Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2017-08-09
Cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng với cả chục người đang bị điều tra tại Việt Nam cho thấy trách nhiệm nghiêm trọng của Ngân hành Nhà nước. Nhưng có lẽ vấn đề lại còn sâu xa hơn vậy.
Chu kỳ thăng giáng kinh tế
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, dư luận Việt Nam đang xôn xao về việc cả chục viên chức ngân hàng bị điều tra vì sai phạm trong nghiệp vụ làm thất thoát mấy trăm ngàn tỷ đồng, với nạn nhân sau cùng là người dân. Theo dõi việc này, ông giải thích thế nào về hiện tượng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta ưa chú ý đến chu kỳ thăng giáng kinh tế, tôi thì nghiệm thấy là cứ mươi năm Việt Nam lại có một chu kỳ khủng hoảng trong hệ thống tài chính ngân hàng. Chỉ vài năm sau khi đổi mới kinh tế, Việt Nam có các hợp tác xã tín dụng bị khủng hoảng vào đầu thập niên 1990. Đến cuối thập niên thì xảy ra vụ Minh Phụng – Epco với sự sai phạm của nhiều cán bộ ngân hàng. Qua năm 2008 thì có nạn bể bóng đầu cơ bất động sản làm nhiều ngân hàng phá sản, nối tiếp là vụ “Bầu Kiên” và Huyền Như với nhiều cán bộ ngân hàng lãnh án tù. Bây giờ có vụ Trầm Bê và Phạm Công Danh… Tôi xin đề nghị là ta chú ý đến từ “cán bộ” và số tiền sai phạm ngày càng cao, nay đã lên tới cả ngàn tỷ bạc.
Tham nhũng là hiện tượng xảy ra trong vùng tiếp cận giữa kinh tế và chính trị: dùng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế thì đấy là tham nhũng.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa
Một số nhà nghiên cứu nói đến trách nhiệm rất nặng của Ngân hàng Nhà nước vì luật lệ thiếu phân minh, người khác thì chú ý tới phương thức gọi vốn kinh doanh qua ngân hàng thay vì qua thị trường cổ phiếu. Có lẽ vấn đề nó sâu xa hơn vậy và đây là cơ hội tìm hiểu về kinh tế chính trị học của tham nhũng. Trước hết, tham nhũng là hiện tượng xảy ra trong vùng tiếp cận giữa kinh tế và chính trị: dùng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế thì đấy là tham nhũng.
Nguyên Lam: Chúng ta sẽ khởi đi từ đó, từ hiện tượng ông gọi là “kinh tế chính trị học” của nạn tham nhũng, xảy ra trong vùng tiếp cận giữa kinh tế và chính trị. Thưa ông, chẳng lẽ tham nhũng cũng là hiện tượng kinh tế xuất phát từ chính sách hay luật lệ của hệ thống công quyền?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Đặc tính của mọi chính quyền là khả năng hay thẩm quyền làm luật nhằm chi phối người khác. Khi ấy, từng bước ta nên hỏi làm luật để làm gì và có lợi cho những ai? Mọi chính quyền dù dân chủ hay độc tài đều có hướng chung là ban hành luật lệ nhằm bảo vệ quyền lợi cho một thành phần xã hội hay dân chúng có khả năng ủng hộ chính quyền. Thật ra thì các doanh nghiệp cũng thế, họ lấy quyết định kinh doanh có lợi cho thành phần cổ đông chiếm đa số và chịu sự phán xét của thị trường qua giá cả. Khi thành phần cốt cán đó mà đông thì đa số tương đối có lợi, là trường hợp của các xã hội dân chủ, mặc dù sai phạm hay tham nhũng vẫn xảy ra sau khi bị báo chí tố giác. Khi đa số được tham gia vào tiến trình quyết định thì hiện tượng bất công hay bất lương thường khó xảy ra.
