

Thật vậy, người ta hay nghĩ đến nước Mỹ hiện đại và giàu có. Một nước Mỹ của New York, San Francisco, Boston…là những thành phố lớn, công nghệ cao, đông dân và thu nhập tốt. Nơi đó có các cộng đồng dân cư khác nhau, hiểu biết và giàu có với những tranh luận chính trị sôi nổi và đa dạng.

Nhưng rồi toàn cầu hoá đến, gặm nhấm và lấy đi từng chút, từng chút một những giá trị “cộng hoà” của cường quốc số 1 thế giới. Liệu quá trình toàn cầu hoá có là tất yếu và nhanh như vậy hay không thì vẫn là một câu hỏi, đối với tôi là bất khả tri.

Ở những vùng đó, người trẻ rời đi, người già ở lại. Những thị trấn từng có nhịp sống vui tươi giờ chỉ còn tiệm tạp hoá cũ kỹ và những nhà thờ leo ngeo vài bóng ngừơi già. Các sắc dân mới, đặc biệt là Á Châu thì cực kỳ chăm chỉ và nhanh chóng len lỏi vào những dịch vụ hái ra tiền nhất.

Từng câu nói trang nghiêm đó thấm vào da thịt tôi. Đó là nhưng câu nói của những người đau khổ bị gạt ra ngoài lề xã hội như chính những người dân quê tôi mà vì vậy tôi đã tranh đấu suốt hơn 20 năm qua. Tôi hiểu họ không cần thương hại nhưng họ cần được lắng nghe, được nhìn thấy, được tôn trọng.

Tôi từng đọc hàng trăm bản cam kết và cũng chừng ấy lần vi phạm của người da trắng đối với da đỏ bản địa trong quá trình mở rộng nước Mỹ. Cuối cùng thì những đền bù và bảo tồn có lẽ là hợp lý nhất.
Họ nói rằng mình không cần vinh danh. Họ chỉ muốn được đối xử như con người, được nhớ rằng họ từng hy sinh vì lá cờ 50 ngôi sao màu trắng trên nền xanh dương này.

Rồi họ đi xa hơn, sâu hơn vào những miền hoang vắng. Họ tìm về thiên nhiên với núi rừng và sông suối, không phải để giải trí, mà để cảm thấy mình còn gắn với đất mẹ, nhưng trước mắt là để sống sót vì nơi đó chi phí sống rẻ hơn và họ có thể trồng rau, chăn nuôi và săn thú để ăn.

Họ biết ông thô lỗ, nhưng họ không quan tâm. Họ không tìm sự hoàn hảo mà họ thành tâm tin tưởng rằng mình đang tìm đúng một người đứng về phía họ.

Từ South Carolina đến Tennessee, từ người da trắng nghèo bệnh tật đến người da đỏ mỏi mệt và nghiện ngập, từ người nông dân già đến cựu binh không nhà, tôi thấy họ đều mang chung một cảm giác: bị gạt ra khỏi giấc mơ Mỹ.

Giờ đây nước Mỹ lại cung cấp cho tôi một góc nhìn khác và khi đang rong ruổi trên những nẻo đường trên quốc gia rộng lớn này, tôi hiểu rằng nếu các nhà lãnh đạo chỉ nhìn đến thành phố và quên những con đường bụi đỏ thì Trump, hoặc người giống như ông, sẽ còn được bầu tiếp trong 1 nhiệm kỳ nữa. Không phải vì họ cuồng tín mà vì họ không còn lựa chọn nào khác.
