Ngày hôm qua quá khứ đã chết rồi

    0
    94

    tản văn của Linh Phương

    Ngày hôm qua quá khứ đã chết rồi
    ( Ký ức chiến tranh – nấm mồ cho thời binh lửa )

    Sau trận Tổng công kích của người anh em bên kia chiến tuyến, Tiểu đoàn 6 Thần Ưng Thủy quân lục chiến của tôi trấn thủ cầu Bình Lợi một thời gian, rồi di chuyển vào Sài Gòn đóng quân từ cầu Sài Gòn dọc theo xa lộ Biên Hòa để bảo vệ Thủ đô VNCH.

    Gần nhau trong gang tấc nhưng cách xa ngàn trùng, vì từ cầu Sài Gòn đến Bà Hạt-Nguyễn Duy Dương hay Sư Vạn Hạnh nào xa xăm ngàn dặm gì đâu. Vậy mà, tôi cũng không thể tìm gặp Thương Mặc Uyên ( Lâm Thị Việt Nữ ) cô bé nhà thơ của nhóm Cung Thương Miền Nam. Tôi nhớ ngày em đưa tôi đến nhà thi sĩ Nguyễn Lệ Tuân ( nhóm Cung Thương Miền Nam ) nói chuyện văn nghệ văn gừng. Nguyễn Lệ Tuân tặng tôi tập thơ “ Máu & nước mắt & quê hương “ ( không biết tựa tập thơ có chính xác chăng, lâu quá tôi không còn nhớ được, vì đã 50 năm trôi qua ).

    Tháng 7/1968 , Tiểu đoàn xuôi quân về miền tây nam bộ( đặt dưới quyền điều động của chiến đoàn An Dương Vương ( A ) TQLC, những cánh thư của em theo tôi trên dặm dài hành quân. Nay Chương Thiện, mốt Rạch Giá, Cà Mau, hôm kia Cần Thơ ( do chiến đoàn Bắc Bình Vương ( B ) TQLC điều động ) . Rồi miền đông nam bộ với Tây Ninh- Long Khánh mật khu Mây Tào, rồi Chơn Thành-Bình Long…Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt khiến tôi và em càng ngày càng bặt tin thư từ Sài Gòn về KBC 3300.

    Rồi cuộc bể dâu 30.04.1975, không còn biết gì nhau nữa.

    Năm 2013, nghe bạn bè nói em đang sống hạnh phúc với chồng con bên Mỹ, sau đó nghe nói em đã chết vì bệnh. Tôi không biết phải tin vào nguồn tin nào ?.Cho đến một hôm, tôi nhận được email của người bạn học nào đó mà trước khi nhắm mắt em nhờ trao lại cho tôi những câu thơ ( nếu có ngày tìm được tôi ).

    Nguyên văn email đó là :

    “ Nhờ bạn tôi gửi đến Linh Phương……….khi nào có thể.
    Ngàn năm dưới mộ em sầu
    Nhớ người lính trẻ….tình đầu khôn nguôi !
    TMUyen.”

    Email mang tên em nhưng họ Trương chứ không phải họ Lâm. Tôi thắc mắc, bạn em trả lời : “ là một email chung của những người bạn cũ , để nhớ một thời áo trắng.” Tôi hỏi rất nhiều về em, nhưng bạn em khuyên tôi quên em đi, em không còn sống ở cõi đời này.Bạn em tiếp tục gởi thêm cho tôi 4 câu thơ của em :

    “ Người xưa nát với cỏ cây
    Tình xưa phiêu hốt theo mây cuối trời
    Linh Phương ơi ! Mộng xa vời
    Thư xanh ngày cũ ngậm ngùi nhớ nhau “
    -TMU-

    Tôi vẫn không tin em chết, nhưng cũng không thể hiểu-nếu em còn sống hà tất gì phải làm như vậy ? Em sống bên chồng, bên con thì tôi mừng cho em thôi mà. Những hệ lụy ngày hôm nay chỉ là do chiến tranh, do định mệnh nên dòng đời chia trăm nhánh, trăm ngã phân ly.

    Tháng 08-2013, bạn tôi-nhà văn Trúc Quân ( Lâm Quốc Trung ) chết, tôi nhận được lời chia buồn của một nick name trên FB và nhắc lại một kỷ niệm, khiến tôi tin rằng Thương Mặc Uyên còn sống.

    “ Gửi lời chia buồn tới gia đình Lâm Quốc Trung, để nhớ một thời ở tòa soạn báo Tinh Hoa Nữ Sinh đường Võ Tánh…còn nhớ không LP, chàng lính TQLC chạy xe Honda 67 chở nàng tên…ở đường Bà Hạt và Sư Vạn Hạnh…”

    Tôi tin em còn sống, vì chỉ có em mới nhớ “…để nhớ một thời ở tòa soạn báo Tinh Hoa Nữ Sinh đường Võ Tánh…còn nhớ không LP, chàng lính TQLC chạy xe Honda 67 chở nàng tên…ở đường Bà Hạt và Sư Vạn Hạnh…”, bạn em làm sao biết những chi tiết như thế ?

    Tôi hỏi nick name này là ai , nhưng không được trả lời những thắc mắc của tôi về Thương Mặc Uyên. Thương Mặc Uyên ơi ! Nếu em còn sống, sao phải khai tử chính mình ? Sao phải bảo tôi quên em ?

    Nửa thế kỷ trôi qua , từ khi tôi yêu đời quân đội theo vận nước nổi trôi, tôi và em chưa một lần hội ngộ. Dù hội ngộ để thấy em hạnh phúc bên chồng, bên con-để biết còn ở quê nhà hay bên kia bờ đại dương xa nghìn trùng. Nhưng thôi, tất cả đều trở thành quá khứ của ngày hôm qua-ngày hôm qua người lính trẻ Linh Phương. Và hôm nay- người lính trẻ ấy đã bạc mái đầu rồi. Tìm hiểu chi, nhắc nhớ chi khi em đã khai tử chuyện nửa thế kỷ dài đăng đẳng của thời loạn lạc chiến tranh.

    Ngày hôm qua của quá khứ đã chết rồi phải không Thương Mặc Uyên ?