó chịu hơn khi thấy các giáo dân cứ quây quần quanh Linh mục Hiếu để ăn uống, chè chén, quá chu đáo.

Thế rồi một ngày Chủ Nhật nghỉ, nhân lúc các tín đồ và Linh mục Hiếu đang ngồi ăn uống chuyện trò vui vẻ thì bác Lâm Ðình Túy xuất hiện. Bác đứng trước mặt Linh mục Hiếu, chỉ tay nói với giọng giận dữ, Bác đọc một loạt những câu tiếng La Tinh ở trong Évangile cốt để cho Linh mục Hiếu nghe. Tôi không hiểu những lời đó có ý nghĩa mạnh mẽ ra sao, nhưng tôi thấy Linh mục Hiếu tái mặt đứng dậy bảo các con chiên giải tán, và từ đấy không thấy tập hợp nhau nấu nướng ăn uống gì nữa.

Sau chuyện này, cuộc sống ở trại Vinh Quang cứ lặng lẽ trôi. Có điều đối với riêng tôi, một đối tượng cần phải chuyên chính đàn áp thì mũi dùi của phó giám thị Cự luôn chĩa vào tôi. Vợ tôi lên thăm nuôi tiếp tế bị đuổi về không cho gặp và nhận.

Thỉnh thoảng tôi lại bị gọi lên lục vấn, chấn chỉnh đe dọa, và những buổi nói chuyện ở Hội trường đều bóng gió nói đến tôi: liệu hồn mà chịu phép cải tạo. Tôi được phân công vào toán già đan lát cùng với bác Lâm Ðình Túy.

Bác Túy gầy yếu xanh xao. Rất ít nói. Nhìn bác, tôi lại nhớ đến Tu sĩ Ðinh Hiền Lương, dòng tu ép xác Châu Sơn, tù ở Cổng Trời với tôi và đã chết. Ðầu cũng cắt ngắn gần như trọc, cả ngày chả nói một câu chuyện, cứ ngồi yên lặng lẽ nhìn, nhìn đấy mà chả nhìn thấy gì cả.

Nhưng có một điều rất khác. Rất khác là khi làm việc thiêng liêng, bất cứ vào thời điểm nào, ngay cả trong lúc đang làm việc ở ngoài đồng, ngoài trại, bao giờ bác cũng quỳ xuống, kính cẩn cúi đầu như ở trong nhà thờ làm lễ. Bác để hết tâm trí vào việc cầu nguyện, lúc đó coi như không còn ai ở chung quanh, kể cả giám thị trại, quản giáo, lính coi tù, bác vẫn quỳ xuống mà nguyện cầu, ngang nhiên làm như thường. Mà có cái lạ nữa là những giám thị và quản giáo không làm gì để ngăn cấm bác cả.

Khi tôi lên trại tù Vinh Quang thì mọi việc đã diễn ra như vậy rồi, và vẫn tiếp tục diễn ra như vậy, mọi người đều cho đó là một chuyện bình thường làm tôi rất ngạc nhiên khi tôi đem so sánh với những chuyện đã xẩy ra ở trại Cổng Trời lần tù trước (1960-1970). Tôi có tò mò hỏi một giaó dân cùng quê cùng xứ đạo với bác Túy thì giáo dân đã cho tôi biết là từ khi bị bắt lên đến trại giam Nam Ðịnh bác đã làm như thế rồi. Giam mãi ở xà lim, cùm mãi rồi lại phải thả ra, bác vẫn cứ thế. Cuối cùng, các ban giám thị ở trại dưới đành chịu thua bác, đành để bác như vậy, cho đi cùm ở xà lim thì chính ban giám thị lại mắc mưu của ông ta, ông ấy chỉ thích nằm xà lim thôi. Không bị ai quấy rầy, lại cơm bưng nước rót, cùm thì chân ông ấy chỉ bằng cái que tăm ấy, có cùm thì cũng như không. Thế là ban giám thị lại lôi ra bắt đi làm. Ông đi ra, nhưng không làm gì cả. Ðến chỗ làm là ông ngồi vào một góc rồi quỳ xuống cầu kinh. Xong thì lại ngồi im lặng nhìn. Rồi đi về trại. Thế thôi. Chắc là họ đã họp lên, họp xuống nhiều lần lắm rồi, để tìm một đối sách trị ông. Kết quả: là cứ đành để mặc ông ta như vậy. Nếu không chỉ còn một cách là giết ông ta đi mà thôi. Thời điểm giết ông thì chưa đến. nên mặc nhiên ông là người độc nhất trong trại được hưởng quyền ưu tiên như vậy.

Năm 1972 tôi lên trại Vinh Quang gặp ông, đã thấy ông như vậy. Cũng như tu sĩ Ðinh Hiền Lương, ông rất ít nói, ông hay ngồi tĩnh lặng để nghe và nhìn, và chắc ông nhìn và nghe được nhiều điều lắm, nên ánh mắt ông nhìn tôi có rất nhiều thiện cảm. Chắc hẳn ông biết tôi đã đi tù nhiều năm, đã từng ở Cổng Trời, nên đôi lúc có trao đổi với tôi một vài điều, chứ không phải là một vài câu chuyện, tỷ như:

“Trước ông Vĩnh có ở Bùi Chu à?”

“Vâng, năm 1951-1952 tôi có đóng quân ở Hành Thiện ở cùng với Tiểu đoàn Công Giáo số 16. Tôi đã có hân hạnh được gặp đức giám mục coi sóc địa phận Bùi Chu, Ðức Cha Phạm Ngọc Chi.”

Lần sau ông hỏi tôi:

“Ông có ở tù cùng với cha Hân không?”

“Có, tôi có được gặp cha Hân và được chứng kiến cái chết của cha Hân ở trong tù.”

Lần sau nữa:

“Ông cũng có biết tu sĩ Ðinh Hiền Lương dòng ép xác Châu Sơn à?”

