NỀN CỘNG HÒA NHÂN DÂN CỦA SỰ MẤT TRÍ NHỚ: THĂM LẠI THIÊN AN MÔN

0
87

Louisa Lim

Nguyễn Trung Kiên dịch

*

NGƯỜI LÍNH

Những làn khói bốc lên từ đám cháy bao quanh Cổng Thiên đường, khi những người lính chất đống tài sản của sinh viên để đốt. Không một dân thường nào có mặt. Không gian này chỉ có những kẻ đội mũ kaki, với nhiệm vụ duy nhất là tiêu hủy bằng chứng. Những người lính khác đang lục soát kỹ đống hổ lốn gồm lều, túi ngủ và các loại truyền đơn. Một loạt các biểu ngữ màu đỏ rơi xuống mặt đất, gây tiếng động và ánh lên một màu đỏ của máu nội tạng người. Đó là ngày Bốn tháng Sáu năm 1989, vào sáng sớm; bạo lực vô hình nhưng luôn hiện hữu.

Nhiều đoàn xe bọc thép chở binh lính, nòng súng của chúng chĩa thẳng vào cổng Thiên An Môn. Chúng đỗ ở chính cái nơi mà Chủ tịch Mao từng đứng vào bốn mươi năm trước để tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những chiếc xe tăng nối đuôi nhau đứng thành hàng tại địa điểm có sức mạnh chính trị nhất của Trung Quốc.

Những cảnh này tại Thiên An Môn chỉ được chứng kiến bởi quân đội. Các sinh viên cuối cùng đã rời khỏi quảng trường sau bảy tuần, nhường vị trí cho các xạ thủ, khi 150.000 binh sĩ được huy động trong một chiến dịch quân sự lớn. Số người chết vẫn chưa được biết. Tài liệu sơ bộ Trung Quốc công bố 241 người chết, bao gồm 23 binh sĩ. Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc ban đầu ước tính rằng 2.600 người đã chết, một con số về cơ bản đã được chứng thực bởi Đại sứ quán Thụy Sĩ khi đến thăm các bệnh viện của Bắc Kinh và tuyên bố 2.700 người đã chết, nhưng cả hai đã nhanh chóng rút các số liệu này dưới áp lực ngoại giao. Một bức điện ngoại giao của Hoa Kỳ từ ngày 22 tháng 6 năm 1989 đã kết luận rằng những con số đó là không phải là vô lý “dựa trên bản chất của cuộc xung đột và vũ khí được sử dụng bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QGPNDTQ)”. Trong mọi trường hợp, những con số này không phản ánh ý thức phản bội tuyệt đối khi Quân đội Nhân dân chĩa vũ khí vào chính người dân của mình.

Đối với một trong những người lính từng tham gia, phải mất nhiều thời gian – nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều năm để hiểu được vai trò của mình đối với những sự kiện đã xảy ra. Cho đến nay, những cảnh Trần Quân chụp trên quảng trường khi một nhà nhiếp ảnh quân đội 17 vẫn luôn ám ảnh anh. Ngày nay, Trần Quân là một họa sĩ có các tác phẩm hội họa nổi tiếng về những sự kiện trong đêm đó; anh đã vẽ toàn bộ các bức tranh trong những bộ sưu tập mà biết rằng chúng sẽ không bao giờ được trưng bày công khai ở Trung Quốc đại lục. Đêm đó cắt đôi cuộc đời anh. Anh sẽ không bao giờ lấy lại được sự hồn nhiên mà mình từng có. Đêm đó cũng chia đôi đời sống của đất nước; lịch sử hiện đại của Trung Quốc xoay quanh đêm đó – mặc dù điều đó không được nói ra và ngày càng không được biết đến trong thế hệ trẻ.

Có lẽ bức tranh toát lên sự độc ác nhất của Trần Quân lại có vẻ như vô hại nhất: treo lên tường, một bộ ba bức tranh gần như giống hệt nhau của một chiếc đồng hồ đeo tay. Đó là một chiếc đồng hồ đeo tay màu bạc với dây đeo kim loại, mặt màu kem và đang chỉ 12 giờ. Dưới đó là viền màu đỏ của Cổng Thiên Đường, được đặt phía trên chữ “Bắc Kinh”. Bên dưới trục trung tâm của chiếc đồng hồ là một bản phác thảo nhỏ về một người lính đội mũ kaki, khuôn mặt kiên định và quyết đoán. Dọc theo đáy của chiếc đồng hồ có dòng chữ Trung Quốc nhỏ, ”Tháng Sáu 89, để Tưởng nhớ việc Đàn áp sự Hỗn loạn”. Chiếc đồng hồ này là món quà lưu niệm vốn đã được trao cho tất cả các người lính đã tham gia đàn áp phong trào dân chủ.

*

Trần Quân đang đợi tôi bên lề một con đường đầy ổ gà, anh đang ngắm một đàn chó hoang nhặt rác giữa những chiếc túi nhựa bẩn thỉu xoay tròn trong gió. Dáng người nhỏ bé, tinh nghịch với mái tóc muối tiêu xù xì, anh mặc một chiếc áo khoác đen được cắt may kỹ lưỡng với cổ áo rất hợp thời trang, có thể tháo rời. Ở vùng ngoại ô Bắc Kinh này, các nhà máy màu xám nổi bật bên cạnh những ngôi nhà một tầng xây bằng gạch nung, tất cả tan vào chân trời không đường biên với sự ngổn ngang của một đô thị đang đằm mình trong những đống rác li ti. Trần dẫn tôi đến xưởng vẽ của anh ở tít sâu bên trong một xưởng in, nơi không ai quan tâm đến những gì anh đang vẽ. Một tinh thần khác biệt phân biệt Trần Quân với các họa sĩ nổi tiếng chạy theo thị trường đã kiếm được bạc triệu từ sự bùng nổ của nền mĩ thuật Trung Quốc. Quyết định vẽ những bức tranh không thể trưng bày của mình khiến anh không thể kiếm tiền dễ dàng và nổi tiếng nhanh chóng – những biểu tượng của thành công.

Trần Quân có khát vọng mãnh liệt trở thành họa sĩ ngay từ khi còn là một cậu bé. Cha anh làm công nhân nhà máy và mẹ ở nhà làm nội trợ tại một làng thuần nông nghèo khổ ở huyện Thương Khâu của tỉnh Hà Nam, một nơi bị đại dịch AIDS hoành hành. Những người nông dân nghèo tuyệt vọng đã bán hàng hóa duy nhất của họ – máu – cho những người thu mua máu được chính phủ tài trợ, những người này đã lấy máu, tách huyết tương và sau đó truyền lại các tế bào hồng cầu còn lại cho nông dân, tạo điều kiện cho bệnh AIDS lan rộng ra các làng thuần nông trong huyện. Mặc dù Trần không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế này, nhưng việc đạt điểm kém ở trường khiến tương lai của anh mờ mịt. “Người ta nói tôi phải tìm việc hoặc gia nhập quân đội”, anh kể với tôi. “Không có con đường thứ ba nào đâu”. Vì vậy, vào mùa Xuân năm 1988, khi chỉ mới 16 tuổi, anh đã bỏ học cấp ba. Độ tuổi tối thiểu để gia nhập QGPNDTQ là 18 tuổi. Anh đã nói dối về tuổi của mình, hy vọng rằng nghĩa vụ quân sự sẽ tạo cho anh một điểm tựa để có thể theo học tại Học viện Mỹ thuật Quân sự đầy danh giá.

