Lấy đâu ra kỹ năng sống ở quê mà học?

    0
    634
       

    Vương Trí Nhàn

    Trong bản tin trưa của VTV một ngày đầu tháng 8 tôi thấy có mẩu tin mang tên “Về quê học kỹ năng sống.”

    Trên màn hình là đám trẻ đô thị quần áo đủ lệ bộ, xô nhau vào một đám vườn cải vầy vò làm không ra làm nghịch không ra nghịch.

    Cái buồn cười ở đây không phải chỉ ở tính cách bố trí giả tạo của sự việc mà còn là ở những quan niệm nằm sâu trong người làm tin.

    Mấy chữ kỹ năng sống mới nhập khẩu chắc có nghĩa rộng hơn, chứ không phải chỉ gồm mấy việc ra một đám đất chạm tay vào mấy cây rau.

    Mà sao lại về quê để học khi – theo quy luật chung của thế giới – cuộc sống nông thôn có tính tự phát đang được tổ chức lại thành các đô thị?

    Tôi không có con số chứng minh chính xác nhưng có lẽ trên thế giới hiện nay chỉ có Việt Nam là nước duy nhất lấy cuộc sống nông thôn ra làm mẫu cho những người vươn ra thành thị.

    Có lần tôi đã lưu ý trên trang FB này: sách giáo khoa tiểu học ở ta toàn những bài viết tả cảnh mẹ ra sân ngồi sàng sẩy gạo với lại đi trên đường làng lắng nghe tiếng chim thánh thót.

    Ai mà nhịn cười cho được?!

    Xã hội đang trong quá trình hiện đại hóa, con người đang sống với những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất.

    Học sinh thành phố ngày nay đến trường không phải là đi qua con đường dài và hẹp như Thanh Tịnh tả trong “Quê mẹ” mà đi qua cả biển những phương tiện giao thông lúc nào cũng có thể gây tai nạn.

    Nếu học cả ngày thì ăn uống nghỉ ngơi ra sao ra các tiệm vắng la cà thế nào, để vừa có thể xả láng chút đỉnh vừa không làm mồi cho những trò cám dỗ hư hỏng bám đầy các cổng trường.

    Cuộc sống trong gia đình lại là vấn đề kỹ năng mà trẻ rất thiếu và nhà trường thì bỏ mặc.

    Ở các nhà trường do bên tôn giáo quản lý tôi thấy người ta có cả chương trình giáo dục nhân bản, ở đó dạy trẻ từ cách cầm chiếc bát cho tới cách trò chuyện với mọi người trong gia đình trong bữa ăn, các quy định này rất gần với những kiến thức mà ở các nước phát triển người ta đang dạy trẻ.

    Rồi các việc liên quan trong xã hội, như việc sử dụng các loại máy móc hiện đại, cách sử dụng điện thoại khi có nhiều người cùng sống trong một căn phòng, cách xả rác và vứt rác…

    Có thể nói trong việc hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ ở ta mọi người lơ là bao nhiêu thì ở họ có những chuẩn mực rõ bấy nhiêu. Có cả một triết lý chi phối họ chứ không phải những việc làm tùy tiện bốc đồng.

    Gói gọn việc dạy con trong một chữ ngoan và biết nghe lời người lớn tuổi , thực ra các ông bố bà mẹ trẻ ở ta hiện nay đang rất bí trong việc giáo dục con trẻ. Họ mong chúng có thể tử tế hơn cả mình. Và họ bất lực.

    Mà cả xã hội cũng bí, một xã hội chỉ thích la hét huyên thuyên những chuyện to lớn đâu đâu nhưng lại bỏ qua những chuyện gọi là ” nhỏ nhăt’ và lúc nhận ra chỗ lạc hậu của mình thì làm quấy làm quá cho phải phép. .

    Nhìn rộng ra phải thấy đây chính là một trong những chỗ yếu chết người của những xã hội chuyển từ nông thôn lên thành thị theo kiểu chín ép.

    Cái việc nhà trường và đài báo chỉ bằng lòng với mấy chữ kỹ năng sống hời hợt để trốn việc chỉ là một ví dụ nhỏ báo trước là chúng ta còn khổ sở vì sự chuyển đổi phi chuẩn của mình.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here