05/12/2022 – 19:07
RFI-Thụy My
Ukraina : Cuộc sống rối loạn vì bom Nga
Về tình hình Ukraina, Le Monde cho biết các phụ nữ bị hãm hiếp ở Donbass năm 2014 đã lên tiếng để cổ vũ các nạn nhân của hôm nay hành động tương tự.Cũng tại Ukraina, đặc phái viên Le Monde thuật lại « Cuộc sống ở Kiev, chìm trong bóng tối và giá lạnh ». Đối với doanh nghiệp, Le Figaro cho biết « Tại Kryvyi Rih, kỹ nghệ Ukraina phải trả cái giá của chiến tranh ».
Khoảng 50 hỏa tiễn Nga và mười mấy drone đãtấn côngthành phố quê hương của tổng thống Volodymyr Zelensky, chiếc nôi kỹ nghệ chiếm 10 % GDP Ukraina, khiến tỉ lệ thất nghiệp từ 5 % nay lên 25 %. Trong số 80 mỏ than trong vùng, chỉ còn 8 hoạt động. Một thợ mỏ cho biết đã hai lần bị kẹt ở độ sâu 527 mét vì Nga đánh bom nên mất điện, lần đầu nhóm thợ có 84 người, lần thứ hai 62 người. Họ sống sót nhờ tuân thủ quy trình an toàn, có dự trữ thức ăn nước uống trong ba ngày.
Thua đau trên chiến trường, Putin trả thù hèn nhát
Trong bài xã luận « Tại Ukraina, những vụ đánh bom của sự hèn nhát », Le Monde mỉa mai : Sau chín tháng chiến tranh với Ukraina, rốt cuộc Vladimir Putin đã tìm được mục tiêu xứng tầm với sự vĩ đại của nước Nga mà ông ta muốn khuếch trương, đó là các nhà máy điện và hệ thống ống nước.
Từ khi quân đội của Putin phải liên tục rút lui nhục nhã khỏi các vùng đất được tuyên bố là « thuộc về Nga vĩnh viễn » vào tháng Chín, những đợt hỏa tiễn ập xuống cơ sở hạ tầng Ukraina để trả thù. Những mục tiêu dân sự không thể tự vệ lẫn trả đũa, đó là những gì mà ông chủ điện Kremlin nhắm đến. Hôm 02/12 ông ta biện minh rằng những vụ tấn công này là « cần thiết », đối với các « khiêu khích » của một đất nước đang phải kháng cự lại cuộc xâm lăng.
Những vụ oanh tạc của Matxcơva đã chà đạp hơn bao giờ hết các quy luật căn bản của quốc tế về nhân quyền, trong phụ lục Công ước Genève nhằm bảo vệ thường dân trong thời chiến. Đó là việc phân biệt giữa người dân bình thường và lính tráng, và những nguyên tắc cẩn trọng mà Kremlin coi là sự yếu kém của phương Tây. Số lượng tội ác chiến tranh theo kiểu thế kỷ trước của Nga ngày một chồng chất, có thể khiến các đồng minh của Kiev trở nên dửng dưng, thậm chí bình thường hóa.
Thái độ liêm sỉ trước tội ác chiến tranh của Nga
Theo Le Monde, ngược lại càng phải nhấn mạnh đến tính chất có hệ thống và tác động của chúng lên đời sống thường nhật của người dân Ukraina. Tuy lực lượng Kiev cũng có thể bị tố cáo vi phạm luật lệ thời chiến, nhưng tầm cỡ cách biệt là vô cùng to lớn.Chế độ Vladimir Putin không giấu diếm mục đích : phá vỡ hậu phương của một đất nước dám đương đầu với mình, và có thể tạo ra làn sóng di tản gây bất ổn cho châu Âu. Nhưng thay vì chia rẽ trong thử thách mới, người Ukraina vẫn vững vàng, còn phương Tây đồng lòng ồ ạt giúp đỡ.
