LÝ DO QUYẾT TÂM KHÔNG DI DỜI TRẠM THU PHÍ?

0
554
Tuyến tránh BOT Cai Lậy

Rõ ràng, khi di dời vị trí trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1A hiện nay vào đường tránh sẽ dẫn đến khả năng “nguồn thu không đủ trả cho nhân viên gác trạm”.

Đơn giản vì, để một tài xế chấp nhận đi vào đường đóng phí BOT thì con đường BOT đó phải đảm bảo được 2 ưu điểm: một là cần ngắn hơn đường thông dụng để tiết kiệm nhiên liệu và thời gian; hoặc nếu không có ưu điểm này thì phải có ưu điểm thứ hai là tránh kẹt xe.

Đường tránh BOT Cai Lậy đã không đảm bảo được 2 ưu điểm này. Nhìn vào bản đồ chúng ta dễ dàng nhận thấy quãng đường tránh BOT lại dài hơn quãng đường thông dụng quốc lộ 1A, và quan trọng là đường quốc lộ 1A ở Cai Lậy đang hoạt động rất tốt, không xảy ra ùn tắc giao thông kể từ khi đường cao tốc Trung Lương đi vào hoạt động.

Vì vậy, nếu di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đường tránh, sẽ chẳng có một tài xế nào “dại dột” đi vào đường tránh vì không có lợi, mà chỉ vừa mất tiền, vừa tốn thêm nhiên liệu. Hệ quả là nguồn thu của trạm thu phí BOT khi đặt ở đường tránh sẽ không đủ tiền trả cho nhân viên bán vé chứ cần gì nói đến doanh thu.

Và hậu quả pháp lý xảy ra sau đó: Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ phải gánh trách nhiệm cho việc “thu không đủ chi” của Trạm, vì Bộ có trách nhiệm hoàn vốn cho chủ đầu tư, căn cứ theo hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký kết.

Hợp đồng Bộ GTVT đã ký với chủ đầu tư, ngoài vấn đề thiên tai, chiến tranh, còn có nội dung “bất khả kháng” là :”Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư”.

Trong việc ký kết hợp đồng BOT, “trường hợp doanh thu không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư” lại được xem là “sự kiện bất khả kháng” có lợi cho nhà đầu tư, cho thấy Bộ GTVT quá non tay về khả năng ký kết hợp đồng BOT, đi ký một điều khoản vô cùng bất lợi cho mình – tự trói mình vào nghĩa vụ đảm bảo được doanh thu nhằm hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Ký một điều khoản như vậy, cho thấy Bộ GTVT không xem nhà đầu tư của Dự án này là một đối tác kinh doanh, mà Bộ xem như “con đẻ” của mình, phải có trách nhiệm đảm nguồn sống cho nó, dù nó không phải là một doanh nghiệp nhà nước.

Nói Bộ GTVT ký kết hợp đồng “non tay” đôi khi cũng chưa chuẩn, có khi người đại diện cho Bộ trong quá trình đàm phán, ký hợp đồng lại rất giỏi… “xòe tay”.

Những điều này đã lý giải cho lý do chiều nay Bộ GTVT vẫn mập mờ không chịu di dời, chỉ “xuống nước” giảm giá vé thu phí, nhưng vẫn quyết tâm duy trì vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy bất hợp lý như hiện nay chỉ nhằm mục đích hoàn vốn cho chủ đầu tư – bất chấp sự phản đối, chỉ trích của người dân không đi đường BOT vẫn phải đóng phí.

Bộ đã quyết tâm, liệu cánh tài xế có dám “quyết chiến”?