Mỗi đứa trẻ được sinh ra trong cái xã hội Việt Nam này là một bi kịch

0
108

Thái Hạo

Mỗi đứa trẻ được sinh ra trong cái xã hội Việt Nam này là một bi kịch. Có khi khổ từ ngay cái cách mà ngày đầu người mẹ mang chúng đến, người ta coi ngày giờ bói toán sao đó, mổ lôi ra cho được đại cát! Rồi vừa bú vú mẹ vừa phải bú bình để “bổ sung dưỡng chất”. Tập ăn thì một trời đau khổ. Tôi hiếm khi thấy một đứa trẻ con Việt Nam thèm ăn và ăn ngon. Chúng bị bắt ăn khi chưa đói, chườm như gà bị nhét bánh đúc trước khi cân. Có những đứa vì bị ép ăn quá, ói ra, vừa ói thì liền phải bù vào ngay lập tức. Có một đứa trẻ ngày xưa ở cạnh nhà tôi, tới giờ ăn mà hễ ba hay mẹ mà gọi “T ơi..” thì nó đang chơi lập tức òa khóc. Người lạ sẽ không thể hiểu cái tiếng khóc ấy. Nó sắp phải ăn. Người ta phải đói mới thèm ăn, và ăn mới ngon miệng. Ở Việt Nam cha mẹ nuôi con tính ký. Những đứa trẻ ục ịch lớn lên hoặc còi cọc vì hệ tiêu hóa bị làm hỏng. Chúng trì độn, mất hết sinh khí và sự hoạt bát tuổi thơ, trở nên lầm lì hoặc phá bỉnh. (Và ở một nơi khác, đang có những đứa trẻ sống trong đói khát và rách rưới, chúng bị bỏ quên bên lề cuộc đời. Một thiểu số “may mắn” hơn thì đã được cha mẹ tìm đường cho đi tị nạn giáo dục).

Đi học. Nếu có chút niềm vui nào đó thì dứt khoát không phải từ chính cái sự học ấy. May mắn gặp được đứa bạn mà thân nhau, hay mỗi ngày có 30p ra chơi hoặc quậy phá một cái gì. Còn học là nghĩa vụ, là trách nhiệm, trách nhiệm với cha mẹ, với cô giáo chủ nhiệm, với thầy giáo bộ môn, với “nhà trường thân yêu”, có khi còn cả với họ hàng và làng xóm.  Mỗi ngày chúng bị nhồi vào đầu một mớ kiến thức mà không biết để làm gì; cứ nhồi, phòi ra thì nhồi vào lại, bằng phê bình, chỉ trích, nêu tên, khủng bố, mời cha mẹ, đe dọa lưu ban… 

Văn là lời ăn tiếng nói hàng ngày, thế mà bây giờ chúng nó chỉ ôm văn mẫu để học thuộc. Tôi đã kinh hãi khi thấy một đứa bé ôm cuốn văn mẫu dày mấy trăm trang và học thuộc, phục vụ cho thi lên lớp 10. Và nó thuộc thật! Phải là một thành tích phi thường mà tôi nếu dành cả đời cũng không dám chắc là sẽ làm được. Hỏi tại sao cháu không học hiểu rồi tự làm mà phải học thuộc, nói “cháu không hiểu”, viết theo cách của mình cũng không được điểm cao. Môn văn sử địa là học thuộc, như những cái máy. Đến nỗi nếu không may quên mất một chữ nào đó thì tắc cả bài, gọi ba hồn chín vía cũng không về. Mà đó là một đứa trẻ thông minh đấy. Sự học trở thành một nỗi đày ải bi thống, giết chết tư duy, hủy hoại tâm hồn.