Trong lúc sự khắc nghiệt của mùa đông bắt đầu cảm nhận được, việc làm cho người Ukraina không có nước dùng, không ánh sáng và không được sưởi ấm, không chỉ là trả thù. Chiến lược này còn nhắc lại mục tiêu chính của Vladimir Putin khi khởi chiến : hủy diệt Nhà nước Ukraina. Không ai còn có thể nghi ngờ gì nữa, sau mỗi đợt hỏa tiễn. Việc oanh tạc một cách có hệ thống là lời cảnh báo cho tất cả những ai hy vọng rằng, mòn mỏi vì chiến tranh, rốt cuộc con đường ngoại giao và đàm phán sẽ được mở ra.
Le Monde cho rằng vô số tội ác chiến tranh của Nga khiến những ai miệng nói ủng hộ nhân dân Ukraina nhưng quay lưng lại với họ, cần phải tỏ ra có liêm sỉ hơn. Tại Pháp, đứng hàng đầu là phe cực tả và cực hữu, đã vắng mặt tại Quốc Hội hôm 30/11 trong cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ Ukraina. Trên thế giới, tương tự đối với những nước giữ im lặng trước những hành động không thể chấp nhận được rốt cuộc trở thành chuyện bình thường.
Cấm vận dầu lửa Nga, quyết định lịch sử
Về phía phương Tây, Les Echos cho biết kể từ hôm nay, quyết định lịch sử về cấm vận dầu lửa Nga bắt đầu có hiệu lực. Kể từ ngày 05/12, không một tàu nào có thể bốc dỡ hàng dầu lửa của Nga tại một cảng Liên Hiệp Châu Âu. Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản cũng cam kết tương tự. Như vậy toàn bộ các nước giàu và dân chủ đã đồng lòng tẩy chay dầu lửa Nga, nhằm làm chế độ Vladimir Putin yếu đi trong cuộc chiến tranh tại Ukraina.
Quyết định này không dễ dàng vì châu Âu lệ thuộc năng lượng Nga rất nhiều, thế nên việc cấm vận diễn ra một cách tuần tự. Than đá bị cấm từ tháng Tám, khí đốt thì chính Putin đã khóa rô-bi-nê hầu hết đường ống dẫn sang châu Âu để toan gây áp lực. Đối với dầu thô, đàm phán giữa các nước thành viên khá vất vả vì Hungary không chỉ thân Nga mà còn không có đường ra biển, lệ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga. Rốt cuộc các bên đã đồng thuận là chỉ cấm vận đường biển, còn lại các nước tự quyết định. Ngoài Hungary, đa số nước như Đức, Ba Lan đều loan báo ngưng nhập dầu lửa Nga qua hệ thống ống dẫn.
Iran thực sự giải thể « cảnh sát đạo đức » ?
Nhìn sang Trung Đông, việc Iran giải thể lực lượng « cảnh sát đạo đức » được tất cả các báo chú ý, với ít nhiều ngờ vực. Libération cho biết đây là vấn đề hết sức nhạy cảm tại Iran, hai phe bảo thủ và cấp tiến luôn đối đầu về việc hủy bỏ đạo luật năm 1983 hay không. Theo luật này thì phụ nữ cả Iran lẫn ngoại quốc, dù theo bất cứ tôn giáo nào, cũng phải choàng khăn và mặc bộ áo rộng thùng thình khi ra ngoài. Chiếc khăn không chỉ bao phủ trọn mái tóc mà còn phải che luôn cả cổ và vai. Tờ báo đặt câu hỏi « Hy vọng ? », phải chăng đây là khởi đầu của thời kỳ thay đổi hay chỉ nhằm tìm cách làm dịu đi phong trào phản kháng ? Tương tự, La Croix ghi nhận một làn sóng nghi ngờ và thận trọng về việc giải thể Gasht-e Ershad – lực lượng cảnh sát đã bắt giữ cô Mahsa Amini, cái chết của cô khiến nhiều cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra.
Nhật báo công giáo giải thích về tuyên bố gây ngạc nhiên hôm 03/12 của công tố viên trưởng Iran, Mohammad Jafar Montazeri. Gasht-e Ershad không trực thuộc ngành tư pháp, mà dưới quyền Hội đồng Cách mạng Văn hóa Tối cao do tổng thống Ebrahim Raissi lãnh đạo, do đó phải do chính ông Raissi loan báo. Ông Montazeri chỉ trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo « vì sao không thấy cảnh sát đạo đức » trong những tuần lễ gần đây. Một số nhà quan sát và đối lập nghi ngại đây chỉ là chiến thuật, chế độ Teheran cực kỳ bảo thủ có thể đặt ra một cái tên khác hoặc chuyển giao quyền hành của lực lượng bị phương Tây trừng phạt cho một đơn vị khác.
