14/03/2023
Giới thiệu: Ngày nay đa số mọi người chỉ biết đến chủ nghĩa phát xít một cách mơ hồ, liên quan đến bóng ma của chế độ Hitler, của nước Đức thời đảng Quốc xã. Nhiều người cũng đánh đồng chủ nghĩa phát xít vốn xuất thân ở Ý với chủ nghĩa quốc xã (nazism) của Hitler, trong khi nazism thực chất là một hình thức của chủ nghĩa phát xít. Nhà văn Ý Umberto Eco có bài phân tích chi tiết về việc tại sao người ta lại hay dùng chữ phát xít để nói về tất cả các chế độ và tư tưởng liên quan, và chỉ ra 14 dấu hiệu của chủ nghĩa phát xít.
Muốn ngăn chặn sự trở lại của chủ nghĩa phát xít (có thể là dưới một tên gọi mới, thậm chí dưới danh nghĩa chống phát xít), chúng ta cần hiểu rõ nó, để có thể nhìn ra và có những hành động sớm để chặn đứng từ trong trứng nước, bất kể chiêu bài của chúng là gì. Do đó, chúng ta nên đọc bài viết này của cha đẻ của chủ nghĩa phát xít, Benito Mussolini.
Bài viết này (La Dottrina Del Fascismo) gồm 2 chương, xuất hiện lần đầu năm 1932, trong Bách khoa Toàn thư Ý, và được ký tên Mussolini, nhưng người ta cho rằng tác giả của chương đầu tiên là triết gia và chính trị gia Ý Giovanni Gentile.
Bản dịch này dịch từ bản tiếng Nga của V.N. Novikov năm 1938 (dịch từ tiếng Ý, nhà xuất bản “La Renaissance”, 73, đại lộ Champs-Elysees, Paris-8-eme, 1938), có tham khảo bản dịch tiếng Anh. Trong bản dịch của Novikov có phần Chú thích cho Chương 1 mà chúng tôi không dịch ở đây.
Nếu phát hiện sai sót, xin ghi vào comment.
Tiếp theo Phần 2
https://phanphuongdat.com/2020/06/24/chu-nghia-phat-xit-vinh-cuu-ur-fascism/
7. Sự dối trá của nền dân chủ
Trong một trong những “suy tư triết học” của mình, Renan (Ernest Renan 1823-1892), người đã le lói những ý tưởng tiền phát xít, nói: “trí tuệ, kiến thức là sản phẩm của loài người, nhưng sẽ là hão huyền nếu mong muốn trí tuệ trực tiếp cho nhân dân và thông qua nhân dân.”
“Để trí tuệ tồn tại, không nhất thiết nó phải là tài sản chung cho tất cả mọi người. Trong mọi trường hợp, nếu cần phải thực hiện việc phổ biến trí tuệ như vậy, thì không nên bắt đầu với dân chủ bậc thấp, vì điều này sẽ dẫn đến sự phá hủy của bất kỳ nền văn hóa cao cấp nào, và bất kỳ lĩnh vực chuyên môn cao nào”.
“Nguyên tắc bảo rằng xã hội tồn tại chỉ vì hạnh phúc và tự do của những cá nhân tạo nên nó tỏ ra không phù hợp với kế hoạch của tự nhiên, nơi chỉ quan tâm đến loài còn các cá thể thì bị làm vật hy sinh. Cần phải lo ngại rằng, lời cuối của cái gọi là (tôi phải nói thêm rằng nó có thể được hiểu theo một cách khác) nền dân chủ sẽ trở thành một cộng đồng xã hội mà trong đó quần chúng thoái hóa sẽ chỉ tham gia vào một thứ là chạy theo những thú vui thấp hèn của một kẻ thô lậu.”
Đó là những gì Renan nói. Chủ nghĩa phát xít bác bỏ trong nền dân chủ sự dối trá phi lý về bình đẳng chính trị, thói quen vô trách nhiệm tập thể và huyền thoại về hạnh phúc và tiến bộ không giới hạn. Nhưng, nếu có thể hiểu dân chủ theo cách khác, tức là nếu dân chủ có nghĩa là: không dồn nhân dân vào sân sau của nhà nước, thì tác giả của những dòng này có thể định nghĩa chủ nghĩa phát xít là “một nền dân chủ có tổ chức, tập trung và độc đoán.”