Gia nhập quân đội là một quyết định mà Trần hối hận ngay từ khi anh bước lên tàu tới doanh trại mới của mình ở Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc. Ngay từ ngày đầu tiên, anh đã kiệt sức bởi những công việc hàng ngày, liên tục và đầy mệt mỏi, của đời quân ngũ. Mỗi ngày bắt đầu lúc năm rưỡi sáng, với một cuộc hành quân bắt buộc về nông thôn trong cái lạnh cắt thịt khiến anh ói mửa. Khi trở về doanh trại, một lớp băng mỏng đã đóng trên chiếc mũ bông của anh. Các hoạt động trong ngày chủ yếu bao gồm các buổi tập luyện và các bài giáo dục chính trị vô tận, trong đó các binh sĩ nghe các sĩ quan đọc báo QGPNDTQ và sau đó giải thích cặn kẽ về cách hiểu đúng của từng bài báo. Điều tồi tệ nhất là sự thiếu ngủ; những người lính buộc phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đứng gác, tham gia các buổi huấn luyện vào ban đêm, và chịu đựng các cuộc kiểm tra khẩn cấp, khi họ bị ra lệnh phải nhảy ra khỏi giường để đóng gói toàn bộ bộ quân trang quân dụng trong năm phút. Đến tháng Năm năm 1989, khi ở trong quân đội chỉ hơn một năm, Trần Quân đã vỡ mộng. Anh đã không chuẩn bị cho sự khắc nghiệt của cuộc sống trong quân ngũ, điều này khiến anh suy sụp sức khỏe, phải vật lộn với bệnh viêm phế quản mãn tính và bệnh tiêu chảy.

Một ngày tháng Năm, khi đơn vị anh đang huấn luyện, một tiếng còi báo động đột ngột tuýt lên. Mệnh lệnh đã được ban xuống: Đơn vị của anh được lệnh hành quân đến Bắc Kinh để bảo vệ thủ đô trước “một biến động nghiêm trọng”. Trần và đồng đội anh không biết điều này có nghĩa gì. Vào thời điểm đó, họ không biết rằng đã có những cuộc tuần hành rầm rộ len lỏi khắp các con phố thủ đô trong một cuộc biểu tình chưa từng thấy của nhân dân. Họ không biết rằng các sinh viên đã lần đầu tiên diễu hành vào giữa tháng Tư để tỏ lòng thương tiếc về cái chết đột ngột của nhà lãnh đạo cải cách Hồ Diệu Bang, và sau đó, nổi giận trước phản ứng dè dặt của chính phủ, nhân dân đã bắt đầu đưa ra lời kêu gọi tự do báo chí, dân chủ hóa và chấm dứt tham nhũng. Những người lính không biết rằng nhiều nghìn công nhân, thậm chí có những người đến từ các cơ quan chính phủ, đã tham gia tuần hành. Họ không biết rằng có sự chia rẽ ở cấp cao nhất của chính phủ về cách đối phó với các cuộc biểu tình, trong đó các nhà cải cách đối đầu với phe bảo thủ. Và họ không hề biết rằng, chính họ đã trở thành những con tốt trong một trò chơi chính trị với số tiền đặt cược cao nhất.

Phần lớn, những người lính vốn là các chàng trai tuổi đôi mươi của những vùng quê nghèo đã không suy nghĩ quá nhiều về những gì họ đang hướng đến trong cuộc đời mình. Nếu có, thì đó dường như là một cuộc phiêu lưu. Chỉ ít người trong số họ từng được đến thăm thủ đô, và cuối cùng, tất cả trong họ đã có được cơ hội này.” Chúng tôi không sợ, chúng tôi nghĩ nó sẽ rất vui”, Trần vừa cười vừa nói khi anh nhớ lại sự phấn khích ngây thơ của họ. “Chúng tôi cảm thấy rằng đến Bắc Kinh sẽ vui hơn là tập trận tại doanh trại”. Doanh trại của họ ở Trương Gia Khẩu cách thủ đô chừng 160 cây số, nhưng cuộc hành quân của họ kéo dài tới hai ngày hai đêm, bị nêm chặt vào xe tải quân đội màu xanh lá cây, chạy trên những con đường núi hẻo lánh và quanh co.

Đối với những người lính hy vọng sẽ được vui vẻ, ban đầu cuộc sống tại Bắc Kinh dường như thậm chí còn nhàm chán hơn cuộc sống doanh trại. Đơn vị của Trần Quân đã đóng quân tại một trường bắn của QGPNDTQ ở Thạch Cảnh Sơn, cách Bắc Kinh gần 20 cây số về phía Tây. Không có bãi tập, hàng ngày họ phải nghe đọc các bài báo từ ‘Quân đội nhật báo’ và ‘Nhân dân nhật báo’. Họ liên tục được nói rằng một số lượng cực kỳ nhỏ những kẻ gây rối với mục đích xấu đã lợi dụng tình hình. Họ được cho biết rằng nhóm nhỏ đã phản đối sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Mục đích của chúng là gieo rắc sự bất đồng trong nhân dân và khiến đất nước rơi vào hỗn loạn. Quân đội phải kiên quyết và tuân thủ mệnh lệnh của Đảng. Đối với Trần Quân, nhiệm vụ đã rất rõ ràng. Là một người lính được đào tạo về nghệ thuật biết vâng lời, việc thắc mắc đối với mệnh lệnh – ngay cả trong đầu – là không thể tồn tại.

Vào ngày 19 tháng Năm, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tuyên bố thiết quân luật sẽ có hiệu lực vào ngày hôm sau, một mệnh lệnh mà các binh sĩ đã chờ đợi cuối cùng đã được ban hành: bảo vệ Quảng trường Thiên An Môn. Đoàn xe tải của họ ra khỏi doanh trại, nhưng đã chỉ đi một vài cây số trước khi họ bị vây quanh bởi làn sóng liên tiếp những người dân ngày một đông hơn để ngăn chặn họ. Mỗi lần họ tiến về phía trước, một làn sóng người mới lại vây quanh họ, được hỗ trợ bởi xe tải và xe buýt chặn đường. Những người lính bị bao vây bởi một biển người với mục đích ngăn chặn sự tiến quân của quân đội vào thành phố. Đối với Trần, đây là một bước ngoặt. Anh nhớ lại: “Tôi không còn cảm thấy vui nữa. Tôi cảm thấy rất thưc”.

Những người bao vây xe tải bao gồm cả sinh viên lẫn thường dân. Cố gắng chống lại việc sử dụng vũ lực, những người bao vây này, hết người này đến người khác, đã liên tục nói chuyện với những người lính để chống lại giáo dục chính trị mà những người lính này tiếp nhận được trong doanh trại của họ. Điều này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Các sinh viên và thường dân trải báo lên mặt đất và nằm ngủ trước bánh xe tải của QGPNDTQ. Họ nói với các binh sĩ rằng nhiệm vụ của họ là bảo vệ các khu vực biên giới và đảm bảo sự an toàn của lãnh thổ Trung Quốc, mà không phải là đến thủ đô, nơi không cần sự hiện diện của họ. Các sinh viên nghiêm túc và những người phụ nữ già tốt bụng đã tranh luận và cầu xin những chàng trai trẻ trong những chiếc xe tải không sử dụng bạo lực đối với người dân Trung Quốc. Những người lính được lệnh không trả lời; bị nêm chặt vào xe tải, họ phải thay phiên nhau ngồi xuống.

