BÀN VỀ KINH TẾ … QUA CÂU CHUYỆN LÃI SUẤT.

0
60
   

Sonnie Tran

Hiện nay đang có câu chuyện ngược nhau giữa các nền kinh tế Đông và Tây của thế giới. Trong khi FED và EU đang có câu chuyện ngược đời là vẫn nguy cơ tăng lãi suất cho dù chỉ số CPI giảm nhẹ những tháng gần đây. Thì ở Việt Nam và Trung Quốc lại có câu chuyện ngược đời khác là lãi suất lại đang hạ rất nhanh nhưng vẫn ế không ai vay. Vậy tại sao lại có những sự ngược đời này ? 

…………………….

FED VÀ EU VẪN NGUY CƠ LỚN TĂNG LÃI SUẤT. 

Về cơ bản việc FED vẫn diều hâu và vẫn dự định tăng lãi suất đã được mình nói rất nhiều lần trước đây. Vấn đề nằm ở hai yếu tố chính là CPI Core và thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất tốt. 

Nếu chúng ta đã biết nguyên nhân chính của đợt suy thoái kinh tế toàn cầu kỳ này là do ba yếu tố chính . 

1. Dịch Covid đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất làm cho giá cả và nguyên liệu tăng cao.

2. Dòng tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ và phương tây trong đợt dịch covid vừa rồi đã làm gia tăng dòng tiền nhàn rỗi và đổ vào thị trường tài chính thứ cấp làm đồng tiền mất giá và giá cả gia tăng. 

3. Đồng thời cuộc chiến tranh Ukraina và Nga đã làm giá nhiên liệu và cung thực phẩm ở châu Âu tăng cao làm tăng chỉ số CPI. 

Hiện nay nhu cầu năng lượng ở EU đã được giải quyết ổn định nên chỉ số CPI đã giảm. Có điều, vấn đề nguồn chuỗi cung ứng vẫn chưa phục hồi nên chỉ số CPI core (không tính giá nhiên liệu và thực phẩm biến động) thì vẫn rất cứng đầu trên 4%. 

Đồng thời có một yếu tố ngoại vi là do tác động tiêu cực của dịch covid nên sức lao động đã bị giảm sút. Điều này khiến các công ty phải tìm cách giữ chân các nhân lực còn hiệu quả nên thị trường lao động ở Mỹ vẫn còn rất là khỏe khiến cho thu nhập lao động ở Mỹ vẫn rất tốt và nhu cầu xã hội vẫn cao và làm áp lực giảm giá để giảm CPI Core tác động không đáng kể. 

Nếu điều này vẫn tiếp diễn thì kinh tế Mỹ sẽ có hai kịch bản. Một là FED cứng rắn tăng lãi suất để ép CPI về 2% như mục tiêu ban đầu. Hoặc kịch bản thứ hai là FED từ bỏ mục tiêu CPI 2% mà nâng lên khoảng 3 tới 3.5% và đợi một đợt suy thoái kinh tế mới đủ sức ép và đúng quy trình suy thoái hơn để đưa chỉ số tiêu dùng về lại mức 2% như cũ. Và có vẻ kịch bản thứ hai sẽ tồi tệ hơn là kịch bản thứ nhất. 

…………………….

VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC GIẢM LÃI SUẤT NHƯNG VẪN SUY THOÁI ? 

Trong khi FED và EU vẫn đang rục rịch tăng lãi suất thì ở phương đông lại đang xảy ra một câu chuyện ngược lại. Trung Quốc và Việt Nam liên tục hạ lãi suất nhưng chả ai vay. Vậy tại sao lại có câu chuyện ngược đời như vậy ? 