8. Chống lại các học thuyết tự do
Trong mối quan hệ với các học thuyết tự do, thì chủ nghĩa phát xít luôn đối lập vô điều kiện, cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Vì mục đích của cuộc tranh luận hiện tại, không nên phóng đại tầm quan trọng của chủ nghĩa tự do trong thế kỷ trước và biến một trong nhiều học thuyết phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ đó thành tôn giáo của nhân loại cho mọi thời đại, cả hiện tại lẫn tương lai.
Chủ nghĩa tự do chỉ phát triển mạnh trong 15 năm. Nó sinh năm 1830, như một phản ứng chống lại Liên minh Thần thánh, những người muốn đẩy châu Âu trở lại những năm 1789, và nó đã có một năm đặc biệt rực rỡ, cụ thể là năm 1848, khi ngay cả Giáo hoàng Pius IX cũng là một người theo chủ nghĩa tự do.
Ngay sau đó, sự suy thoái bắt đầu. Nếu năm 1848 là năm của ánh sáng và thơ ca, thì năm 1849 là năm của bóng tối và bi kịch. Nền Cộng hòa La Mã đã bị giết bởi một kẻ khác, cụ thể là Cộng hòa Pháp. Cùng năm đó, Marx xuất bản phúc âm của tôn giáo xã hội chủ nghĩa dưới hình thức bản tuyên ngôn cộng sản nổi tiếng. Năm 1851, Napoléon III tổ chức một cuộc đảo chính phi tự do và trị vì nước Pháp cho đến năm 1870, khi ông bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy của quần chúng, nhưng là hệ quả của một thất bại quân sự, được coi là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử. Người chiến thắng là Bismarck, là người không bao giờ biết tôn giáo tự do ngự trị ở đâu và có những nhà tiên tri nào phục vụ nó.
Có một triệu chứng là người dân Đức, một dân tộc có nền văn hóa cao nhất, trong thế kỷ 19 hoàn toàn không biết đến tôn giáo tự do. Nó chỉ xuất hiện trong thời kỳ chuyển tiếp, dưới hình thức của cái gọi là “quốc hội lố bịch” ở Frankfurt, kéo dài một mùa.
Nước Đức đạt được sự thống nhất dân tộc ở bên ngoài chủ nghĩa tự do, chống lại chủ nghĩa tự do – một học thuyết xa lạ với tâm hồn Đức, một tâm hồn tuyệt đối quân chủ, trong khi chủ nghĩa tự do về mặt logic và lịch sử là ngưỡng cửa của vô chính phủ. Các giai đoạn thống nhất nước Đức, là ba cuộc chiến tranh năm 1864, 1866 và 1870, do những người theo chủ nghĩa tự do như Moltke và Bismarck lãnh đạo.
Đối với sự thống nhất của Ý, chủ nghĩa tự do đã đóng góp một phần nhỏ hơn rất nhiều so với Mazzini và Garibaldi, là những người không theo chủ nghĩa tự do. Nếu không có sự can thiệp của một Napoléon phi tự do, chúng ta đã không có Lombardy; và nếu không có sự giúp đỡ của Bismarck phi tự do ở Sadovaya và Sedan, rất có thể chúng ta đã không có Venice năm 1866 và sẽ không tiến vào Rome năm 1870.
Từ năm 1870 đến năm 1915 là thời kỳ mà chính các giáo sỹ của giáo phái mới này nhận ra sự bắt đầu của thời kỳ hoàng hôn của tôn giáo của họ – bị đánh bại trong văn học bởi sự suy đồi, trong thực tế bởi chủ nghĩa tích cực; tức là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa phát xít.
