Theo FB Mạnh Kim
Sự kiện bạo động kinh khủng tại Charlottesville (bang Virginia) ngày 12-8-2017 đã bắt đầu một phần từ mâu thuẫn dai dẳng giữa phe ủng hộ duy trì tượng tướng Robert E. Lee và phe yêu cầu dỡ bỏ. Ngay từ hồi còn sống, tướng Lee đã tiên đoán điều này.
Jonathan Horn, tác giả quyển “The Man Who Would Not Be Washington: Robert E. Lee’s Civil War and His Decision That Changed American History”, cho biết, sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc và tướng Lee trở thành chủ tịch Washington College (Lexington, Virginia) năm 1865, ông nhiều lần được đề nghị dựng tượng nhưng luôn từ chối vì cho rằng điều đó sẽ “khiến những người chiến thắng (phe Liên bang) giận dữ”. Trong lá thư 1866, ông viết: “Về việc dựng một tượng đài như vậy như một hình thức suy tưởng, tôi tin rằng, cho dù điều ấy có mang lại cảm giác tri ân cho miền Nam như thế nào thì hành động này trong điều kiện hiện tại của đất nước cũng chỉ mang lại ảnh hưởng trì trệ thay vì thúc đẩy thành quả và sự tiếp nối…”.
Tháng 6-1866, tướng Lee cũng bác bỏ đề xuất dựng tượng Stonewall Jackson, vị tướng mà tài năng và sự nổi tiếng chỉ đứng sau mình. Ông nói rằng sẽ là không công bằng khi yêu cầu gia đình các cựu binh Liên minh (Confederate, phe miền Nam) quyên tiền để dựng tượng trong khi họ đang vất vả mưu sinh sau chiến tranh. Ba năm sau, khi “Hiệp hội tưởng niệm chiến trận Gettysburg” mời đến địa điểm lịch sử trên “nhằm dự lễ động thổ cho các công trình đá hoa cương tưởng niệm”, tướng Lee nhẹ nhàng từ chối và nêu lý do: “Tôi nghĩ rằng sẽ khôn ngoan tinh tế hơn, nếu đừng mở ra những vết loét chiến tranh mà nên học theo tấm gương của các quốc gia luôn cố gắng xóa bỏ dấu vết xung đột nội chiến đồng thời cam kết cùng nhau quên lãng những xúc cảm từng được sinh ra (và gây mâu thuẫn thời chiến tranh)”.
Lee tin rằng thay vì bỏ tiền của lẫn thời gian để tưởng niệm các vị tướng Liên minh, “Tất cả những gì tôi nghĩ có thể làm bây giờ là trợ giúp những phụ nữ đáng kính và rộng lượng khi họ nỗ lực bảo vệ những ngôi mộ và ghi dấu những địa điểm an nghỉ của những người đã ngã xuống và trông chờ ngày mai tốt đẹp hơn” – tướng Lee viết năm 1866. Trong những năm cuối đời, Lee không viết bất kỳ hồi ký nào kể lại các chiến tích “Bắc chinh”. Thay vào đó, ông viết một quyển tiểu sử ngắn về bố mình, Henry “Light-Horse Harry” Lee, một người hùng của cuộc chiến giành độc lập nước Mỹ. Sử gia Jonathan Horn cho biết thêm, tướng Lee thậm chí không muốn được chôn trong bộ quân phục Liên minh hiển hách, và còn yêu cầu các cựu binh Liên minh không vận quân phục cũng như mang cờ Liên minh đến dự đám tang ông.
Bức tượng gây tranh cãi tại Charlottesville (Virginia), được điêu khắc gia Henry Merwin Shrady bắt đầu thực hiện và được Leo Lentelli hoàn thành, đã hiện diện kể từ năm 1924 nhưng vài năm gần đây nó được một số cư dân, viên chức địa phương lẫn vài tổ chức yêu cầu dỡ bỏ. Lo sợ của Lee đã thành sự thật: những khơi gợi quá khứ dễ duy trì xúc cảm cho tương lai và xúc cảm thường trở thành ngòi nổ cho những rạn nứt và xung đột cho một dân tộc từng chia cắt và binh đao bởi nội chiến.
Chỉ những tượng đài lịch sử ghi danh các anh hùng và chiến công chống ngoại xâm mới thật sự là quá khứ cần được giữ gìn và nhắc nhở hậu thế, chứ không phải những nhân vật hoặc dấu ấn chiến tích của bên này hay bên kia sau cuộc nồi da xáo thịt với chính đồng bào mình. Cái giá phải trả sau những cuộc hả hê lịch sử của một dân tộc từ chối hòa hợp hoặc thất bại trong hòa hợp thường là sự đập đổ trong một tâm trạng hả hê không kém, một khi lịch sử được viết lại, như một quy luật tự nhiên rằng không có gì là bất biến và vĩnh hằng. Càng nhiều tượng đài thì sự đập đổ càng dữ dội và càng khủng khiếp.