Chống kỳ thị: Đồng ý nhưng đừng đánh sai mục tiêu

0
240
Một người biểu tình mặc áo lưng có hàng chư “Đừng bắn” đứng bên cạnh lực lượng cảnh sát, tại Boston, Massachusetts, Mỹ, ngày 07/06/2020 REUTERS - BRIAN SNYDER
Tú Anh / RFI 

Phong trào biểu tình lên án kỳ thị chủng tộc và chống bạo lực cảnh sát lan rộng trên thế giới và trên truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, báo chí Pháp tỏ thái độ thận trọng, cảnh báo những lập luận thái quá thậm chí đánh sai mục tiêu với dụng ý gây áp lực với tư pháp.

Trên trang nhất, Le Monde tập trung vào bốn chủ đề thời sự xảy ra trong hai ngày cuối tuần. Khủng bố : Paris khẳng định tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaida vùng sa mạc Sahara cùng nhiều thủ hạ. Kinh tế : tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm bất ngờ. Ngành khách sạn tại Pháp : sinh hoạt chậm phục hồi, một mùa hè bất trắc. Trường hợp Breona Taylor, nữ y tá da đen 26 tuổi chết trong một cuộc can thiệp của cảnh sát Louisville, Kentucky, hồi tháng Ba, cũng như ca George Floyd, động viên người xuống đường.

Tất cả các sự kiện này đều có tác động nhân quả đến tình hình thế giới hoặc tình hình nước Pháp. Tại Mỹ, thất nghiệp giảm mạnh củng cố giả thuyết kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng. Sau khi bị đại dịch siêu vi corona làm ngưng trệ sinh hoạt, bất ngờ các ngành doanh nghiệp Mỹ tạo ra 2,5 triệu công ăn việc làm trong tháng Năm. Vấn đề là từ nay đến cuối năm, Hoa Kỳ có xóa bớt được những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra ? Hay cuối cùng hàng chục triệu việc làm sẽ mất hẳn do hiện tượng công ty khánh tận hoặc vì dịch bệnh sẽ kéo dài vì chưa có vac-xin hay thuốc trị ?

Cảnh sát và bạo lực: những rủi ro của quan điểm mù lòa

Sự tương đồng tình cờ có thể tạo hiểu lầm nghiêm trọng. Bài xã luận của Le Monde cảnh báo xu hướng đánh đồng vụ George Floyd, người đàn ông da đen 46 tuổi bị thiệt mạng ở Mỹ với vụ Adama Traoré, một thanh niên 24 tuổi ở Pháp chết vào năm 2016 để quy buộc cảnh sát Pháp là một định chế kỳ thị chủng tộc. Nước Mỹ, là nơi ai cũng có súng, mỗi năm cảnh sát giết hơn 1000 người.

Tại Pháp, trung bình chỉ có 20 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, cho dù không so sánh được cũng không phải vì thế mà im lặng, bất động. Thái độ im lặng của chính phủ Pháp sẽ rất nguy hiểm. Theo Le Monde, sự kiện một cảnh sát da đen bị một số người biểu tình chống kỳ thị mắng nhiếc là “phản bội” là chuyện không thể chấp nhận được.

Nhưng, cho dù không chụp mũ lực lượng cảnh sát Pháp là kỳ thị thì cũng phải bài trừ xu hướng kỳ thị chủng tộc bên trong nội bộ. Xu hướng phân biệt đối xử với người da đen và gốc Ả Rập đã từng bị Jacques Toubon, người bảo vệ nhân quyền Pháp, tố cáo với chứng cớ cụ thể cũng như bị toà phá án (giám đốc thẩm) kết án vào năm 2016 trong một số vụ “xét giấy tùy thân”.

Le Monde đề xuất hai giải pháp ngăn chận hiện tượng kỳ thị : một là bắt chước chính sách của cảnh sát Anh thường trực đối thoại với dân chúng và thứ hai là ghi hình các vụ kiểm soát giấy căn cước.

Gần như cùng quan điểm, Le Figaro với hai bài tường thuật: “Không khí lễ hội trong đoàn biểu tình tại Washington” và không khí tương phản “bạo lực tại Metz” miền đông Pháp. Vì sao tòa án ở Metz bị người biểu tình đập phá, một thẩm phán điều tra bị hành hung, một đồng nghiệp da đen ở đảo Mayotte bị người biểu tình chống kỳ thị da màu sỉ nhục ? Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi : Chống bạo lực cảnh sát, chống kỳ thị để đòi công lý hay để gây áp lực với công lý ?