Đây không phải là loại nhận thức mà Trần đã mong đợi. “Không khí đó không giống sự hỗn loạn nào đó”, anh nhớ lại. “Sinh viên rất thân thiện, với nụ cười rạng rỡ. Tinh thần của họ rất phấn khích”. Ba ngày bốn đêm đã trôi qua khi ngày càng rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo của QGPNDTQ đã không chuẩn bị cho sự kiện này, cũng như không hình thành được chiến lược cho bước tiếp theo. Mỗi người lính chỉ mang theo một ổ bánh mì. Lúc đầu, đội quân này từ chối lời đề nghị tiếp tế từ các sinh viên, nhưng khi vài giờ kéo dài thành vài ngày, họ không thể chịu đựng được cơn đói. “Một vài người đã nhận tiếp tế”, Trần Quân nhớ lại. “Sau đó, các sinh viên rất nhiệt tình – họ thực sự muốn cho chúng tôi ăn mà chúng tôi chỉ có thể từ chối họ rất nhiều lần, sau đó chúng tôi cảm thấy xấu hổ và đành nhận tiếp tế”. Người dân đã đưa mì ăn liền, bánh mì, trái cây và nước khoáng cho những người lính đang tràn đầy lòng cảm kích, và dần dần các rào cản giữa những những bao vây và kẻ bị bao vây đã sụp đổ.

Vài ngày trôi qua, người dân bắt đầu thay đổi chủ đề của bài giảng, và đã mệt mỏi với những lời cầu xin với nội dung duy nhất là chống lại bạo lực. Thay vào đó, Trần nhớ lại rằng anh đã được nghe một đoạn ngắn về ý nghĩa của đời sống, sau đó là một bài giảng về sự lan tràn của tham nhũng tại Trung Quốc. Đối với Trần, bài giảng giáo dục công dân bất ngờ này đã bắt đầu có hiệu quả: “Ngay lập tức, bạn sẽ cảm thấy như mình đã không hiểu xã hội này. Trung Quốc có thực sự có nhiều kẻ tham nhũng không? Có quá nhiều bất công ư? Bạn đột nhiên bắt đầu suy nghĩ về những vấn đề này. Trước đó, bạn không có ý thức kiểu đó. Mặc dù bạn không thể nói chuyện với các sinh viên, nhưng những lời nói của họ có ảnh hưởng đến tâm trí của bạn”. Một khi Trần đã hình thành những câu hỏi như vậy, chúng dẫn đến những câu hỏi khác mà anh chưa bao giờ tự vấn, điều này làm dâng lên sự nghi ngờ trong anh: “Bạn có thể được nghe rằng quân đội của chúng ta rất to lớn và hùng mạnh, nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi không cảm thấy lớn và mạnh mẽ. Chúng tôi cảm thấy rất vô dụng”.

Dần dần, những người lính bắt đầu thư giãn, hạ thấp sự cảnh giác để trò chuyện với người dân về quê hương và cuộc sống của họ. Tại một thời điểm này, QGPNDTH, rõ ràng đang lo lắng về tình đồng bào, bắt đầu thả tờ rơi từ máy bay trực thăng, cảnh báo các binh sĩ không tin vào những tin đồn và hãy giữ vững lập trường. Các sinh viên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hy vọng sẽ tiếp tục tác động đến người lính. Đến lúc đó, Trần đã không thể khắc phục sự mất kết nối giữa những gì anh đang thấy và những lời cảnh báo lặp đi lặp từ quân đội dành cho những kẻ gây rối với những động cơ thầm kín. “Bạn bắt đầu tự hỏi trong những sinh viên kia, ai là người xấu. Nhưng thật khó để nói ai là người xấu. Mọi người có vẻ rất bình thường”.

Cuối cùng, mệnh lệnh lui quân về lại doanh trại ở Thạch Cảnh Sơn đã được ban ra. Mệnh lệnh này không tạo ra cảm giác về một sự lui quân đầy nhục nhã. Người Bắc Kinh đốt pháo dọc theo tuyến đường rút lui của binh lính. Sự nhẹ nhõm của quân đội kết hợp với sự phấn khích của sinh viên đã tạo ra một bầu không khí của một lễ hội chiến thắng. Các biểu ngữ thậm chí được treo từ các tòa nhà trên đường với các khẩu hiệu như “QGPNDTQ đã ra quân lệnh. Chúng tôi ủng hộ”, “Không có rối loạn ở Bắc Kinh. Các bạn hãy trở về đi”.

Đơn vị của Trần không phải là đơn vị duy nhất có trải nghiệm này. Ít nhất bảy sư đoàn QGPNDTQ đã cố gắng vào thành phố cùng một lúc để áp đặt thiết quân luật. Lệnh của họ là hội quân về thủ đô từ phía Tây, phía Tây Nam, phía Nam, phía Đông và phía Bắc. Tất cả đều án binh bất động trước biển người và cuối cùng buộc phải rút lui, một số sư đoàn thậm chí còn cảm thấy khó khăn khi trở về căn cứ.

Nhân dân đã đứng dậy để quân đội – không sử dụng gì khác ngoài cơ thể và trí thông minh của mình – và nhân dân đã giành chiến thắng. Đối với các sinh viên, đây là một chiến thắng lớn, một dấu hiệu cho thấy phong trào của họ đã trở thành một phong trào quần chúng. Họ coi đó là sự thừa nhận của chính phủ, rằng chính phủ đã đánh mất niềm tin của những người trao quyền cai trị chọ họ, “mệnh lệnh từ thiên triều” mang tính truyền thống. Theo nhà triết học Nho giáo Mạnh Tử, trong khi thiên mệnh trao cho người cai trị quyền được cai trị, thì bậc thiên tử phải nhìn bằng con mắt của người dân và lắng nghe bằng đôi tai của người dân.

Chiến thắng của nhân dân thật ngắn ngủi bởi nó chỉ làm gia tăng sự cấp bách trong nhu cầu giành lại quyền kiểm soát của chính quyền trung ương. Thiết quân luật đã không bị hủy bỏ. Sau khi trở về doanh trại, quân đội đã trải qua 10 ngày tiếp theo trong một màn sương mù của sự tẩy não mãnh liệt. Nhiệm vụ duy nhất của họ là lắng nghe những bài giảng cảnh báo họ về tình trạng hỗn loạn ở Bắc Kinh và tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ thủ đô. Sau đó, quân lệnh đã được đưa ra lần thứ hai: bảo vệ Quảng trường Thiên An Môn.