“Vâng, tôi có ở trong tù cùng với tu sĩ Ðinh Hiền Lương và tu sĩ Lương đã chết ở Cổng Trời rồi.”

Ông hỏi ngắn gọn có thế, và chỉ cần tôi trả lời có thế, và thế là đủ.

Ðã là tù thì phần lớn đều phải thấy rằng:

Thứ nhất được tha, Thứ nhì tiếp tế, Thứ ba “ăn mềm” (thịt). Ðược gọi ra tiếp tế, mừng ra mặt. Bồn chồn mong cho chóng đến lượt mình để được gặp người thân và được ăn no. thế mà có lần tù ở phòng tiếp tế thăm nuôi vào gọi đích danh Lâm Ðình Túy ra gặp người nhà. Ông ngước mắt nhìn lên không đáp lại. Người gọi là một tù hình sự nên anh ta văng ngay ra:

“Ð.m, còn chần chờ gì nữa. Nhiều lắm, thấy một gánh nặng cật lực. Nhanh lên đi.”

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 13)

0
Kiều Duy Vĩnh 

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

 

Kỳ 13

 

Tôi mặc quần áo đi theo Cường cao, ra đầu làng lên xe vào Hỏa Lò, vào ngục Cửu U vì phải đi qua chín lần cửa mới tới xà lim giam tôi. Với tôi Hỏa Lò quen thuộc quá.

Tôi đã trải qua tất cả các xà lim ở đó lần bị bắt trước. Giữ đúng lời hứa, trước khi tống tôi vào xà lim, Cường cao bảo quản giáo cho tôi đi tắm cẩn thận không giục giã gì. Tôi vốn con nhà binh, nên rất bình tĩnh trước mọi hiểm nguy, lần trước cũng như lần này. Tắm xong tôi ung dung tự tại ngồi thở Yoga chờ cơm.

Vì đã được nghe kể và đã rút kinh nghiệm từ lần trước, ngay ngày hôm sau, vợ tôi thăm nuôi tiếp tế cho tôi, muối vừng rất mặn, kẹo bột và chè lam. Mấy ngày đầu tôi không đến nỗi đói, và đã có chiều dài 10 năm tù trước, đã từng ở Cổng Trời, sức chịu đựng của tôi đã được tôi luyện nên tôi cứ ngồi thở Yoga. Ba bốn ngày trôi qua, chả có ma nào hỏi cung mình cả. Cường cao nghe nói hắc xì dầu lắm, mà sao lại lịch sự tử tế với mình thế.

Trước lúc vào xà lim, Cường cao bảo tôi:

“Anh chắc phải hiểu chứ, Mỹ lại bỏ bom. Vậy nên bắt lại anh là điều tất nhiên thôi. Chúng tôi buộc phải tháo cái ngòi nổ. Thôi, cứ đi trại ít lâu dừng ném bom là về.”

Anh ta lại còn nói tiếng Pháp với tôi nữa:

“Chắc anh lại mỉa chúng tôi: La raison du plus fort est toujours le meilleur chứ gì.”

Tôi im lặng vào xà lim không trả lời.

Một tuần trôi qua, rồi hai tuần. Cũng không ai hỏi han gì. Mà thực tình ra, còn gì nữa mà hỏi. Lần tù 10 năm trước khai báo ở ty Niết hết rồi. Lần này mới về được ít lâu thì lại bị bắt lại. Có gì để khai mà hỏi. Cũng mong đi trại cho nó yên một bề thế mà bỗng một hôm, được gọi lên hỏi cung. Mừng quá. Có dịp đi lại ra ngoài thở không khí.

Một cán bộ còn trẻ, ăn mặc chỉnh tề lịch sự. Hỏi toàn những chuyện đâu đâu: Bên Tây, bên Mỹ, bên Thái Lan và miền Nam. Tôi trả lời ấm ớ lửng lơ con cá vàng. và rồi đột ngột, tôi bảo là quên hết tất cả rồi. Anh ta vẫn rất từ tốn, bảo tôi cố nhớ lại, giúp cho anh ta có thể đánh giá chính xác đúng những con người ở xa xôi đó.

Tôi bảo:

“Tôi đang đói đây, đang ho lao đây, đang mệt rũ ra đây. Bây giờ là gần 11 giờ trưa rồi, tôi chưa được một hớp nước, chưa được một miếng gì cho vào bụng nên tôi đói lắm, mà dạ dầy đói thì không có tai để nghe. Xin để cho đến chiều hoặc mai. Ðưa tôi về xà lim nghỉ thôi.”

Tôi tưởng anh ta sẽ nổi cáu.

Nhưng không:

“Thôi được, anh về, mai tôi sẽ gặp lại.”

Sáng mai, tôi được gọi lên. Sau khi ngồi vào ghế, anh ta rút trong cặp ra hai cái bánh mì Badega kẹp thịt, một gói thuốc ho Rimifon, một bánh xà phòng thơm đưa cho tôi:

“Anh ăn đi. Còn các thứ này để dùng khi đi trại.”

Giọng nói, ánh mắt đầy sự tử tế. Tôi ung dung ngồi ăn hết hai cái bánh mì và chờ đợi những câu hỏi hắc búa. Nhưng không, thấy tôi ăn xong, anh hỏi:

“Tôi đã đọc kỹ hồ sơ lý lịch của anh rồi. Ðọc kỹ, nhưng chưa đầy đủ bằng gặp chính con người của anh. Hôm qua gặp, thấy anh nói bị đói và bị ho nên hôm nay tôi đem đến cho anh ít thuốc. Thế thôi nhé. Anh có thể về được rồi.”

Và anh ta gọi quản giáo dẫn tôi về xà lim. Tôi hơi ngạc nhiên trước sự việc đó. Lúc ấy là Tháng Năm 1972. Năm 1976 tôi được tha, đến năm 1979 tôi đang đạp xe đạp ở phố Lò Ðúc thì thấy có người gọi:

“Anh Vĩnh, anh Vĩnh.”

