VOA
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch chỉ trích điều luật mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, buộc luật sư chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố cáo một số hành vi phạm tội của thân chủ. HRW kêu gọi Việt Nam hãy lập tức hủy bỏ điều khoản này.
Trong thông cáo ra ngày 21/6, đúng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tổ chức HRW, có trụ sở ở New York, nói luật hình sự sửa đổi của Việt Nam khi buộc luật sư tố cáo thân chủ, sẽ đe dọa quyền được bào chữa và trừng phạt tự do ngôn luận.
“Buộc luật sư vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ có nghĩa là các luật sư phải trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của chính mình,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo của HRW.
“Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề “an ninh quốc gia” – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế,” theo ông Adams.
Kết quả biểu quyết về Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung (chụp màn hình Tuổi Trẻ, 20/6/2017)
Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 20/6 có quy định “luật sư tố giác thân chủ” đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn ở Việt Nam. Giới luật sư trong nước đặc biệt phản đối quy định này, theo luật sư Ngô Ngọc Trai trong cuộc phỏng vấn với VOA-Việt Ngữ ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu tán thành luật sửa đổi.
Ông nói điều luật này “bất lợi cho giới luật sư khi hành nghề” vì “nó tạo ra những rủi ro rất nghiêm trọng đối với giới luật sư trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án.”
“Buộc luật sư vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ có nghĩa là các luật sư phải trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của chính mình.”
Truyền thông trong nước trích lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga lý giải rằng việc chính phủ “không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa, xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và vì lợi ích chung của cộng đồng.”
Ông Brad Adams nói: “Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề ‘an ninh quốc gia’ – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế.”
Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế này đặc biệt quan ngại về Điều 19 của bộ luật sửa đổi nhắm vào những người bị truy tố về các tội danh an ninh quốc gia “được định nghĩa mơ hồ như ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’, ‘tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’, và ‘phá rối an ninh’.”
Thông cáo của HRW có đoạn viết: “thay vì hủy bỏ những điều luật mơ hồ thường bị lạm dụng để trừng phạt những hoạt động thực thi các quyền tự do như tự do hội họp, lập hội và tự do ngôn luận, thì giờ đây chính quyền lại bổ sung thêm các hình phạt nặng nề hơn đối với các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền.”
Nhiều luật sư đã bày tỏ quan ngại về quy định mới này. Một tuần trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật sửa đổi, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi tới Quốc hội một công văn, đề nghị hủy bỏ điều khoản trên và gọi đây là “một bước thụt lùi so với Bộ luật Hình sự 1999.” Luật sư Ngô Ngọc Trai cũng đồng ý với quan điểm này. Ông với VOA rằng luật này là “một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam”.
Tổ chức nhân quyền quốc tế HRW cảnh báo rằng “các nhà đầu tư và đối tác thương mại nước ngoài của Việt Nam cần hết sức lưu ý về điều luật bắt buộc luật sư trình báo thông tin riêng tư của thân chủ với chính quyền, nếu muốn tránh gặp phiền phức.”
Bộ luật hình sự sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày đầu năm 2018.