LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG

0
23
   

Xuân Sơn Võ

Hôm rồi, có một bạn vô chơi trong Vỏ Đỗ Garden. Bạn đang kinh doanh khách sạn tại Đà Lạt. Khách sạn của bạn cũng nho nhỏ, lớn hơn Vỏ Đỗ Garden một chút. Bạn nói về kinh nghiệm của bạn.

Bạn khuyên, nếu có nguồn khách nước ngoài thì tốt hơn. Khách nước ngoài đòi hỏi cao, nhưng họ không phá, ít có chuyện không vừa ý một chút là chấm 1 điểm, và kêu gọi tẩy chay. Nói chung, theo các bạn ấy, khách nước ngoài dễ thông cảm hơn. Tuy nhiên, đối với khách nước ngoài, dịch vụ phải đa dạng hơn, nhiều loại hình hơn.

Bạn cũng khuyên một điều rất thiết thực, rằng không nên kinh doanh ăn uống kèm theo với dịch vụ khách sạn, kể cả ăn sáng. Khách hàng Việt Nam rất dễ không vừa ý với việc ăn uống và rất dễ nặng lời, thậm chí kêu gọi tẩy chay chỉ vì một bữa ăn sáng không vừa miệng, trong khi các dịch vụ khác vẫn đang rất tốt. Tôi chưa kinh doanh khách sạn, nên chỉ nghe mà không dám bàn luận. Tôi thường nghĩ, khách hàng nội hay ngoại thì nhóm nào cũng có người thế này, có người thế khác. 

Trong số bạn bè của chúng tôi đã đến Vỏ Đỗ Garden, dù họ ở trong nước hay nước ngoài, dù là giáo sư đại học, hay chủ doanh nghiệp có doanh thu từ vài chục đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, thường đều cùng nhau nấu ăn, dọn bàn, rửa chén, vì chưa có ai làm (chưa kinh doanh nên chưa có người phục vụ). Tuy nhiên, một số bạn bè và người trong gia đình đi cùng với họ thì có sự khác biệt.

Ở nhóm này thì tôi thấy, những người định cư ở các nước phát triển dễ thông cảm với việc không có người phục vụ của chúng tôi hơn. Còn đối với nhóm những người ở trong nước, thì những người mà bản thân thuộc nhóm có vị trí xã hội cao, cũng vậy. Nhưng vợ con hay bạn của những người này thì có một số không được như vậy.

Một số họ có vẻ khó chịu khi không được phục vụ tốt, rất khó chịu khi được yêu cầu tự phục vụ, dù việc này đã được cảnh báo từ trước khi họ đến. Chẳng hạn, họ chạy vô bếp để yêu cầu lấy thêm cho họ đôi đũa rồi ra bàn ngồi chờ, mà không hỏi đũa để đâu rồi tự lấy, cũng như không bao giờ tự dọn dẹp chỗ họ ăn uống. Thậm chí họ còn rất khó chịu khi họ phải chạy vô bếp để kêu lấy đũa. Trong khi đó thì những người khác, dù có địa vị xã hội khá cao, vẫn tự phục vụ, với thái độ vui vẻ, hòa nhã.

Họ đang đi theo bạn bè của mình, ăn ở hoàn toàn miễn phí, mà còn như vậy. Nếu họ phải trả tiền cho những dịch vụ đó, thì họ sẽ khó chịu đến mức nào? Làm sao để lọc những khách hàng như vậy ra khỏi tập khách hàng của Vỏ Đỗ Garden khi đưa Vỏ Đỗ Garden vô kinh doanh?

Mấy bữa trước, các bạn trong lớp của bà xã về dự buổi gặp mặt, tôi rất ấn tượng với 2 cháu, con của một người bạn ở Canada. Hai cháu nhìn chẳng có nét nào là Á Đông. Các cháu cũng không biết tiếng Việt, nhưng lại rất thích theo mẹ gặp các bạn bè người Việt của mẹ. Cách đây 5 năm, chúng tôi đến Canada, cháu gái còn mời chúng tôi đến nhà hàng mà cháu làm phục vụ bàn, làm thêm khi cháu đang đi học. Cháu trai, một nghệ sĩ tự do, năm nay đã 30 tuổi, đã có vài cuộc triển lãm tranh khá thành công tại Canada.

Cả hai cháu đều không nề hà bất cứ việc gì. Vì các cháu không biết tiếng Việt, nên các cháu cứ đoán chừng, và khi nhìn thấy các cô chú làm gì là các cháu lao vô phụ giúp. Từ khiêng bàn ghế, đến dọn bàn, bưng đồ ăn, rửa chén đũa bát dĩa… Khi mọi người vui chơi, hát hò… cháu trai ngồi vẽ chân dung các cô chú và những người tham dự, để lưu lại trong cuốn kỉ yếu của lớp của mẹ cháu. Cháu còn lấy nghệ danh “Chương” với đầy đủ dấu tiếng Việt nữa.

Thật sự là tôi thán phục nền giáo dục của Canada. Họ chẳng cần hô hào lao động là vinh quang. Nhưng họ đào tạo ra những công dân không coi thường lao động chân tay, không coi những việc lao động chân tay là thấp kém, không kênh kiệu, coi thường người lao động.

Hình cháu trai vẽ vợ chồng tôi.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here