Tôi quay lại không nhận ra ai. Anh ta cười bỏ mắt kính ra, tôi liền nhận ra anh: người cán bộ hỏi cung đã cho mình bánh mì và thuốc.

Tôi mời anh đi uống bia, anh từ chối và bảo:

“Tôi rất mừng là thấy anh trở về mạnh khỏe thôi, tôi xin lỗi vì có việc bận không đi uống bia với anh được. Chúc anh khỏe và gặp nhiều điều tốt lành.”

Tôi cố nài mời anh, anh nhất quyết chối từ, bắt tay xin lỗi và đi. Tôi có hỏi tên anh, anh vờ như không nghe thấy và không trả lời. Cảm ơn anh.

Sau câu chuyện hỏi cung trên, tôi đi trại Vinh Quang (thuộc tỉnh Vĩnh Phú). Gặp lại một số người quen cũ, tay bắt mặt mừng, cứ như là đi phép trở lại đồn vậy. Kể cũng nực cười. Và chính ở trại này, tôi gặp một vị thánh tử vì đạo nữa: Lâm Ðình Tuy, người Nam Hà, giáo dân địa phận Bùi Chu.

Khi tôi lên trại Vinh Quang được ít lâu thì có một tu sĩ tên là Hiếu ở địa phận Thái Bình được thả về tự do. Nhưng chỉ độ ba tháng sau, lại thấy tu sĩ Hiếu bị bắt đem lên trại. Mọi người đều mừng mừng tủi tủi, và cũng coi như tu sĩ được đi phép về. Riêng giáo dân thì hồ hởi lắm. Hỏi ra thì mới biết là khi được tự do, Giáo Hội đã phong tu sĩ Hiếu làm linh mục và khi bị bắt lại Linh Mục Hiếu đã đem theo được “Mình Thánh” vào trại tù. Các tín đồ Thiên Chúa Giáo một mực rất kính trọng Linh Mục Hiếu, săn sóc, chăm nom cực kỳ chu đáo, có quà gì cũng đem biếu: một ấm chè ngon, một củ sắn luộc, vài cái bánh ngọt mới được tiếp tế.

Linh Mục Hiếu có dáng vẻ một trí thức nho nhã, trắng trẻo, đẹp trai, thông minh, trạc 35 tuổi. Một con người không có gì để chê trách, phàn nàn về mọi phương diện. Ăn ở, ứng xử với mọi người lúc nào cũng khiêm tốn, nhã nhặn tươi cười, hòa đồng với mọi lớp người trong tù không phân biệt chính trị hay hình sự.

Linh Mục Hiếu lên trại Vinh Quang lần thứ hai thì được Phó Giám Thị Cự công bố với toàn trại tù là ông cha đạo Hiếu này chính là một tên lưu manh chuyên nghiệp. Mọi người cứ há mồm, ngớ ra không hiểu.

Cự giải thích như sau:

“Hiếu là một tên vốn lười biếng, thích ăn ngon mà không thích lao động, một tên ăn bám xã hội, trông mẻ người anh ta thì thấy ngay là loại ăn trắng mặc trơn, ăn ngon mặc đẹp nên đi tu, làm nghề tôn giáo, lừa bịp các giáo dân để kiếm ăn. Thử hỏi, dưới chế độ XHCN của chúng ta, những người yêu lao động có thể nào chấp nhận phần tử ăn bám đó. Trí thức như Hiếu, thì giá trị không bằng cục cứt (trích Mao Trạch Ðông), mà trí thức gì cái anh ta: Học được mấy chữ “la tanh tưởi” đến nhà thờ rao giảng, lẽ thường ra khấn khứa thì cứ theo lối Việt Nam ta: gần bay là xa bay bổng mời các cụ về hưởng lộc cho con cháu. Nhưng y lại không khấn khứa như thế, y nói: ‘Ca tê riom, ca thế dran,’ ra cái điều cao siêu bí hiểm, nó có cái quái gì là bí hiểm đâu, nó là: cá trê rán, cá trê om nói trệch đi, thế thôi. Ðấy y lừa bịp các giáo dân như vậy đấy. Chỉ để kiếm miếng ăn như mấy lão thầy cúng chập chững ấy mà.

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 12)

0
Kiều Duy Vĩnh 

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

 

Kỳ 12

 

Hoặc:

Chẳng phải voi cũng chẳng phải trâu

Ấy là con chó cắn gâu gâu

Rồi tôi đọc cho cố Hoàng nghe. Toàn bộ thơ của tôi cố Hoàng sổ toẹt hết. Nói chẳng ra làm sao cả. Cố Hoàng bảo chỉ có mỗi một câu nghe được thôi. Ðó là câu:

Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,

Tấm thân chìm nổi đến bao giờ

Cố Hoàng rất hay làm thơ và cũng ngâm lại cho tôi nghe. Giọng cố ngâm rất hay, cố lấy làm thích thú lắm. Ra cái điều tâm đắc. Nhưng cố Hoàng hát còn hay hơn nữa. Cố hay hát bài ca tụng các Thánh tử vì đạo của Cha Vinh (địa phận Hà Nội).

Nếu không có mẹ, ở nơi lưu đày…

Xin Mẹ hãy nghe lời con kêu van, khẩn cầu đau đớn

Và…

Dù gươm chém hay đầu rơi

Lòng vàng đá không hề phai…

Làm cho tôi thuộc đến tận bây giờ.

Và cũng như bài thơ Tết Nhâm Dần ở trên, cố cứ ngâm nga mãi, tuy rằng bài thơ không hay nhưng nó lột tả được toàn bộ sự thật đau xót khốn khổ của cái Tết tù năm đó. Vì không có bài thứ hai, nên tôi xin được phép chép lại, các vị cũng lượng thứ cho. Vì cái Tết của chúng tôi đúng như vậy đó. Chỉ được ăn một bữa, bữa trưa ngày mồng một Tết thôi. Mà đói vàng mắt ra, vì mãi đến tận một giờ chiều mới được ăn.

