Nghĩ gì sau cuộc bạo động hôm qua ở điện Capitol?

0
9

Thụy Mân

Thật ra quyền biểu tình đã được ấn định trong hiến pháp Mỹ, là một cách người dân thể hiện quyền công dân của mình, nhưng khi có bạo động, phá hoại và đổ máu thì nó lại là chuyện hoàn toàn khác.  

Ngày hôm qua thế giới đã kinh hoàng chứng kiến đám phiến loạn tấn công vào một nơi được xem là biểu tượng của nền Lập pháp nước Mỹ trong lúc nhân viên cao cấp chính phủ đang tiến hành một công việc có thể gọi là quan trọng nhất cho đất nước sau mỗi bốn năm.

Quốc hội Hoa Kỳ

Khác với một đất nước độc tài toàn trị nơi nhân vật lãnh đạo thường đắc cử với số phiếu bầu trên 95% trở lên, ở một đất nước dân chủ như Mỹ, ai là người thắng cuộc vào White House cũng để lại cho công chúng ít nhất là một nửa số người thất vọng (với cuộc bầu cử năm 2016 đã có hơn nửa số người dân Mỹ thất vọng). Nhưng vì là một đất nước tự do, người ta có những hành xử văn minh lịch lãm, người thua cuộc sẽ nén giữ sự thất vọng của mình, ủy lạo và xoa dịu đám đông ủng hộ, công nhận sự thất bại, để giúp cho sự chuyển giao quyền lực một cách văn minh nhất, êm thắm nhất. Đó là tiền lệ từ các đời tổng thống trước, cho đến khi đất nước này có Donald Trump.

Michael Reynolds/EPA, via Shutterstock

Ngày hôm qua cả thế giới đã thấy được lời cô Mary Trump là đúng.  Cô Mary đã cảnh báo mọi người về người chú ruột: “Thay vì chấp nhận sự thua cuộc, ông ấy sẽ phá tan nát nước Mỹ”,  nguyên văn “Rather than admit defeat, he would rather wreak havoc on the United States”.  Và ông ta đã làm đúng như vậy không chỉ hôm qua, mà suốt hai tháng qua.

đám côn đồ đi nghênh ngang trong các sảnh đường

Cuộc phiến loạn đã xảy ra, toàn thể Lưỡng Viện Quốc Hội đã phải rút vào lánh nạn, đám côn đồ đi nghênh ngang trong các sảnh đường, chiếm cứ văn phòng các nhân vật cao cấp, ngang nhiên phá phách và đập đổ, những hình ảnh đau lòng của một nước Mỹ chia rẽ và thù hận, nước Mỹ sau bốn năm đứng đầu bởi một con người bị các hội chứng thần kinh, bệnh ái kỷ, một tay côn đồ gian manh, bất nhân thứ thiệt, đã hiển hiện ra trước thế giới với tất cả các góc cạnh xấu xí và yếu đuối của nó, một nỗi ô nhục mà từ nay về sau mỗi bốn năm vào ngày này nó sẽ được nhắc đến như sự kiện 9/11, khi nước Mỹ bị tấn công bởi khủng bố quốc tế.

chiếm cứ văn phòng các nhân vật cao cấp, ngang nhiên phá phách và đập đổ.

Nhưng thật ra trong mọi cái xui luôn luôn có cái may. Hay đúng hơn sự xấu xa, dối trá bao giờ cũng có hậu quả riêng của nó.  Đó là karma, là ác giả ác báo khó tránh.  Đám phiến loạn không thay đổi được kết quả cuộc bầu cử, trái lại tiến trình đã được thông qua nhanh hơn, lý do lớn nhất có lẽ không còn nhiều người trong Quốc hội muốn dính dấp với một tay tổng thống thất cử, xúi giục bạo loạn, một kẻ thất bại cay đắng nhất, đê tiện nhất trong lịch sử đất nước.

đám côn đồ đi nghênh ngang trong các sảnh đường

Và rồi người ta sẽ quên Trump, hoặc nhớ đến Trump như một kinh nghiệm để tránh xa, ngay cả những người đã từng tham gia vào đám đông hỗn độn hôm qua, một ngày nào đó nhìn lại, họ sẽ hổ thẹn tự vấn “Không biết ma xui quỷ ám gì mà mình lại có mặt ở nơi đó ngày ấy?”

Và rồi nước Mỹ sẽ tiếp tục vĩ đại theo cách riêng của đất nước này.  Không giống ai cả, nhưng vẫn sẽ là ngọn cờ đầu dân chủ của thế giới.  Có thể bạn đang có những suy nghĩ u ám và không đồng ý với tôi điều này, nhưng nếu nước Mỹ không vĩ đại, không có những giá trị riêng của những con người tử tế, bất kể họ ủng hộ Dân Chủ hay Cộng Hòa, từ dân đen đến các viên chức cao cấp trong chính phủ thì làm sao chúng ta có thể trục được một tay “bán trời không mời thiên lôi” như Trump, sau khi đã lỡ lầm đưa ông ta vào White House bốn năm trước?

Trước mắt là buổi sáng sau cơn mưa!