Vụ ông Bình khiến ‘mất cả sự tôn nghiêm của pháp luật’

0
962
Ông Trịnh Vĩnh Bình. Ảnh do ông Bình gửi RFA
VOA

Khánh An

VOA – Tiến sĩ Nguyễn Vi Khải hiện là Phó Viện trưởng Viện các vấn đề phát triển (VIDS). Ông là thành viên trong Ban Cố vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải trong thời gian diễn ra đàm phán, thương lượng giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện ở Tòa trọng tài lần thứ nhất (năm 2003 – 2006).

Là thành viên lâu năm nhóm think-tank của Thủ tướng, ông biết khá tường tận các ngóc ngách của vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOA ngày 17/8/2017, TS Nguyễn Vi Khải cho biết thêm một số chi tiết của vụ này và phân tích về tình trạng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự”, điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây cam kết sẽ chấm dứt.

***

VOA: Thưa Tiến sĩ, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải nhận được tin doanh nhân Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình bị bắt và bị kết án trong hoàn cảnh nào? Phản ứng của Ban ra sao?

TS Nguyễn Vi Khải: Lúc đó, tôi mới bắt đầu về làm thư ký khoa học ở Tổ Lý luận trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Lúc đó có nhiều vụ tương tự như vụ của ông Bình nên chúng tôi rất băn khoăn. Đây là ví dụ của tình trạng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế” rất nặng nề.

VOA: Tại sao sau khi cả nguyên Thủ tướng lẫn đương kim Thủ tướng, Chủ tịch nước… can thiệp, ông Bình vẫn bị xử nặng? Có điều gì lấn cấn ở đây khiến sự việc xảy ra trái với logic thông thường?

TS Nguyễn Vi Khải: Vâng. Có thể các vị từ bên ngoài, các vị không thể hiểu được việc xử án của Việt Nam trong thời điểm đó. Người ta xử án theo kiểu “bỏ túi” (tức là án Kangaroo). Các cấp trên có can thiệp vào thì cũng phải theo án lệ này. Cho nên dù là Thủ tướng hay vị nào cấp cao nữa thì cũng chỉ là gõ ở trên thôi. Chứ còn ở dưới cơ sở người ta đã ký y án và “rất đúng quy trình.” Đấy là thực tế đáng buồn của một nền tư pháp “đang có vấn đề” của Việt Nam.

VOA: Ngoài lý do án “bỏ túi”, án Kangaroo, theo tiến sĩ, còn có những nguyên nhân nào khiến cho vụ án về ông Bình trở nên nổi cộm trong những năm bấy giờ, khiến những người đứng đầu hai chính phủ, cả Hà Lan lẫn Việt Nam, thậm chí một số bộ trưởng và nghị sĩ từ EU đều muốn đứng ra dàn xếp mà không xong?

TS Nguyễn Vi Khải: Cần phân biệt giữa hai mảng, mảng con người và mảng chính sách. Về con người tôi không muốn bình luận sâu, vì phần lớn những người “gieo quả” làm hại ông Bình thì họ đều đã nhận phần của mình theo luật nhân quả. Tôi biết có vị quan chức ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải vào nhà thương điên, không biết là để trốn việc quy trách nhiệm hay bị điên thật.

Ở đây tôi muốn đề cập đến một vấn đề cho đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự, mà điều này, thì mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phải tái cam kết rằng, chính phủ của ông sẽ không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế – dân sự.

Trong khi đó, lại có một tình trạng khác vào thời đó và cho đến bây giờ vẫn còn, là các trọng tội làm thất thoát hàng nghìn tỷ tài sản quốc gia thì đáng nhẽ phải hình sự hóa những vụ đó, thì lại hành chính hóa các tội phạm này. Để cho các tội phạm này trốn ra nước ngoài dễ dàng bằng cách đi chữa bệnh, đi học… như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy…

Thủ tướng Phúc đã nói tình trạng hình sự hóa kinh tế hiện nay rất nặng nề. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều vụ chìm xuồng. Các quan chức mà đáng lẽ phải khởi tố hình sự thì họ lại lờ đi, chẳng hạn như vụ vỡ nước sông Đà.

