23-7-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 – phần 6 – phần 7 –phần 8–phần 9 – phần 10 – phần 11 – phần 12 – phần 13
Thấm thoát đã đến ngày cuối của thời gian 2 tuần phong tỏa. Nhưng lạ thay, không có ai ở Sài Gòn mang dáng vẻ lạc quan cả. Những lời than thở vẫn hiện ra ở mọi diễn đàn. Số người nhiễm covid ngày càng nhiều theo thông báo của cơ quan y tế như đang dập tắt mọi hy vọng. Ngày 22-7, Việt Nam đã có đến 74.371 ca nhiễm covid mới, Sài Gòn vẫn đứng đầu cả nước, với 1785 ca. Chỉ có một điều duy nhất an ủi: số bệnh nhân nguy kịch chỉ có 18 ca.
Nếu để ý các diễn biến từ đợt bùng phát lây nhiễm covid lần thứ tư, tính từ ngày 27-4-2021 cho đến nay, người ta dễ dàng nhìn thấy đời sống của Sài Gòn hiện rõ hai dòng chảy về truyền thông, về cách ứng xử giữa con người và nhà cầm quyền, rồi cả về phương pháp chống dịch. Chính quyền với cách làm của mình ở một hướng, còn phía nhân dân thì ở một hướng khác, luôn hiện ra những sự khác biệt, tranh cãi từng ngày, và thậm chí là bất bình không thôi.
Trên báo chí nhà nước, con số tổng kết hơn một tuần phạt những người dân vi phạm chỉ thị 16, đã vượt hơn 35 tỷ đồng. Thật khủng khiếp. Từ khi đại dịch xuất hiện đến nay, cả thế giới, không có một quốc gia nào lại tự đắc để khoe con số tiền phạt người dân tràn lan như vậy.
Không phải khi nào cũng có đại dịch trên địa cầu. Đối mặt với nó, những chính phủ đủ văn minh sẽ tìm được cách để giúp người dân tuân thủ những sự khó khăn đầy mới mẻ trong đời mình, chứ không phải là nhân cơ hội để thu tiền. Ngay cả Trung Quốc, được đánh giá là ứng xử man rợ trong lúc Vũ Hán bùng phát dịch bệnh, cũng không làm như vậy.
Nhân danh chỉ thị 16, một lực lượng cường hào – kiêu binh đã xuất hiện ở nhiều nơi, quát nạt, bắt bớ và kể cả không ngại dùng tay chân với người dân. Bản video mới nhất lan truyền trên mạng cho thấy một dân phòng ở khu Miếu nổi, quận Bình Thạnh thẳng tay đánh vào mặt một người chạy xe grab, vì nói anh này đậu xe không đúng nơi. Ở Tân Thuận Đông, quận 7, người mang quà từ thiện cho dân trong khu đó, bị thành viên của tổ chống dịch địa phương quát mắng, xô đẩy và đuổi đi, thậm chí xé cả áo bảo hộ của người đi tặng quà, khi thấy nhóm quà đó không có phần nào cho ông ta. Trong sự nghiêm ngặt của lệnh phong tỏa, dường như đang có một cái gì đó hỗn loạn, cứ lớn dần.
Những người buôn bán nhỏ và nghèo khổ ở Sài Gòn, với số vốn ít ỏi đang thâm hụt dần, cố tìm cách kiếm thêm ít đồng trước những tháng mù mịt chưa có lối ra. Hình ảnh 2 ông bà cụ ở quận Bình Tân, đưa xe rau ra hẻm cho dân chọn mua, bị cả chục dân phòng, công an bao vây, xô ngã và tịch thu thật bất nhẫn. Rồi cả chuyện đôi vợ chồng ở quận Bình Thạnh để thùng rau trước cửa nhà bị một lực lượng hùng hậu xông vào bắt, trói dẫn đi. Thậm chí có nhân viên dùng cả hơi gaz để tấn công khiến mọi người nhìn thấy mà ngao ngán.
Giữa lúc các siêu thị, tập đoàn thương buôn được sự cho phép khó hiểu của nhà cầm quyền, tự do độc quyền buôn bán và nâng giá vô tội vạ, thì những hình ảnh đau lòng đó diễn ra, không thể nào thuyết minh nổi tính hợp lý và nhân văn của một chính quyền trong phong tỏa.
Viết trên facebook của mình, nhà văn Châu Đoàn từ Hà Nội bình luận rằng “Chính quyền rất nên cẩn thận khi sử dụng lực lượng dân phòng, toàn dân ít học, hung hăng, khi được trao tí quyền là nghĩ mình bố đời, sẵn sàng đánh dân lành. Thời nào rồi mà vi phạm nhân quyền một cách ngang nhiên như vậy?”
Sài Gòn có một truyền thống tự nhiên phát biểu và tự làm điều thấy phải làm. Từ hai đợt phong tỏa, khi dân chúng lo lắng về số người nhiễm ngày càng nhiều, các bác sĩ, y sĩ, chuyên gia y tế… liên tục viết những lời hướng dẫn người dân phòng bệnh ra sao, làm trực tuyến giải thích nguồn cơn… Nói như vậy, không có nghĩa là phía nhà nước không tổ chức những điều tương tự, nhưng cuộc sống thật, lời thật và thậm chí là khó nghe, là thứ được dân chúng đón nghe, chia sẻ cho nhau và luôn tin tưởng hơn lời của một quan chức cả quyết.