Chế độ dân chủ – chế độ độc tài
Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra một ý hơi lạ là các chính quyền hay doanh nghiệp đều có chung động thái là lấy quyết định về chính sách có lợi cho một thành phần nào đó. Thí dụ như doanh nghiệp có hội đồng cổ đông là các chủ đầu tư có thẩm quyền phán xét quyết định kinh doanh, thậm chí thay thế viên chức lãnh đạo, dù người đó có thể là sáng lập viên ban đầu. Trong xã hội dân chủ thì kết quả bầu cử cũng tương tự như sự phán xét của dư luận hay của thị trường và dẫn tới thay đổi về nhân sự, về chính sách hay luật. Thế thì trong các xã hội độc tài, hiện tượng tham nhũng đó xảy ra như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong xã hội độc tài, ta gặp hiện tượng kinh tế học gọi là “quả đầu” hay “oligarchy” là sự tập trung quyền lực trong tay một thiểu số. Nếu thiểu số ấy lại có quyền ban hành luật lệ và quy định về ngân hàng, thậm chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại là Ủy viên Bộ Chính Trị của một đảng độc quyền như ở Việt Nam thì hệ thống ngân hàng trở thành trung tâm thu hút tài nguyên cho các đại gia và dẫn tới đại án lâu lâu lại bùng nổ, là điều đang xảy ra. Trường hợp Trung Quốc cũng tương tự. Vì vậy, ta chẳng nên ngạc nhiên là chiến dịch gọi là diệt trừ tham nhũng thường xuất hiện một cách định kỳ trong xã hội độc tài, rồi đâu lại vào đấy: nhà tù mở ra cho một số cán bộ ngân hàng bị tội sai phạm, nhưng cơ hội cũng mở ra cho nhiều đại gia mới, bỗng dưng trở thành tỷ phú rất nhanh.
Điều mỉa mai là các chính quyền tự xưng “xã hội chủ nghĩa” hoặc đề cao công bằng xã hội cũng là nơi mà tham nhũng lên tới thượng tầng chính trị như ta đã thấy từ mấy chục năm tại Cuba và ngày nay tại một xứ đang bị khủng hoảng trầm trọng là Venezuela. Gần đây hơn là trường hợp xứ Brazil cũng tại Nam Mỹ khi Tổng thống Dilma Rousseff bị bãi nhiệm vì sai phạm về tiền bạc và đồng chí tiền nhiệm đã dìu dắt bà ta là cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva vừa bị án tù chín năm rưỡi về tội tham nhũng. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng nằm trên con dốc đó khi báo chí nói đến khoản nợ xấu, khó đòi và sẽ mất đã lên tới 600.000 tỷ đồng, cao hơn 17% tổng số tín dụng do các ngân hàng cấp phát, mà 90% là tiền bạc của dân chúng. Vì vậy, xã hội chủ nghĩa chính là nơi mà hệ thống cai trị bắt đa số phải trả tiền cho các quyết định vô trách nhiệm của thiểu số.
Nguyên Lam: Ông vừa nêu một định nghĩa hơi lạ về xã hội chủ nghĩa, nhưng ngẫm lại thì thính giả của chúng ta có thể đồng ý. Ông giải thích thế nào về hiện tượng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việt Nam là nơi mà chính quyền tránh nói đến tư nhân nhưng hay dùng từ “xã hội”. Người ta xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa doanh nghiệp, hay cổ phần hóa doanh nghiệp chứ chẳng ai nói đến việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Sau vụ khủng hoảng các hợp tác xã tín dụng, vốn là khái niệm cũng mang tính chất tập thể hay xã hội, người ta cho thành lập các ngân hàng cổ phần, tiếng là của tư nhân mà thực chất vẫn là của thiểu số có quan hệ mật thiết với đảng viên hay cán bộ của nhà nước. Vì vậy, chẳng nên ngạc nhiên khi xã hội chủ nghĩa là nơi xuất hiện các đại gia có dinh cơ nguy nga đồ sộ còn hơn chế đội phong kiến xa xưa. Đấy là nơi thiểu số có thể làm luật và sửa luật mà đa số không có quyền phàn nàn, trừ phi là muốn vào tù!
