Hội thảo tại Stuttgart ngày 08.07.2017:
Cộng hòa liên bang Đức có 82 triệu dân, trong số đó người ngoại quốc với 17 triệu chiếm trên 20% tổng số dân.Người Việt ở Đức ước chừng 130.000 với 90.000 chưa nhập tịch và 40.000 đã nhận quốc tịch Đức mà đa số là những thuyền nhân tị nạn cộng sản đã thành công hôi nhập xã hội. Nhiều năm qua vấn đề di dân đã được đưa vào các chương trình chính trị của chính quyền và các chính đảng. Đặc biệt thành phần cử tri Đức gốc di dân khoảng 9,3 triệu người được mời gọi tham gia vào các cuộc bầu cử ở mọi cấp. Trong các nghị viện thành phố,tiểu bang,liên bang và Âu châu đã có nhiều đại biểu dân cử gốc di dân. Người Đức gốc Việt thành danh trong lãnh vực chính trị là cựu phó thủ thướng liên bang Philipp Rössler.
Vì ý nghĩa sự tham dự chính trị của người di dân cũng như tầm quan trọng của lá phiếu trong các cuộc bầu cử, đặc biệt cuộc bầu cử Quốc hội liên bang sắp diễn ra vào tháng 9.2017 Cộng đồng Việt Nam Stuttgart (Vietnam community Stuttgart – VCS) đã tổ chức vào ngày 8.7.2017 tại Stuttgart một buổi hôi thảo với chủ đề
„Sư tham gia của người Việt vào xã hội, chính trị Cộng Hòa Liên Bang Đức – Cuộc bầu cử Quốc Hội Liên Bang Đức năm 2017“. Diễn giả được mời là Kỹ sư Lâm Đăng Châu đến từ thành phố Hannover.
Mở đầu cuộc hội thảo,Tiến sĩ Dương Hồng Ân chào mừng cử tọa và giới thiệu diễn giả là một nhà hoạt động rất tích cực trong mọi lãnh vực chính trị,văn hóa xã hội. Kỹ sư Châu hiện là thành viên của nhiều tổ chức thiện nguyện Đức-Việt, đang điều hành Trung tâm Việt Nam Hannover và Đại diện Ban phối hợp Họp mặt dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho sự chuyển hóa chính trị ở Việt Nam. Ngày 01.07.2017 tại thủ đô Berlin ông Lâm Đăng Châu được bầu vào ban chấp hành của Hội đồng Liên bang về Nhập cư và Hội nhập (Bundeszuwanderungs- und Integrationsrat/ BZI).
Ông Lâm Đăng Châu (thứ 3 từ trái) và các thành viên trong Hội đồng Liên bang về Nhập cư và Hội nhập (Bundeszuwanderungs- und Integrationsrat/BZI) (hình của BZI)
Trong bài phát biểu khai mạc Ts.Ân đã nhấn mạnh „tham dự chính tri từ việc đi bầu đến việc gia nhập các đoàn thể, tổ chức thiện nguyện văn hóa xã hội hay chính đảng là biểu lộ tinh thần trách nhiệm của một công dân Đức, nhưng đối với người di dân sự tham dự chính trị có ý nghĩa là một sự hội nhập chính trị sau tiến trình hội nhập xã hội.“
Qua phần thuyết trình, Ks Châu đã trình bầy tổng quát về những vấn đề hội nhập xã hội của 17 triệu người ngoại quốc đang sống và làm việc ở Đức. Theo diễn giả, Đức là một quốc gia dân chủ tự do và phóng khoáng. Đức rất cần di dân và chuyên viên các nghành. Thủ tục nhập tịch đã đơn giản hóa. Mỗi năm có trên 100.000 người di dân nhập tịch và Đức đã chấp nhận lưỡng tịch hay đa tịch.
Về sự tham dự chính trị của người ngoại quốc Ks Châu cho biết quyền bầu cử và ứng cử vào các nghị viện tiểu bang, liên bang và Âu châu đến nay chỉ dành cho công dân Đức. Số dân biểu gốc di dân trong quốc hội liên bang, tiểu bang và thành phố còn ở mức khiêm nhượng với tỷ lệ 5 -6%. Tuy nhiên các chính đảng ngày càng ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của các tổ chức di dân như gia tăng nhân sự di dân trong các cơ quan công quyền hoặc cho phép người ngoại quốc, ngoài các quốc gia thuộc Liên minh Âu châu (EU), được phép tham gia bầu cử Hôi đồng thị xã tỉnh thành phố. Một đạo luật di dân đang được bàn thảo.
Diễn gỉả Lâm Đăng Châu (trái) và ông Vũ Ngọc Yên,người hướng dẩn chương trình, (hình của VCS)
Cộng hòa liên bang Đức là một quốc gia pháp trị dân chủ với một hệ thống chính trị đa nguyên – đa đảng. Diễn giả cho biết 48 đoàn thể, tổ chức và chính đảng sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 9.2017. Theo diễn giả chỉ có một số chính đảng như Liên minh dân chủ/xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU), đảng dân chủ xã hội (SPD), đảng dân chủ tự do (FDP), đảng Xanh (Die Grünen) đảng Tả ( Die Linke), đảng „chọn lựa khác cho nước Đức“ (AfD)… là có nhiều cơ hội được cử tri tín nhiệm .Diễn giả cũng đã tóm lược chương trình tranh cử của các chính đảng này để cử tọa phân biệt được sự khác biệt trong các chính sách an ninh,quốc phòng,kinh tê, tài chính, gia đình, giáo dục,lao đông, y tế, hưu bổng, di dân-ti nạn.
Kết thúc bài thuyết trình, Ks Châu lưu ý cử tọạ thận trọng trước một số đảng có khuynh hướng dân túy bài ngoại hay phân biệt chủng tộc như đảng AfD, đồng thời nhắc nhở mọi người hãy hưởng ứng lời kêu gọi người di dân có quốc tịch Đức hăng hái đi bầu Quốc hội nhiệm kỳ mới của chính quyền Liên bang và các tổ chức người di dân.
Quang cảnh cuộc hội thảo (hình của VCS)
Kế tiếp là phần trao đổi ý kiến giũa cử tọa và diễn giả. Đa số cử tọa đồng ý sự hội nhập chính trị phải khởi sự bằng cách khuyến khích mọi người, đặc biệt giới trẻ tham gia vào các đoàn thể xã hội và chính trị Đức ở ngay địa phương cư ngụ để học tập và trau dồi kinh nghiệm hoạt động.
Cuộc hội thảo đã chấm dứt sau hai tiếng thảo luận sôi nổi và nhiều lý thú.
Trần Thanh Việt tường trình