Mọi ngày chúng tôi ăn khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng. Riêng ngày mồng Một Tết, các quan còn bận ăn Tết nên không xuống mở cửa sớm. Mãi đến tận 10 giờ sáng mới xông đất mở cửa nhà bếp. Thế có nghĩa là ba tiếng đồng hồ sau, một giờ chiều chúng tôi mới được ăn cơm sáng.

Mười giờ sáng, mở cửa, phát cho mỗi người hai cái kẹo. Lại đóng ngay cửa lại. Sau khi tù khênh cứt đái ra ngoài đổ chúng tôi lại vào buồng ngồi chờ cơm. Trong khi chờ đợi thì thưởng thức hai cái kẹo ăn dỗ trẻ con và chịu khó nhịn đói đến một giờ chiều. Ðúng như lời trong thơ tả:

“Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy”

Và ba miếng thịt lớn bằng ba đốt ngón tay, và, của đáng tội, còn được thêm mấy miếng lòng nữa mà cố Hoàng không chép nhét vào trong bài Thơ Ðường đó được.

Bài thơ không được hoàn chỉnh lắm và có thể thất niêm thất luật. Nhưng nó đúng, đúng với sự thật đau xót Tết vẫn ăn cơm độn sắn, đắng ngắt. Nhưng cái kết không có hậu. Khốn nạn thân tôi đến thế này thì thật là mệt quá.

Tôi, tôi vẫn muốn có một happy end, vẫn muốn có Tiên Ðiền Nguyễn Du với nàng Kiều ở sông Tiền Ðường lên cho tái hồi Kim Trọng, tôi vẫn muốn sống và trở về tự do, về nhà cùng mẹ và vợ con tôi, nên tôi xin phép cố Hoàng cho tôi sửa lại câu cuối. Cố bảo thì sửa đi. Tôi sửa thành:

“Ước đến sang năm khác thế này.”

Cố gật đầu bảo: “Thôi cũng được.”

Thế là bài thơ đó như sau:

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay

Chiều 30 Tết vẫn ăn chay

Bánh chưng mong đợi thời không có

Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay

Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn

Ước đến sang năm khác thế này.

Có thể là vì câu thơ cuối, mà cố Hoàng thì nằm lại chôn thân nơi đó, còn tôi may mắn trở về để viết lại câu chuyện này hôm nay chăng.

Xin hết.

 

1. Ðức Thánh tử vì đạo thứ hai mà tôi được gặp

 

Ðức thánh thứ nhất là tu sĩ Ðỗ Bá Lung từ Ngọc Ðông, Hưng Yên đã chết ở Cổng Trời còn đức thánh thứ hai này thì bị bức hại tàn ác dã man ở trại Phong Quang, Lao Kay.

Ngài tên là Lâm Ðình Túy người Nam Hà, giáo dân địa phận Bùi Chu. Ðức thánh này quyết liệt hơn, dứt khoát hơn, những điều mà Ngài Lâm Ðình Túy làm thì chỉ có một không có hai, trước không có và sau này cũng không thể có.

Trước ngài, chúng ta ai cũng ngả mũ cúi đầu kính cẩn nghiêng mình.

***

Tháng Năm 1972.

Mỹ bỏ bom tại miền Bắc Việt Nam. Ngày 10 Tháng Năm, cầu Long Biên lại bị đánh sập. Ðến chiều ngày 11 Tháng Năm 1972, tôi lại bị bắt lần thứ hai với tội phản cách mạng. Ðiều này không có gì là bất ngờ đối với tôi cả. Tôi đã chờ đợi nó từ năm 1971. Khi Tổng Thống Mỹ Nixon cho trực thăng đổ bộ xuống trại tù binh Mỹ ở Sơn Tây để hòng cướp lại các phi công bị bắt tôi đã thấy tôi bị theo dõi từng bước. Luôn có một cái đuôi theo tôi.

Và đến năm 1976, khi cầm lệnh tha, tôi đọc thấy quyết định bắt tôi kể từ Tháng Sáu năm 1971 thế mà mãi đến một năm sau tôi mới bị bắt kể cũng hơi muộn. Thiếu tá Công an Cường, thường gọi là Cường cao trực tiếp tới bắt tôi ở quê ngoại tôi: thôn Ðông xã Hội Xá, Gia Lâm nơi gia đình tôi chạy bom sơ tán về đó.

Lúc công an xộc vào nhà, tôi đang sửa soạn đi tắm. Tôi cười, bảo với Cường cao là để tôi tắm xong rồi hãy bắt đi.

Cường cao rất tử tế bảo:

“Thôi, anh Vĩnh vào Hỏa Lò rồi hãy tắm.”

Tôi bảo:

“Vào đó phải đến ngày đầu tháng mới được tắm chứ.”

Cường cao bảo:

“Tôi hứa là sẽ để anh tắm trước khi vào xà lim.”

Mẹ tôi và vợ tôi gào lên:

“Tội tình gì mà lại bắt người ta. Sao mà tàn ác thế. Ðã giết người cướp hết của cải rồi mà vẫn không buông tha.”

Cường cao ôn tồn bảo với vợ tôi:

“Chị bình tĩnh lại, yên tâm. Khi nào Mỹ chấm dứt bỏ bom chúng tôi sẽ cho anh ấy về.”

(Thế mà mãi đến năm 1976 sau khi chiếm được Sài Gòn một năm, họ mới tha cho tôi về).

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời cắn Tỷ (Kỳ 11)

0
Kiều Duy Vĩnh

 

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục Công Giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

 

Kỳ 11

 

Tôi bảo: “Hai phần ba là xương thì có.”

