Xin làm người xa lạ

    0
    36

    Nguyễn Đăng Anh Thi

    VnExpress 23/07/2021

    Khẩu trang có thay thế việc duy trì khoảng cách vật lý hai mét với người bên cạnh không? Không!

    Tôi e sợ khi nhiều hoạt động đã bị bỏ qua việc giữ khoảng cách hai mét. Người ta chen lấn để xét nghiệm, đứng rất gần nhau khi xếp hàng chờ tiêm vaccine, mua hàng trong siêu thị.

    Một số cuộc họp được chiếu trên truyền hình tuần này, tôi thấy mọi người đeo khẩu trang nhưng vẫn ngồi cạnh nhau như bình thường, hoặc khoảng cách chưa tới hai mét. Đó là chưa kể không phải ai cũng đeo khẩu trang đúng cách, như không che kín mũi.

    Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách là hai trong số những giải pháp thuộc nhóm can thiệp không dùng thuốc (NPI) để ngăn ngừa sự lây lan của virus, từ đó giảm áp lực cho hệ thống y tế.

    NPI, như các công bố khoa học, là công cụ quan trọng nhất trong phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm vì chúng dễ áp dụng và rẻ. Chi phí mua và đeo khẩu trang rẻ hơn rất nhiều so với thiệt hại khi bị phong tỏa, cách ly và điều trị ca nhiễm.

    Khi tình trạng khẩn cấp y tế được ban hành tại British Columbia, Canada mùa xuân năm ngoái, một trong những yêu cầu của chính phủ là áp dụng giãn cách xã hội, sau này Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị gọi là giãn cách vật lý. Nghĩa là, tại công sở, trường học và nơi công cộng, các cá nhân phải duy trì tối thiểu khoảng cách hai mét với người không cùng nhà. Khoảng cách sẽ tạo ra rào cản vật lý ngăn cản virus truyền từ người này sang người kia.

    Việc đầu tiên chúng tôi làm ở cơ quan là dán các thông báo nhắc nhở “duy trì khoảng cách hai mét”. Nhằm giảm thiểu tiếp xúc gần, chúng tôi tính toán số người được phép hiện diện tối đa cùng thời điểm tại các khu vực như phòng họp, nhà kho, nhà ăn, nhà vệ sinh… và dán con số này lên các cánh cửa. Cơ quan An toàn lao động đã đưa ra hướng dẫn này để cả bang áp dụng. Việc duy trì khoảng cách đôi khi bất tiện, nhưng nhờ vậy mà tôi và đồng nghiệp được an toàn hơn.

    Vì sao lại là hai mét? Thực tế, WHO khuyến cáo chỉ nên giữ khoảng cách một mét trong khi chính phủ Mỹ, Canada và Anh đề nghị hai mét. Nghiên cứu của tiến sỹ Lydia Bourouiba, Viện Công nghệ Massachusetts hỗ trợ điều này. Kết quả thực nghiệm cho thấy các giọt bắn khi thở mạnh có thể đạt vận tốc tối đa 108 km mỗi giờ, trong khi một cái hắt hơi đạt đến 161 km mỗi giờ – gấp 1,3 lần tốc độ giao thông tối đa trên các cao tốc Việt Nam. Tầm vươn xa của các giọt bắn lên tới bảy đến tám mét, nhưng mật độ giọt bắn càng xa “chủ nhân” thì càng giảm.

    Khi nghiên cứu “tầm sát thương” của giọt bắn mang virus, nguy cơ lây nhiễm trong phạm vi dưới một mét là 13%, nhưng từ hai mét trở lên giảm xuống dưới 2%. Dù khoảng cách càng xa càng an toàn, các nhà khoa học thống nhất rằng duy trì hai mét là tối ưu để vẫn giữ sự kết nối xã hội. Nó cho phép cuộc nói chuyện không quá to mà người kia vẫn nghe được trong khi không tạo cảm giác “xin làm người xa lạ”.

    Ấn tượng đầu tiên của tôi về đại dịch Covid 19 tại Canada là những hàng dài người gốc Á xếp hàng mua khẩu trang cuối tháng 1/2020. Có lẽ những hình ảnh khủng khiếp từ Vũ Hán đã tạo ra nỗi hoảng sợ của họ khi loài người vẫn còn chưa hình dung hết về virus. Không xếp hàng như họ, tôi dạo một vòng các cửa hàng bán lẻ, nhưng chẳng có chiếc khẩu trang nào. Lên Amazon đặt hàng, hệ thống thông báo “khẩu trang sẽ giao sớm nhất sau ba tháng”. Trong lúc tôi loay hoay tập dùng khăn vải để xếp thành khẩu trang, bà xã đã kiếm được vài cái nhờ chia sẻ của bạn bè.

    Phương tiện bảo hộ cá nhân, tính cả khẩu trang vải, được WHO gọi là “giải pháp kiểm soát tại nguồn”. Với dịch Covid 19, khẩu trang là hàng rào vật lý đóng vai trò ngăn cản những giọt bắn chứa virus từ người nhiễm ra xung quanh. Nói vui, “giọt bắn ai nấy giữ”.

    Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học New Mexico đăng trên tạp chí của Viện Vật lý Hoa Kỳ tháng 12/2020 kết luận rằng: khẩu trang chưa đủ để ngăn ngừa Corona virus nếu không giữ khoảng cách vật lý.

    Nghiên cứu thử nghiệm trên năm loại khẩu trang được đeo vừa khít – tức không có rò rỉ xung quanh các cạnh – gồm N95, y tế, vải PM2.5, vải PM2.5 thấm nước và khẩu trang vải đơn thuần. Kết quả, các giọt bắn đều xuyên qua năm loại khẩu trang. Với loại khẩu trang tốt nhất, N95, vẫn có khoảng 1% tổng lượng giọt bắn xuyên qua. Trong khi đó, khẩu trang vải chỉ có thể giữ lại 50%-70% các giọt bắn kích thước 10 micromet. Với giọt bắn từ 0,3 micromet trở xuống, khẩu trang vải “đứng lại nhường đường em qua”.

    Như vậy, ngay cả khi khẩu trang có thể chặn được tỷ lệ lớn các giọt bắn, lượng hạt thoát ra ngoài chứa virus đủ khiến người khác nhiễm bệnh nếu có tương tác trực diện trong phạm vi hai mét. Các giọt bắn này sẽ dính bám trên các bề mặt và người khác không may chạm vào cũng sẽ có khả năng nhiễm bệnh nếu không rửa tay thường xuyên.

    Việc kiểm soát thành công sự lây lan của virus phải gồm một loạt các biện pháp đồng thời, cái này hỗ trợ cái kia để đạt hiệu quả tối đa. Khẩu trang và giãn cách quan trọng nhất, song cũng chưa đủ nếu ta không thường xuyên rửa tay và vệ sinh các bề mặt, vật thể nhiều xúc chạm, như tay nắm cửa, mặt bàn, đồ dùng.

    Làm thế nào để mọi công dân luôn duy trì khoảng cách vật lý hai mét tại nơi công cộng là câu hỏi quan trọng nhất hôm nay, đặc biệt với Việt Nam.

    Doanh nghiệp, các tổ chức và mọi nhóm cộng đồng lớn nhỏ đang cần bộ hướng dẫn kỹ thuật chi tiết làm cẩm nang để áp dụng giãn cách đúng chuẩn trong thực tiễn lâu dài. Các hướng dẫn này cần ngắn gọn, dễ hiểu và không tạo thêm gánh nặng chi phí.

    Nếu tổ chức bạn chưa có hướng dẫn chi tiết, đây là một phép tính nhanh để tham khảo.

    Giả định ta ở tâm vòng tròn và phải duy trì khoảng cách hai mét với người bên cạnh. Lúc đó, diện tích chiếm chỗ của mỗi người chính là diện tích hình tròn 12,5 mét vuông. Một siêu thị dành ra 1.250 mét vuông cho diện tích lưu thông chỉ được phép hiện diện tối đa 100 người cùng lúc. Nếu việc duy trì khoảng cách vật lý khó đảm bảo, giải pháp lắp tấm chắn cũng sẽ giảm lây truyền virus.

    Tương tự, một phòng hội nghị có diện tích không gian 2.500 mét vuông, đã trừ diện tích chiếm chỗ của nội thất, chỉ được phép hiện diện tối đa 200 người ngồi cách nhau hai mét. Nếu không đảm bảo khoảng cách này, các giọt bắn khi phát biểu, tranh luận, nói chuyện sẽ có khả năng gây “sát thương” những người khác, trực tiếp do hít phải hay gián tiếp qua dính bám bề mặt.

    WHO đưa ra ba chữ C mà chúng ta luôn tránh để được an toàn hơn: Closed spaces – không gian kín, Crowded – nơi đông đúc và Close contact – tiếp xúc gần.

    Theo 3C này, chợ là nơi thoáng đãng, sẽ an toàn hơn những không gian kín, có điều hòa như siêu thị nếu việc duy trì khoảng cách vật lý được áp dụng như nhau. Do đó, giải pháp đóng chợ và mở siêu thị chưa chắc đã tối ưu trong chống dịch so với việc để chợ hoạt động và tổ chức giãn cách đúng. Tương tự, cách ly tập trung có thể không đảm bảo 3C vì dồn nhiều người về một chỗ và khó tránh tiếp xúc gần. “Cách ly” và “tập trung”, bản thân hai từ này đã tự mâu thuẫn với nhau.

    Khẩu trang và xa nhau hai mét, đồng thời luôn tránh 3C là giải pháp hiệu quả bền vững kể cả trước và sau khi cộng đồng được phủ vaccine. Điều này, như các chuyên gia khuyến cáo, đặc biệt cần áp dụng trong chính gia đình nếu có thành viên nhiễm Covid 19.

    Xa cách nhưng không xa lạ. Đó cũng là kinh nghiệm sống chung với virus của gia đình tôi suốt 18 tháng qua.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here