KEN BURNS VÀ “THE VIETNAM WAR”

    0
    90
    2- Đạo diễn Lynn Novick tại buổi chiếu giới thiệu “The Vietnam War” cuối tháng 8-2017 ở Sài Gòn (ảnh: Lãnh sự quán Hoa Kỳ cung cấp)

    Hơn 10 năm thực hiện, bộ phim tài liệu “The Vietnam War” kinh phí 30 triệu USD sẽ ra mắt trên hệ thống PBS vào ngày 17-9-2017, với 10 tập trong tổng cộng 18 tiếng đồng hồ. Đây là dự án phim công phu và “gây ám ảnh về trách nhiệm” nhất của đạo diễn Ken Burns (cùng đồng đạo diễn Lynn Novick). Nói đến Ken Burns, người ta không chỉ nhắc đến như là một trong những nhà làm phim tài liệu hàng đầu nước Mỹ với hai đề cử Oscar mà còn là một sử gia xuất sắc.

    “The Vietnam War”

    Ken Burns nổi danh từ đầu thập niên 1990 với bộ phim tài liệu “The Civil War”. “Sau gần ba thập niên với hơn 20 bộ phim tài liệu, ông ấy có lẽ là thương hiệu sử học khả tín nhất nước Mỹ” – nhận xét của Jennifer Schuessler trong bài viết trên New York Times (1-9-2017). Sử gia lừng lẫy Stephen Ambrose nói, “người Mỹ học sử từ Ken Burns nhiều hơn từ bất kỳ nguồn nào khác” (New Yorker, 4-9-2017). Cách mà Ken Burns “làm sử” là không chỉ thuật lại và hồi tưởng quá khứ mà còn là những bài học gì từ quá khứ cần rút ra để nghiền ngẫm cho hiện tại lẫn tương lai.

    Với đề tài phức tạp như cuộc chiến Việt Nam, có sự dính líu của Mỹ lẫn nhiều bên, Ken Burns đã chọn góc nhìn đa chiều. Ken Burns và đồng đạo diễn Lynn Novick tỏ ra cẩn thận, cả đến cách dùng từ, trong kịch bản cho “The Vietnam War” do sử gia Geoffrey C. Ward chấp bút. Một số câu chữ được cân nhắc với sự thận trọng đặc biệt, chẳng hạn từ miêu tả sự kết thúc cuộc chiến được chọn là “thất bại” (failure) chứ không phải “bại trận” (defeat). Ken Burns cho biết, nhóm làm phim đã mất 6 tháng để tranh cãi dùng “failure” hay “defeat”.

    Những nhân vật quá quen thuộc với cuộc chiến như John Kerry, John McCain, Henry Kissinger hay Jane Fonda cũng tránh được đưa lên phim. Thay vào đó, 79 nhân vật được phỏng vấn và “lên hình” trong phim là những người có mức độ tiếp xúc cuộc chiến ở “cự ly” gần nhất: cựu binh Mỹ (trong đó có tù binh), bà mẹ Mỹ có con hy sinh, chính khách, viên chức tình báo, du kích Việt Cộng, lính Bắc Việt, lính VNCH hoặc thậm chí một phụ nữ từng lái xe cho đoàn quân Bắc Việt tại đường mòn HCM.

    Nhóm làm phim đã đào bới nguồn tư liệu khổng lồ, với hơn 24,000 bức ảnh và 1,500 giờ phim tài liệu, cùng tư liệu trong kho lưu trữ Bắc Việt. Có những cảnh sẽ không bao giờ được “hoan nghênh” ở Việt Nam và được phép đề cập trong “lịch sử cuộc chiến Việt Nam” được viết bởi “giới sử học” luôn “mài bút” theo đơn đặt hàng Hà Nội. Liên quan trận Mậu Thân – một trong 25 trận chiến được kể trong phim, hai lính Bắc Việt đã thừa nhận cuộc thảm sát man rợ khoảng 2,800 người trong đó có nhiều thường dân vô tội tại Huế là đề tài cấm kỵ ở Việt Nam. “Làm ơn cẩn thận khi làm phim. Tôi không muốn bị rắc rối” – một cựu binh Bắc Việt nói.

    Người kể chuyện lịch sử bằng điện ảnh

    Trong số báo National Geographic đề tháng 4-1959, có bức ảnh trắng đen chụp một phụ nữ tươi cười nhìn cậu con nhỏ trên chiếc ghế gỗ dưới ánh nắng vàng rực. Được chú thích: “Kenny Burns takes lunch from mother’s hand”, bức ảnh nằm trong bài báo đề tên tác giả Robert Burns, cha của Ken Burns. Bài viết thuật lại cuộc sống gia đình Burns tại ngôi làng nhỏ Saint-Véran ở rặng Alps (Pháp). Robert Burns lúc đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ về nhân chủng học thuộc Đại học Columbia và ông thường đưa gia đình đến nơi này nơi kia, mỗi khi phải khảo sát và nghiên cứu thực địa. Ken Burns mừng sinh nhật một tuổi tại Pháp. Sau khi trở về Mỹ, mẹ của Ken, Lyla, được chẩn đoán mắc ung thư. Bà mất năm 1965, khi Ken lên 11. Ken và cậu em Ric lớn lên trong gia đình có “một người mẹ đang hấp hối và một người cha bị bệnh tâm thần” – Ric kể.

