VOA
Bài viết trên tờ báo chính thống của nhà nước Việt Nam, Tuần Văn nghệ TPHCM, cho rằng “không có việc bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh vì “không ai có thể rời khỏi châu Âu nếu không tự nguyện.”
Lần đầu tiên, một tờ báo chính thống của nhà nước Việt Nam đưa ra bình luận cách hành xử của chính phủ Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Bài báo trong số mới nhất của Tuần báo Văn Nghệ TPHCM phát hành ngày 18/8 cho rằng “không có việc bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh vì “không ai có thể rời khỏi châu Âu nếu không tự nguyện.”
Với những ngôn từ đả kích mạnh mẽ, bài viết của tờ báo thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố HCM khẳng định Bộ Ngoại giao Đức “hồ đồ, hoặc cố tình hồ đồ để mua phiếu của vài kẻ cực đoan chống Việt Nam đang có quốc tịch Đức cho cuộc bầu cử vào thời gian vài tuần tới.”
Bài báo trên Tuần báo Văn nghệ cho rằng chính phủ Đức “hồ đồ” khi cáo buộc Việt Nam bắt có Trịnh Xuân Thanh và đang tìm cách “mua phiếu” từ những người Việt gốc Đức cho cuộc bầu cử sắp tới.
Tác giả của bài báo, có tên Vũ Hương, muốn nói đến cuộc bầu cử quốc hội liên bang Đức sẽ diễn ra vào ngày 24/9.
Mặc dù chính phủ Việt Nam gần đây đã tiếp cận chính phủ Đức để tìm cách giải quyết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin theo tố cáo của Bộ Ngoại giao Đức nhưng “những bài báo như thế này,” theo nhận định của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp từ Singapore, “không có lợi cho các nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết khủng hoảng ngoại giao hiện nay với Đức.”
“Không rõ liệu có sự chỉ đạo nào đằng sau các bài viết này hay không nhưng theo tôi việc dùng những cáo buộc không có căn cứ và lăng mạ nước Đức như bài viết trên Tuần báo Văn nghệ thì rõ ràng là thiếu khôn ngoan và thiếu cẩn trọng,” ông Hiệp nói với VOA. “Nó không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề và nó càng làm cho vấn đề trở nên khó giải quyết hơn đối với Việt Nam.”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cũng có nhận định tương tự và cho rằng bài viết của một tờ báo nhà nước chính thống “mang tính quy chụp và vu khống.” Nhà báo này nghi ngờ có một thế lực đứng sau những bài viết như vậy.
Chính phủ Đức cho rằng mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí nhưng Việt Nam truyên bố ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú với chính quyền Hà Nội.
Giống như nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng cũng nhận định gần đây tuần báo Văn Nghệ TPHCM có những bài viết liên quan đến chính trị và “hoàn toàn không phù hợp một chút nào với tính chất văn học nghệ thuật.”
Tháng trước, Tuần báo Văn nghệ có bài viết đánh vào giáo sư Ngô Bảo Châu khi cho rằng vị giáo sư này đang “trên con đường trở thành ngụy dân chủ phản bội Dân tộc mình.”
Theo mô tả trên website của Tuần báo Văn nghệ TPHCM, đây là tờ báo “sáng tác nghiên cứu lý luận – phê bình văn học – nghệ thuật” của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép ngày 31/12/2014. Tuy nhiên theo nhà báo Dũng, người sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tờ báo này nằm trong nhóm có “chỉ đạo mang tính Đảng từ Thường trực thành ủy Thành phố HCM.”
“Hiện nay dư luận cũng đang đặt dấu hỏi ai đứng đằng sau, thế lực nào đứng đằng sau tờ báo này để dường như cố ý tạo ra sự căng thẳng nhưng lại bằng tính chất vu khống.”
Theo nhận định của chủ tịch Hội nhà báo Độc lập, hiện đang có nhiều phe phái chính trị ở Việt Nam, “thậm chí trong Đảng, trong chính phủ cũng có nhiều phe phái.”
Gần đây trên mạng xã hội cũng đã nổi lên những trang Facekook cá nhân của các nhà lãnh đạo Việt Nam như Trần Đại Quang, Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc hay Nguyễn Phú Trọng với các bài viết được cho rằng có mục đích nhắm vào ai đó hoặc tạo dư luận.
“Phía sau Tuần báo Văn nghệ cần phải làm rõ xem là thế lực chính trị nào và thế lực chính trị đó có liên quan đến những quan chức cấp cao nào và các quan chức cấp cao đó không nhất thiết phải đồng nhất với chính phủ, cũng không nhiết thiết phải đồng nhất với Đảng,” theo nhà báo Dũng.
Mối quan hệ Việt-Đức tiếp tục xấu đi sau khi các thành viên quốc hội Đức kêu gọi những biện pháp trừng phạt Việt Nam vào tuần trước và theo nhận định của tạp chí Forbes gần đây, hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) mà Việt Nam rất mong chờ có nguy cơ đổ vỡ vì sự căng thẳng ngoại giao từ vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS và là người quan sát chính trường Việt Nam, Lê Hồng Hiệp, cho rằng cần phải “dỡ bỏ” và “loại trừ” những bài viết như vậy trong tương lai “để giúp cho những biện pháp của Việt Nam trong việc hóa giải căng thẳng với Đức hiện nay có thể đạt được kết quả.”
Nhà báo Dũng cho rằng Việt Nam cần phải chấm dứt lối viết tuyên truyền, công kích, nhất là nhắm vào việc “mạt sát nước Đức” như của Tuần báo Văn nghệ nếu không muốn thấy mối quan hệ giữa 2 nước trầm trọng hơn hiện nay.