XE BÒ

0
10
XE BÒ

Quê tôi chắc cũng như mọi vùng quê Việt Nam, xe bò là “phương tiện vận tải” phổ biến nhất của bà con nông dân.

Khác xe bò miền bắc thường kéo bằng một con bò, bánh hơi, xe bò trong nam, dùng sức kéo của hai chú bò đực to khỏe thường được mệnh danh là “bò bô”. Cái ách có quàng hai sợ dây da để tròng vào cổ bò, được nối với hai trục chín đỡ lấy toàn bộ “thùng xe”. Gọi là thùng xe cho sang chứ thực ra nó chỉ được đóng bằng gỗ tạp chỉ có hai vách hai bên thôi, nhưng nó có thể chở được bất kì những thứ gì nông dân cần.

Tôi thích nhất hai bánh xe bò. Chúng cũng được làm bằng gỗ, mặt tiếp xúc đất được bịt thêm lớp kim loại gì không rõ mà nó bóng và sáng lên theo mỗi vòng quay. Về sau, tôi mới biết nhưng cái cây được phân bố đều từ tâm ra cái vành tròn và lớn ấy gọi là căm xe, mỗi bước chân bò đi, bánh xe quay đều quay, nhưng vẫn thấy rõ từng cái căm vì bò đi hơi chậm.

Đã lâu lắm không còn nghe tiếng lộc cộc… lộc cộc trên đường quê nữa mà thay vào đó là tiếng động cơ xe máy, xe con và xe tải.

Hồi còn nhỏ, ba má mất sớm, tôi về ở với cô. Những ngày cô đi vắng, tôi lủi thủi ở nhà một mình. Chiều chiều, tôi ra ngoài ngõ trông ngóng cô về. Xa xa, một chiếc xe bò đang dần tiến về phía mình. Tôi đứng chờ, chờ mãi để xem. (Ngày xưa không có gì để trẻ con xem, đường quê vắng ngắt thỉnh thoảng có một người chạy xe đạp ngang qua chứ không như bây giờ) Chiếc xe bò đang tiến gần hơn, tôi nghe tiếng lộc cộc… lộc cộc phát ra hướng đó. Bánh xe bò lăn đều trên mặt đường dẫn nó đến gần tôi hơn. A… xe chở đày ắp mía, mía mới chặt vì dấu còn mới và tươi lắm. Bỗng có tiếng reo của thằng Bình trong xóm: “Xe bò dượng Tám chở mía kìa tụi bây ơi !”. Thế là từ đâu không rõ như chuẩn bị sẵn tư thế hai ba đứa nữa chạy ra… tha hồ rút lấy mía trên xe bò từ phía sau. Dượng Tám cười hề hề… chứ không rầy chúng. Thấy tôi đứng tần ngần… e ngại, thằng Tèo bẻ cho tôi nửa cây: Nè, đem vô lấy đao róc ra ăn đi ! Ôi, mía nó ngon ngọt làm sao !

Xe bò đi xa dần xa dần và tiếng lộc cộc cũng không còn nghe được nữa.

Một chiều đi học về, cả đám trẻ chúng tôi đeo cặp bàng, quần lồng đèn áo ống thụt chứ chả được đồng phục như trẻ bây giờ, đi bộ trên con đường đất của ấp để về, gặp chiếc xe bò nhà chú Tư, cả bọn mừng chạy bộ theo. Thằng Tèo lớn nhất đám nhanh chân đu lên đuôi xe và nhảy tót lên ngồi gọn lỏn. Thấy thế chú Tư lệnh cho đôi bò:” Hò…. hò…” xe dừng lại chú cho cả bọn lên xe ngồi trong sự vui sướng không gì bằng. Cẩn thận hơn, chưa Tư lấy sợi dây ràng ngang phía sau cho không đưa nào rớt xuống và dặn ngồi yên không được đứng lên. Tôi vẫn nhớ như in chú còn cho bò dừng lại chỗ nhà từng đứa từng đứa nữa.

Tôi lớn dần cùng với ruộng đồng, ngày mùa khi lúa sắp làm đòng, cô tôi bảo: “Qua nhà dượng Tám kêu dưởng chở giùm phân ra ruộng đi con !”

Phân bón bao gồm phân chuồng và phân hoá học mà chủ yếu là diêm u – rê trộn đều và cho vào từng bao. Dượng tám rất mạnh, dượng chất số phân bón lên xe, cái thùng xe như thế mà chở đến 25 bao gọn gàng. Năm nào nhà tôi cũng trúng mùa, xe bò dượng Tám lại ra ruộng chở lúa về, sau đó là chở cả rơm về, để dành cho đàn bò ăn trong mùa khô thiếu cỏ. Khác với chở phân và chở lúa, dượng Tám chất lên xe hàng trăm bó rơm khô, vun khỏi thùng xe cao thiệt cao, lấy dây ghịt lại. Khi xe bò đi chuyển không thấy dượng Tám đâu mà chỉ nghe tiếng: “dí, thá…, đi…” của dượng thôi. Hai chú bò bô ngoan ngoãn theo lời của dượng. Xe bò có thể chở bất cứ vật gì mà người nông dân cần chứ không riêng gì phân bón lúa và rơm.

Quê nghèo không có lấy một chiếc xe gì, nên khi bà cố thằng Tèo qua đời, dượng Tám tôi đem xe bò lại để đưa tang, tôi nhớ rõ lắm, cái hòm người chết để trên xe bò, nhưng lần này không phải bò kéo xe nữa mà là các anh các chú trong xóm thay phiên nhau kéo xe, từ nhà ra đồng mã trong sự buồn bã của cả nhà thằng Tèo. Từ đó về sau, tôi sợ không bao giờ dám lên xe bò dượng Tám ngồi nữa, con nít mà, nghe hai từ “đám ma” tưởng đám của ma, sợ lắm.

Giờ đây xe bò chỉ còn dùng để trang trí cảnh cho nhưng khu du lịch nghỉ dưỡng theo phong cách “gợi nhớ quê hương” thôi. Những nhà giàu có người ta đặt mua rất nhiều bánh xe bò cũ để trang trí hàng rào theo lối hoài cỗ, coi vẻ rất sang trọng…

Riêng tôi, mỗi lần đi đâu đó, gặp lại “hắn” tuổi thơ của tôi lại quay về…

(Trần Thị Kim Thư)