Trang ý kiến, nhà văn Goldnach Gilles William, tác giả tiểu luận “Truyền thông động kinh, vì sao thế giới biến thành đám đông cuồng nộ” không dấu lo ngại : Người ta đánh đồng một vụ án tại Mỹ với một vụ án tại Pháp. So sánh hai vụ chẳng có điểm tương đồng là chuyện vô ích. Điều đáng sợ là “sự thật và lý trí dường như bất lực trước lòng xúc động và thái độ đe dọa” của đám đông.

La Croix cũng không tán đồng phong trào tranh đấu tại Pháp mượn khẩu hiệu ” sinh mạng người da đen cũng là mạng người” nhập từ Mỹ. Theo nhật báo Công giáo, lịch sử và nền tảng lập quốc của hai nước Pháp và Hoa Kỳ hoàn toàn khác nhau.

Les Echos cũng cảnh báo : So sánh phong trào đòi quyền được đối xử bình đẳng cho cộng đồng người Mỹ da đen với phong trào “Áo vàng” tại Pháp là một sai lầm.

Nhật báo thiên tả Libération, hoàn toàn ủng hộ phong trào nhưng cũng lưu ý: Chính tổng thống Donald Trump mới là kẻ gieo gió. Liệu lần này chủ nhân Nhà Trắng, chuyên vuốt ve bản năng thấp hèn nhất của con người, có thoát được ngọn lửa hận thù hay không ?

Covid-19 hụt hơi tại châu Âu, cô lập lãnh đạo Brazil tại châu Mỹ Latinh

Như một tin vui trong mùa đại dịch, Les Echos cho biết số người chết, số người lâm bệnh nhập viện, số ca lây nhiễm mới đều giảm rất mạnh tại châu Âu nhất là ở Pháp. Tại hầu hết các nơi khác, trừ châu Mỹ Latinh, tiểu lục địa Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, tốc độ lây lan của Covid-19 giảm đáng kể.

Nói đến Nam Mỹ, trường hợp Brazil được Le Figaro phân tích qua bài “tổng thống Jair Bolsorano suy yếu”. Thay vì nhìn nhận sự thật, tập trung chống dịch, nhà lãnh đạo cực hữu để cho siêu vi lây lan cho hơn 700 ngàn người, giết chết 36.000. Kinh tế được dự báo suy thoái 8% vào cuối năm nay. Theo một nhà phân tích Brazil, tổng thống Jair Bolsorano  “chính trị hóa cả cái chết”. Ông đổ lỗi cho báo chí, ông tấn công Quốc Hội, quy trách nhiệm cho Tối Cao Pháp Viện. Ông chống tất cả, trừ siêu vi corona.

14 tháng từ khi Jair Bolsorano lên cầm quyền, hàng loạt bộ trưởng từ chức. Giờ đây, ông chỉ còn 30% dân chúng ủng hộ vô điều kiện, nói gì họ cũng tin. Nhưng được đến bao giờ ?

Trở lại thời sự Pháp, năm học chưa kết thúc nhưng bộ Giáo Dục đang suy tính phương án khai trường vào tháng 9 : sau lớp nhẹ nửa sĩ số, học từ xa qua video để chận đại dịch Covid-19, còn sáng kiến nào ? Đó là câu hỏi mà tất cả báo Pháp đều quan tâm. Theo Le Figaro, dường như Pháp đang hướng tới chính sách của Đức 2S2C : tăng giờ văn hóa, đi dã ngoại, học tập nơi thiên nhiên, tham quan các viện bảo tàng….

Quyền được sống trong tự do ở châu Á

“Vấn đề sinh tử của Hồng Kông”, tựa của La Croix, đưa độc giả trở lại ngày cuối tuần, nhân lễ tưởng niệm 31 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989. Ngày 04/06/2020 cũng gần kề với một thời điểm lịch sử không kém phần nóng bỏng khác là ngày 01/07 mà vào năm 1997, Anh Quốc trao trả nhượng địa cho Trung Quốc. Theo La Croix, cuộc tranh đấu sinh tử của người Hồng Kông chống chính sách ngày càng áp bức của Bắc Kinh cho phép dự báo tình hình sẽ vô cùng căng thẳng trong những ngày tới.

Nhưng, đâu chỉ có Hồng Kông. Libération dành một trang tường thuật hai trường hợp cụ thể minh họa cho chính sách áp bức tại Tân Cương. Chỉ vì đi tìm hiểu, nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Duy Ngô Nhĩ mà một giáo sư và người thông dịch, cả hai đều là công chức ở Tân Cương bị mất tích từ năm 2018, cùng chung số phận 1,5 triệu người bị cải tạo tập thể.

Hai người con trai tị nạn tại châu Âu lên tiếng với “Libé” sau khi biết rõ thái độ im lặng không giúp cho cha mình được tự do: “Công trình nghiên cứu của thân phụ chúng tôi bị họ xem là mối đe dọa”.