Đầu tiên ta có thể dễ dàng nhận ra kinh tế TQ thế mạnh chủ yếu gia công và xuất khẩu. Nên khi hậu quả của sự bất ổn nguồn cung sản xuất do chính sách Zero Covid cũng như “chiến tranh lạnh” của Mỹ và TQ đã làm các cty FDI rời khỏi “công xưởng thế giới” để đi tìm một quốc gia đảm bảo “thân thiện” hơn. Điều này dẫn tới vấn đề tiêu cực là các cty phụ trợ của TQ mất nguồn cầu nên phá sản hoặc thu hẹp sản xuất hàng loạt. Dẫn tới ảnh hưởng tới người lao động TQ mất việc và giảm thu nhập cũng như thắt chặt chi tiêu. Cộng thêm nợ xấu của bong bóng BĐS vẫn chưa giải quyết xong nên chả ai đi vay vốn sản xuất cả cho dù lãi suất thấp. 

Mặc dù phải thừa nhận nền kinh tế sản xuất TQ mạnh nhưng do việc phát triển khoa học công nghệ chủ yếu ứng dụng thương mại nên khi bị cấm vận công nghệ “nền tảng” đã làm nền kinh tế suy yếu nhiều và tác động lớn đến thu nhập tầng lớp trung lưu. Điều này cũng làm giảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và tiêu dùng. 

…..

Còn trường hợp ở VN thì nó lại gần giống TQ nhưng lại có nhiều khía cạnh khác. 

VN cũng bị ảnh hưởng FDI do nhu cầu thị trường quốc tế giảm như TQ mặc dù đỡ hơn do từ bỏ chính sách Zero Covid sớm. Nhưng do năng lực sản xuất và công nghiệp phụ trợ kém nên kinh tế VN lại không đón được nhiều làn sóng “di cư” của các công ty FDI rời khỏi TQ. Chủ yếu FDI ở VN lại ở những sản phẩm có giá trị không cao hoặc giai đoạn cuối sản xuất sản phẩm có chi phí thấp . 

Ngoài ra , nền kinh tế VN trước đó tăng trưởng chủ yếu ở thị trường BĐS thứ cấp nên khi các vấn đề này như vấn nạn trái phiếu doanh nghiệp, quịt lãi suất condotel diễn ra thì nhu cầu vay vốn vẫn không nhiều vì thị trường BĐS vẫn chưa gỡ nút thắt và đóng băng. 

Sản xuất trong nước lại phụ thuộc nhiều nguyên liệu nước ngoài làm đầu vào cao mà nhu cầu xã hội đang thấp nên động lực tăng trưởng và vay vốn vẫn chưa có . Đó là chưa kể các tín hiệu vẫn còn xấu ở thị trường quốc tế làm khối bên sản xuất xuất khẩu vẫn e ngại tăng trưởng mở rộng. 

…………………….

TỔNG KẾT

Tình hình kinh tế Mỹ và EU vẫn chưa sáng sủa và còn nhiều nguy cơ kịch bản xấu ở phía trước. 

Tình trạng của công xưởng thế giới Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế toàn cầu. Ngoài ra do hậu quả của việc phát triển công nghệ sản xuất thiên về ứng dụng của Trung Quốc đã bị suy yếu khi công nghệ nền tảng bị cấm vận. Dẫn tới ảnh hưởng sâu sắc thu nhập người lao động Trung Quốc làm cho cung và cầu thị trường nội địa bị suy giảm bất chấp là thị trường lớn số 1 toàn cầu. 

Tình hình Việt Nam lại là hậu quả của việc phát triển kinh tế dựa trên chạy đua thành tích và tăng trưởng thị trường thứ cấp như bất động sản mà không tập trung vào khả năng cải thiện sản xuất.  Nên khi bất động sản vỡ trận thì nền sản xuất không đủ động lực phát triển bù đắp và thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế cho dù lãi suất đã hạ mà lại phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới. Đây là một nền kinh tế tự chủ kém.

https://www.facebook.com/tranmaison/posts/pfbid07KNBCBZ83cPN8qkojvVAEsaTMLjnJYx5685o8U4fSxuxajoyLVQhHfQJZGPnQXm2l

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here