Anh cãi: “Cậu biết đếch gì, này lưỡi này tai, này mồm này má, này óc; xương không bao nhiêu đâu.”

Và anh nói đúng thật.

Anh nói xong nuốt nước bọt làm tôi thèm lây.

Những tháng rét, chúng tôi ăn sắn độn cơm và ăn lá bắp cải già nấu muối. Nói là 12 kg sắn gạo, nhưng có lẽ chỉ còn độ 9, 10 kg thôi. Lĩnh gạo ở mậu dịch về làm gì có cân đủ, về để ở kho chuột bọ lại hao hụt đi, phát đến nhà bếp còn độ 10 kg, nhà bếp lại giữ lại cháy để nuôi lợn nữa.

Lá bắp cải già đen, nấu trong chảo, cho muối vào nước đen sì có vị nồng, người ngoài nhìn không dám ăn nhưng chúng tôi ăn ngon lắm. Giá nhà bếp họ cho đủ mặn thì tốt quá. Nhưng muối cũng bị hạn chế, có li-mít. Chúng tôi thường đổ một bò nước vào canh để cho nó được nhiều hơn. Và húp hết canh rồi mới ăn đến cơm và những lúc đó tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, tại sao ở ngoài đời lại phải ăn cơm với thức ăn nhỉ. Cơm không cũng đã ngon lắm rồi hà tất gì còn phải thức ăn nữa.

Cơm ăn rất ít khi còn nóng. Vì từ nhà bếp lên đến buồng giam phải mất thời gian chừng hai tiếng đồng hồ. Này nhé: cơm ở chảo, xúc ra thùng. Ra thùng rồi, lại phải cân. Cân xong gánh để ở sân trại. Hôm nào mưa thì để ở hè. Trời rét cơm canh nguội rất nhanh. Quản giáo trực mở cửa từng khu một cho ra lấy cơm. Khu C trước, rồi Khu B, rồi mới đến Khu A. Ðến Khu A thì cơm đã nguội lắm rồi. Ðem vào buồng lại phải dằm nát ra để chia cho đều, cho công bằng. Chia bằng cân tiểu ly tự tạo từng xuất một. Thế là nguội lạnh hết cả. Ăn cơm xong coi như không ăn. Vì ăn vào lại thấy rét thêm. Hình như cơ thể phải tỏa ra năng lượng để hâm nóng cơm canh cho bằng với nhiệt độ ở trong người.

Quàng chăn vào mà ăn, ăn xong vẫn thấy rét. Cái đói và cái rét đi song hành với nhau. Cơ hàn thiết thân mà. Và những lúc đói rét đó, chúng tôi mong Tết đến lắm. Dù thế nào đi nữa, Tết ở các trại dưới bao giờ cũng có bánh chưng. còn được phát cả kẹo bánh nữa. Dù ít nhưng cũng gọi là có. Và vì vậy mà tôi mong Tết đến lắm. Tôi thèm một cái kẹo bột dỗ trẻ con quá đi mất thôi.

Tết đến may ra được một bữa no. Lại có thêm tí đường. Những ngày lễ 1-5, 2-9, tù có được ăn thịt trâu, bò, hoặc lợn. Tù hình sự gọi thịt là “mều.” Ðược dăm ba miếng thịt thêm mấy miếng lòng, thế là đời tươi rồi.

Những ngày ấy bụng tôi nó hơi lưng lửng. Chỉ riêng có Tết, cơm + canh + thịt + bánh chưng là tôi được gần no. Tôi luôn nghĩ đến câu: “Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.” Nên cái bánh chưng phát chiều 30 Tết cùng tất cả kẹo bánh tôi dồn cả vào sáng mồng một. Ăn hết cơm canh thịt thà xong tôi bóc cái bánh chưng ra ăn tiếp. Hết cái bánh chưng tôi tráng miệng nốt chỗ kẹo bánh. Ăn liền một lúc. Vươn vai đứng dậy. Thế là hết Tết.

Ngay ở các trại dưới, Tết chỉ hai ngày, chỉ có hai chứ không có ba. Vì sáng mồng ba Tết đã phải đi làm rồi. Với tù, Tết bắt đầu từ chiều 30. Bữa chiều 30 Tết bao giờ cũng có lòng trâu lòng lợn, thêm tí thịt thủ, tý mỡ vào canh lá bắp cải già. Chả là sáng 30 Tết, trại làm thịt lợn, thịt trâu để cho Ban Giám Thị, Ban Chỉ Huy bộ đội gói bánh chưng.

Bữa sáng mồng một tù được ăn thịt hẳn hoi. Chiều lại ăn cơm rau như thường. Sáng ngày mồng hai lại được ăn một bữa thịt nữa. Chiều mồng hai lại ăn rau có thêm nước luộc thịt. Thế thôi. Thường thì tù vẫn còn đói.

Ðấy là ở các trại dưới. Trại Ngọc, Yên Bái; trại Da Thịnh, Tuyên Quang; Phong Quang, Lao Kay; Tân Lập, Phú Thọ; Tân Sơn, Lạng Sơn; và Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc…

Còn ở Cổng Trời năm đó, năm Nhâm Dần 1961…

Chiều 30 Tết. Rét cắt ruột, cắt thịt, cắt da. Bầu trời xám xịt ảm đạm đầy mây. Trại tù im ắng quá. Tôi đứng ở cửa sổ, nhìn qua song cửa gỗ lim, thấy anh Nguyễn Hữu Ðang đứng ở sân trại nói với phó giám thị trại quỷ xứ người Ðức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi lắng nghe lỏm bõm.

“Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiên và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm… Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi…”

Có tiếng quát cao giọng ngắt đứt lời của anh Nguyễn Hữu Ðang.

“Không có gì cho các anh hết cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì… Cho thế nào ăn thế…”

Rồi quỷ sứ quay ngoắt người bước ra cổng trại và rồi chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì.

