Vụ Trịnh Xuân Thanh: Những kẻ nào khủng bố?

0
326
Trình Phụng Nguyên

Nước Đức đã phản ứng gắt gao về hành động của mật vụ Việt Nam bắt cóc người ngay trên lãnh thổ của họ. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Đức Sigmar Gabriel tuyên bố: „Chúng tôi không thể tha thứ và sẽ không tha thứ.“

Sự vụ đã được chuyển giao cho Cơ quan Tư pháp cấp nhà nước. Xa hơn sự trục xuất nhân lực của Đại Sứ quán, họ đang xem xét những biện pháp trừng phạt về chính trị, kinh tế lẫn viện trợ. Chuyện gì sẽ xảy ra?

Hiện nay, ngoại trừ một vài thông tin cần thiết phải thông báo trên báo chí, nhà nước Đức tỏ ra kín tiếng một cách đáng ngại, và ai biết về người Đức thì không thể không ưu tư về một tương lai đen tối trong quan hệ giữa hai nước, nói riêng.

Nhìn vào vụ việc dưới góc cạnh quốc tế thì đây không đơn thuần là một vụ bắt cóc lẻ tẻ, mà là một hành động khủng bố xuyên quốc gia, xâm hại lạnh thổ, vi phạm Công ước Quốc tế, sẽ khó có thể được thế giới chấp nhận. Nhà nước Hồi giáo IS đã (và đang) đem quân đi khủng bố, họ đang bị thế giới tẩy chay, đồng bọn và lãnh tụ đều bị truy nã.

Không riêng gì nước Đức phản ứng một cách gay gắt, khả năng là các nước trong Liên minh Châu Âu, rộng ra là những nhà nước pháp quyền trong thế giới tự do dân chủ, cũng sẽ có những phản ứng đối phó – dù có thể nhẹ nhàng hơn, đặc biệt là họ sẽ dè dặt với Việt Nam trên mọi phương diện trong ít nất là một vài thập niên tới. Việt Nam ta có câu „Một sự bất tín thì vạn sự bất tin“, người ngoại quốc nghĩ không khác gì hơn.

Nói như thế để biết được rằng hậu quả của sự vụ này là không lường và thiệt hại là không thể tưởng tượng, nó sẽ tác động tiêu cực đến tận cùng mà dân tộc bị tai tiếng về nhân phẩm, con người Việt Nam thiệt hại về an sinh mà người dân cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài phải gánh chịu.

Ai là những kẻ khủng bố trong vụ này?

Trước hết chúng ta có thể khẳng định mà không hề nhầm lẫn là những người của mật vụ trực tiếp hành động trong vụ việc. Nhưng chưa đủ, truy xa hơn là những cá nhân ra lệnh và thừa lệnh, đó là những nhân vật cấp trên, là một số lãnh đạo trong Toà Đại sứ ở Đức – dĩ nhiên là không chỉ một người như đã bị Nhà nước Đức trục xuất – và tiếp đến là những nhà lãnh đạo ở tại Việt Nam, tức là Bộ Chính Trị.

Không ai có thể phủ định phương châm lãnh đạo trong Điều 4 đã được qui định trong Hiến pháp thuộc Nhà nước Việt Nam hiện nay: „Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội“. Cụ thể nhất là ông Nguyễn Phú trọng, từng công khai ra lệnh phải bắt cho bằng được ông Trịnh Xuân Thanh.

Biện pháp nào mà ngưới Việt Nam cần hành động?

Với cơ chế độc quyền lãnh đạo đưa đến tha hóa bạo biện (lỗi hệ thống), Đảng CSVN càng ngày càng lũng đoạn xã hội: tham nhũng, văn hoá suy đồi, quan chức, thiếu khả năng, tư duy cố thủ, độc ác… dùng bạo lực (cũng giống với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh ở đây) dập tắt mọi ý kiến bất đồng, đuối lý nên dùng thủ đoạn lấy côn đồ uy hiếp công dân, dùng sức mạnh chìm nổi uy hiếp tất cả những sinh hoạt dân sự không theo sự chỉ đạo của đảng. Xã hội gần như bó tay với tình trạng hỗn độn và những đàn áp này. Tình hình nhìn về tương lai rất đen tối mà đảng CSVN vẫn nhởn nhơ.

Cũng phải khách quan mà nhìn nhận rằng trong qúa khứ, những nỗ lực của những tổ chức và các nhà hoạt động dân chủ đối lập đã có những kết qủa nhất định, nhưng chưa đủ để có thể làm cho tiến trình dân chủ phát triển ở mức cần thiết hiện nay, âu đó cũng một phần là do lỗi ở ngay chính những tổ chức này, chưa đủ sức thuyết phục quần chúng, và ngay cả với nhau nữa. Song song đó, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, không tận dụng sức mạnh của các quốc gia dân chủ trên thế giới để áp lực lên đảng CSVN mà hiện thân là Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Trường hợp bắt cóc khủng bố này cũng là một cơ hội rất tốt cho những sinh hoạt dân chủ này, nhất là đối với những người, những tổ chức đang hoạt động ở nước ngoài, nhân cơ hội tố giác mạnh mẽ tất cả những ai liên quan trong vụ bắt cóc khủng bố này, trong đó chí ít cũng là một số người trong Bộ Ngoại giao ở Đức và toàn Bộ Chính trị ở Việt Nam – nơi điều hành mọi động thái – bằng cách dựa theo tình thế đang nóng kiến nghị với Nhà nước Đức – và cả thế giới – dùng biện pháp cho vào danh sách cấm đi lại vĩnh viễn vào nước sở tại ´persona non grata` (những người không được hoan nghênh) đối với những ai nằm trong khả năng phát lệnh, thừa lệnh và thi hành lệnh bắt cóc này. Có thế mới hy vọng gây được áp lực cụ thể với Nhà nước Việt Nam để họ tôn trọng nhân quyền và dân chủ đưa đất nước ra khỏi vòng lạc hậu.

Thế giới vẫn ra lệnh trừng phạt hoặc truy nã với những người có liên quan đến khủng bố. Đã từng có những trường hợp trong những chuyến công du quan chức bị từ chối vì nhân vật đó đã bị tuyên phạt „persona non grata“, tức là không được mời vào nước sở tại.

Hy vọng ở sự thảnh công sẽ tác động làm cho những người lãnh đạo của Đảng CSVN phải suy nghĩ và chùn chân. Luật pháp đã từng thực hành: Trước hết là qui tội với chứng cớ, và người bị qui kết có bổn phận phải giải trình.

Đã đến lúc phải có những biện pháp cụ thể với nhà cầm quyền Việt Nam!

TPN