Người Việt trẻ khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon

    0
    959
    Nguyễn Minh Thảo - Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty JourneyHop.
    VOA

    Trong một căn hộ nhỏ, nội thất tối giản, thuộc vùng Mountain View, phía Bắc California, có một chàng trai với vóc dáng nhỏ bé ngồi cặm cụi bên chiếc máy tính, với những dòng mã chằng chịt. Nếu không giới thiệu, ít ai biết được đây chính là sáng lập viên kiêm tổng giám đốc một công ty khởi nghiệp (startup) tại Thung lũng Silicon – thủ đô công nghệ của thế giới.

    “Khởi nghiệp là gì? Là mình làm phần lớn thời gian mà không có tiền” Minh Thảo cười.

    Nụ cười của người hiểu rõ thứ mình đang làm.

    Sự hi sinh của cha mẹ và ước mơ khởi nghiệp

    Đến Mỹ từ năm 13 tuổi, Thảo luôn cho rằng, đây là một điều may mắn trong cuộc đời cậu. Nhưng sự may mắn này không từ trên trời rơi xuống, nó đến từ hi sinh của cha mẹ Thảo.

    “Qua đây thì mẹ mình đi làm nail, còn ba làm thợ tiện. Ở Việt Nam, cả hai người đều là giảng viên Toán, đứng trên bục giảng, giờ qua đây phải cúi xuống chà chân cho người ta. Đó là một sự hi sinh rất lớn, nên mình rất tập trung vào học tập và gây dựng sự nghiệp tại Mỹ.” Thảo nói.

    Qua đây thì mẹ mình đi làm nail, còn ba làm thợ tiện. Ở Việt Nam, cả hai người đều là giảng viên Toán, đứng trên bục giảng, giờ qua đây phải cúi xuống chà chân cho người ta. Đó là một sự hi sinh rất lớn.

    Vượt qua rào cản ngôn ngữ ban đầu, Thảo, với khả năng Toán học vượt trội, không gặp nhiều khó khăn để hoàn thành cấp hai, cấp ba một cách xuất sắc, tiến thẳng tới ĐH Stanford, một trong những trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ. Thành tích mà theo cậu, cũng là do ‘hên’.

    Ngay từ năm cuối đại học, Thảo đã kiếm được không dưới năm ngàn đô mỗi tháng nhờ các công việc bán thời gian. Những đồng tiền này, thay vì tiêu xài, cậu sinh viên năm cuối dành để thực hiện ước mơ của cuộc đời, ước mơ mang tên khởi nghiệp, bất chấp lời mời gọi đầu quân của những gã khổng lồ công nghệ.

    “Cuối cùng là mình muốn gì? Mình có giấc mơ gì? Mình muốn đem lại gì cống hiến cho thế giới? Thì mình phải luôn luôn đặt ra những câu hỏi đó.” Thảo chia sẻ.

    “Startup không dành cho người yếu tim”

    Cách đây một năm, một tờ báo Việt Nam viết về Thảo, như một tấm gương kiệt xuất, dám bỏ những lời mời gọi của Google, Facebook để ‘liều lĩnh’ khởi nghiệp. Cho đến thời điểm này, Magpie, dự án khởi nghiệp thứ hai của Thảo được ‘ca tụng’ trong bài báo trên, được coi là một thất bại.

    Việc một startup sớm nở, tối tàn, từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu trong một sớm một chiều không phải là chuyện hiếm, nhất là trong một môi trường khắc nghiệt như Thung lũng Silicon.

    “Làm startup rất là khó, không dành cho người yếu tim. Nó giống như là nuốt thuỷ tinh vậy. Muốn làm được thì phải tự tin vào bản thân, và phải cực kỳ lạc quan” Thảo nói, vẫn với nụ cười trên môi.

    Làm startup rất là khó, không dành cho người yếu tim. Nó giống như là nuốt thuỷ tinh vậy.

    Và có lẽ phải rất lạc quan, người ta mới đứng dậy sau hai thất bại ban đầu, để đi tiếp con đường mà mình đã chọn. Tới lúc này, ngay cả cha mẹ Thảo, người luôn ủng hộ cậu, cũng tỏ ra hoài nghi khi thấy con mình vẫn ‘trắng tay’ sau 4 năm mày mò khởi nghiệp. Nhưng Thảo vẫn kiên định với đam mê, khi mà “ngọn lửa trong lòng” đang hừng hực cháy. Cậu cho biết áp lực lớn nhất lúc này, không phải đến từ gia đình.

    “Điều khiến mình căng thẳng nhất, đó là làm sao để mang lại giá trị cho những người đã làm cùng mình, đã hi sinh những năm tháng sung mãn nhất trong cuộc đời của họ để làm startup của mình.” Thảo cho biết.

    Dự án khởi nghiệp thứ ba của Thảo, JourneyHop, một trang web giúp người dùng chia sẻ phòng khách sạn, tìm kiếm những người bạn mới, đang trong quá trình kêu gọi đầu tư, xây dựng mạng lưới khách hàng. Nếu mọi việc suôn sẻ, cậu sẽ ‘cân nhắc’ trả lương cho bản thân, sau gần 1 năm làm việc ‘không công’.

