Trong cuộc tranh đua mỗi năm để mời cho được người nổi tiếng tăm, thu hút được sự chú ý của các sinh viên và gia đình, để đến đọc bài diễn văn vào lễ tốt nghiệp, đại học University of California, San Diego (UCSD), nghĩ rằng đã có được sự thành công lớn trong năm nay, đó là mời được người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, tác giả sách bán rất chạy và cũng là nhà lãnh đạo tinh thần cho hàng triệu người dân.
“Chúng tôi rất vinh dự mời được Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14,” viện trưởng Pradeep Khosla vui mừng loan báo, “và cám ơn ngài đến để chia sẻ thông điệp về lòng yêu thương khắp thế giới.”
Nhưng chỉ ít giờ sau lời loan báo của viện trưởng Khosla, nhà trường bị những lời tấn công, thóa mạ trên Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác. “Hãy tưởng tượng người dân Mỹ sẽ nghĩ ra sao nếu quý vị mời Osama bin Laden đến nói chuyện,” một lời phê bình cho hay.
Thành phần chính trong nỗ lực phản đối này là Hội Sinh Viên và Học Giả Trung Quốc (Chinese Students and Scholars Association C.S.S.A) tại đại học UCSD. Họ đe dọa là “sẽ có các biện pháp mạnh để nhất quyết chống lại thái độ không thể chấp nhận của trường.”
Chính quyền Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma là kêu gọi Tây Tạng độc lập với Trung Quốc và khuyến khích bạo động. Và nếu lập luận của hội sinh viên Trung Quốc tại UCSD nghe cũng giống như của nhà nước Bắc Kinh thì đây cũng chẳng phải là sự tình cờ. Vì như hội này xác nhận: họ có tham khảo với tòa lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles về vấn đề này.
Hiện có khoảng 329,000 sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ, gấp năm lần con số khoảng một thập niên trước đây. Họ là thành phần sinh viên ngoại quốc đông nhất và cũng đóng góp nhiều tài chánh cho đại học Mỹ qua học phí và các chi tiêu khác.
Nhưng những sinh viên này cũng thường mang theo vào đại học Mỹ những gì thường thấy ở quê nhà: đó là sự theo dõi gắt gao và đôi khi quyết liệt của chính quyền Trung Quốc, qua cánh tay nối dài của họ là những quan hệ đến rất đông trong số 150 Hội Sinh Viên và Học Giả Trung Quốc ở Mỹ.
Các hội này từng tổ chức chống lại buổi trình bày về vi phạm nhân quyền ở đại học Colombia. Tại Duke, họ gây khó dễ cho một sinh viên Trung Quốc muốn làm trung gian hòa giải giữa các phe trong vụ biểu tình về Tây Tạng.
Và gần đây nhất, ở Durham, Anh, hội sinh viên Trung Quốc nơi này, theo sự xúi giục của chính quyền Trung Quốc, đòi phải kiểm duyệt các lời phát biểu trong một cuộc hội thảo về mối quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc.
Giáo Sư Jeffrey Henderson, dạy môn phát triển quốc tế ở đại học University of Bristol tại Anh, nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng bất cứ hội sinh viên nào do chính phủ của họ kiểm soát, như thấy rõ ràng trong trường hợp của C.S.S.A, nên có sự hiện diện ở khuôn viên đại học ngoại quốc.”
Tiến Sĩ Frank Tian Xie, đến Mỹ vào cuối thập niên 80 để học môn Hóa Học tại đại học Purdue University cho hay: “Mới đầu tôi nghĩ, chà, sướng quá, mình nay đến xứ tự do rồi. Nhưng chẳng bao lâu tôi thấy nhà nước Trung Quốc cũng kiểm soát ngay cả các sinh viên Trung Quốc ở Mỹ.”
Ông Xie, nay là giáo sư dạy tại đại học University of South Carolina, Aiken, cho hay tòa lãnh sự Trung Quốc tại Chicago tìm cách khuynh loát hội sinh viên bằng cách chọn lựa thành phần trong ban chấp hành và thường xuyên đi họp với họ trong khách sạn, ngoài các cuộc họp thường niên ở tòa lãnh sự.
Ông Li Fengzhi, nhân viên lâu năm của Bộ Công An Trung Quốc, đến Mỹ năm 2003 để học tiến sĩ tại đại học University of Denver, cho hay chính phủ Trung Quốc thường không dùng hội sinh viên để do thám nhưng là để “tuyên truyền và thu thập tin tức.”
Ông Li sau đó đầu thú với chính quyền Mỹ và được giới chức FBI thẩm vấn về hoạt động của các hội sinh viên Trung Quốc ở Mỹ.
Tiến Sĩ Perry Link, một chuyên gia về Trung Quốc và tham dự biên soạn tiếng Anh tài liệu “Hồ Sơ Thiên An Môn,” cho hay các hội sinh viên này là khí cụ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và một trong những nhiệm vụ của họ là theo dõi các sinh viên khác để xem có tinh thần chống nhà nước hay không.
Ông Link, hiện là giáo sư tại UC Riverside, nói rằng điều này khiến mọi sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học đều hiểu rằng họ có thể bị báo cáo và do đó phải hết sức cẩn thận khi phát biểu điều gì trước công chúng.
Đến nay, trường UCSD cho hay vẫn mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến tham dự và nói rằng trường luôn là nơi để có sự giao thiệp và thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng, cùng là tôn trọng quyền cá nhân được đồng ý hay không đồng ý “về những vấn đề gặp phải trong thế giới phức tạp ngày nay.”