Không có gì hơn.

Hai ngày Tết trôi qua. Ðến sáng ngày mồng ba, Cố Hoàng làm một bài thơ vịnh cái Tết đó đọc cho tôi nghe. Thơ rằng:

 

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay

Chiều 30 Tết vẫn ăn chay

Bánh chưng mong đợi thời không có

Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay

Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn

Khốn nạn thân tôi đến thế này…

 

Tôi vốn ghét những người làm thơ không hay. Khốn nỗi, những người làm thơ không hay lại rất hay làm thơ. Và đã làm thơ thì thế nào cũng níu kéo một người nào đó để đọc cho nghe. Tôi khổ sở vì phải nghe những bài thơ đó. Hồi nhỏ, tôi thấy thầy tôi ngồi cùng các vị túc nho hay chữ, lúc trà dư tửu hậu đùa cợt có nói câu:

“Ai mà nói dối, thì ăn câu đối cụ Nghè Bản” và các cụ cười ầm lên.

Tôi không rõ cụ Nghè Bản là ai và ở đâu. Nhưng suy luận ra chắc là câu đối của cụ thối lắm nên mới có câu nói cửa miệng đó.

Nó cũng như câu nói của Thánh Quát: “Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An.” Ấy đến bây giờ đây, ở đâu cũng thấy làm thơ, thơ hay đến không ngửi được cũng đăng báo, xuất bản thành tập làm khổ người xem, người đọc.

Hình như ở đất nước này, ai ai cũng thích làm thơ. Ngay thằng tôi đây, một người Việt Nam chân chính, tôi cũng mắc cái tật cũng làm thơ như ai. Nhưng vì tôi là con nhà binh, nên làm thơ chỉ đạt đến trình độ của mấy ông quan võ ngày xưa mà thôi. Nghĩa là:

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đấy

Kỳ tới : Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 12)

Nguồn : Người Việt

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 10)

0
Kiều Duy Vĩnh 

LTS – Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục công giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

Kiều Duy Vĩnh tác giả cuộc tuyệt thực ở cổng trời.

Kỳ 10

 

1. Tết ở trại Cổng Trời

 

Ở Cổng Trời tất cả có năm khu:

Khu O, khu H; rồi đến khu A, B, C. Tôi chịu không đoán ra tại sao lại là khu O, khu H, cũng như cái địa chỉ C65 HE và 75A Hà Nội.

Khu O và khu H, tôi không biết nó thế nào. Chịu. Không hình dung ra nổi, vì tôi không nhìn thấy ai ở đấy và không hề gặp ai ở trong đó ra kể chuyện lại để biết. Chỉ nhìn thấy Cha Vinh, Cha Quế vào đó và không thấy hai cha đó ra về nữa mà thôi.

Có lẽ ở hai khu đó chết hết không còn ai cả. Không còn một ai để kể lại, để viết lại những gì đã xảy ra tại đó.

Chỉ duy nhất có một lần một người tù hình sự bảo với tôi khi tôi được tự do, là ở đó có hầm đá, quan tài đá và chôn một người chết ở đó được thêm một cân lòng trâu. Thế thôi. Không còn biết gì hơn nữa.

Nhưng Khu A, Khu B, Khu C thì tôi biết rõ vì tôi lần lượt ở cả ba.

Khu A thì (tính đến 1967) chết gần hết chỉ còn tôi và Trần Huy Liệu người Cầu Giát, Quỳnh Lưu.

Khu B thì chết ít hơn, Khu C thì phần lớn còn sống trở về.

Ðấy là nói những năm về sau: thập kỷ 70, còn 72 người đầu tiên lên trại Cổng Trời năm 1960 thì hiện nay (1997) tôi chỉ còn gặp lại mỗi một anh Nguyễn Hữu Ðang người đứng đầu Nhân Văn Giai Phẩm mà thôi. Nghĩa là 70 người kia chẳng còn ai cả.

Coi sóc cả ba khu là một phó giám thị, tôi không còn nhớ tên, chỉ còn nhớ y là người Ðức Thọ, Hà Tĩnh cùng quê với cố Hoàng (có hai con trai sinh đôi là Song, Toàn).

Trông phó giám thị như quỷ sứ hiện hình. Ðen đủi mắt nọ chửi mắt kia, mồm méo xệch. Lúc nào cũng lừ đừ lừ đừ, lủi thủi như ma hiện hình. Ðột ngột đến, đột ngột đi, lúc nào cũng rình mò chộp, giựt một cái gì đó. Nhìn ai thì trợn trừng, trợn trạc như muốn giết người ta. Cố Hoàng bảo: “Tôi biết hắn lắm mà. Hắn giết nhiều người lắm đó.” Tuy đồng hương, nhưng hắn không nói với cố Hoàng bao giờ cả.

Ðột ngột đến, xông vào buồng, xộc vào tận ngóc ngách nhìn soi mói, sờ nắn nếu có gì nghi ngờ, có thể chui ngay xuống gầm bàn nằm, để móc ra một cái gì đó.

Có một lần khi mới lên, Trần Huy Liệu thấy hắn vào buồng bèn thắc mắc:

“Thưa ông.”

“Gì?”

“Ăn uống ở đây kém quá, ông cho biết tiêu chuẩn của chúng tôi được như thế nào?”

“Cái gì.

“Tiêu chuẩn à. Các anh không có tiêu chuẩn gì hết. Cho thế nào ăn thế.”

Hết. Phó giám thị đi tiếp. Và rồi Chánh Giám Thị Vũ Ðình Nhân nói về số phận của chúng tôi. Thế là đã rõ ràng. Chúng tôi đành cam chịu.

Mỗi khu có chế độ đối xử riêng:

Khu A: Hưởng đồng loạt: 12 kg sắn cộng gạo một tháng, được ngồi chơi trong buồng giam không phải làm gì cả. Cứ ở trong kiên giam suốt ngày đêm. Không được viết thư, không được nhận thư, không sách, không báo, không một mẩu giấy, không một cái bút.