Tích lũy được vô số nút thắt Gordian, thời đại tự do cố gắng tháo gỡ chúng thông qua sự tàn sát khủng khiếp của chiến tranh thế giới. Chưa bao giờ có bất kỳ tôn giáo nào áp đặt một sự hy sinh to lớn như vậy. Có phải các vị thần của chủ nghĩa tự do khát máu? Bây giờ chủ nghĩa tự do đang phải đóng cửa những ngôi đền trống của nó, bởi vì các dân tộc cảm thấy rằng chủ nghĩa bất khả tri của nó trong kinh tế, sự thờ ơ của nó trong chính trị và đạo đức đang dẫn nhà nước đến cái chết chắc chắn, giống như trước đây.
Điều này giải thích tại sao tất cả các kinh nghiệm chính trị của thế giới hiện đại đều là phản tự do, và do đó, việc loại trừ chúng ra khỏi tiến trình lịch sử là vô cùng nực cười. Như thể lịch sử là nơi săn bắn dành riêng cho chủ nghĩa tự do và các giáo sư của nó, còn chủ nghĩa tự do là lời cuối cùng không thể chối cãi của nền văn minh.
9. Chủ nghĩa phát xít không lùi bước
Tuy nhiên, việc chủ nghĩa phát xít bác bỏ chủ nghĩa xã hội, nền dân chủ, chủ nghĩa tự do không cho phép nghĩ rằng chủ nghĩa phát xít muốn đẩy thế giới trở lại thời điểm trước năm 1789, được coi là điểm bắt đầu của thời đại dân chủ tự do.
Không trở lại quá khứ! Học thuyết phát xít đã không chọn De Maistre làm nhà tiên tri của nó. Chủ nghĩa quân chủ chuyên chế đã hết thời, và có lẽ là mọi chế độ thần quyền. Cũng đã qua rồi các đặc quyền phong kiến và sự phân chia thành các đẳng cấp “đóng” không giao tiếp với nhau. Khái niệm quyền lực của chủ nghĩa phát xít không liên quan gì đến một nhà nước cảnh sát. Một đảng, cai trị độc tài một dân tộc, là một thực tế mới trong lịch sử. Mọi tương quan và so sánh là không thể.
Từ đống đổ nát của các học thuyết tự do, xã hội chủ nghĩa và dân chủ, chủ nghĩa phát xít rút ra những yếu tố vẫn còn giá trị và sống còn. Nó giữ lại cái gọi là những cuộc chinh phục của lịch sử và bác bỏ mọi thứ khác, tức là một khái niệm học thuyết phù hợp với mọi thời đại và mọi dân tộc. Cứ giả sử thế kỷ 19 là thế kỷ của chủ nghĩa xã hội, dân chủ và chủ nghĩa tự do; tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thế kỷ 20 cũng sẽ trở thành thế kỷ của chủ nghĩa xã hội, dân chủ và chủ nghĩa tự do. Các học thuyết chính trị qua đi, các dân tộc vẫn còn. Có thể cho rằng thế kỷ này sẽ là thế kỷ của quyền hạn, thế kỷ của cánh “hữu”, thế kỷ của chủ nghĩa phát xít. Nếu thế kỷ 19 là thế kỷ của cá nhân (chủ nghĩa tự do cũng giống như chủ nghĩa cá nhân), thì có thể cho rằng thế kỷ này sẽ là thế kỷ của “tập thể”, do đó là thế kỷ của nhà nước.
Hoàn toàn hợp lý khi một học thuyết mới có thể sử dụng các thành phần vẫn còn quan trọng của các học thuyết khác. Không có học thuyết nào được sinh ra hoàn toàn mới, chưa từng thấy hoặc chưa từng nghe. Không có học thuyết nào có thể khoe khoang về tính độc đáo tuyệt đối. Mỗi học thuyết, ít nhất là về mặt lịch sử, được kết nối với các học thuyết khác trong quá khứ và tương lai. Ví dụ, chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx gắn với chủ nghĩa xã hội không tưởng của Fourier, Owen, Saint-Simon. Hay chủ nghĩa tự do của thế kỷ 19 có liên quan đến chủ nghĩa ánh sáng của thế kỷ 18. Đây là cách các học thuyết dân chủ được kết nối với Bách khoa toàn thư.
