Đừng tước nốt ‘bát cơm’ của ngư dân

0
128
TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng, khái niệm nhận chìm là lập lờ, che mắt dư luận.
nhan-chim-bun-thai_ZZPR

Liên quan đến việc nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận, ngày 25/7, trả lời phỏng vấn báo SGGP, chuyên gia khoa học và ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ tiếp tục có những phản ánh kịch liệt về chủ trương này.

Lập lờ khái niệm “nhận chìm”

Trả lời báo chí về chủ trương nhận chìm bùn thải, TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng, khái niệm nhận chìm là lập lờ, che mắt dư luận. Việc cho khảo sát, đánh giá và nghiên cứu thêm về vùng biển cho nhận chìm là điều rất cần thiết và cần được xem xét một cách thận trọng.

TS Nguyễn Tác An nhận định, nếu làm đúng các quy trình, dự án kiểu như thế này được xem xét rất kỹ vì nó tác động lớn đến môi trường. Tuy nhiên, trong dự án này, có sự gian lận với việc một nhà khoa học bị mạo danh đưa tên vào dự án.

TS Nguyễn Tác An kiến nghị Bộ TN-MT dừng thực hiện dự án này vì nó được lập một cách gian dối. Đồng thời, yêu cầu Bộ TN-MT trước mắt phải làm rõ tất cả biểu hiện bất minh để thông tin cho dư luận.

“Khi mời một nhà khoa học tham gia dự án, đơn vị đó phải thỏa thuận, có văn bản cam kết của nhà khoa học. Trước khi thẩm định nội dung dự án, cơ quan thẩm định, cấp phép phải kiểm tra hồ sơ hành chính của dự án, trong đó bắt buộc phải có văn bản cam kết của những người tham gia để phòng, chống việc giả mạo, tránh việc không làm nhưng ghi tên vào”, TS Nguyễn Tác An cho biết thêm.

Nhiều ngư dân tại địa phương – những người có quyền lợi trực tiếp đối với môi trường biển, cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng về việc phê duyệt cho phép nhận chìm bùn thải khi hồ sơ dự án có phần làm thiếu trách nhiệm, mạo danh.

Ông Mai Thành Phúc, Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn (Khánh Hòa), bày tỏ: “Mấy ngày qua theo dõi trên báo chí, ngư dân chúng tôi rất bất bình trước chủ trương này, nghiêm trọng hơn khi hồ sơ thẩm định đổ thải có quá nhiều điểm mờ ám”.

Với hơn 40 năm trong nghề đánh cá trên biển, ông Phúc cho rằng có hơn 80% ngư dân Việt Nam dựa vào vùng biển gần bờ, vùng lộng (cách bờ biển khoảng 10 hải lý) để đánh bắt hải sản. Trong các vùng biển, thì biển Bình Thuận là nơi giàu trữ lượng hải sản bậc nhất cả nước hiện nay. Đặc biệt, trong bán kính khoảng 8-10km tại khu vực biển Hòn Cau có môi trường biển trong suốt, có dòng hải lưu chảy đều và ổn định, nên khu vực này được ngư dân đánh giá là “cái nôi” cho hải sản sinh sôi, phân bổ cho nhiều vùng biển lân cận. Điều này cũng có thể thấy được khi biển khu vực Hòn Cau có hàng chục trại tôm giống, là nơi phân phối hơn 20% thị phần tôm giống cả nước.

Bàn luận về khái niệm một số chuyên gia đánh giá việc đổ bùn thải trong thời điểm tháng 9-10 sẽ không gây ô nhiễm cho các vùng biển, theo ông Phúc, đó là điều không đúng và ngư dân đều biết rõ điều đó. Bởi vào thời điểm gió Tây Nam thổi sẽ làm thay đổi dòng hải lưu. Khi đó, các chất thải được đổ xuống biển gần khu vực Hòn Cau sẽ cuốn theo dòng nước trôi về phía Nam, tức về phía biển Ninh Thuận và Khánh Hòa, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả vùng biển lân cận, trong phạm vi cực kỳ rộng lớn và hậu quả khó lường.

“Nếu việc đổ thải này được chấp thuận, chẳng khác gì một vùng biển rộng lớn bị giết chết, cái nôi sinh sản của thủy sản biến mất. Vậy thì, hàng triệu ngư dân hiện nay và con cháu về sau mất đi bát cơm”, ông Phúc nghẹn ngào nói.

Sẽ kiện Bộ TN-MT?

Chiều 25/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp báo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2017 và những vấn đề mà báo quan tâm, nhất là dự án cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m³ vật chất xuống vùng biển địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc triển khai nạo vét để thông luồng phục vụ cho 5 nhà máy nhiệt điện và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân) để đưa than vào hoạt động là buộc phải làm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi nạo vét thì phải có cách nào để xử lý lượng vật chất này mà không làm ảnh hưởng đến môi trường.

“Nếu việc nhận chìm không được chấp thuận, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất với Trung ương là dùng vật chất này để lấn biển, làm kè biển hay có thể xuất bán cho nước ngoài. Còn nếu vẫn chấp thuận cho nhận chìm thì phải vừa đảm bảo cho cả 6 dự án hoạt động nhưng vẫn phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh Bình Thuận sẽ cùng với người dân tiến hành giám sát trước, trong và sau khi nhận chìm”, ông Nguyễn Đức Hòa thông tin.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi có thông tin 3 nhà khoa học bị mạo danh trong dự án nhận chìm, tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi Bộ TN-MT. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa có thông tin, Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và Chính sách phát triển bền vững đã gửi đơn yêu cầu Bộ TN-MT rút giấy phép đã cấp cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 về việc cho phép nhận chìm 1 triệu m³ vật chất xuống biển Bình Thuận, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa.

Theo SGGP

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here