Vô cảm, “hành” dân đến tờ giấy chứng tử, cán bộ đó là cán bộ gì?!

    0
    41
    (Dân trí) – Tôi cảm nhận rất rõ sự tức giận và phẫn nộ của cộng đồng sau khi đọc những lời chia sẻ chất chứa uất nghẹn của chị Vũ Thanh Hoa sau cái chết của cha mình. Trên trang cá nhân, chị Hoa tố chính quyền phường Văn Miếu gây khó khăn cho gia đình chị trong việc làm giấy chứng tử khiến đám tang cha phải dời lại một ngày.
     >> Hà Nội: Tạm đình chỉ Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu
     >> Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ dấu hiệu “hành dân” ở phường Văn Miếu
     >> Phường Văn Miếu xin lỗi dân, xin gỡ bài trên Facebook

    Xưa nay chuyện làm hồ sơ, giấy tờ bị gây khó dễ chẳng cần phải nói ra, ai cũng hiểu. Nó dường như là một thứ nhận thức chung và phổ biến. Cho nên dân gian mới có câu, thủ tục hành chính có nghĩa “hành là chính”, muốn nhanh hay chậm không phải do đến trước đến sau, mà vấn đề đầu tiên phải là “tiền đâu?” cái đã.

    Cách đây không lâu, cũng tại Hà Nội, một cán bộ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của Sở Giao thông Vận tải cũng đã bị điều chuyển, liên quan đến kiến nghị của một doanh nghiệp vận tải về việc doanh nghiệp này phải đi lại 6 lần trong 1 tháng mới được cấp phù hiệu cho xe của công ty.

    Sở GTVT Hà Nội sau đó tổ chức mời lãnh đạo doanh nghiệp này làm việc để trực tiếp xin lỗi về việc hướng dẫn giải quyết hồ sơ hành chính chậm khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều.

    Rồi chưa nói đến những loại thủ tục khác, phổ biến nhất là thủ tục về cấp sổ đỏ, giấy tờ đất đai, nộp thuế… Bị “hành” nhiều nên một bộ phận người dân, doanh nghiệp đành chấp nhận nó như một cái “lệ” phải có, đến làm thủ tục thì “biết điều” bỏ kèm phong bì cho nhanh, cho được việc, không thắc mắc gì thêm.

    Người ta không ý kiến, không phải vì họ bằng lòng với cách xử sự “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Chẳng qua là họ đã tính chi phí đó vào chi phí cơ hội, chi phí thời gian để dùng cho những công việc khác, thay vì ở lại đôi co với cán bộ tiếp dân mà chưa chắc đã giải quyết được gì.

    Nói thẳng ra, một vài giờ đồng hồ, một vài ngày với bộ phận những công chức “sáng cắp ô đi, tôi cắp ô về” có thể không quan trọng, nhưng với doanh nghiệp đó là những hợp đồng tiền tỷ, là cơ hội làm ăn, là chữ tín với đối tác, với khách hàng… Còn với người dân, đôi khi giá trị thời gian không quy được thành tiền, như trường hợp làm giấy khai tử cho người thân của gia đình chị Hoa vậy.

    Người ta bảo, cuộc đấu tranh để loại bỏ nạn nhũng nhiễu, thói quan liêu, vô cảm ra khỏi bộ máy Nhà nước là một quá trình lâu dài, không thể ngày một ngày hai, phải kiên nhẫn. Nhưng vô cảm đến mức hoạch họe nhằm kiếm chác từ một tấm giấy khai tử thì không còn lời nào để diễn tả nổi. Nó đã trở nên khốn nạn và quá quắt lắm rồi!

    Theo phản ánh của chị Hoa, đi làm giấy khai tử cho cha từ 9 giờ sáng đến cuối giờ chiều, trong lúc đang tang gia bối rối, người nhà chạy ngược chạy xuôi để lo hậu sự thì cán bộ tiếp dân thay vì hỗ trợ, động viên, giúp đỡ lại “dán mắt vào máy tính đọc báo”, “không buồn trả lời rồi vẩy tay chỉ sang bàn bên cạnh”.

    Trước báo chí, bà Vũ Mai Khanh – Chủ tịch UBND phường Văn Miếu vẫn khẳng định cán bộ cấp dưới của bà không cố tình gây chậm trễ hay có thái độ vòi vĩnh với người dân, không làm sai quy trình nhưng vẫn xin lỗi người dân vì chưa đáp ứng được sớm nhu cầu nên đã gây bức xúc không đáng có.

    Vâng, có thể cán bộ không sai quy trình. Nhưng thưa bà Khanh, trong trường hợp này người dân không chỉ đánh giá cán bộ bằng việc đáp ứng hay không đáp ứng được quy trình, họ đánh giá về cách ứng xử trên tư cách một con người. Một cán bộ tiếp dân, một “công bộc của nhân dân” mà ứng xử với dân vô cảm, lạnh lùng, không có tình người như vậy, thử hỏi đó là thứ cán bộ gì?

    Xảy ra ngày 19/7, nhưng đến tối 25/7, sau khi vụ việc được đưa lên mạng xã hội và gây bức xúc trong cộng đồng thì cán bộ phường mới đến gặp gia đình xin lỗi, xin gỡ thông tin. Vậy có thể tin vào sự chân thành của câu xin lỗi đó hay không?

    Năm 2016, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vị thứ Hà Nội đã tăng 10 bậc (lên thứ 14), được ghi nhận là kết quả từ nỗ lực cải cách hành chính. Nhưng với sự việc nói trên, ngay giữa phường Văn Miếu, ngay giữa Thủ đô mà cán bộ còn không hiểu nổi một nguyên tắc căn bản làm người “nghĩa tử là nghĩa tận”, còn giữ lối cung cách ứng xử như vậy thì bao nhiêu cố gắng xây dựng hình ảnh của chính quyền chẳng phải “đổ sông đổ bể” hay sao?!

    Dư luận xã hội đánh giá cao những phản ứng kịp thời của Chủ tịch TP Hà Nội, sự vào cuộc của cơ quan thanh tra nhằm làm rõ vấn đề. Chỉ mong sao, kết luận sớm được đưa ra, ai sai phạm đều phải bị xử lý.

    Bích Diệp

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here