Mọi học thuyết đều tìm cách hướng hoạt động của con người tới một mục tiêu nhất định, nhưng đến lượt mình, hoạt động của con người lại tác động đến học thuyết, thay đổi nó, điều chỉnh nó cho phù hợp với nhu cầu mới hoặc vượt qua nó. Do đó, bản thân học thuyết không phải là một hoạt động bằng lời nói, mà là một hành động của cuộc sống. Đây là màu sắc thực dụng của chủ nghĩa phát xít, ý chí của nó đến quyền lực, sự phấn đấu để tồn tại, mối quan hệ của nó với sự việc “bạo lực” và ý nghĩa của bạo lực.
10. Giá trị và sứ mệnh của nhà nước
Nguyên tắc chính của học thuyết phát xít là học thuyết về nhà nước, bản chất, nhiệm vụ và mục tiêu của nó. Đối với chủ nghĩa phát xít, nhà nước xuất hiện dưới dạng tuyệt đối, so với nó thì các cá nhân và nhóm chỉ là “tương đối”. Các cá nhân và các nhóm chỉ có thể được “hình dung” bên trong nhà nước. Nhà nước tự do không kiểm soát trò chơi và sự phát triển vật chất và tinh thần của tập thể, mà chỉ giới hạn ở việc tính kết quả.
Nhà nước phát xít có ý thức riêng, ý chí riêng nên được gọi là nhà nước “đạo đức”. Năm 1929, tại cuộc họp 5 năm của chế độ, tôi đã nói: “Đối với chủ nghĩa phát xít, nhà nước không phải là người gác đêm, chỉ bận tâm đến sự an toàn cá nhân của công dân; cũng không phải là một tổ chức với những mục tiêu thuần túy vật chất để đảm bảo hạnh phúc và sự bình yên tương đối của việc chung sống trong xã hội, để thực hiện điều này chỉ cần một Hội đồng hành chính; và thậm chí cũng không phải là một thiết chế chính trị thuần túy không có mối liên hệ với thực tại vật chất phức tạp của cuộc sống của các cá nhân và toàn bộ quốc gia.”
“Nhà nước, như chủ nghĩa phát xít hiểu và thực hiện nó, là một thực tế tinh thần và đạo đức, vì nó tiết lộ tổ chức chính trị, pháp lý và kinh tế của quốc gia; và tổ chức này trong sự sinh ra và phát triển của nó là biểu hiện của tinh thần. Nhà nước là một sự đảm bảo cho an ninh bên ngoài và bên trong, nhưng nó cũng là người gìn giữ và bảo vệ tinh thần dân tộc, được phát triển qua nhiều thế kỷ trong ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng. Nhà nước không chỉ là hiện tại, nó còn là quá khứ, nhưng quan trọng nhất, nó là tương lai.”
“Vượt qua ranh giới của một cuộc sống cá nhân ngắn ngủi, nhà nước đại diện cho ý thức bất biến của quốc gia. Hình thức bên ngoài của nhà nước thay đổi, nhưng sự cần thiết của nó vẫn còn. Chính là nhà nước giáo dục công dân về đạo đức công dân, nó cho họ ý thức về sứ mệnh của mình và khuyến khích họ đoàn kết, hài hòa lợi ích trên nguyên tắc công bằng; đảm bảo sự kế thừa những thành tựu tư tưởng trong lĩnh vực tri thức, nghệ thuật, pháp luật, đoàn kết nhân đạo, nâng con người từ cuộc sống sơ đẳng, nguyên thủy lên đỉnh cao của quyền lực con người, tức là tiến lên đế chế, gìn giữ cho các thời đại tương lai tên của những người đã chết vì sự toàn vẹn của nó và nhân danh sự tuân theo luật pháp của nó, nêu gương và tôn vinh cho các thế hệ tương lai những lãnh tụ đã mở rộng lãnh thổ của nó, những thiên tài đã làm rạng danh nó.”
“Khi cảm giác về tính quốc gia yếu đi và những tham vọng tan rã và ly tâm lên ngôi, thì các dân tộc tiến tới suy tàn.”
