Những tháng ngày đen tối (kỳ 3)

0
48
Ảnh: Một ngõ phố ở Hà Nội bị phong tỏa để chống dịch (nguồn: Zing)
Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
22.8
Đúng rằm tháng 7 Tân Sửu, ngày xá tội vong nhân, nhà thơ Nguyễn Duy viết bài “Thời mắc dịch”. Cụ Duy tự ghi chú bảo đây là thơ thời sự. Trong bài có những câu:
Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
Thêm hộp khẩu trang, áo choàng y tế
Mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
Cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng
Chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương
Chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương
Chen chúc thở
Chen chúc lò thiêu xác
Con người hiền lương con người nhân đức
Gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người”.
Tay Vinh bạn tôi đọc xong mặt méo xệch, nói thơ còn khiếp hơn cả sử. Sau này con cháu đọc lại, không rùng mình về cái thời thổ tả này, tao cứ đi bằng đầu, y nhận xét.
23.8
Sài Gòn bị giới nghiêm siết chặt hơn, cả ngày lẫn đêm. Than thở về dịch, ông em tôi ví von dịch cũng như cơn lũ quét, như trận lụt kéo dài. Khi hết lũ, khi nước rút đi thì lộ ra tất, phơi bày tất cả những thứ xưa nay bị che đậy, giấu diếm, kín đáo, không mấy ai biết. Tượng đất gặp nước phải rã thôi. Tôi hỏi mày nói ai, y bảo còn ai nữa, coi cái cách chống dịch lúng túng của đám lãnh đạo từ trung ương tới địa phương đủ biết họ tài giỏi đến mức nào.
Lại nhớ hồi tháng 6, bác Nguyễn Khắc Nhượng có lên phây búc dặn, cứ nhớ giữ lại mấy cái giấy chính quyền cho phép đi chợ đi siêu thị theo ngày nhất định, giấy được ra đường từ ngày nào tới ngày nào, giấy được phép đi cắt cỏ cho trâu bò…, giữ tất tật những thứ giấy mà người ta cấp cho lúc này. Đó là loại vật chứng lịch sử, sau này quý lắm. Cũng giống như chiếc biển số xe đạp, sổ/tem mua lương thực, giấy cho phép nghe đài radio… ngày xưa vậy, giờ có mấy ai còn.
22.8
Trung ương quyết định điều động quân đội giúp Sài Gòn chống dịch. Ông Phan Văn Giang đại tướng bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố “phen này không thắng không về”. Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tivi kêu gọi vì miền Nam ruột thịt, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Như không khí chiến tranh. Ông anh vợ tôi bảo nghe mấy ổng nói cứ ghê ghê rờn rợn, nhất là mấy câu vì miền Nam ruột thịt, gợi một thời muốn quên đi. “Vì” một lần đã đủ khổ tới giờ, nay lại “vì” nữa thì biết chạy đi đâu.
“Vì miền Nam ruột thịt”, lại nhớ hôm trước, ngồi với nhau, thằng Tân hát mấy câu trong bài “Đời chưa hết giặc là ta chưa về” của nhạc sĩ Huy Du, rằng “Thề quyết giữ trọn tình đất nước, anh em ta ơi. Ngày mai sẽ được cả đất nước, anh em ta ơi”, nó bảo hóa ra mấy ổng tham thật, quá bằng đi xâm lược, chiếm đất của người ta. Bảo nói thì còn gì nữa mà bắng với chả bằng.
24.8
Nhiều báo đài lẫn dư luận trên mạng xã hội lên tiếng về chuyện “bom hàng”. Chả là chính phủ, cụ thể Bộ Quốc phòng, điều động rất nhiều binh lính vào Sài Gòn làm nhiệm vụ… chống dịch. Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh lên phây búc úp mở rằng ngoài giúp thành phố dập dịch còn có những trọng trách khác nữa không tiện nói ra.
Bộ đội được giao đủ mọi việc, tham gia trực chốt, canh gác, vận chuyển người chết, giao hũ tro hài cốt, giữ an ninh trật tự… Ngoài ra, rất nhiều chú bộ đội đi chợ, mua hàng về giao cho dân đang bị nhốt trong khu cách ly theo đơn dân đặt hàng qua mạng. Từ khi dịch bùng nổ đầu tháng 7 tới giờ, Sài Gòn có hàng nghìn khu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như vậy. Dân, nhất là người ở những khu cư xá cao tầng, không được ra khỏi nhà đi chợ, đành đặt hàng qua mạng, trả tiền trước, nhận hàng sau. Bộ đội căn cứ vào đơn hàng, tới siêu thị (bởi 100% các chợ truyền thống đang bị đóng cửa) mua xong tới từng nhà giao cho dân.
Được vài ngày có vẻ không ổn, rồi dậy lên dư luận dân đặt hàng nhưng không nhận, bộ đội gọi khản cổ cũng không thấy ai, đành ôm hàng về. Thịt cá rau cỏ không người nhận nên bị thối, ươn, héo, hư hỏng cả. Người ta gọi đó là bom hàng.
Báo chí mậu dịch phê phán gay gắt, nào là vô ơn, không biết điều, nào là làm khổ chiến sĩ. Bộ đội đã chịu hiểm nguy, gian nan vất vả, lại còn bị gây khó khăn. Bom hàng, thì bộ đội lấy tiền đâu mà đền, dân mình quá tệ, v.v.. Một vị cục phó Cục Phát thanh truyền hình ở trung ương được cử vào Sài Gòn để tham gia xử lý vụ này, khi họp nêu đích danh chuyện bom hàng, nói đó là hành động chống phá, gây chia rẽ, cần phải lên án, nghiêm trị, yêu cầu công an điều tra làm rõ… Vụ việc căng đến nỗi thủ tướng cũng chỉ đạo công an phải điều tra. Không ai nhanh bằng công an truy tìm thế lực thù địch. May cho dân. Kết quả là không có chuyện ấy, bởi đơn giản hàng đã do người đặt trả tiền, không lấy thì chính mình thiệt, lại đang bị nhốt, giống như giam lỏng, không có gì ăn, bom hàng để chết đói à… Nhiều người bảo, rốt cục chỉ tại cái ông cục phó kia, bom hàng hay không cũng do mồm ông ấy cả.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt viết trên phây búc bảo lúc dịch dã khốn khổ đã không giúp nhau được thì chớ, chỉ toàn gieo tiếng ác cho dân. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (ghi lại)
Ảnh: Một ngõ phố ở Hà Nội bị phong tỏa để chống dịch (nguồn: Zing)
——-

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here