VOA: Trở lại với vụ kiện sắp tới của ông Trịnh Vĩnh Bình, ngoài thiệt hại về vật chất mà người dân đóng thuế phải gánh chịu, tiến sĩ có nhận định gì khác về vụ án kéo dài này không?

TS Nguyễn Vi Khải: Ngoài thiệt hại về vật chất, đây còn là một vấn đề nóng bỏng của nhiều người dân bị oan ức hiện nay.

Thứ nhất, thiệt hại vật chất đã là quá lớn, nhưng thiệt hại tinh thần đối với người dân còn khủng khiếp hơn. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.” Một ngày ở trong tù người ta đã khốn khổ lắm rồi, huống chi mấy năm như thế thì bao nhiêu là thiệt hại về tinh thần, sức khỏe và cả cuộc đời của họ. Tiền tỷ cũng không đền bù được.

Nhà nước Việt Nam có mất tiền tỷ trong vụ này thì tôi cho điều đáng suy nghĩ hơn là mất uy tín trên thương trường quốc tế, đặc biệt khi ta tuyên bố hội nhập, bình đẳng, cùng một sân chơi…

Nhưng vụ án này đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều, rất băn khoăn về chuyện về nước.

Từ hồi nổ ra vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình và ông ấy đã nhận được một phần bồi thường, nhưng từ đấy cho đến nay, tuyệt nhiên không hề Nhà nước này nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như các cấp trên đứng sau việc này. Phải xử lý họ thế nào? Không thể chỉ phê bình, góp ý hay cho về hưu. Như vậy là luật pháp không nghiêm.

Tôi cho rằng trong vụ này Việt Nam có nhiều mất mát. Mất cả uy tín, mất cả sự tôn nghiêm của pháp luật.

VOA: Thưa tiến sĩ, điều gì làm ông nhớ nhất trong các chỉ thị của Thủ tướng liên quan đến vụ án Trịnh Vĩnh Bình?

TS Nguyễn Vi Khải: Tôi nhớ nhất là bút phê của Thủ tướng Phan Văn Khải và công văn gửi qua Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương. Tôi còn nhớ nội dung đại thể: Anh Hương chỉ đạo cho Công an Bà Rịa—Vũng Tàu xem lại trường hợp của Trịnh Vĩnh Bình. Thủ tướng Hà Lan đã nêu vấn đề. Tôi đã trực tiếp hỏi một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Bình không có lỗi đến mức phải xử như vậy. Do anh ấy dựa vào người trong nước, nên đã bị họ lừa gạt, làm bậy.

VOA: Vâng, điều tiến sĩ vừa nói cũng giống với những tư liệu mà chúng tôi có được. Vậy theo ông, tại sao một chỉ dụ như vậy không được cấp dưới thực thi?

TS Nguyễn Vi Khải: Tôi thấy thấm thía điều dân nói: “Trên bảo dưới không nghe.” Điều này biểu hiện một nhà nước pháp quyền không theo đúng quy luật khống chế quyền lực và không có cơ chế để bảo vệ quyền lực một cách chính đáng. Nó cho thấy một nền chính trị, pháp quyền rất yếu, không dung nạp được sự thật và làm cho người dân mất lòng tin rất lớn. Và tình trạng này là hiện nay, chứ không phải chỉ trong thời cách đây hơn 20 năm.

VOA: Ông có đánh giá nào về xác suất thắng, thua của vụ tái kiện sắp tới hay không?

TS Nguyễn Vi Khải: Tôi cho rằng vụ kiện này chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với ông Bình. Còn để thắng hoàn toàn và theo ý ông Bình, tôi cho rằng rất khó. Bởi vì cơ chế phán xử quốc tế là như thế, nhưng luật lệ của Việt Nam lại là một đằng khác. Nên đây sẽ là một cuộc giằng co, dây dưa kéo dài. Để ông Bình được đền bù vật chất, được đền bù tinh thần, được xin lỗi… tôi cho rằng sẽ rất khó khăn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here