11. Tính thống nhất của nhà nước và những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản
Từ năm 1929 đến nay, sự tiến hóa rộng khắp về kinh tế và chính trị đã củng cố thêm tầm quan trọng của các nguyên tắc học thuyết này. Nhà nước trở thành người khổng lồ. Chỉ có nhà nước mới có khả năng giải quyết những mâu thuẫn gay gắt của chủ nghĩa tư bản. Cái gọi là khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết bởi nhà nước và trong nhà nước.
Bây giờ ở đâu rồi những hình bóng của Jules-Simon, những người đã tuyên bố vào buổi bình minh của chủ nghĩa tự do rằng “nhà nước phải nỗ lực để khiến mình trở nên vô dụng và chuẩn bị từ chức?”. Cả những cái bóng của McCulloch, người vào nửa sau của thế kỷ trước đã lập luận trước nhà nước phải kiềm chế không quản lý quá mức?
Trước yêu cầu không ngừng đòi hỏi sự can thiệp tất yếu của nhà nước vào các quan hệ kinh tế, liệu bây giờ gã người Anh Bentham có thể nói gì, khi mà theo ông ta, thì ngành công nghiệp nên yêu cầu nhà nước một điều: hãy để chúng tôi yên; cũng như tay Humboldt của Đức, mà theo ông ta, một nhà nước “nhàn rỗi” nên được coi là tốt nhất?
Đúng là làn sóng thứ hai của các nhà kinh tế tự do không cực đoan như làn sóng đầu tiên, và chính Adam Smith, mặc dù rất thận trọng, đã mở hé cánh cửa cho sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.
Ai nói chủ nghĩa tự do tức là nói “cá nhân”; ai nói “phát xít” tức là nói “nhà nước”. Nhưng nhà nước phát xít là duy nhất và là một sáng tạo độc đáo. Nó không phải là phản động, mà mang tính cách mạng, bởi vì nó dự báo giải pháp cho những vấn đề phổ quát nhất định, được đặt ra trong mọi lĩnh vực: trong lĩnh vực chính trị do sự chia rẽ của các đảng phái, sự tùy tiện của quốc hội, sự vô trách nhiệm của các hội đồng lập pháp; trong lĩnh vực kinh tế – bởi hoạt động công đoàn ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ hơn, cả trong khu vực lao động và khu vực công nghiệp, bởi những xung đột và thỏa thuận của họ; – trong lĩnh vực đạo đức – bởi nhu cầu về trật tự, kỷ luật, sự tuân theo các điều răn đạo đức của tổ quốc.
Chủ nghĩa phát xít muốn một nhà nước mạnh mẽ, hữu cơ và đồng thời dựa trên nền tảng nhân dân rộng lớn. Nhà nước phát xít cũng yêu cầu đưa vào phạm vi năng lực của mình cả lĩnh vực kinh tế, do đó, cảm giác về tính nhà nước thông qua các tổ chức doanh nghiệp, xã hội và giáo dục do nó tạo ra, thâm nhập vào những nhánh xa nhất, và trong nhà nước, tất cả các lực lượng chính trị, kinh tế và tinh thần của dân tộc được bộc lộ, vì được đưa vào các tổ chức tương ứng. Một nhà nước dựa trên hàng triệu cá nhân, những người công nhận nó, cảm nhận nó, sẵn sàng phục vụ nó, thì không thể là nhà nước chuyên chế của một kẻ thống trị thời trung cổ. Nó không liên quan gì đến các nhà nước chuyên chế trước hay sau năm 1789.
Trong một quốc gia phát xít, cá nhân không bị tiêu diệt mà ngược lại, giá trị của anh ta được tăng lên, giống như một người lính trong hàng ngũ không bị giảm sút mà được củng cố nhờ số lượng đồng đội của mình. Nhà nước phát xít tổ chức dân tộc, nhưng để lại đủ không gian cho các cá nhân; nó cắt giảm những quyền tự do vô ích và có hại và bảo tồn những quyền tự do thiết yếu. Phán quyết trong lĩnh vực này không thể là cá nhân, mà chỉ có nhà nước.