*

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy quân đội sẽ có một lối hành quân bí mật hơn để vào Bắc Kinh là sự xuất hiện một chiếc xe tải chất đống quần áo dân sự tại trường bắn vào ngày Ba tháng Sáu. Chính quyền đã xác định rằng bất kỳ nỗ lực tiếp theo nào tiến để vào Bắc Kinh sẽ không bị cản trở theo cùng một cách. Mỗi người lính được lệnh chọn ra một bộ trang phục dân sự để che giấu thân phận thực sự của mình. Trần Quân chọn một chiếc quần dài màu xanh hải quân và áo phông màu xám. Thay vì vào thủ đô bằng xe tải, như trước đây, những người lính mặc thường phục được lệnh tự đi vào trung tâm Bắc Kinh bằng tàu điện ngầm, xe buýt hoặc thậm chí đi bộ. Điểm hẹn là Đại lễ đường Nhân dân tại Quảng trường Thiên An Môn trước 6 giờ tối cùng ngày.

Vào thời điểm đó, Trần Quân đang dùng thuốc kháng sinh cho bệnh hen suyễn và tiêu chảy, khiến cấp trên của anh lo sợ rằng anh có thể không đủ sức để tự mình đến quảng trường. Anh ta được lệnh đi đến Quảng trường Thiên An Môn bằng một chiếc xe buýt công cộng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi nhìn thấy nó, anh nhận thấy rằng tất cả các ghế đã được gỡ bỏ để nhường chỗ cho các thùng súng và đạn dược được xếp chồng lên các gờ cửa sổ. Trần Quân, cúi mình bên những chiếc thùng, là hành khách duy nhất trên xe buýt. Cảm xúc đầu tiên của anh là sự nhẹ nhõm khi anh được đi xe, nhờ đó tránh được nguy cơ bị lạc trong thành phố rộng lớn và xa lạ.

Xe buýt đi chậm như rùa bò từ từ tiến vào Bắc Kinh. Nó chỉ bị chặn một lần bởi đám đông sinh viên đang cố khéo léo liếc nhìn vào bên trong, và sau đó để nó tiếp tục đi. Lúc đó, Trần không biết mình đã may mắn như thế nào. Trên thực tế, hành trình của anh rất suôn sẻ, đến nỗi anh là một trong những người lính đầu tiên đến Đại lễ đường Nhân dân, vào lúc ba rưỡi chiều, sớm hơn hai giờ trước giờ hẹn. Anh được lệnh mở xe buýt và mang súng vào trong. Khi anh vật lộn với một đống súng tiểu liên, thì có tới năm hay sáu người kéo chúng vào Đại sảnh Nhân dân cùng một lúc, tay và quần áo của Trần được phủ một lớp mỡ đen được dùng để giấu và bảo quản súng. Khi đặt các khẩu súng vào điểm giấu súng trong Đại lễ đường, anh phát hiện rằng trong đó đang tràn đầy quân lính trong thường phục đang cố gắng tìm đơn vị của riêng họ. Họ đưa ra các dải vải màu, mỗi màu xác định một đơn vị khác nhau, để buộc quanh cánh tay của họ, cho đến khi họ có thể tập hợp lại trong bộ đồng phục. Trần đã từng thấy Đại lễ Nhân dân trên các bản tin, đông kín các đại biểu vỗ tay đầy lịch sự khi tham dự dự cuộc họp thường niên của Quốc hội nhân dân. Khi nhìn thấy nơi thần thánh này chứa đầy lính tráng, anh cảm thấy như thể anh đã rơi qua các vết nứt để rơi vào một vũ trụ song song khác vốn không thể hiểu được.

Vào khoảng 6 giờ chiều, những người lính trong đơn vị của Trần, đang mặc quân phục của họ, được giao một nhiệm vụ mới. Họ được thông báo rằng họ phải giải cứu vũ khí và đạn dược mà bọn tội phạm đã đánh cắp từ một chiếc xe buýt bị bắt giữ gần tòa nhà Bưu điện, gần ngã tư Tây Thiền của Đại lộ Trường An “Sau đó, tôi mới bắt đầu cảm thấy rất sợ hãi”, anh nhớ lại, khi anh nhận ra rằng một người lính giống như mình đã bị nhân dân phát hiện khi chuyển vũ khí vào trung tâm Bắc Kinh.

Ngày hôm sau anh nghe thấy rằng, vào đầu giờ sáng ngày Bốn tháng Sáu, một người lính hai mươi lăm tuổi tên Lưu Quốc Canh đã bị giết bởi một đám đông gần nơi lấy súng. Hình ảnh xác chết của Lưu trở thành biểu tượng trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc để minh họa những mối nguy hiểm thực sự mà quân đội quân luật phải đối mặt. Lưu đã bị treo cổ trên một chiếc xe buýt công cộng đen kịt, trần truồng, đôi tất và chiếc mũ quân đội vất lộn xộn trên đầu. Lưu ngay lập tức được nâng lên vị trí của một người tử vì đạo. Người cha đang khóc lóc của anh được chiếu trên truyền hình khi đang được các nhà lãnh đạo của đất nước an ủi.

Theo một tài liệu chính thức, đơn vị của Lưu đã bị bao vây trên Đại lộ Trường An, nơi những người biểu tình đã vô hiệu hóa một số xe chở binh lính và đạn dược. Khi Lưu nhận ra chuyện gì đã xảy ra, anh quay lại giúp đỡ đơn vị của mình. Một cuốn sách lịch sự được phê duyệt đã được phát hành, với tựa đề “Sự thật về cuộc bạo loạn ở Bắc Kinh”, mô tả những gì xảy ra sau đó. Một nhóm những kẻ bạo loạn đã tấn công họ dữ dội. Gạch, vỏ chai, và gậy sắt bay như mưa trên đầu và ngực của họ. Người lái xe bị đánh bất tỉnh ngay tại đó. Lưu Quốc Canh là người đầu tiên bị một số tên côn đồ đánh đến chết, xác anh bị đốt cháy và treo lên một chiếc xe buýt. Rồi xác anh tiếp tục bị đánh bại bởi một kẻ bạo loạn man rợ”. Đây là một phần của một sáng kiến tuyên truyền chủ động sau hậu quả ban đầu của các vụ giết người, trong thời gian đó chính phủ đã cố gắng bình ổn đất nước bằng việc đưa tin sai về sự kiện.

Trên đường phố, một kịch bản thay thế khác được lưu hành rộng rãi là Lưu đã bắn bốn người bằng khẩu AK47 của mình và bị bắt sau khi anh hết đạn. Trên thực tế, những bức ảnh chụp xác anh treo trên xe buýt đã được đóng khung theo cách để loại trừ những khẩu hiệu được vẽ nguệch ngoạc trong bụi bẩn bên hông xe buýt: “Ông đã giết bốn người! Kẻ giết người! Nhân dân phải thắng! Trả lại nợ máu!” Đối với Trần, cảnh tượng xác chết của một người lính bị treo trên cùng một loại xe buýt công cộng mà anh đã vận chuyển vũ khí báo hiệu điều gì đó hoàn toàn khác. “Người này đã làm điều tương tự như tôi”, anh nói với tôi một cách tự tin, nhún vai như tỏ ý bỏ qua những khác biệt.