Để giải quyết cái ung bứu ở nhà trường, chúng phải chạy thục mạng từ trung tâm này đến nhà thầy cô nọ. Nhiều cháu học thêm mỗi môn tới vài ba người, cứ tả xung hữu đột từ sáng sớm cho đến tối khuya. Ở nhà là một núi bài tập đang chờ, phải hoàn thành để sáng mai lên lớp kiểm tra bài cũ. Không có phút ngơi nghỉ, không có thời gian tái tạo, chúng bị cuốn vào một guồng quay điên cuồng và mù quáng. Tất cả niềm vui sống bị tước đi, vì con người có còn được sống nữa đâu mà có chỗ cho niềm vui. Phải lấy làm ngạc nhiên vì tại sao đã không có một cơn tâm thần tập thể xảy ra; hay là nó đang xảy ra rồi mà tôi không biết? 

Rồi, chúng cứ thế mà lầm lũi vào đại học. Và thêm bốn năm nữa vật vờ đi qua. Bây giờ thì có chút niềm vui là yêu đương và thoát khỏi sự kìm kẹp của gia đình. Nhưng cái đại học ở ta thì cũng lắm sự oái oăm, một thứ THPT cấp 4, một phần ba thời gian là học lịch sử đảng, chủ nghĩa mác lê, với đủ thứ không biết dùng vào đâu. Ra trường thì chạy việc, trái nghề… Rồi lấy vợ lấy chồng, lại sinh con đẻ cái, lại cái vòng tròn ấy. Một vòng tròn oan nghiệt.

Thằng bé nhà tôi, cứ vô bếp là hát. Hắn sẽ tự thái thịt, cắt hành, tẩm ướp, rồi vừa nấu vừa hát, nồi niêu xoong chảo dầu mỡ tưng bừng. Chiên cơm là một đam mê! Nhưng nói chuyện đi học thì “con đi học cho là may lắm rồi đó!”.

Ngày trước, lúc còn dạy học, tôi luôn khuyến khích các em hãy tìm hiểu bản thân mình, dám đi theo sở thích và ước mơ, đừng lấy người khác làm tiêu chuẩn. Thế rồi chưa học xong phổ thông, lứa học sinh của tôi đã có nhiều em đi con đường riêng, đứa thành ca sĩ, người mẫu, biên đạo, đầu bếp, làm đẹp… Bước ra khỏi khuôn viên trường, vừa đi học vừa theo đuổi đam mê của mình. Chúng đã dám “vượt rào”, và trong khi các bạn đang ngồi ủ dột trên ghế trong 4 bức tường thì chúng đã “thành công”, ít nhất là cái thành công vì có được niềm vui và tự do cùng một chút tài chính tự kiếm được để nuôi dưỡng đam mê của mình. Đó là cái lớp duy nhất mà tôi đã gắn bó 3 năm trọn vẹn, giờ thì chúng đã tỏa đi khắp nơi…

18 tuổi để học xong phổ thông mà trong đó đa phần kiến thức là vứt đi, có thuộc bài cũng chỉ để vứt đi, sau khi thi xong. Rồi 4 đến 5 năm tiếp theo là học lấy một cái nghề. Ngoài 20 tuổi vẫn là những đứa trẻ ngơ ngác với cuộc đời. Không chỉ ngơ ngác, chúng mang theo bao nhiêu di hại từ gia đình, nhà trường và xã hội trong hành trang của mình, cứ như thế mà ngẩn ngơ đi vào cuộc sống.

Hạnh phúc nào sẽ đến với chúng khi gần một nửa cuộc đời đã bị hành hạ, đẽo gọt, cắt tỉa, nhào nặn một cách bạo lực và tàn nhẫn đến thế? Không thể không nghĩ tới 2 chữ “hoang dã” khi nhìn lại và nhìn quanh. 

Ăn uống là thứ khoái cảm bậc nhất mà giờ đây cũng thành khổ, thì thử hỏi còn cái gì sung sướng nữa? Học hành, khám phá vốn là bản năng nguyên thủy, thế mà giờ đây thành nỗi sợ hãi và thù ghét, thế thì thử hỏi biết kiếm niềm vui ở đâu? Cứ người người lớp lớp như thế nối nhau, vật vờ đi trong bóng tối, và đi vào bóng tối, không biết ngày nào ra…

Thái Hạo

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0HMNjjsBCDWqcK9vFLNUyiVuiyQvyXivQdsmLpmQTEsmbRWALTnE89G73c7xD7iVHl&id=100059910855657

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here