Bắt cóc, tham nhũng và suy nghĩ nhập nhằng

0
47

Khi CSVN sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhiều người Việt lên tiếng ủng hộ và chụp mũ những người chê trách hành động đó là về bè với tham nhũng. Lúc ấy, tôi cho rằng những người ủng hộ bắt cóc là dư luận viên CS hay ít ra là mù quáng, bị nhồi sọ.

Gần đây, có tin đồn CSVN phải cho TXT trở lại Đức trước áp lực của Đức. Lập tức, có những người vội vã tỏ ý “không vui” trước việc đó và chê trách những người tỏ ý vui mừng. Cũng lý do tương tự: họ chụp mũ những người không tán thành hành động đó là về bè với tham nhũng, thậm chí là chống cộng mù quáng! Nhưng, điều đặc biệt là những người chụp mũ này không phải DLV hay mù quáng, mà cũng thuộc thành phần… bỏ đảng!

Theo tôi, đây là do lối suy nghĩ nhập nhằng, không rạch ròi của người VN, nhất là những người đã sống quá lâu dưới chế độ CS. Đầu óc họ không thể tách rời hai việc hoàn toàn khác nhau: thượng tôn pháp luật và trừng trị tham nhũng.

Ở VN đã có nhiều người ăn cắp chó bị đám đông xúm vào đánh, có khi đến bỏ mạng. Nếu có người can thiệp ngăn chặn, người ấy dễ bị gọi là về bè với ăn cắp và bị đánh theo. Vì vậy không ai dám can thiệp.

Thời cải cách ruộng đất, địa chủ bị lôi ra trói giữa cánh đồng và dân làng tay phiên nhau ra kể tội, chửi rủa, ném đá. Thời đó thì dĩ nhiên không ai dám can (ngay cả Hồ Chí Minh!) nhưng bây giờ chắc không ai còn ủng hộ đấu tố nữa. Nhưng nếu biết rằng một trong những địa chủ quả là có tội (cướp đất, hiếp dâm…) thì hẳn cũng nhiều người đồng ý với đấu tố hắn kiểu đó!

Đó là những hậu quả của lối suy nghĩ nhập nhằng, rất phổ biến trong một xã hội chậm tiến, vô pháp luật. Muốn sống trong một xã hội văn minh pháp trị (mà cộng sản sẽ không bao giờ cho trở thành sự thực, trừ phi hết là CS), thì con người phải biết đặt tinh thần thượng tôn pháp luật trên hết, phải tuyệt đối không chấp nhận sự lạm quyền. Họ cũng phải biết phân biệt mọi sự việc một cách rạch ròi, đừng để cảm xúc lấn át lý trí. Đôi khi, phải chấp nhận những trường hợp riêng pháp luật không thể hay chưa thể giải quyết thỏa đáng.

Dĩ nhiên, thượng tôn pháp luật không có nghĩa là cứng nhắc khi áp dụng. Cảnh sát, tòa án các nước tân tiến vẫn có thể và vẫn thường mềm dẻo khi áp dụng pháp luật, chỉ phạt nhẹ hay không truy tố nếu có lý do chính đáng. Nhưng việc đó hoàn toàn khác với việc chấp nhận hành động lạm quyền.

Dù không ủng hộ việc nhà nước bắt cóc tội phạm, nhưng chỉ tỏ ý dè dặt, lập lờ, kém quyết liệt khi chống đối việc đó, thì mặc nhiên cũng là ủng hộ. Chính quyền sẽ coi sự dè dặt, ngập ngừng, kém quyết liệt đó là ủng hộ tinh thần cho họ và dùng nó để biện minh cho hành động lạm quyền của mình. Và dĩ nhiên, với công an và tiền bạc vô hạn trong tay, họ sẽ không chỉ dừng lại ở việc bắt tội phạm mà sẽ lan sang bắt phản động, khi gặp hoàn cảnh quốc tế thuận lợi hơn.

Họ cũng có thể lấy cớ kẻ tình nghi “tội quá nặng” “hại cho đất nước” để giam người trái phép, bỏ tù dài hạn không trát tòa, xử không cần luật sư, kháng án không cần xét… Nếu những việc đó có rồi thì càng khó sửa đổi.

Đã tuyệt đối chống lại hành động lạm quyền, thì ta phải đồng loạt hoan hô không dè dặt (without reservation) khi kẻ lạm quyền bị trừng phạt, dù là sự trừng phạt đó không phải là nhà tù mà chỉ là sự mất mặt trước nhân dân và quốc tế. Chúng ta cũng chỉ có thể đòi hỏi được đến thế. Đừng lập lờ, phân vân vì sẽ vô tình ủng hộ tinh thần cho một hệ thống chính quyền và công an phạm pháp.

Hoan hô việc trừng phạt kẻ lạm quyền là việc hoàn toàn không dính dáng gì đến ủng hộ TXT. Nếu thất vọng vì TXT được thả sang Đức (giả thử chuyện đó xảy ra – hiện chỉ là tin đồn) thì hãy trút sự thất vọng đó lên CSVN, kẻ đã 1. tạo ra hoàn cảnh cho TXT tham nhũng, 2. để hắn trốn, 3. hành xử vụng về và phạm pháp, khiến cho việc bắt lại hắn trong tương lai 1 cách hợp pháp (dẫn độ) trở nên khó có thể xảy ra. Hãy tập trung vào kêu gọi chính quyền điều tra và sửa đổi những lỗi đó của họ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here