12. Nhà nước phát xít và tôn giáo
Nhà nước phát xít không thờ ơ với hiện tượng tôn giáo nói chung và một tôn giáo tích cực nói riêng ở Ý là Công giáo. Nhà nước không có thần học riêng, nhưng có đạo đức. Trong một quốc gia phát xít, tôn giáo được coi là một trong những biểu hiện sâu sắc nhất của tinh thần, vì vậy nó không chỉ được tôn kính mà còn được bảo vệ và bảo trợ.
Nhà nước phát xít không tạo ra “Chúa” của mình, như Robespierre đã làm vào thời điểm mê sảng của Quốc Ước; nó không cố gắng một cách vô ích, như chủ nghĩa bôn-sê-vích, để xóa bỏ tôn giáo khỏi tâm hồn người dân. Chủ nghĩa phát xít tôn vinh Thượng đế của những kẻ khổ hạnh, của những vị thánh, của những anh hùng, và cũng là Thượng đế như trái tim ngây thơ và nguyên thủy của nhân dân chiêm ngưỡng và kêu xưng.
13. Đế chế và kỷ luật
Nhà nước phát xít là ý chí cường quyền và thống trị. Truyền thống La Mã trong mối quan hệ này là ý niệm về sức mạnh. Trong học thuyết phát xít, đế chế không chỉ là một thể chế lãnh thổ, quân sự hay thương mại, mà còn là một thể chế tinh thần và đạo đức. Có thể nghĩ về một đế chế, tức là một dân tộc, trực tiếp hoặc gián tiếp cai trị các dân tộc khác, mà không cần phải chinh phục dù chỉ một kilomet lãnh thổ.
Đối với chủ nghĩa phát xít, khát vọng đế chế, tức là mở rộng quốc gia, là một biểu hiện quan trọng; ngược lại, “ngồi nhà” là dấu hiệu sa sút. Các dân tộc đang trỗi dậy và đang phục sinh đều là đế quốc; còn các dân tộc đang hấp hối thì từ bỏ mọi yêu sách.
Chủ nghĩa phát xít là học thuyết phù hợp nhất để thể hiện khát vọng và trạng thái tinh thần của người dân Ý, vùng dậy sau nhiều thế kỷ bị bỏ rơi và làm nô lệ cho ngoại bang. Nhưng sự hùng mạnh đòi hỏi kỷ luật, sự phối hợp của các lực lượng, tinh thần trách nhiệm và hy sinh; điều này giải thích nhiều biểu hiện hoạt động thực tế của chế độ, định hướng của các nỗ lực của nhà nước, mức độ nghiêm khắc cần thiết đối với những kẻ muốn chống lại phong trào không thể tránh khỏi này của Ý trong thế kỷ 20; chống lại bằng cách kích động các hệ tư tưởng đã lỗi thời của thế kỷ 19, đã bị khước từ ở tất cả các nơi mà các thử nghiệm vĩ đại về thay đổi chính trị và xã hội được thực hiện một cách táo bạo.
Chưa bao giờ như lúc này, các dân tộc lại khao khát một uy quyền, định hướng, trật tự đến thế. Nếu mỗi thời đại có học thuyết của mình cho cuộc sống, thì từ hàng ngàn dấu hiệu, rõ ràng học thuyết của thời đại hiện nay là chủ nghĩa phát xít. Việc nó là một học thuyết sống động là điều hiển nhiên vì nó kích thích đức tin; và việc đức tin này chinh phục được các linh hồn đã được chứng minh bằng thực tế rằng chủ nghĩa phát xít có những anh hùng, những kẻ tử vì đạo của mình. Do đó, chủ nghĩa phát xít sở hữu tính phổ quát của những học thuyết mà khi được thực hiện thì đại diện cho một giai đoạn trong lịch sử tinh thần con người.
Nguồn và tham khảo:
– Bài wikipedia (tiếng Anh): The Doctrine of Fascism
https://phanphuongdat.com/2020/06/24/chu-nghia-phat-xit-vinh-cuu-ur-fascism/