Gina Raimondo đem hy vọng tới Bắc Kinh

0
77
Vì Trung Quốc đứng trước những khó khăn như vậy, cho nên bà Raimondo được tiếp đón nồng hậu! Bắc Kinh chờ năm năm mới được đón một bộ trưởng thương mại Mỹ.

Khi đại diện của hai nước nói chuyện với nhau, bên nào than phiền, đòi hỏi nhiều điều hơn là bên đó ở thế mạnh. Bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương mại Mỹ gặp các ông Hà Lập Phương, phó thủ tướng và Lý Cường, thủ tướng Trung Quốc, bà đưa ra một danh sách những điều than phiền.

Các công ty Mỹ nói với bà rằng không thể đầu tư vào Trung Quốc được nữa vì nhiều rủi ro quá; đạo luật chống gián điệp mới của Bắc Kinh; trụ sở các công ty bị lục soát; những món tiền phạt quá cao không có lý do; mối lo lắng bị ăn trộm các bản quyền, vân vân. Bà kể lể: Công ty Intel bị ngăn cản không mua được một xí nghiệp làm chất bán dẫn của Israel; Trung Cộng hạn chế không cho mua chip của công ty Micron – cũng nêu lý do an ninh; và ngưng không mua máy bay của Boeing, từ đầu năm chỉ mua vài chiếc 85 MAX đã nằm sẵn trong kho ở phi trường Thượng Hải. Bà Raimondo đã dụng ý, chọn nhà kho này làm nơi họp báo – một cách than phiền!

Phía Trung Quốc, họ trách móc ít hơn. Phó Thủ tướng Hà Lập Phương (He Lifeng, 何立峰), một thành viên Bộ Chính Trị đặc trách các vấn đề kinh tế và thương mại, chỉ kêu gọi hai bên tích cực đẩy mạnh việc cộng tác và thông cảm. Ông Lý Cường (Li Qiang, 李强) chỉ nói hy vọng chính phủ Mỹ sẽ có hành động cụ thể đáp ứng các yêu cầu của Cộng sản Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và nhất là lệnh cấm bán các con chíp tối tân. Chính phủ Joe Biden đã cấm cả các xí nghiệp Mỹ không được đầu tư làm các con chíp nhỏ nhất ở Trung Quốc.

Người đưa ra chính sách ngăn cấm này chính là bà bộ trưởng thương mại Raimondo. Nhưng tại Bắc Kinh, bà giải thích rằng những chất bán dẫn bị kiểm soát không bán chỉ là một phần rất nhỏ trong khối lượng giao thương giữa hai nước, một điều tai hại cho kinh tế thế giới; rằng hai nước có nhiều cơ hội cộng tác khác, và Mỹ không chủ trương cắt đứt quan hệ. Nhưng bà giữ vững lập trường về các con chíp, vì đó thuộc phạm vi an ninh quốc gia.

Nghe hai bên trao đổi thì thấy bên nào mạnh hơn. Bà Raimondo có thể nói cứng, vì kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh chóng sau bệnh dịch Covid. Trong khi đó kinh tế Trung Quốc đang dần dần sa lầy. Người tiêu thụ dè dặt không muốn xài tiền, nạn giảm phát bắt đầu. Người dân dùng tiền tiết kiệm mua nhà để đầu tư cũng ngưng không tiếp tục góp tiền vì các cao ốc đang giở dang không được xây tiếp. Ngành địa ốc đang bước vào khủng hoảng; hai công ty lớn nhất, Hằng Đại và Bích Nhai Viên, cùng 50 công ty xây cất nhỏ khác đã thiếu tiền mặt, phải ngưng trả nợ. Báo, đài nhà nước vẫn tuyên truyền mọi khó khăn sẽ được giải quyết, nhưng sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 22% đã ngưng không công bố nữa.

Cộng sản Trung Quốc cố đưa ra các chính sách để nâng cao niềm tin, kích thích người dân tiêu thụ. Ở các nước tư bản, người ta thường hay cắt thuế, cho dân có nhiều tiền xài hơn. Ngày 28 tháng 8, bộ Tài chánh Bắc Kinh đã cắt một nửa suất thuế đánh trên tiền lời khi bán cổ phần. Họ mong rằng thị trường chứng khoán lên cao, giúp dân chúng phấn khởi. Nhưng, như tỷ phú Warren Buffett thường nói, quyết định đầu tư hay không, không phải vì thuế suất cao hay thấp, mà trước hết người ta phải thấy có lời. Nếu không thấy một công ty có triển vọng gia tăng lợi nhuận thì không ai bỏ tiền mua cổ phiếu của họ. Biết sẽ được giảm thuế nếu bán có lời, nhưng ai tin là sẽ kiếm được lời?

Một quyết định như trên chứng tỏ giới lãnh đạo tài chánh ở Bắc Kinh sống trong thế giới trừu tượng của họ, hoàn toàn xa cách thực tại thị trường. Cũng vậy, họ gạt bỏ hoàn toàn ý kiến phát tiền mặt cho tất cả những người dân đóng thuế, như chính phủ Mỹ đã làm khi bệnh Covid khiến hàng triệu người mất hết lợi tức vì không thể đi làm nữa. Dân Mỹ nhận được $1,200 đô la, rồi $1,400 đô la, đi mua sắm, giúp cho các cửa hàng vẫn mở, các cơ xưởng vẫn chạy, dù giảm bớt đi trong thời gian bệnh dịch. Người Trung Hoa không được kích thích tiêu tiền theo lối đó, họ càng dành dụm để lo cho tương lai bất định. Hệ thống an sinh xã hội còn thiếu sót không thể giúp người ta yên tâm. Dân không tiêu tiền thì cơ xưởng giảm việc làm, người mất việc lại tiêu xài ít hơn.