Khu B: Ăn 13 kg 5 đến 15 kg sắn cộng gạo một tháng. Ðược ra ngoài hè nhà đan lát, chẻ tăm làm việc vặt. Sáu tháng được viết thư một lần và được nhận thư.

Khu C: Ăn 15 kg đến 18 kg sắn cộng gạo một tháng. Ðược lao động ở sân trại: đánh đá xây trại, xây nhà, thợ mộc thợ nề biết gì làm nấy. Ba tháng viết thư một lần. Ðược mua thêm sắn, khoai, dong riềng, thịt trâu ăn thêm. Ðược coi là những tù nhân có phần nào đã chịu cải tạo. Ðược đối xử khá hơn Khu A và Khu B, tuy vẫn ở trong bốn tường rào và vẫn chịu sự kiểm soát ngặt nghèo.

Nhưng tất cả đều không được gặp người nhà và không được nhận tiếp tế, thăm nuôi.

Tôi đã nói ở trên: Khu C có một lần được mua sắn về luộc ăn. Say sắn chết mất năm người.

Ðầu năm 1965 thì tôi được sang Khu C và đến năm 1965 thì tôi được về xuôi tại Phú Sơn 4, Thái Nguyên.

Cái Tết đầu tiên ở Cổng Trời năm Nhâm Dần 1961, tôi được hưởng một cái Tết đặc biệt nhất trong đời tôi.

 

Ở Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng bắt đầu từ Tháng Năm; mùa rét từ đầu Tháng Chín. Nóng ít hơn rét. Tuy là nóng nhưng đêm vẫn phải đắp chăn vì khí lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.

Nguyễn Hữu Ðang sáu tháng tắm một lần. Anh bảo: “Có ai chết vì không tắm đâu. Cậu xem đấy những anh nghiện thuốc phiện cả đời có tắm bao giờ đâu chả sao hết.”

Anh Ðang đúng quá đi chứ. Những lúc đói rét, cơ hàn thiết thân tôi mới thấm câu: Ðói cho sạch, rách cho thơm. Ðói thì làm sao mà sạch cho được. Ðói rét, nhúng tay vào nước còn ngại nữa là tắm. Còn đã rách mà còn đòi thơm nữa. Các cụ nhà mình thật quá khe khắt với con cháu.

Tôi nửa tháng không dám rửa chân. Vì nếu rửa chân thì cái lạnh cứ bám lấy đôi bàn chân mấy ngày không ấm lại được. Suốt ngày đêm ngồi co ro trên sàn gỗ có bẩn đâu mà phải rửa. Còn rửa mặt, thì Trần Liệu hàng tháng không đánh răng rửa mặt. Mắt anh đầy dử, và mồm anh ta vêu ra đầy bựa.

Cứ khi đói là anh nói chuyện với tôi về Cầu Giát Quỳnh Lưu Nghệ An quê anh: về thịt trâu, thịt bò, thịt me (bê), thịt lợn, thịt nghé rồi cá chim, cá thu, cá ngừ, cá dưa, cá cơm, cá cháo.

Vui đáo để và buồn cũng đến não lòng.

Ðầu óc anh thật đơn giản nhưng vô cùng tốt lành. Có lần đúng ở cửa sổ nhìn ra sân trại, anh quay lại bảo với tôi: “Chiều nay ăn ‘chốc tru.’”

Tôi ngớ người ra không hiểu. Anh nhắc lại” “Chốc” là đầu, “tru” là trâu: đầu trâu. Anh rất méo mó nghề nghiệp. Anh giảng cho tôi biết: “Ðừng tưởng ‘chốc tru’ là toàn xương đâu. Khối thịt ra đấy. Bỏ sừng đi. Còn lại hai phần ba là thịt đấy.”

Cổng Trời Cắn Tỷ (Kỳ 9)

0
Kiều Duy Vĩnh

 

Kỳ 9

 

Những năm 50, ở Thái Bình tôi có may mắn gặp đức giám mục người Tây Ban Nha coi sóc địa phận, cha Chính, cha Trụ ở thị xã, rồi các cha ở Sa Cát, Phương Xá, Bái Bồ Trung, Phù Lưu (ngã ba Ðọ) Cao Mái. Tôi hành quân giải vây cho các nhà thờ bị vây hãm.

Tóm lại tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về các xứ đạo ở đó lắm.

Tôi nói chuyện vói tu sĩ Chính về các kỷ niệm xưa đó, hai ngươi rất tâm đầu ý hợp.

Thấy tôi kêu la nhiều. Có một hôm, tu sĩ Chính ốm, ốm ở đây ít ai bỏ ăn. Ở Cổng Trời, ốm phải không? Tốt. Tốt lắm! Nếu ốm chết thì hay quá: Khỏi phải giết! Ðỡ mệt hơn.

Hôm ấy tu sĩ Chính bỏ ăn. Ông rất ít khi ốm, từ Bất Bạt tôi thấy ông không ốm bao giờ tuy rằng ông rất gầy và xanh. Nhưng sự chịu đựng gian khổ, đầy đọa của ông thì tôi phải ngả mũ kính cẩn vái chào.

Lúc nào cũng ôn tồn, nhỏ nhẹ, điềm tĩnh cười nói như không cho dù có điều gì xảy ra.

Tôi còn mấy viên thuốc cảm, đưa ông dùng ông bảo không sao đâu. Chỉ có miệng ông đắng và bụng ông nó không ổn, thế thôi. Buổi chiều qua đi ông cũng bỏ cơm. Chúng tôi thường ăn vào độ ba, bốn giờ chiều. Cấm mọi hình thức nấu nước đun lại. Với chúng tôi chín giờ đêm là khuya rồi. Tu sĩ Chính lay tôi dậy và bảo:

“Vĩnh ăn hộ tôi đi, chứ để mai thiu, bỏ đi. Phí của lắm.”