Vào tối ngày Ba tháng Sáu, thực hiện lệnh thu hồi vũ khí bị đánh cắp, tiểu đoàn của Trần Quân đã đi ra cửa sau ở phía Tây Đại lễ đường Nhân dân, chỉ họ lại gặp một đám đông đang dùng chiến thuật biển người để khống chế những người lính. Trần và tiểu đoàn của anh trở nên bất động. Người biểu tình vẫn đang giảng giải cho những người lính, nhưng bây giờ họ đang làm gì đó manh động hơn: “Những viên gạch và vỏ chai thủy tinh từ đâu đó bay đến chỗ chúng tôi. Một số đánh vào đầu chúng tôi. Một số khuôn mặt của những người lính đã ngập máu. Chúng tôi ôm chặt chặt nhau, đểnhững viên gạch và vỏ chai bật ra khỏi mũ bảo hiểm của chúng tôi”.

Quân đội đã không nhận được mệnh lệnh nào, vì vậy họ chỉ cần ngồi khoanh chân bên ngoài hội trường. Có lúc, họ thậm chí còn hát đồng ca để thách thức những người đang bao vây họ, một cuộc thi thố tầm thường khiến sinh viên sai lầm rằng họ đang an toàn. Những người lính đã hát những bài hát trong quân đội, cố gắng át bài Quốc tế ca mà sinh viên đang hát. Sau khoảng ba tiếng rưỡi, khoảng 9 giờ 30 phút, quân đội được lệnh rút lui trở lại Đại lễ đường Nhân dân. Cửa sổ bị ném gạch khi họ chờ đợi bên trong.

Rồi một giai đoạn căng thẳng cao độ bắt đầu. Những người lính xếp hàng sau cánh cửa lớn hướng ra quảng trường, chờ lệnh. Đến khoảng nửa đêm, đạn dược đã được phân phát – bốn băng mỗi người – mỗi khẩu mang theo khoảng 50 hoặc 60 viên đạn, một băng được nạp vào súng và ba băng khác được đeo ngang ngực. “Tất nhiên tôi rất sợ”, Trần Quân nói, đôi tay run rẩy khi rót thêm một chén trà ngon. “Khi bạn có một khẩu súng không có đạn, điều đó thật vô nghĩa. Nó thậm chí không nguy hiểm như một con dao làm bếp. Nhưng một khi đạn đã được nạp, nó rất nguy hiểm”.

Thần kinh căng thẳng đến nỗi đạn đã được bắn bâng quơ rất nhiều lần, câc viên đạn bay qua trần hội trường. “Đến chín rưỡi, khi chúng tôi quay lại bên trong, họ nói rằng chúng tôi sẽ đi thẳng ra ngoài. Sau đó, mười giờ, mười một giờ, rồi mười hai giờ, chúng tôi tưởng phải buộc tiến ra ngoài. Nhưng chúng tôi chỉ chờ đợi và chờ đợi, đứng đó, cầm súng và chờ đợi”.

Khi cánh cửa đột ngột bật mở, Trần không biết đã mấy giờ. Mệnh lệnh xóa sạch quảng trường đã được truyền đến. Khi anh đứng cùng biệt đội của mình trên các bậc thềm trước Đại lễ đường Nhân dân, mệnh lệnh cho phép bắn trả đã được thông qua từ thượng cấp xuống. “Vào thời điểm đó, không phải là mệnh lệnh trực tiếp, nhưng các cấp chỉ huy sẽ nói với cấp thấp hơn sau rằng nếu gặp nguy hiểm, họ có thể nổ súng. Và đó là mệnh lệnh từ thượng cấp truyền xuống. Nó chỉ được truyền xuống từ người này sang người khác”.

Trần nắm chặt khẩu súng của mình đến nỗi tay anh run lên. Một trong những vị chỉ huy biệt đối thấy anh phải vật lộn với khẩu súng và quyết định rằng anh không phù hợp với nhiệm vụ tiền trạm. Anh được dúi vào tay một chiếc máy ảnh. Anh phải làm việc cùng người quay phim của đơn vị – người đang vật lộn với một máy quay truyền hình nặng. Trần quay trở lại Đại sảnh và trèo lên cầu thang bằng đá cẩm thạch lên mái nhà, từ đó anh chụp ảnh và lắng nghe tiếng súng từ từ đến gần hơn, khi các đơn vị ở xa đang chiến đấu để tiến về Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm của thành phố. Xuống bên dưới, anh thấy những người lính đang nổ súng. Nhưng từ điểm quan sát thuận lợi của mình, anh vẫn không thể biết được họ đang bắn những phát súng cảnh cáo lên không trung hay bắn thẳng vào sinh viên, giờ trông nhỏ bé như những con kiến, đang dần lùi về phía cột xám của Đài tưởng niệm Anh hùng Nhân dân, một đài kỷ niệm cao bằng tòa nhà mười tầng gần trung tâm quảng trường. Những người lính tiến về phía họ, và xe tăng đang tiếp cận họ từ cả phía Đông và phía Tây.

Khi trèo xuống cầu thang lát đá cẩm thạch, anh phát hiện rằng tầng trệt của Đại lễ đường Nhân dân đã bị biến thành một bệnh viện dã chiến tạm thời. Hàng trăm binh sĩ bị thương nằm trên sàn nhà, nhiều người chảy máu đầm đìa, khi họ được các y tá chăm sóc.

Trần vật lột để chụp lại những sự kiện lớn lao mà anh có thể nhìn thấy qua kính ngắm của máy ảnh. Thỉnh thoảng, anh bị một ánh mắt nghi ngờ quăng một cái nhìn đầy dò xét, mà anh từng cảm thấy khi chiếc xe tải của mình bị quần chúng chặn lại. “Tôi bắt đầu cảm thấy mâu thuẫn. Có rất nhiều người bị thương nằm trên sàn tầng trệt. Bạn sẽ nghĩ, ‘Làm thế nào mà điều nghiêm trọng này có thể xảy ra?’.”

Bên ngoài, anh theo dõi khi những sinh viên cuối cùng – phải đến vài nghìn em – đang rời rời quảng trường từ góc Đông Nam. Sau này Trần biết được các sinh viên đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu bằng mồm về việc nên ở lại hay rút lui, và mặc dù cả hai bên đều hét to như nhau, quyết định rút lui đã được đưa ra. Cảm xúc ban đầu của Trần là rất nhẹ nhõm bởi vì, mặc dù có những tổn thương mà anh đã chứng kiến, anh tin rằng bất kỳ tổn thất lớn nhân mạng nào đều có thể tránh được. Anh tiếp tục quan sát một chiếc xe bọc thép đâm vào Nữ thần Dân chủ, một mô phỏng của Tượng Nữ thần Tự do, được các sinh viên nghệ thuật dựng lên chỉ vài ngày trước đó và đã lập tức trở thành một biểu tượng cho phong trào sinh viên. Sau cú húc đầu tiên, bức tượng chao đảo, nhưng nó không rơi. Phải mất ba hoặc bốn cú húc nữa trước khi nó dần dần đổ sụp. Và anh quan sát khi một dòng xe bọc thép được chăm sóc cán qua chiếc lều mà sinh viên đã trú ngụ chỉ vài giờ trước đó. Trần khăng khăng khẳng định rằng anh không thấy bất kỳ người nào thiệt mạng trong quảng trường, cả dân thường hay binh lính, cũng như bất cứ lúc nào anh chưa từng bắn một viên đạn nào.