Nỗi khó khăn này một phần vì dân tiêu thụ ở Mỹ thay đổi. Sau thời gian bệnh Covid, năm 2022 dân Mỹ mua $537 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc. Có lẽ mua thế cũng đủ rồi, năm nay, người tiêu thụ ở Mỹ xài tiền cho các dịch vụ, giải trí, ăn tiệm, đi du lịch, vân vân. Một bài nghiên cứu mới của Laura Alfaro, Harvard Business School và Davin Chor, Tuck School of Business ở Dartmouth, cho biết năm 2017 hàng hóa Trung Quốc chiếm 22% tổng số nhập cảng của Mỹ, năm 2022 xuống chỉ còn 17%. Theo báo The Wall Street Journal ngày 30 tháng 8, 2023, trong sáu tháng đầu năm nay hàng hóa Trung Quốc chỉ bằng 13% tổng số hàng nhập cảng vào Mỹ, con số thấp nhất trong 20 năm.

Nhưng nếu kinh tế Trung Quốc đi xuống, cả thế giới phải lo lắng. Khi hơn một tỷ người không tiêu xài nữa, họ cũng bớt mua đồ nhập cảng; các xí nghiệp bớt mua các nguyên liệu và bộ phận, phụ tùng từ các nước khác. Những nước bị giảm số hàng bán cho Trung Quốc, chính họ cũng bớt nhập cảng. Cứ như thế kinh tế thế giới bị kéo xuống theo.

Riêng nước Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng rất nhẹ. Mỹ bán rất ít cho Trung Quốc, chỉ có 7.5% tổng số lượng xuất cảng, bán những thứ họ cần, mua nơi khác không bằng. Ngân hàng Wells Fargo đã tính toán nếu năm nay Trung Quốc suy thoái nặng, Tổng Sản Lượng Nội Địa của Mỹ chỉ bị cắt mất 0.1% (một phần ngàn) trong năm 2024, và 0.2% trong năm sau.

Một yếu tố an toàn khác là hệ thống tài chánh hai nước không quan hệ mật thiết, các ngân hàng Trung Quốc vỡ nợ thì bên Mỹ cũng không bị lôi vào chuỗi quân bài domino cùng đổ. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc mua hàng ngàn tỷ đô la công khố phiếu Mỹ, họ sẽ ngưng nếu kinh tế trì trệ. Nhưng nếu họ cần bán ngay, bán rất nhiều, để có tiền cứu hệ thống tài chánh trong nước, thì hành động đó cũng không ảnh hưởng mạnh trên nước Mỹ. Vì công trái Mỹ rất dễ bán, nhiều người khắp thế giới sẵn sàng mua, nhất là khi giá rẻ hơn vì phải bán nhiều.

Chính phủ Bắc Kinh có thể sử dụng một thế võ quen thuộc từ 30 năm nay, là gia tăng xuất cảng. Kế hoạch này hiện có lợi thế, vì đồng nhân dân tệ đã xuống giá, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn khi tính ra mỹ kim. Hàng hóa bán qua Mỹ cũng không khó, vì có thể tránh quan thuế nếu đem qua nước khác lắp ráp, như họ đang thực hiện ở Việt Nam và Mexico. Nếu Mỹ nhập cảng thêm hàng rẻ tiền thì nạn lạm phát cũng giảm bớt! Nhưng việc thúc đẩy hàng xuất cảng sẽ khó khăn hơn nhiều; vì cửa hàng ở các nước khác bây giờ không muốn tùy thuộc vào một nguồn cung cấp, dù giá rẻ hơn chút đỉnh. Qua kinh nghiệm thời bệnh dịch, các nhà buôn phải tạo ra một dây chuyền, một mạng lưới gồm nhiều nguồn cung cấp khác nhau.

Vì Trung Quốc đứng trước những khó khăn như vậy, cho nên bà Raimondo được tiếp đón nồng hậu! Bắc Kinh chờ năm năm mới được đón một bộ trưởng thương mại Mỹ. Trung Cộng cần giao thương với Mỹ, hơn là Mỹ cần họ. Người Trung Quốc đặt cho bà họ Lôi, phiên âm tên chữ Hán là Lôi Mông Đa (雷蒙多). Lôi nghĩa là sấm sét, họ hy vọng sau tiếng sấm sẽ có cơn mưa giúp mùa màng tươi tốt! Raimondo biết đóng vai một nhà ngoại giao! Bà đã đi thăm cả Disneyland, bế một bé gái 7 tuổi, và thăm chi nhánh Đại học New York ở Thượng Hải, nói chuyện với các sinh viên.

Các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc cũng nuôi hy vọng. Trong mấy năm qua, họ bị kỳ thị, bị ngăn cản, làm khó dễ, vì Bắc Kinh trả đũa Mỹ. Ngày 31 tháng 8, báo The Wall Street Journal kể, ông Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc nói ông có cảm tưởng “Bộ máy bắt đầu chạy lại … hai bên nói năng nhẹ nhàng hơn, tích cực, bớt cãi cọ hơn!”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here