(Viết cho Sài Gòn Nhỏ hai năm trước, bây giờ mới đăng lên fb).
Chưa đầy 24 giờ sau khi kết án nhà báo Phạm Đoan Trang, trưa ngày 15 Tháng Mười Hai 2021, cái gọi là “Tòa án nhân dân” thành phố Hà Nội đã vội vã “dí” cho ông Trịnh Bá Phương 10 năm và bà Nguyễn Thị Tâm sáu năm tù giam. Ngoài ra, ông Phương và bà Tâm còn bị tuyên lần lượt năm và ba năm “tù nhà” mà luật pháp hiện hành gọi là “quản chế” sau khi mãn hạn tù. Cả hai nông dân kiêm nhà hoạt động nhân quyền “bất đắc dĩ” đều bị cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117- BLHS năm 2015.
Tôi gọi họ là những người hoạt động nhân quyền “bất đắc dĩ” vì giống như nhiều người Việt Nam khác, họ nghĩ nhân quyền là điều hiển nhiên đã có. Con người không cần đợi cho đến lúc được sinh ra, mà ngay từ khi còn là một bào thai trong lòng mẹ, vốn dĩ đã có nhân quyền rồi. Nếu người ta cứ để những người nông dân như gia đình ông Phương, bà Tâm sinh sống yên ổn, lao động bình thường trên mảnh đất, thửa ruộng mà họ có, hẳn mọi sự đã khác. Nhưng trên đất nước này, dường như mọi điều bình thường đều trở nên bất thường, hoặc xa vời, hoặc không tưởng.
Thứ gì bị cướp, thì giữ. Điều gì bị tước đoạt, phải đấu tranh giành lại. Đáng quý, họ không chỉ “đòi” cho mình, cho gia đình mình mà “đòi” cho bao người khác nữa. Và đòi một cách trí tuệ, quyết liệt, bền bỉ, không khoan nhượng, kể cả hy sinh cho người khác. Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương thuộc về một cộng đồng đau khổ và những phận người bị tước đoạt. Chính vì thế, tuy không chuẩn bị, không định trở thành những người hoạt động nhân quyền, thì lý tưởng và sự quả cảm của họ khiến những ai biết đến đều ủng hộ, khâm phục và ngưỡng mộ.
Gia đình bà Tâm, gia đình ông Phương và nhiều hộ dân khác tại Dương Nội bị quận Hà Đông “thu hồi” đất trái phép từ năm 2008. Họ đã đi khiếu kiện ròng rã hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa, và có lẽ sẽ không bao giờ được giải quyết. Tường thuật của luật sư Lê Văn Luân về phiên tòa sáng ngày 15 Tháng Mười Hai 2021 có một chi tiết về bà Tâm như sau:
“Luật sư Phạm Lệ Quyên hỏi:
-Bà có thường xuyên giúp đỡ những người yếu thế hoặc những người đồng cảnh ngộ với bà không?
Bà Nguyễn Thị Tâm đáp:
-Tôi đi khiếu kiện nhiều năm, và tôi nhìn thấy nhiều cảnh đời bất công ngang trái. Tôi làm nhiều việc và còn nhiều khó khăn. Là một nông dân, nhưng tôi vẫn kêu gọi giúp đỡ hàng trăm người đi khiếu kiện đất đai ăn nằm vật vờ ở Ngô Thì Nhậm và trụ sở tiếp dân Trung ương ở Hà Đông. Mặc dù tôi vẫn nghèo khó, nhưng tôi còn giúp người khác không lấy một đồng, một nghìn nào, vì nhiều người còn bị cướp nhiều hơn tôi và khổ hơn tôi nhiều lần…
Nói tới đây bà Tâm bật khóc nức nở và nghẹn ngào không nói tiếp được. Sau khi định thần và lấy lại sự bình tâm, bà Tâm lại nói tiếp:
-Họ bị cướp hết, cướp hết không còn chỗ ở, nên tôi rất đồng cảm với nỗi đau của bà con. Bà Tâm vẫn khóc nghẹn ngào mà không trình bày được tiếp.
(Hết trích).
Bà Tâm, ông Phương bị xử tù vì vốn dĩ đã mang nhiều “trọng tội”, theo quan điểm của nhà nước. Nhưng có lẽ sẽ chưa bị bắt đâu, nếu không “dính dáng” vào vụ Đồng Tâm. “Dính dáng”, tức là dám truyền tải những thông tin, hình ảnh, diễn biến kinh hoàng xảy ra ở Đồng Tâm vào Tháng Một 2020 ra trước công luận. Toàn là những thông tin nhà nước muốn giấu diếm, bưng bít cả. “Dính dáng”, tức là dám đồng cảm, thương xót, bênh vực, giúp đỡ những người dân oan cùng cảnh ngộ. Đúng là tréo ngoe. Chỉ có ở xứ này mới có những sự thật đến mức hoang đường như thế. Thế nên, luật sư Nguyễn Văn Miếng mới gọi đây là vụ án “hậu Đồng Tâm”.