Khi mặt trời lên, Bắc Kinh rõ ràng đã trở thành một bãi chiến trường. Nhiều xe bọc thép bị cháy rụi và những chiếc xe tăng đậu rải rác trên quảng trường. Một số cây dọc Đại lộ Trường An đã bốc cháy, để lại những thân cây đen đang âm ỉ cháy trên vỉa hẻ. Ngay cả lan can ngăn cách vỉa hè với đường cũng đen màu bồ hóng. Bất chấp tất cả, cảm xúc của Trần Quân là vô cùng nhẹ nhõm. Anh đã nghe thấy tiếng súng, nhưng anh vẫn tin rằng quảng trường đã được dọn dẹp mà không có tổn thất lớn về nhân mạng. Sáng hôm đó, vào khoảng bảy giờ, anh ngủ rất sâu trong giấc ngủ mệt mỏi và nhẹ nhõm suốt hai tiếng đồng hồ.

Nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị là anh khôi phục lại quảng trường trở về bình thường bằng cách xóa bỏ mọi dấu vết của những gì đã xảy ra. Tất cả tài sản bị bỏ lại sau khi bỏ trốn của sinh viên đã bị chất thành đống lớn và bị đốt cháy: những xe đạp dập nát, túi đồ đạc, lều, biểu ngữ và giấy tờ nhàu nát của bài phát biểu của họ. Lúc đó trời đang mưa và những dòng nước đen từ những đống tro chảy ngang qua quảng trường, khiến mặt quảng trưởng đen lại. Đây là những cảnh mà Trần Quân chụp bằng máy ảnh của mình. Anh giữ kín một số bức ảnh tiêu cực, một hành động bị thúc đẩy bởi bản năng nào đó anh mà không thể giải thích.

Đó thời điểm lúc Trần phát hiện ra thứ gì đó đã khiến anh bị ám ảnh. Một bím tóc phụ nữ được buộc bằng dây cao su màu đỏ bị rối trong nan hoa của bánh xe đạp. Người phụ nữ trẻ này là ai, và cô ấy đã nghĩ gì khi chải tóc sáng hôm đó và cẩn thận tết lại? Bím tóc đó bị cắt trong hoàn cảnh nào? Và nàng hiện đang ở đâu? Khi cơn mưa trút xuống, ngọn lửa từ giàn thiêu do những người lính dựng lên đã nhấn chìm bím tóc, nó kêu lách tách khi bị đốt cháy.

Một phần tư thế kỷ sau, tiếng lách tách của khoảnh khắc đó vẫn còn xuất hiện trong các bức tranh của Trần Quân. Loạt tranh chân dung mới nhất của anh mô tả những người bị cắt tóc, những sợi tóc ướt của mái tóc bị cắt đứt nằm trên đôi vai trần. Các chi tiết đầy tính nhiếp ảnh, hiệu ứng có nó tạo nên sự lo ngại đầy kỳ lạ. Đây là những hình ảnh được sinh ra của cảm giác tội lỗi chưa được gột bỏ sau một phần tư thế kỷ, về chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương thời hậu Thiên An Môn của một những người lính.

*

Vài tháng sau ngày Bốn tháng Sáu đó, Trần Quân đỗ vào Học viện Mĩ thuật Quân sự, do sự xuất sắc anh thể hiện trên bức tranh anh chép lại bức ‘Hoa hướng dương’ của Van Gogh . Năm 1992, anh được theo học tại trường mĩ thuật tốt nhất của Trung Quốc, Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh. Nằm cách Quảng trường Thiên An Môn chỉ mấy bước chân, các sinh viên của trường chính là những người tạo ra bức tượng Nữ thần Dân chủ mang tính biểu tượng. Trong ba năm anh học tại học viện, anh giữ bí mật về quân đội của mình với tất cả mọi người, trừ một vài bạn thân. “Tôi không sợ điều đó. Tôi chỉ không muốn nói về nó. Tôi không muốn gợi những nó lên. Tôi thậm chí không muốn nghĩ về nó”.

Sự từ chối của anh kéo dài gần 15 năm, mặc dù những sự kiện của ngày hôm đó cứ tiếp tục lặp đi lặp lại trong tâm trí anh gần như vô tận. Đầu tiên, anh cam kết vẽ những cảnh giống như anh đã chụp sau hậu quả của vụ giết người. Hình ảnh đống lửa nuốt chửng rác ở quảng trường Thiên An Môn; ngọn lửa liếm chân một cột đèn đứng giữa một vùng đất hoang đang bị tàn phá; những người lính phân loại qua các mảnh vỡ, đạn bay vèo vèo trên lưng họ. Anh đặt một bức ảnh mình chụp vào ngày hôm đó vào một cái rương gỗ anh đã sơn màu trắng – màu tang tóc ở Trung Quốc, được bao quanh bởi những mảnh gương, để bất cứ ai nhìn vào đều nhìn thấy gương mặt sự hủy diệt. Anh tin, đây là sự thú tội của mình.

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, các đồng ngũ của Trần Quân không thể hiểu được các bức họa của anh. Họ nghi ngờ rằng anh đã sử dụng nó để lăng mạ chính phủ. Nhiều người đã thăng tiến lên vị trí cấp cao trong bộ máy quan liêu của chính phủ, một phần như là sự tưởng thưởng cho những hành động của họ vào ngày Bốn tháng Sáu đó. “Vì họ đã tham gia vào việc ‘đàn áp cuộc hỗn loạn phản cách mạng’, như chính phủ gọi, một số người đã được thăng chức”, Trần Quân nói với tôi. Không ít người đã đặt câu hỏi liệu sự đàn áp có phải là động thái đúng đắn hay không. “Họ không nghĩ đó là một điều xấu. Họ cảm thấy đó là điều cần thiết. Cho đến nay, họ vẫn cảm thấy điều đó là cần thiết”.

Ngay cả bạn bè nghệ sĩ của Trần cũng muốn anh sẽ chọn đề tài khác. Trong mớ bong bóng hội họa ngày một căng phồng bám vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa kiểu Trung Quốc, quyết định từ bỏ lợi nhuận của anh để tập trung mô tả khoảnh khắc đáng giá nhất trong lịch sử đương đại của đất nước được xem là bướng bỉnh, thụt lùi và đơn giản là lập dị. Hơn thế nữa, sự lựa chọn của anh là một sự đối đầu công khai, buộc người xem phải thừa nhận sự tồn tại của các sự kiện mà hầu hết không muốn nhớ. Phải trả giá đắt để đi một con đường như vậy, Trần thừa nhận. “Bạn chắc chắn phải trả giá rất lớn. Bạn thấy rằng thế giới không còn là của bạn nữa. Xã hội chủ đạo của Trung Quốc không còn thuộc về của bạn nữa”. Bản chất chính trị trong các bức tranh của anh khiến chúng không bao giờ có thể được trưng bày, được công bố trực tuyến trên Internet, thậm chí những người có thể báo cáo anh với chính quyền cũng không có cơ hội thưởng lãm chúng. Vì vậy, Trần đã tự đóng cửa, bước ra khỏi salon của giới mĩ thuật. Anh chưa kết hôn và cũng chưa từng có con, bởi anh cảm thấy thật khó khăn để hình thành những mối quan hệ gần gũi. Công việc của anh – và sự cách ly xã hội cần thiết để thực hiện nó – không có lợi cho các mối quan hệ.