Tại sao tôi lại có thể ăn suất cơm của tu sĩ Chính như thế được chứ. Tôi từ chối: Tu sĩ cố ăn đi chứ?

“Thật tình tôi đắng miệng lắm, và bụng tôi nó nóng như lửa, quặn đau lắm, không thể ăn được. Vĩnh ăn hộ tôi đi.”

Không để đến mai thì phải đổ đi mất! Họ có cho đun đâu mà bảo nấu lại được.

“Ăn đi. Ăn hộ tôi, khỏi phí. Vĩnh ạ.”

“Nếu Vĩnh không ăn, sáng mai nhà bếp nó lên nó lấy đồ cho lợn thì uổng lắm Vĩnh ạ.”

Tôi nghĩ thấy đúng như ông nói. Ở các trại dưới, cơm có thể phơi khô để dành. Chứ còn ở đây, thì chỉ còn có đổ xuống nhà bếp cho lợn ăn mà thôi.

Thế thì tại sao lại cho lợn ăn nhỉ? Trong khi ấy tôi đói, tôi đói lắm, tôi thèm lắm. Tôi thấy thế và nghĩ đúng như thế.

Lúc đó đã là 10 giờ đêm rồi.

Thế là tôi ăn hai suất cơm đó, các vị đọc tới đây, tất có vị sẽ chửi rủa tôi. Xin các vị cố hiểu mà đánh chữ đại xá cho.

Tôi ăn, ăn cả hai suất cơm canh trong nháy mắt và nằm ngủ.

Ngủ yên và say cho đến sáng. Lâu lắm tôi mới được “sínđề” và được một bữa tương đối.

Cám ơn tu sĩ Chính tức Nhẫn. Cám ơn nhiều.

Sáng hôm sau, như thường lệ, mọi người và cả tu sĩ Chính dậy sớm cầu kinh và ông bảo tôi ông thấy đỡ nhiều. Chỉ đến chiều hôm ấy, tôi đã hiểu ra là tu sĩ đã nhịn cho tôi ăn.

Cám ơn ông. Cho đến tận hôm nay ba mươi năm trôi qua tôi vẫn còn món nợ đối với ông mà không thể nào trả được.

Chỉ còn biết cầu Chúa, để Chúa biết đến sự hy sinh cao cả của ông, đến sự vất vả nhọc nhằn của ông khi ông vác cây thánh giá của Chúa theo Chúa đến chết.

Cầu sao cho linh hồn ông được tới thiên đàng.

Sáng hôm thứ hai của sự tuyệt thực, tù lại khênh cơm lên.

Quản giáo lại đứng đấy để giám sát. Không ai nhúc nhích gì. Không ai ăn cả, kể cả tôi. Lúc ấy tu sĩ Chính đứng dậy cầm bát chia cơm canh của tôi ra cái thùng gỗ của nhóm năm người, tôi vẫn ăn cùng với tu sĩ. Tu sĩ Chính xúc vào bát của tôi, cơm canh đầy đặn và lặng lẽ bê đến trước mặt tôi.

“Ðây phần của anh, anh ăn đi và về ngồi lại ở chỗ mình.”

Một lần nữa tôi lại xin các vị cố hiểu cho tôi và bỏ qua cho tôi.

Tôi không theo đạo Thiên Chúa và không làm dấu thánh bao giờ.

Tôi ăn. Hà tất gì tôi lại nhịn không ăn. Không có điều gì thúc đẩy buộc tôi bắt tôi không ăn cả.

Tôi nghĩ đúng như vậy.

Nhân cơ hội ấy. Quản Giáo bèn lên tiếng:

“Ðấy các anh thấy không? Anh Vĩnh, anh ấy ăn cơm không cần làm dấu thánh. Có sao đâu nào. Anh ấy vẫn ăn được một cách ngon lành, thế thì tại sao các anh lại không ăn?

Các anh là đồ ngu dốt, cuồng trí, dại dột dám chống lại đảng và chính phủ.

Rồi các anh sẽ biết.”

Không một tu sĩ nào trả lời đáp lại.

Có tôi lên tiếng:

“Xin lỗi ông, chắc ông đọc lý lịch của tôi thì ông đã rõ, tôi không theo đạo nào cả? Phật không, chúa cũng không, mà lệnh của các ông thì chỉ có cấm làm dấu thánh trước khi ăn mà thôi. Tôi, tôi từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa làm dấu thánh bao giờ. Vì vậy tôi ăn có thế thôi.”

Ðứng cho đến lúc tôi ăn xong. Quản giáo thấy trơ trẽn quá, quay gót khóa cửa ra về.

Ðến buổi chiều không thấy mặt ai cả. Cả giám thị, cả quản giáo cả lính coi tù.

Tu sĩ Chính đứng dậy chia cơm cho một mình tôi. Tôi ăn.

Các đấng bậc và kể cả T.H Liệu cũng không ăn.

Hai ngày trôi qua.

Sáng hôm thứ ba tù khênh các thùng cơm canh nguội lạnh còn nguyên xuống nhà bếp và rồi lại khênh lên với cơm canh mới hãy còn nóng.

Không có ai đi kèm.

Ban giám thị không.

Quản giáo không.

Khênh cơm canh vào buồng. Khóa cửa lại.

Chia đều.

Và các đấng bậc tu sĩ lại làm dấu thánh trước khi ăn.

Chẳng ai cười cợt, nói năng, hát hò, reo vui gì trước cuộc đấu tranh đã dành được thắng lợi lẫy lừng và vang dội đó (như các bài báo của Cộng Sản mà tôi đã đọc riết về các cuộc tuyệt thực của họ cả).

Và cuộc sống của chúng tôi lại lặng lẽ trôi như thế cho đến khi tôi được về và các vị còn lại chết hết.

1/8 Âm lịch năm 1994