    1- Với đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick tại New York

    Sinh ngày 29-7-1953 tại Brooklyn (New York), Ken Burns mê đọc từ nhỏ. Cậu bé Ken thích đọc lịch sử hơn tiểu thuyết. Ken cũng mê chụp ảnh và quay phim. Được tặng một camera 8 mm dịp sinh nhật lần thứ 17, Ken làm một phim tài liệu về một nhà máy ở Ann Arbor, nơi cậu học phổ thông tại Trường Pioneer. Sau đó, Ken vào Hampshire College tại Amherst (Massachusetts) và làm việc tại một hãng đĩa để trang trải chi phí. Sau khi tốt nghiệp, Ken Burns cùng vài người bạn thành lập Florentine Films.

    Sau thời gian ngắn làm nhà quay phim cho BBC và một số hãng khác, Ken Burns bắt đầu thực hiện một số phim tài liệu ngắn, trong đó có bộ phim nói về việc xây cây cầu Brooklyn mà Ken chuyển thể từ quyển “The Great Bridge” của David McCullough. Đó cũng là thời điểm Ken Burns tạo ra một kỹ thuật làm phim tài liệu mà sau này được biết đến như phong cách đặc thù của ông. “Brooklyn Bridge” được đề cử Oscar cho hạng mục phim tài liệu xuất sắc nhất. Bốn năm sau, 1985, ông được đề cử Oscar lần thứ hai với “The Statue of Liberty”. Kỹ thuật dựng phim của Ken Burns độc đáo đến mức, năm 2002, ông được Steve Jobs mời đến Apple để xem trình diễn một sáng tạo kỹ xảo điện ảnh mà các kỹ sư Apple gọi là “hiệu ứng Ken Burns” (“Ken Burns Effect”).

    Trong sự nghiệp mình, Ken Burns đoạt rất nhiều giải trong đó có Emmy Award cho “Baseball” (1994) và “The National Parks: America’s Best Idea” (2009). Tuy nhiên, phải đến “The Civil War” thì tên tuổi Ken Burns mới được khẳng định. Bộ phim tài liệu này giành được hơn 40 giải – trong đó có hai Emmy; hai Grammy; Nhà sản xuất trong năm của Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Hoa Kỳ; People’s Choice Award, Peabody Award, D. W. Griffith Award; Lincoln Prize…

    2- Đạo diễn Lynn Novick tại buổi chiếu giới thiệu “The Vietnam War” cuối tháng 8-2017 ở Sài Gòn (ảnh: Lãnh sự quán Hoa Kỳ cung cấp)

    Từ việc nhìn lại cuộc chiến

    Trở lại với “The Vietnam War”. Việc xem lại cuộc chiến này sẽ giúp điều gì? Đạo diễn Lynn Novick nói: “Tất cả chúng ta đều tìm kiếm một ý nghĩa nào đó trong bi kịch khủng khiếp này. Đạo diễn Ken và tôi đã cố gắng soi chiếu một thứ ánh sáng mới vào cuộc chiến qua cách nhìn đa diện – từ dưới lên, từ trên xuống, và từ tất cả các bên. Bên cạnh hàng chục người Mỹ chia sẻ câu chuyện của họ, chúng tôi cũng phỏng vấn nhiều người lính và thường dân Việt Nam ở cả hai phe. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận ra rằng, cũng giống như chúng ta, cuộc chiến này để lại cho họ nhiều đớn đau và nhiều điều vẫn chưa giải tỏa được”.

    “Điều gì chưa giải tỏa được?” – đạo diễn Lynn đã để ngõ một chủ đề có thể gợi lên vô số điều khác. Liệu sự “chưa giải tỏa được” đó có phải là mâu thuẫn trong việc định danh cuộc chiến? Thật sự có quá nhiều điều “chưa giải tỏa được” sau hơn 40 năm khi tiếng súng đã im nhưng đất nước vẫn sống trong một “nền hòa bình chia rẽ”. Điều quan trọng nữa là chính quyền Việt Nam vẫn chưa dám đối mặt với những sự thật trần trụi được miêu tả trong phim. Cuộc chiến “đớn đau” này nếu tiếp tục bị nhìn nhận sai lệch một chiều theo lăng kính được áp đặt như lâu nay thì những “ân oán quá khứ” sẽ không bao giờ có thể giải tỏa được.

    1- Với đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick tại New York
    2- Đạo diễn Lynn Novick tại buổi chiếu giới thiệu “The Vietnam War” cuối tháng 8-2017 ở Sài Gòn (ảnh: Lãnh sự quán Hoa Kỳ cung cấp)

    Bài liên quan : NHỮNG GÌ ĐƯỢC KỂ TRONG “THE VIETNAM WAR”?