Những khoản nợ khủng của doanh nghiệp nhà nước

0
57

Trần Đông A

Đằng sau những khoản nợ khủng, kể cả luỹ tiến hay phát sinh, là cả một vấn nạn quốc gia đang kéo “cỗ xe” chủ nghĩa xã hội Việt Nam xuống dốc không phanh. Các Hội nghị TW Đảng, các kỳ họp Quốc hội, lúc nào cũng có các cuộc đăng đàn diễn thuyết, nhưng tình hình chẳng mấy biến chuyển. Tính đến cuối 2020, các doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế hơn 30.000 tỷ đồng.

Các khoản lỗ ở trong nước

“Doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội”. Đánh giá chính thống bao giờ cũng nhận xét như thế. Những đánh giá ấy là theo mạch cũ, kinh tế nhà nước có vai trò then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng của xã hội. Thực tế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước đang bị thách thức. Theo số liệu báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020, cả nước ghi nhận 807 doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước. Trong đó 459 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 187 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn và 161 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.

Tính đến hết năm 2020, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 807 doanh nghiệp là hơn 1,597 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 1,445 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 151.522 tỷ đồng. Tổng doanh thu nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước mang về đạt 1,986 triệu tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2019. Lãi phát sinh trước thuế (profit before tax) đạt 162.904 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong tổng số 807 doanh nghiệp nhà nước góp vốn, có 119 doanh nghiệp ghi nhận lỗ phát sinh lên tới 15.740 tỷ đồng, trong đó là 79 doanh nghiệp nhà nước (nắm giữ từ 50% vốn trở lên) với tổng số lỗ phát sinh là 15.412 tỷ đồng (chiếm 97,8%). Lỗ phát sinh (debt incurred) là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.

Bên cạnh đó, tính tới cuối năm 2020 có 169 doanh nghiệp ghi nhận lỗ lũy kế trên 33.750 tỷ đồng, chủ yếu là từ nhóm doanh nghiệp nhà nước với tổng số lỗ lũy kế là 30.935 tỷ đồng (124 đơn vị). Lỗ lũy kế (cummulative loss) là sự suy giảm về tài sản được hiểu là giá trị ghi trên sổ sách nhiều hơn giá trị thu hồi thực tế của tài sản đó. Tính riêng nhóm 73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con, báo cáo của Chính phủ cho biết có 5 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận lỗ phát sinh trong năm 2020 với tổng giá trị 3.262 tỷ đồng.

Dẫn đầu về số lỗ phát sinh là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với 1.656 tỷ đồng, theo sau là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với lỗ phát sinh 1.182 tỷ đồng. Còn lại là Tổng công ty Cà phê Việt Nam với lỗ phát sinh là 77 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV 622, Bộ Quốc phòng lỗ phát sinh 29 tỷ đồng và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 318 tỷ đồng. Kết thúc năm 2020, ghi nhận 11 tổng công ty, tập đoàn nhà nước còn lỗ lũy kế là 11.464 tỷ đồng và 7 công ty mẹ còn lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng.Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam cũng đứng đầu trong danh sách lỗ lũy kế với 5.392 tỷ đồng. Các đơn vị tiếp đó là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (3.170 tỷ đồng), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (848 tỷ đồng), Tổng công ty 15 (655 tỷ đồng), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (gần 47 tỷ đồng)…

Trong số 386 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, ghi nhận 44 doanh nghiệp có lỗ phát sinh với tổng giá trị 153 tỷ đồng. Trong đó, 78 doanh nghiệp độc lập còn lỗ lũy kế lên tới 1.733 tỷ đồng. Còn ở nhóm doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, có 30 trên tổng số 187 doanh nghiệp báo cáo lỗ phát sinh với tổng số lỗ hơn 12.000 tỷ đồng. Theo báo cáo hợp nhất, một số doanh nghiệp có lỗ phát sinh lớn nhất là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (11.178 tỷ đồng), Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam – Đài truyền hình Việt Nam (265 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam (210 tỷ đồng), Tổng công ty Cổ phần Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (154 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (102 tỷ đồng). Cũng ở trong nhóm doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, có 35 doanh nghiệp ghi nhận tổng số lỗ lũy kế gần 17.740 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020. Còn lại, nhóm doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 50% vốn, có 39 trên tổng số 161 doanh nghiệp báo lỗ phát sinh với tổng giá trị 322 tỷ đồng và có 44 doanh nghiệp báo lỗ lũy kế 2.800 tỷ đồng.