Nhà hoạt động Fereshteh Sadeghi cho rằng có thể sau ba tháng biểu tình, chế độ cảm thấy duy trì lực lượng cảnh sát đạo đức quá tốn kém. Mahmood Amiry-Moghaddam, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Iran Human Rights nhấn mạnh, việc giải thể Gasht-e Ershad không có nghĩa là đàn áp đẫm máu sẽ chấm dứt. « Chế độ bám vào quyền lực bằng mọi cách : sát hại trên 448 người trong đó có 60 trẻ em, kết án tử hình… ». Lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc trong ba ngày kể từ hôm nay đã được đưa ra.
Đội tuyển Pháp thành công nhưng thiếu vắng cổ động viên
Trên lãnh vực thể thao, sự kiện đội tuyển Pháp thắng Ba Lan 3-1, lọt vào vòng 1/8 World Cup tất nhiên được báo chí Paris vui mừng đưa tin. Thế nhưng điều đáng tiếc theo Libération ở Qatar, « Thiếu sót duy nhất là cổ động viên Pháp quá ít ». Fan người Pháp mà đặc phái viên tờ báo hẹn gặp trong một quán cà phê ở Doha, là người duy nhất mặc chiếc áo màu xanh của « Les Bleus », lọt thỏm giữa một rừng màu áo trong vòng bán kính 100 mét. Nhiều cổ động viên do dự trước việc đi cổ vũ đội tuyển Pháp tại một World Cup quá đặc biệt, tổ chức ngay giữa mùa đông, tại một đất nước không có truyền thống bóng đá.
Nhưng nay những người hiện diện không phải hối hận. Không khí cổ động được cho là tuyệt vời, có thể xem các trận đấu hàng ngày. Một fan nữ nói rằng cứ ngỡ phải mang khăn choàng Hồi giáo, nhưng thực tế có thể mặc short thoải mái không hề bị để ý. Một người khác từng đi xem World Cup ở Nga không tiếc lời khen vương quốc nhỏ bé, cho biết nhiều cổ động viên Pháp đã thối lui vì những chỉ trích trên báo chí, nhìn nhận Qatar đã « vụng về trong việc làm truyền thông ».
World Cup Qatar đầy bất ngờ, vòng trong có đủ các châu lục
Nhìn rộng hơn, Les Echos rút ra « Những bài học đầu tiên về địa chính trị từ World Cup 2022 » tại Qatar. Một cuộc tranh tài mà hầu như tất cả các cây làm bàn đều là « người nhập cư ». Trong métro Luân Đôn, có thể thấy những áp-phích với một loạt hình vẽ tượng trưng cho thấy sự đóng góp mang tính quyết định của « người nhập cư » trong số bàn thắng tại World Cup : Canada 100 %, Pháp 86 %, Ecuador 85 %, Hoa Kỳ 85 %, Anh 82 %, Hà Lan 81 %. Thông điệp được tòa đô chính Luân Đôn tài trợ rất rõ ràng : không có họ sẽ ít bàn thắng hơn, cuộc sống ở Luân Đôn sẽ nghèo nàn hơn.
World Cup kỳ này đầy dẫy bất ngờ, nhất là chiến thắng của Nhật Bản trước Đức và Tây Ban Nha. Trong giai đoạn cuối, tất cả các châu lục đều có mặt, từ châu Á đến châu Phi, Bắc Mỹ, châu Đại Dương. Bóng đá không còn giới hạn trong sự cạnh tranh giữa châu Âu và châu Mỹ la-tinh ; và lần đầu tiên trận đấu quyết định giữa Costa Rica và Đức do một nữ trọng tài điều khiển. Đó là nghịch lý của World Cup 2022, đề cao sự đa dạng tại Qatar, một nước khó chấp nhận điều này cả về văn hóa lẫn xã hội. Đất nước có 400.000 công dân (trên tổng số 2,9 triệu dân) nằm kẹt giữa các cường quốc khu vực Ả Rập Xê Út và Iran, biết rằng tương lai của mình tùy thuộc vào sự ủng hộ của thế giới phương Tây. Thế nên Qatar không có cách nào khác là xích lại gần các giá trị dân chủ, nhưng theo nhịp độ của mình.
