Lê Công Định
Sau chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng hai năm trước, tôi có dịp trò chuyện với người bạn là luật sư của một tập đoàn đa quốc gia chuyên bán máy móc và thiết bị công nghiệp toàn cầu. Tập đoàn này của Mỹ và vẫn giao thương với các công ty nhà nước VN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.
Bạn luật sư này kể rằng nhân chuyến thăm Mỹ đó của ông Trọng, Bộ ngoại giao VN đã yêu cầu một tập đoàn nhà nước của VN phải ký kết một MOU (Bản ghi nhớ) mua bán hàng hoá với tập đoàn mà bạn ấy đang làm việc. Bạn tôi đã phải mất 2 ngày cuối tuần để soạn gấp một MOU, vì muốn làm khách hàng VN hài lòng.
Vì lời yêu cầu chỉ đưa ra vài ngày trước chuyến đi, nên bản thảo MOU rất sơ sài, chỉ dài khoảng 2, 3 trang A4, trong đó phần giới thiệu hai bên đối tác, cơ sở ký kết MOU và các điều khoản chung mà thoả thuận nào cũng phải có đã chiếm mất 2 trang.
Tôi hỏi thế tập đoàn nhà nước ấy có đặt mua số máy móc có giá trị lên đến cả tỷ USD sau đó không. Bạn luật sư cười, cho biết họ chỉ cần MOU ấy để chuyến đi có vẻ thành công về thương mại. Tất cả chỉ là hình thức.
Bạn ấy hỏi ngược lại tôi, rằng: “Thế anh làm luật sư về thương mại lâu năm đã bao giờ thấy một MOU vài trang giấy cho giao dịch mua bán hàng hoá cả tỷ USD, nhất là có sự tham gia của một tập đoàn Mỹ chưa?” Tôi đáp: “Nghe kể mới biết!”
Thế đấy, mọi hợp đồng được ký kết trong một chuyến công du của nguyên thủ quốc gia VN thường diễn ra theo cách ấy. Tất nhiên cũng có những hợp đồng thật được thực thi trên thực tế, chứ không phải chẳng có gì.