« Một bước leo thang mới » mà « không ai biết sẽ dẫn chúng ta đến đâu », « chiến tranh thế giới thứ ba », « thọc gây bánh xe »… Những người thân cận của tổng thống đắc cử Donald Trump không tiếc lời chỉ trích nguyên thủ Mỹ Joe Biden. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Mathiew Miller đáp lại khi trả lời họp báo thường nhật rằng Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm về « quyết định leo thang » khi triển khai lính Bắc Triều Tiên tham chiến. « Ông Joe Biden được người dân bầu lên cho nhiệm kỳ 4 năm, chứ không phải là 3 năm 10 tháng » cho nên chính quyền hiện tại « sẽ sử dụng mỗi ngày trong nhiệm kỳ để theo đuổi những lợi ích trong chính sách đối ngoại mà chúng tôi cho là có lợi cho người dân Mỹ ».
Quyết định có lợi cho người kế nhiệm hay không ?
Tổng thống đắc cử chưa công khai phản ứng nhưng theo phát ngôn viên Steven Cheung, ông Donald Trump « là người duy nhất có thể đưa hai bên bước vào đàm phán hòa bình và dẫn dắt để chấm dứt chiến tranh và các vụ sát hại ». Giả sử quyết định của tổng thống Biden lại giúp người kế nhiệm có lợi thế trong các cuộc đàm phán với tổng thống Putin thì sao ?
Tổng thống Ukraina đặt mục tiêu chấm dứt chiến tranh vào năm 2025 thông qua con đường ngoại giao. Mong muốn này có lợi cho ông Donald Trump, « nhà trung gian » luôn bất bình vì Mỹ chi quá nhiều tiền cho cuộc chiến nơi xa. Nhưng theo phân tích của cựu sĩ quan Pháp Guillaume Ancel, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng, trên đài RFI sáng 20/11, ông Volodymyr Zelensky không muốn bị lép vế khi ngồi vào bàn đàm phán và lo rằng tổng thống thứ 47 của Mỹ « sẽ áp đặt giải pháp tương tự với hai miền Triều Tiên, có nghĩa là có đường phân định, ngừng các chiến dịch quân sự và trao cho tổng thống Nga những gì ông ấy chiếm được bằng vũ lực, có nghĩa là gần 20% diện tích lãnh thổ ở miền đông Ukraina và hợp thức hóa việc sáp nhập bán đảo Crimée bị Matxcơva chiếm một cách bất hợp pháp ».
Việc Ukraina sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga, loạt đầu tiên là vào vùng biên giới Briansk, là một bước trong chiến thuật « ngồi vào bàn đàm phán trên thế mạnh ». Trước đó, Nga đe dọa sẽ đáp trả thích đáng mọi cuộc tấn công bằng ATACMS với nhiều khả năng. Ví dụ, theo ông Igor Delanoe, trợ lý giám đốc tổ chức Đài quan sát Pháp-Nga, khi trả lời RFI là Nga có thể oanh kích các công trình quan trọng ở Kiev như Quốc Hội, phủ tống thống Ukraina, nhưng cũng có thể là đánh vào lợi ích của các nước ủng hộ Kiev, như Mỹ, Pháp, Anh… thông qua việc cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho lực lượng Houthis để tấn công tàu thuyền của những nước này ở Hồng Hải. Nhưng « ít có khả năng trực tiếp chống lại những lợi ích của Mỹ bởi vì sẽ khiến Nga có nguy cơ bị ảnh hưởng đến cuộc đối thoại sắp tới với chính quyền Trump ».
Chuyển từ « bị động » sang « chủ động » ?
Đúng là chính quyền Trump rơi vào « thế khó xử » : Liệu ngay sau khi chính thức nhậm chức, tổng thống Donald Trump sẽ phải hủy ngay quyết định cho phép Ukraina sử dụng tên lửa ATACMS tấn công Nga ? Hay sẽ giữ lại để làm lá bài trao đổi trong các cuộc đàm phán với Nga mà ông Trump tuyên bố muốn thực hiện để chấm dứt chiến tranh ?
Dù bất bình về các khoản viện trợ và có thể cắt giảm mạnh ngay khi nhậm chức nhưng chưa chắc tổng thống Donald Trump sẽ bãi bỏ quyết định của người tiền nhiệm. Theo ông Mark Cancian, cố vấn chính tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, được trang The Guardian trích dẫn ngày 18/11, « ông Trump là một nhà đàm phán, ông sẽ không nhân nhượng gì nếu không nhận được điều tương xứng » trong khi quyết định bãi bỏ lại không mang lại lợi ích chính trị lớn. « Bắt đầu bằng cách nhân nhượng là một chiến thuật đàm phán tồi » và đây không phải là phong cách của nhà tỉ phú Mỹ.