Anh có thể hành xử khác vào đêm tháng Sáu đó không? Đây là một câu hỏi anh đã đấu tranh để trả lời. “Tất nhiên là vẫn còn đó cảm giác tội lỗi”, anh thừa nhận. “Sau một thời gian dài, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều điều bạn đã có thể lựa chọn sự không thực hiện”. Nhưng nếu có những lựa chọn khác, thì vào thời điểm đó, cậu lính trơn non nớt mới mười bảy tuổi đó sẽ không nhận ra. Anh được đào tạo chuẩn mực, và nghĩa vụ của anh là tuân lệnh. Sự đào ngũ chưa từng xuất hiện trong anh.

*

Trong lần xuất hiện đầu tiên sau sự kiện Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình đã liên tục ca ngợi quân đội thực thi luật giới nghiêm, tuyên bố rằng: “Quân đội Nhân dân thực sự là một bức tường thép vĩ đại của Đảng và Nhà nước”. Ký ức của Trần Quân về thời kỳ đó lại vẽ nên một bức tranh rất khác. Khi Đặng Tiểu Bình đang chúc mừng quân đội, đơn vị của Trần vẫn đóng quân tại Đại lễ đường Nhân dân, ngủ trên sàn nhà. Anh và đồng đội đã bị cơn đói hành hạ cả ngày, vì vào thời điểm đó, tất cả khẩu phần của họ đã được vận chuyển đến bằng máy bay trực thăng, và khẩu phần của một ngày chỉ gồm một gói mì ăn liền được chia cho ba người. Trần nói rằng những người lính hung hăng đang kiệt sức đó đã bị sốc và bối rối vì thiếu nguồn quân nhu.

Chi tiết này được lặp lại trong một cuốn sách được xuất bản bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân, ‘Một ngày Thiết quân luật’, trong đó vẽ nên một bức tranh sống động về Đại sảnh Nhân dân chật cứng suốt ba ngày sau, trong đó những người lính chỉ được phát một lượng nhỏ mì ăn liền, “Những chiến binh lúc đó đang phải chịu đựng sự tra tấn của cơn đói. Một số rúc sát vào nhau, một số nằm nghiêng, một số ngồi xổm, một số nhìn chằm chằm lên trần nhà suy nghĩ vô định”. Người sĩ quan viết những dòng đó, một đại tá, đã mô cách ông lần theo một tiếng khóc để phát hiện một người lính trẻ đang khóc vì đói, nằm co quắp hệt như một thai nhi, đầu gối kéo lên ngực. Động viên người lính trẻ này, vị đại tá này: “Cuộc đấu tranh này rất phức tạp và dữ dội. Chúng ta phải sợ không chết và không sợ gian khổ. Cái đói đang thách thức chúng ta. Các sĩ quan cao cấp và các đồng chí khác cũng đang bị đói giống như cậu”.

Điều này không đúng. Theo Trần, giới lãnh đạo quân đội vẫn đóng tại Đại lễ đường Nhân dân và đang ăn những bữa tiệc thịnh soạn, được phục vụ bởi các nữ tiếp viên, những người sẽ tiếp cho họ nhưng xe đẩy đầy thức ăn được giữ ấm dưới vòm kính phủ khăn ăn màu trắng. Khi gót giày của các nữ tiếp viên chen lấn trên sàn nhà bằng đá cẩm thạch, thì những lời kêu gào vô vọng của những người lính rải rác từ tầng một lên tầng ba vang vọng khắp Đại sảnh Nhân dân. Chứng kiến cảnh tượng này khiến Trần Quân suy nghĩ về cấu trúc xã hội, cách các tầng lớp đặc quyền của Trung Quốc mà nhân dân đều thấy rõ với sự chấp thuận của họ, và làm thế nào những nhóm đặc quyền đặc lợi này trở thành cố hữu trong quân đội.

Trần Quân mô tả lại với tâm trạng tức giận và cay đắng. Những người lính đã xé các tấm thảm, đe dọa sẽ sử dụng những tấm thảm làm vũ khí. “Hệt như đang ở trên chiến trường”, anh nói, nhăn mặt khi nhớ về các khẩu phần ăn trong những ngày đó. Anh đã trải qua tận 10 ngày đóng quân trong Đại lễ đường Nhân dân. Trong thập niên tiếp theo, mùi mì ăn luôn liền khiến anh nôn nao.

*

Trời mưa phùn trong chuyến thăm cuối cùng của tôi đến Song Trang, nơi trông thậm chí còn chán nản hơn bao giờ hết. Các họa sĩ đã biến mất khỏi vỉa, và đường phố dường như trống rỗng. Thiếu một cái gì đó, mặc dù tôi phải mất một lúc để phát hiện ra. Đó là sự vắng mặt của tiếng ồn. Tiếng ồn và sự ồn ào của việc xây dựng đã dừng lại. Các công trình xây dựng đã chìm vào im lặng. Hầu hết các tòa nhà mới hoàn thiện một nửa đã được treo trong các biểu ngữ lớn màu trắng có in các ký tự Trung Quốc màu đỏ đang đọc trên tòa nhà này, cho biết đây một công trình bất hợp pháp và đã bị chính phủ niêm phong. Các biểu ngữ cũng bao gồm các cảnh báo rằng các giao dịch mua căn hộ này sẽ có quyền sở hữu hạn chế và không được hưởng bất kỳ sự bảo vệ hợp pháp nào.

Trên bức tường trong nhà anh là một bức ảnh lớn của Trần vẫn còn trẻ trung, chụp chung với một người đàn ông 75 tuổi. Cả hai đều ngực trần. Người đàn ông lớn tuổi hơn đang quàng tay qua cổ Trần, tay kia vuốt ve núm vú của anh. Quyết tâm sử dụng nghệ thuật của Trần Quân để phá vỡ những điều cấm kị đã có lúc khiến anh quan hệ tình dục với 100 người khác nhau. Theo anh, tất cả tác phẩm nghệ thuật trình diễn đặc biệt này đều mang hàm ý chính trị. Người đàn ông lớn tuổi này là một giáo sư lịch sử, người từng là nạn nhân của hầu hết mọi phong trào chính trị càn quét qua lịch sử Trung Quốc đương đại. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Chủ tịch Mao vào những năm 1960 và 1970, ông đã hai lần bị đưa vào trại cải tạo lao động và bị ngăn cản việc kiếm sống vì lý lịch. Do đó, nạn nhân cao tuổi của một trong những thời kỳ đáng xấu hổ nhất trong lịch sử Trung Quốc đã ôm ấp một thủ phạm trẻ tuổi của một thời kỳ đáng phẫn nộ khác. Tuy nhiên, theo Trần, cả hai đều có tội như nhau, “Chúng tôi đều là những người tham gia xây dựng xã hội này. Nếu bạn đang sống khá thoải mái, tôi tin rằng bạn có tội, gần giống như khái niệm tôn giáo về tội lỗi nguyên thủy”.