Nghịch lý là tham nhũng không xảy ra vì thiếu luật mà vì người dân bị ràng buộc bởi quá nhiều luật lệ trong khi thiểu số vẫn thừa khả năng luồn lách để trục lợi.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Suy như vậy và nếu so sánh chế độ dân chủ với chế độ độc tài thì phải chăng ách độc tài lại định chế hóa nạn tham nhũng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Mọi chế độ chính trị đều cần tiền. Chế độ dân chủ là nơi chính quyền do dân bầu lên được lấy quyết định về ngân sách là thu tiền từ đâu và dùng vào việc gì với sự phán xét định kỳ của người dân qua lá phiếu. Trường hợp lạm dụng vẫn có thể xảy ra khi tiền thuế của dân được dùng vào việc mua phiếu mà người ta gọi là tái phân lợi tức. Nhưng sự lạm dụng ấy khó kéo dài khi ngân sách bị bội chi, hệ thống tài chính bị khủng hoảng. Trong chế độ độc tài thì quả thật là tham nhũng được định chế hóa, và bình thường hóa nhờ hệ thống luật lệ.
Nguyên Lam: Ông có thể giải thích được nguyên nhân của sự khác biệt ấy hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng khác biệt ở đây là chế độ dân chủ cho phép người dân than vãn và phản đối chính sách thuế khóa làm nhà nước phải đảm bảo việc sản xuất phẩm vật cho tư nhân theo quy luật thị trường, tức là nâng cao hiệu năng sản xuất của tư doanh để tạo ra một cái bánh to hơn cho mọi người và tranh luận chính trị xảy ra là khi người ta nói đến việc chia phần bánh cho những ai. Chế độ độc tài thì khỏi băn khoăn về việc đó vì thiểu số có toàn quyền làm luật cho tay chân được hưởng. Khi có đại án về tham nhũng hay khủng hoảng về ngân hàng thì đấy là lúc nội bộ của thiểu số này tranh đoạt quyền lực để chia nhau quyền lợi cho giai đoạn tới. Vì vậy, ta chẳng nên ngạc nhiên là cứ mươi năm lại có một vụ khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Có lẽ vì vậy mà ngày nay ai cũng thấy mối quan hệ khắng khít giữa ách độc tài và nạn tham nhũng.
Theo danh mục Chỉ số Nhận thức về Tham nhũng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, là Transparency International, trong 30 nước bị tham nhũng nhiều nhất thế giới thì chẳng có quốc gia nào thuộc loại dân chủ. Theo con số năm 2016, Việt Nam đứng hạng 113, tức là tham nhũng khá nặng trong 176 quốc gia được tổ chức này khảo sát. Chi tiết đáng chú ý là họ còn nêu ra mối liên hệ giữa tham nhũng và hệ thống luật lệ rườm rà. Điều ấy cho thấy một nghịch lý là tham nhũng không xảy ra vì thiếu luật mà vì người dân bị ràng buộc bởi quá nhiều luật lệ trong khi thiểu số vẫn thừa khả năng luồn lách để trục lợi.
Nguyên Lam: Nếu vậy phải chăng vấn đề không nằm ở hệ thống luật lệ, mà thuộc về chế độ chính trị có quyền ban hành luật lệ mà lại không kiểm soát nổi một thiểu số có chức quyền?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói cho đơn giản mà thật ra chẳng sai, khi người dân càng có nhiều quyền tự do thì nhà nước càng khó gây ra nạn tham nhũng. Ngược lại, nhà nước càng ban hành nhiều luật lệ rườm rà và thu hẹp sinh hoạt của thị trường thì đa số người dân lại khó làm ăn trong lĩnh vực tư doanh mà thiểu số ở trên vẫn có thể trục lợi mà không coi đó là tham nhũng!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.