    Làm với 120% khả năng

    Khác với Thảo, người lao vào startup ngay khi rời ghế nhà trường, Uyên Nguyên, CEO của Med2Lab, một startup công nghệ đang lên tại Thung lũng Silicon chọn một hướng đi ‘chắc chắn’ hơn.

    Uyên Nguyễn – CEO công ty Med2Lab.

    Sinh ra tại Sài gòn, con đường khởi nghiệp của Uyên được truyền cảm hứng từ chính người mẹ của mình. Mẹ của Uyên suốt bao năm duy trì một lớp dạy đọc, viết miễn phí cho trẻ nghèo. Lớn lên cùng với những người học trò không may mắn của mẹ, Uyên sớm nhận ra điều sống còn đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn này, đó chính là khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế.

    “Nếu mà họ không có tiền chữa bệnh, họ sẽ không có cơ hội để sống” nữ CEO cho biết.

    Trăn trở này đã theo Uyên cho tới khi qua Hoa Kỳ định cư cùng gia đình năm 17 tuổi.

    “Đó là điều may mắn” Uyên nói.

    Được qua Mỹ định cư là một điều may mắn

    Uyên Nguyễn

    Nước Mỹ mang đến cho Uyên cơ hội học tập, cơ hội làm quản lý trong một bệnh viện lớn. Từ những nền tảng vững chắc này, cô bắt đầu đi tìm lời giải cho nỗi trăn trở của mình bằng cách thành lập Vietnovo, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tổ chức các hoạt động gây quĩ cho trẻ em nghèo tại Việt Nam để các em có thể được chăm sóc sức khoẻ hoàn toàn miễn phí.

    Tuy nhiên, đối với tham vọng của Uyên, Vietnovo chỉ là bước đầu. Cô gia nhập Med2Lab với tư cách là người đồng sáng lập, đồng thời vẫn duy trì một cách cầm chừng Vietnovo.

    “Trong quá trình thực hiện ước mơ, nhiều khi chúng ta cần phải trở nên thực dụng. Việc gia nhập Med2Lab là một quyết định như vậy. Mình cần có sức mạnh tài chính, cũng như là công nghệ, và đó là thứ Med2Lab có.”

    Cùng với những người cộng sự xuất sắc trong lĩnh vực y tế và công nghệ thông tin, Med2Lab của Uyên Nguyễn khai phá một hướng đi độc đáo đó là đào tạo các y bác sĩ từ xa.

    Và theo Uyên, đây mới chính là con đường để giúp cô mang kiến thức, kinh nghiệm từ nước Mỹ về giúp Việt Nam nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân. Để làm được điều đó, mỗi ngày Uyên luôn làm việc với 120% công suất của mình, 100% dành cho Med2Lab, 20% dành cho Vietnovo.

    Hãy tạm quên mình là người Việt

    Cho dù xây lại từ đầu sau hai lần thất bại như Thảo, hay đang điều hành một startup đang lên như Uyên, con đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với những người Việt tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ.

    Ngoài việc cạnh tranh với những đối thủ người bản xứ vốn có nhiều lợi thế về ngôn ngữ và văn hoá, những startup của người Việt còn phải vượt qua chính cái mác “Việt Nam” của mình nếu muốn sản phẩm của mình tồn tại được.

    “Người Việt Nam hay có tính nói ra nói vào, cái sức ép xã hội rất là lớn. Chính vì vậy nếu muốn làm startup thì phải thoát ra khỏi những thứ đó, chỉ tập trung vào thứ mình đang làm thôi.” Uyên chia sẻ.

    Người Việt Nam hay có tính nói ra nói vào, cái sức ép xã hội rất là lớn.

    Bên cạnh đó, CEO của Med2Lab cũng cho rằng cần người làm startup tại Thung lũng Silicon cũng phải gạt qua một bên cái suy nghĩ “Mình là startup của người Việt”

    “Mình cần phải có lối tiếp cận của người Mỹ, xây dựng hình ảnh công ty, quảng bá sản phẩm làm thế nào để khách hàng thấy rằng đây không chỉ là một sản phẩm của người Việt, được tạo ra bởi một nhóm người Việt nhằm phục vụ người Việt.”

    “Tạm quên” không có nghĩa là vứt bỏ hết những yếu tố Việt trong công ty, cũng như trong sản phẩm của mình. Tuy nhiên để vừa tồn tại, vừa giữ được bản sắc Việt Nam lại là một bài toán không thể giải trong một sớm một chiều.

    Câu chuyện của Thảo, câu chuyện của Uyên, chỉ là một vài trong số hàng chục câu chuyện khởi nghiệp của người Việt tại vùng đất này. Dẫu còn những khó khăn chủ quan và khách quan, nhưng Thung lũng Silicon và nước Mỹ luôn mở rộng cửa cho những kẻ dám nghĩ, dám làm, dám phiêu lưu.

    Chỉ cần bạn dám.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here