Theo cách riêng của họ, Trần và vị giáo sư lịch sử già kia là một trong số ít người thừa nhận quá khứ thay vì quay lưng lại với nó. Trần tin rằng, đối với nhiều người, sự giả vờ mất trí nhớ là lựa chọn dễ dàng. “Người dân cảm thấy rất dễ quên, vì không có cách nào để gột rửa lương tâm của họ. Giáo dục chính trị tại Trung Quốc buộc bạn phải quên những gì đã xảy ra trong quá khứ, hãy quên đi những điều tồi tệ mà Đảng đã làm, và chỉ nhớ những điều tốt đẹp. Đối với một tập thể, điều này rất mang tính phá hoại. Bạn chỉ có thể nghĩ về những điều có lợi cho bạn. Điều này khiến mọi người sống như con vật. Để phục vụ sở thích của riêng bạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn với nền văn hóa hoặc với môi trường”.

Ngồi trong căn hộ của mình được bao quanh bởi các tòa nhà bất hợp pháp mới được xây một nửa, bị nhận chìm màn khí độc bởi ô nhiễm khói bụi thường xuyên che khuất những đường chân trời ở phía bắc Trung Quốc, lập luận này có vẻ thuyết phục. Anh tin rằng nền chính trị ở Trung Quốc cũng giống hệt như bầu không khí của đất nước. “Nếu không thở, bạn sẽ chết. Nếu thở, bạn sẽ bị nhiễm những virus này. Không khí quá ô nhiễm, nhưng ai mà không phải thở chứ?”

*

Trở lại năm 1989, khi đơn vị của Trần Quân đã hoàn thành việc dọn dẹp hết tàn tích còn sót lại trong ngày Bốn tháng Sáu đó, nhiệm vụ tiếp theo của họ là đóng vai trò là bộ mặt công khai của sự đàn áp. Đơn vị của anh ở lại Bắc Kinh thêm hai tháng nữa, trú tại một nhà nghỉ ở Tiền Môn, gần quảng trường. Một trong những nhiệm vụ chính của nó là duy trì mối quan hệ với công chúng; trong các nhóm bảy hoặc tám các binh sĩ đã thực hiện các chuyến thăm để ngợi ca chiến thắng, thăm các trường học và ban quản lý các khu phố để kể lại vai trò của họ trong việc đàn áp các cuộc bạo loạn phản cách mạng. Trước sự ngạc nhiên của Trần, họ được đối xử như những anh hùng, được các hiệu trưởng nhà trường giới thiệu, và được các học sinh cảm ơn.

Một nhiệm vụ khác, một điều mà anh thậm chí còn cắm ghét hơn, là tham gia vào các cuộc tấn công của cảnh sát để bắt giữ “các phần tử phản cách mạng”. Những người lính vẫn mang theo súng trường, và đôi khi họ được khuyến khích sử dụng chúng để đánh lại những phần tử đáng sợ, mà chủ yếu là sinh viên. Đây là một phần cần thiết trong chiến dịch tuyên truyền mang tính đe dọa, nhằm đưa lên truyền hình để tường thuật lại cảnh các cảnh sát vũ trang và binh lính vây quanh những kẻ bạo loạn, những người thường xuyên phải chịu những vết thương có thể quan sát thấy, như một lời cảnh báo cho cái giá phải trả cho sự kháng cự. “Vào thời điểm đó, chúng tôi nghĩ rằng những người đó chắc chắn là những người xấu. Chỉ những người xấu mới bị bắt. Người tốt sẽ không bị bắt”.

Điều khiến Trần Quân sốc nhất là sự thay đổi trong thái độ đối với tình trạng thiết quân luật. Anh phát hiện rằng không hề có sự ác ý hay nỗi đe dọa nào của nhân dân nhắm vào anh hoặc đồng đội, cho dù họ đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc dập tắt các cuộc biểu tình lớn nhất làm rung chuyển Bắc Kinh trong lịch sử hiện đại. Trên thực tế, anh ta đã bị bối rối bởi cách đối xử mà họ nhận được từ những người dân địa phương, những người thường tặng họ những món quà và mang cho họ đồ uống. “Những người dân đột nhiên thay đổi để trở nên thực sự tốt với những người lính”, anh nhớ lại.” Tôi nghĩ về điều này rất nhiều vào thời điểm đó. Nó thực sự làm tôi bối rối. Tại sao nó lại như vậy? Vào ngày Bốn tháng Sáu đó, tất cả những người dân đã hỗ trợ các sinh viên. Vậy tại sao, mới chị qua một, họ đã đến để hỗ trợ những người lính?”.

Trần Quân đã cố gắng để hiểu làm thế nào một biển người Bắc Kinh tràn đầy đã ngăn chặn bước tiến của QGPTQ bằng chính cơ thể của họ, và bây giờ cũng chính những người này đang tặng quà cho chính đội quân ấy. Anh không tin rằng sự ứng xử này bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi, mà thay vào đó là một khao khát sâu sắc, một sự cần thiết thậm chí là sát cánh với những kẻ chiến thắng, bất kể cái giá phải trả là bao nhiêu. “Đây là một cơ chế sinh tồn mà mọi người ở Trung Quốc đã hình thành sau khi sống dưới chế độ cộng sản trong một thời gian dài. Để tồn tại, mọi thứ đều tuân theo các mệnh lệnh từ cấp trên”.

Trong phòng khách mới của mình, cất giấu cẩn thận trong ngăn kéo bàn, Trần đã giữ những món quà lưu niệm được phát cho tất cả những người mà “dập tắt sự nổi loạn”. Anh đưa chúng cho tôi xem. Có một cuốn sách nhỏ bằng vải lanh màu đỏ có tựa đề “Những chiến binh bảo vệ Thủ đô”, trong đó có hình ảnh của rất nhiều hàng lính tập trung tại quảng trường, với chú thích: “Chúng tôi sẽ luôn là người bảo vệ lợi ích của nhân dân”. Một bức ảnh chụp hai nữ sinh đang ngước nhìn một người lính đầy ngưỡng mộ trong khi rụt rè vuốt ve khẩu súng trường của anh. Ngoài ra còn có một huy chương màu vàng do Quân ủy Trung ương phát, mô tả Cổng Thiên An Môn được đặt trên một ngôi sao và một vòng hoa phía trên dòng chữ “Người bảo vệ Thủ đô”. Sau đó là một chiếc đồng hồ đeo tay.

Sự trân quý mà Trần Quân dành cho vật kỷ niệm về sự vinh quang và cảm giác tội lỗi này đã phản ánh đầy đủ những mâu thuẫn khiến anh bối rối. Anh biết rằng mình sẽ dành phần còn lại của cuộc đời mình để vẽ những gì đã trở thành sự thật để xác lập sự tồn tại của mình. Là một họa sĩ theo đuổi đề tài cấm kỵ, mục đích của anh là đối đầu với người dân Trung Quốc trong sự thật về sự kiện Thiên An Môn. Tuy nhiên, làm thế nào anh có thể đối đầu với mọi người về một sự kiện mà nhiều người không còn nhớ với những bức tranh không thể được trưng bày? Không có câu trả lời cho câu hỏi này./.

*

VỀ TÁC GIẢ

Louisa Lim là nhà báo đã được trao nhiều giải thưởng cao quý. Bà đã tác nghiệp báo chí tại Bắc Kinh suốt một thập niên trong vai trò là phóng viên thường trú của BBC. Bà hiện sống với chồng và hai người con tại Ann Arbor, Michigan, Hoa Kỳ.

*

Nguồn: Louisa Lim (2014). The People’s Republic of Amnesia: Tiananmen Revisited. New York, NY: Oxford University Press.