RFA
Người dân Đồng Tâm nói lãnh đạo “lật lọng” trong khi vị “thủ lĩnh tinh thần” đang “bực bội”, sau khi chính quyền Hà Nội ra quyết định “khởi tố hình sự” trong vụ bắt giữ cảnh sát cơ động.
Người thân của ông Lê Đình Kình, nhân vật được coi là “thủ lĩnh tinh thần” của người dân Đồng Tâm, hôm 14/6 cho biết rằng ông đang “bực bội” sau cuộc điện thoại với Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong đó nhà lãnh đạo này được cho là đã nói rằng “không có con dấu của chính quyền” trên tờ cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự” mà ông Chung đã ký vào hồi tháng Tư.
Người nhà của ông Kình cũng cho biết rằng cụ ông 82 tuổi “đang mệt vì chỗ gãy chân lần trước [trong vụ thu hồi đất] đang đau”.
Đường đường là một chủ tịch thành phố có chức, có quyền, nói trước bao nhiêu công chúng, một nghìn dân, vạn dân, nói chung là khắp cả thế giới, mà bây giờ ông Chung lại lật lọng như thế thì người ta rất là phẫn nộ. Người ta cũng nghĩ rằng người ta chả có tội gì mà truy cứu được người ta. Xảy ra sự việc như thế là do trên về hành động trái pháp luật trước thì dân người ta mới giữ người để trên về giải quyết thôi.
Trong khi đó, một người dân không muốn nêu tên vì lo ngại bị chính quyền “gây khó dễ”, cho biết rằng các dân làng “đang rất bức xúc”.
Người này nói: “Đường đường là một chủ tịch thành phố có chức, có quyền, nói trước bao nhiêu công chúng, một nghìn dân, vạn dân, nói chung là khắp cả thế giới, mà bây giờ ông Chung lại lật lọng như thế thì người ta rất là phẫn nộ. Người ta cũng nghĩ rằng người ta chả có tội gì mà truy cứu được người ta. Xảy ra sự việc như thế là do trên về hành động trái pháp luật trước thì dân người ta mới giữ người để trên về giải quyết thôi”.
Người này nói rằng “người dân đang bình yên thì ông Chung lại hâm nóng lại tình hình”. Dân làng này đặt câu hỏi: “Toàn dân người ta đứng lên, bây giờ bắt tất cả dân sao?” VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Chung để phỏng vấn.
Báo chí trong nước hôm 13/6 đưa tin rằng cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để “điều tra về tội ‘bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật’ (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và ‘Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’ (theo điều 143 Bộ luật Hình sự)”.
Hàng chục cán bộ và cảnh sát bị dân làng Đồng Tâm bắt giữ hôm 15/4.
Quyết định này được đưa ra gần hai tháng sau khi đích thân ông Chung tới hiện trường, tìm cách giải cứu những người được cho là lực lượng cảnh sát cơ động và đã ký vào bản cam kết đề ngày 22/4 với sự chứng kiến của luật sư và các đại biểu quốc hội, trong đó, ông Chung cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm”.
Trả lời VOA Việt Ngữ, luật sư Hà Huy Sơn nói rằng tờ giấy đó “không dựa trên một cơ sở pháp lý nào” và rằng việc khởi tố này “đúng thẩm quyền, còn chuyện có tội hay không thì phụ thuộc vào kết quả điều tra”.
Luật sư Võ An Đôn cũng đồng tình với ý kiến của ông Sơn về chuyện giấy cam kết “không có giá trị pháp lý” và việc khởi tố “hoàn toàn đúng quy định pháp luật”.
‘Thủ lĩnh tinh thần’ Lê Đình Kình và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Ông Đôn đồng tình với ý kiến cho rằng người dân đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
“Người dân hoang mang, bất ngờ và mất niềm tin”, luật sư từng bào chữa cho nhiều người dân “thấp cổ, bé họng” từ tỉnh Phú Yên nói.
Vụ này chính quyền không khởi tố thì nó sẽ tạo ra một tiền lệ là người dân không có sợ, và sẵn sàng có những vụ Đồng Tâm khác, cho nên nhà nước phải khởi tố, nhưng mà khởi tố và có bắt giam ai không là một vấn đề khác.
Ông nói thêm: “Vụ này chính quyền không khởi tố thì nó sẽ tạo ra một tiền lệ là người dân không có sợ, và sẵn sàng có những vụ Đồng Tâm khác, cho nên nhà nước phải khởi tố, nhưng mà khởi tố và có bắt giam ai không là một vấn đề khác. Ví dụ, vừa rồi ở Hà Tĩnh, cũng có khởi tố, nhưng không khởi tố bị can, khởi tố trên giấy thôi. Chắc vụ này cũng khởi tố trên giấy. Nếu mà chính quyền khởi tố bắt giam toàn bộ những người dân Đồng Tâm thì tình hình rất là căng thẳng”.
Báo chí trong nước hôm 14/6 dẫn lời đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, một trong những người chứng kiến ông Chung ký vào bản cam kết, nói rằng đó là “giải pháp tình huống” và là cách để “tháo ngòi nổ làm sự việc dịu đi”.
Hình ảnh công an bỏ chạy sau khi vấp phải sự kháng cự của dân làng Đồng Tâm hôm 15/4.
Về điều người dân Đồng Tâm nên làm lúc này, luật sư Hà Huy Sơn nói: “Người dân Đồng Tâm cũng nên bình tĩnh để mà thu thập lại chứng cứ tại sao dẫn đến hành động bắt giữ cảnh sát như vậy. Trong hoàn cảnh tự vệ, hay trong một tình huống khẩn cấp, họ phải chứng minh”.
Người dân Đồng Tâm cũng nên bình tĩnh để mà thu thập lại chứng cứ tại sao dẫn đến hành động bắt giữ cảnh sát như vậy. Trong hoàn cảnh tự vệ, hay trong một tình huống khẩn cấp, họ phải chứng minh.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, một người cũng có mặt và ký vào bản cam kết hồi tháng Tư, trả lời truyền thông trong nước rằng “việc xem xét trên bình diện pháp luật vụ việc Đồng Tâm là cần thiết” và “phải được xem xét một cách công bằng theo hiến pháp, pháp luật, để bảo đảm quyền và trách nhiệm của tất cả các tổ chức và cá nhân”.
Còn báo điện tử VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung nói hôm 14/6 rằng “Hà Nội sẽ hoàn chỉnh kết luận thanh tra quản lý và sử dụng đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vào tháng Bảy tới”.
Không rõ là trong cuộc gặp báo chí trong nước, ông Chung có phản hồi về những “bức xúc” của người dân hiện nay hay không.
Mời quý vị xem thêm:
‘Đấu đá hậu trường’ trong vụ khởi tố Đồng Tâm?