World Cup Qatar phản ánh những tâm trạng khác nhau. Nhìn theo con mắt phương Tây thì việc đội tuyển Đức bịt miệng để phản đối lệnh cấm thủ quân mang băng ủng hộ LGBT là hành động can đảm, nhưng thế giới Ả Rập thì ngược lại. Nhà báo BBC tiếng Ả Rập từ Doha trên chương trình trực tiếp đã tố cáo thái độ đạo đức giả của phương Tây. « Tại Thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc, bất chấp việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, các vị không nói gì hoặc rất ít, nhưng với thế giới Ả Rập thì tự cho phép mình làm mọi thứ ».
Hoa Kỳ, đại cường thống trị thế giới trong 30 năm tới
Về kinh tế, chuyên gia Patrick Artus của Natixis nhận định trên Les Echos « Hoa Kỳ sẽ thống trị Trung Quốc và khu vực đồng euro » trong những thập niên tới. Trước hết, dân số trong độ tuổi lao động sẽ tăng 0,5 % mỗi năm từ 2020 đến 2050 ở Hoa Kỳ, trong khi khu vực đồng euro giảm 0,2 % và Trung Quốc giảm 0,6 %. Lão hóa dân số làm chậm lại hiệu năng sản xuất chính sách ưu tiên cho sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc và công ty quốc doanh của Tập Cận Bình càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ở châu Âu, hiệu năng tính theo giờ (không phải theo đầu người) chững lại kể từ 2019 ; và thời gian làm việc giảm 1 % một năm do cải thiện điều kiện lao động.
Thị trường địa ốc Trung Quốc sẽ càng mất thăng bằng : người dân đổ tiền đầu tư vào nhà ở vì lương hưu không đáng kể, đến lúc họ về hưu khoảng 2020-2030 do nhiều người bán, giá sẽ giảm xuống. Kể từ giữa thập niên 2020, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không vượt quá 2 %. Tại châu Âu, giá năng lượng tăng do chiến tranh ở Ukraina và chính sách chuyển đổi được đẩy nhanh hơn phần còn lại của thế giới, sẽ làm giảm tính cạnh tranh và gây ra làn sóng phi kỹ nghệ hóa.
Tình hình Hoa Kỳ tương phản hoàn toàn : dân số hoạt động tăng, năng suất tăng 2,7 % một năm so với 2 % của Trung Quốc và 0 % ở châu Âu. Trong 30 năm tới, GDP của Hoa Kỳ sẽ tăng 23 % so với Trung Quốc và gấp 2,22 lần so với khu vực đồng euro. Điều này dễ hiểu vì chi tiêu cho nghiên cứu cũng như việc làm trong công nghệ mới của Mỹ cao hơn hẳn so với Trung Quốc và châu Âu. Tóm lại, Hoa Kỳ sẽ là đại cường thống trị thế giới trong 30 năm tới, nếu không bị bất ổn chính trị.
Năng lượng, vấn đề chiếm trang nhất báo Pháp
Le Figaro chạy tít trang nhất « Năng lượng tái tạo : Macron trông cậy vào cánh tả » để thông qua dự luật nhằm đẩy nhanh điện gió và điện mặt trời. Cũng liên quan đến hai loại năng lượng này, Le Monde tìm về « Nguồn gốc sự chậm trễ của Pháp ». Libération đăng ảnh tháp Eiffel tối đen, với dòng tít lớn « Cúp điện, không nên sợ ? ». Theo tờ báo, mặc cho những trấn an của tổng thống Emmanuel Macron, nguy cơ phải cúp điện ở Pháp rõ hơn bao giờ hết vì những yếu kém của lưới điện. Cũng với cùng một nỗi lo, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Điện : Các doanh nghiệp trước mối đe dọa bị cắt », các ngành thực phẩm, dược, vận tải…phải tìm cách tổ chức lại. La Croix nói về « Khí hậu, từ khủng hoảng tới hành động », nhật báo công giáo gặp gỡ các thanh niên chọn cách bất tuân dân sự để đánh động dư luận.