Trước tòa án cộng sản, Trịnh Bá Phương không chỉ cho công luận thấy ông vẫn kiên cường, mạnh mẽ như luôn thế, đó còn là hình ảnh của người đàn ông lịch lãm, điềm đạm và mẫn tuệ dù phải chịu đựng những ngày tháng đầy kinh khiếp trong ngục tù. Biên bản ghi chép của luật sư tại phiên sơ thẩm đã công bố nhiều thông tin rợn người. Trịnh Bá Phương bị bốn tên liên tục đánh đập trong quá trình tạm giam, lấy cung. Chúng đặc biệt “ưu tiên” đánh vào bộ phận sinh dục của Phương. Chúng tra tấn tinh thần, dọa không “khai báo” sẽ bị đưa vào trại tâm thần. Mà chúng đưa ông vào trại tâm thần thật. Chúng nhốt Phương trong một căn phòng nhỏ như cái hộp, đến nỗi cầm cốc nước lên uống còn khó khăn. Thế mà vẫn không khuất phục được người đàn ông bình dị mà phi thường này. Xin nghe lời nói cuối cùng của Trịnh Bá Phương, như một bản luận tội dành cho thể chế đã cầm tù ông:
“Tôi đấu tranh với mong muốn đất nước tôi không còn tình trạng hàng trăm người bị đánh chết trong đồn công an.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng người Việt phải rời bỏ quê hương đi làm thuê ở xứ người qua những tổ chức buôn người với vỏ bọc xuất khẩu lao động.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng ruộng đất với bờ xôi ruộng mật là sinh kế của người nông dân bị đảng cộng sản cướp đoạt.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng đảng cử, dân bầu và người dân phải được bầu cử tự do và tôi đấu tranh để người dân chúng tôi không còn bị cai trị bởi đảng cộng sản Việt Nam, một tổ chức hèn với giặc, ác với dân.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng áp bức bóc lột và tôi chống đảng cộng sản Việt Nam là việc làm chính nghĩa.
Tôi không có tội với dân với nước. Chính đảng cộng sản Việt Nam mới là tổ chức phản bội, bán nước, hại dân.
Nhân dân và lịch sử sẽ phán xét tội ác của đảng cộng sản đã gây ra với dân tộc Việt Nam”.
Thiết nghĩ, không cần bình luận gì thêm về hình ảnh Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, hay những diễn biến bên trong phiên tòa. Kinh nghiệm từ những vụ án xét xử giới bất đồng chính kiến chắc hẳn khiến ông Phương, bà Tâm hiểu rõ sự vắng mặt của những người thân trong phiên tòa của mình. Họ bị bắt, bắt hết không chừa một ai. Từ người thân như cha ruột, em ruột, vợ của Trịnh Bá Phương, con gái bà Nguyễn Thị Tâm cho đến những người dân oan khốn khổ đều bị lôi đi, tống lên xe, chở đến trụ sở công an rồi giam giữ ở đó cho đến khi phiên tòa kết thúc mới được thả. Điều vô lý và nhẫn tâm này không thể xảy ra ở những quốc gia dân chủ, nhưng tại Việt Nam, nó trở thành bình thường đến mức hiển nhiên.
Hôm nay, và rất lâu sau nữa tôi sẽ không thể nào quên được hình ảnh hai thằng con trai bé xíu của Trịnh Bá Phương ngơ ngơ ngác ngác đứng trước trụ sở công an phường Dương Nội, nơi đang giam giữ mẹ nó. Thằng em mới hơn một tuổi, đi chân đất, ống quần tớn đến tận đầu gối. Thằng anh chân đi dép trái, tay cầm túi ni-lông đựng lỉnh kỉnh nào sữa, nào bánh, chắc là ai đó vừa dúi cho. Có lẽ, phải nhiều năm nữa, hai anh em mới hiểu vì sao hôm nay chúng phải đứng bơ vơ giữa trời mùa Đông rét mướt, trước trụ sở công an, không có người thân nào bên cạnh.
Thằng em chào đời được vài ngày thì bố, bà nội và chú ruột bị bắt. Bà nội Cấn Thị Thêu của chúng đi tù lần này là lần thứ ba. Mấy tháng trước, bà và chú Trịnh Bá Tư bị kết án mỗi người tám năm tù giam. Người ta dự tính sẽ đưa bà và chú Tư ra tòa phúc thẩm vào ngày 24 Tháng Mười Hai sắp tới. Chắc cũng lành ít, dữ nhiều. Ông nội Trịnh Bá Khiêm của bọn trẻ cũng là một cựu tù oan. Hôm nay, nhà cầm quyền đưa bố nó ra tòa để kết án. Nhưng vì họ không muốn gia đình lũ trẻ được thấy mặt nhau dù chỉ qua một ánh mắt chớp nhoáng vào cuối phiên xét xử, nên đã bắt mẹ nó. Công an lôi mẹ nó đi, lấy lý do là để… test covid, rồi tiện thể giam ở đó luôn.
Hai đứa bé sinh ra trong gia đình dân oan, có ông tù, bà tù, bố tù, chú tù. Tức là gần như mọi thành viên trong gia đình chúng đều là những người tù lương tâm. Hoàn cảnh và thân phận của anh em chúng, sao mà giống với con gái của tôi thế. Bé Tôm nhà tôi cũng bị mất nhà khi mới được 13 tháng tuổi. Nó sinh ra trong một gia đình cũng rặt những người tù: ba tù, mẹ tù, chú tù. Đấy là chưa kể đến ông nội, ông cố là những cựu quân nhân cán chính VNCH bị lùa đi cải tạo sau biến cố 1975. Đất nước này, đúng là dư thừa những điều buồn thảm.
Có nơi nào như xứ “thiên đường xã nghĩa” này hành xử với dân chúng, với con trẻ như thế không? Tôi muốn nói chế độ này, rằng đây không chỉ là những án tù, đừng bắt con trẻ sau này lớn lên phải trở thành những người chống đối như thế hệ cha ông chúng!
Phạm Thanh Nghiên
Sài Gòn, 16 Tháng Mười Hai 2021