Hôm qua đến nay, nhiều nơi đưa tin về chuyện các bác sĩ, y tá, bệnh viện tại Sài Gòn đang tự phát kêu gọi dân chúng nên mau chóng góp sức yểm trợ máy thở, oxy, trang phục bảo hộ y tế… Không ai bảo ai, nhưng đồng loại nhiều nơi lên tiếng như kêu cứu về sự thiếu thốn thiết bị, và khẩn thiết dự báo về số lượng bệnh nhân covid bệnh nặng ngày càng nhiều hơn.
Từ đầu đợt cách ly, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, Học viện Quân Y, từng viết thư ngỏ đến ông bí thư Sài Gòn Nguyễn Văn Nên rằng phải gấp rút chuẩn bị “dồn lực vào khối Điều trị để đảm bảo có hàng ngàn giường ICU tiêu chuẩn, có các Trung tâm lọc máu, các Khoa bệnh có thể làm ECMO (ứng dụng tim phổi nhân tạo)…” nhưng có lẽ những điều cảnh báo từ nhiều bác sĩ, chuyên gia… đã không được ai lắng nghe.
Vào lúc nhiều tổ chức thiện nguyện, cá nhân ở Sài Gòn ráo riết cùng nhau góp tiền, để góp sức cho các nơi đang kêu gọi cấp thiết như vậy, thì Sở Y tế ở Thành Hồ bất ngờ ra văn bản thể hiện sự không hài lòng, buộc các cơ quan y tế đang tự phát đi lời kêu gọi hỗ trợ phải chấm dứt ngay. Văn bản này, được ký tên bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, nói nơi nào muốn kêu gọi giúp đỡ thì phải được sự đồng ý của Sở.
Dĩ nhiên, cơ quan nhà nước có lý của mình. Nhưng nhân dân thì cũng có cái nhìn thực tế của mình. “Mấy người bên Sở Y tế sợ mất mặt, vì lo rằng mang tiếng chuẩn bị chống dịch không chu đáo”, một facebooker bình luận. Nhưng cũng có người nói là nhà nước từng nói “chung tay chống dịch”, không hiểu sao vụ này Sở Y tế lại tự ái không chịu chung tay. Bên trang facebook của đạo diễn Việt Tú, một đạo diễn tên tuổi của truyền hình VTV, đã bất bình yêu cầu Sở Y tế Thành Hồ rút lại văn bản này, cùng với một câu hỏi với Sở Y tế rằng, có hay không các thiết bị y tế chống dịch hiện đang thiếu thốn, khiến các nơi phải kêu gọi trong dân chúng như vậy?
Mới ngày hôm qua, chuyện chích vaccine cũng là đề tài dậy sóng khắp nơi. Cô hoa khôi Vũ Phương Anh lên facebook khoe mình đi chích vaccine của tư bản, không cần ghi danh, nộp đơn, hay chờ đợi gì cả, bởi “ông ngoại” cô – bí danh của một nhân vật quyền lực bí ẩn nào đó tại Hà Nội sắp xếp – là tức thì cô được vào danh sách chích cùng với các quan chức cấp cao.
Chuyện của cái “ông ngoại” ấy, và đặc quyền về vaccine làm bật máu sự chịu đựng của dân chúng nói chung, kể từ thời chắt bóp góp tiền quỹ vaccine của chính phủ, rồi cuối cùng nghe số tiền đó được đưa đi gửi ngân hàng. Giờ đây, nguồn vaccine về Việt Nam chỉ trông chờ vào sự thương xót của các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc… và chương trình tài trợ cho các nước nghèo của Liên Hợp Quốc, có tên Covax. Nhưng trong sự khan hiếm, cam chịu và khó lòng được có tên để chích sớm, sự tùy tiện đầy quyền lực của một giai cấp khác trong xã hội Việt Nam, khiến ai nấy nghe, mà như nghẹt thở.
Chuyện giờ cuối là gì? Khi dư luận xã hội bùng lên dữ dội, nhiều bài báo được đưa ra để thanh minh cho chính quyền, nhiều lời đề nghị phải xứ lý nghiêm minh được phát trên truyền hình để xoa dịu dân chúng. Cuối cùng, tin cho biết là nhân viên y tế chích cho cô hoa khôi đó, bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác. Còn người tác động được cho những mũi tiêm – ông ngoại – mãi mãi là một bí ẩn Việt Nam, giữa hai dòng dư luận của nhà nước và nhân dân.
Đã nói mà, Nhà nước và nhân dân, luôn là đường tình hai lối.
***
Kính thưa quý anh chị em,
Vậy là Nhật ký phong thành đã đi qua hai tuần của phong tỏa, ghi lại, chia sẻ và cùng với mọi người sống trong tâm trạng của những người dân Sài Gòn ở các câu chuyện.
Sẽ không bao giờ chấm dứt những chuyện trái khuấy, những nỗi đau và mơ ước đổi thay, như tựa bài cuối của loạt Nhật ký phong thành – một khi suy nghĩ và hành động của chính quyền không cùng đường với người dân trong khốn khó. Nhật ký phong thành xin tạm dừng ở đây. Hẹn gặp lại các anh chị em trong các bài viết khác nối tiếp.