Đầu tư ra nước ngoài lỗ 1,17 tỷ USD

Tính đến cuối năm 2020, có 46 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước lỗ lũy kế. Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài hơn 6,7 tỉ USD, đang lỗ trên 1,17 tỉ USD. Mới đây, Chính phủ đã gửi Quốc hội về báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020. Báo cáo cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có tổng cộng 807 doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tổng vốn Nhà nước đã đầu tư hơn 1,597 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, 459 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có tổng vốn đầu tư 1,4 triệu tỷ đồng. Hơn 151 nghìn tỷ đồng còn lại, Nhà nước đầu tư vào 187 doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước và 161 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.

Liên quan đến tình hình đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp Nhà nước, có 28 doanh nghiệp đã thực hiện tổng cộng 131 dự án đầu tư ra nước ngoài. Riêng trong năm 2020, có thêm một dự án đầu tư mới tại Lào của Tổng Công ty Hợp tác kinh tế. Lũy kế tính đến ngày 31/12/2020, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước là 6,71 tỷ USD (bằng 50% vốn đăng ký). Riêng số vốn đầu tư ra nước ngoài trong năm 2020 của các doanh nghiệp Nhà nước là khoảng 129,9 triệu USD. Nguồn vốn này chủ yếu tại các công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel).

Tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp PVN, VRG và Viettel chiếm 95% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, khoảng 3,97 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước. Tiếp theo là Viettel đầu tư ra nước ngoài khoảng 1,45 tỷ USD, VRG đứng thứ ba với 925,8 triệu USD. Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp PVN, VRG và Viettel chiếm 95% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp Nhà nước. Báo cáo cho hay, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang đầu tư tại 26 quốc gia trên thế giới. Theo đó, các dự án chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dầu khí, viễn thông, trồng chế biến cây cao su, khai thác khoáng sản. Cụ thể, lĩnh vực trồng, chế biến cao su đứng đầu với 33 dự án. Tiếp theo là lĩnh vực viễn thông với 32 dự án và lĩnh vực dầu khí với 31 dự án.

Xét theo vùng lãnh thổ, số dự án các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào Campuchia lớn nhất, với 41 dự án. Đứng thứ hai là Lào với 32 dự án. Theo sau là Malaysia, Singapore, Nga, Myanmar và Peru với số dự án khoảng từ 4 đến 9 dự án. Về thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước tại nước ngoài, báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng số vốn các doanh nghiệp thu hồi trong năm 2020 là 248,58 triệu USD. Nguồn tiền thu hồi này chủ yếu từ các dự án của Viettel (128,53 triệu USD, trong đó lợi nhuận 70,51 triệu USD); PVN thu hồi được 110,6 triệu USD, lợi nhuận thu về nước là 45,4 triệu USD; còn lại 5 doanh nghiệp khác chuyển về nước số tiền 2,52 triệu USD. Có 21 doanh nghiệp không phát sinh số thu hồi, chuyển về nước trong năm 2020.

Lỗ luỹ kế trong năm 2020 tăng 120 triệu USD so với 2019. Cũng trong năm 2020, có 121/131 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, 32 dự án không phát sinh doanh thu, 89 dự án có doanh thu, với tổng doanh thu tại nước ngoài năm 2020 khoảng 5,54 tỷ USD, bằng 79% cùng kỳ năm 2019. Cũng trong năm 2020, có 61 dự án đầu tư ra nước ngoài có lợi nhuận, tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 426,66 triệu USD, giảm 138,34 triệu USD so với năm 2019. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2020, có 46 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế lên tới 1,17 tỷ USD, tăng 120 triệu USD so với năm 2019.

Trong năm 2020, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài tiếp tục gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, chưa có hiệu quả đầu tư. Lý giải nguyên nhân, báo cáo của Chính phủ chỉ ra, ngoài các vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường, kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài, thì các chính sách đầu tư nước sở tại, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho tình hình hoạt động của các dự án bị ảnh hưởng tiêu cực hơn so với năm 2019. Hiện tại, nhiều dự án tiếp tục gặp khó khăn như các dự án khai thác, thăm dò dầu khí, các dự án trồng và chế biến cây cao su. Một số dự án viễn thông có số lỗ lũy kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát và rủi ro tỷ giá. Ngoài ra, một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động hoặc dừng triển khai như: Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào, Dự án khai thác khoáng sản Steung Treng, Campuchia.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here