VNTB – Hung hăng của Trung Quốc và “đồng minh quyền lực” của Việt Nam

0
18
Ảnh minh họa: Một tàu tuần duyên của Trung Quốc hoạt động trong vùng Biển Đông gần Scarborough, khu vực có tranh chấp chủ quyền với Philippines. Ảnh chụp ngày 14/05/2019. TED ALJIBE / AFP
VNTB-Nguyễn Hiền

(VNTB) – Lợi thế lớn của Việt Nam bấy giờ là cách mà chính quyền Donald Trump lưu tâm đến Biển Đông, và chính lưu tâm này đã đưa Mỹ trở thành một “đồng minh quyền lực” của Hà Nội.

Hung hăng không có điểm dừng của Trung Quốc

Việt Nam đang đối diện với thực tế khắc nghiệt, Trung Quốc với chủ nghĩa bành trướng đang ngày một hung hăng, và không có điểm dừng.

Trong một bài viết về Biển Đông mới đây trên Asiatimes cũng đã bày tỏ quan ngại về cách mà Bắc Kinh tiến hành, một cách không kiểm soát trên Biển Đông. Theo đó, gần nhất là vào tháng 7.2017, và tháng 3.2018, Trung Quốc đã đe dọa hành động quân sự nếu Việt Nam không ngừng thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp, kết quả Hà Nội đã ra quyết định nhượng bộ.

Dự án phát triển dầu khí trị giá 200 triệu USD với công ty Repsol của Tây Ban Nha nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) bị rút lại do áp lực của Trung Quốc.

Bắc Kinh tiếp tục lấn tới khi cho tàu thăm dò địa chất đến khu Bãi Tư Chính, cũng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng lần này Hà Nội có vẻ đã cứng rắn hơn, bằng loạt hành động đáp trả từ khiếu nại công khai bởi Bộ Ngoại giao đến kêu gọi quốc tế hỗ trợ.

Bài viết nhận định của Carl Thayer, một giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, cho biết, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã bị tấn công bởi các vòi rồng công suất cao và bị các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cắt ngang mặt. Mức độ căng thẳng gia tăng vào ngày 3.8, khi “một nguồn tin của Việt Nam” đã tiết lộ cho ông Carl Thayer biết, số tàu mà Bắc Kinh điều động đã lên 80.

Lý do Hà Nội cứng rắn đáp trả hơn đã thể hiện rằng, sau các sự cố trong năm 2017 và 2018, việc xoa dịu nhu cầu của Trung Quốc chỉ trải đường cho các hành vi hung hăng hơn sau đó.

Điều khá thú vị, bài viết sử dụng cụm từ “đồng minh quyền lực” trong mô tả mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ. Chưa dừng tại đó, Hà Nội cũng đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới với EU, và Nga – một quốc gia cũng đang có những “dấu hiệu ám chỉ” trong hỗ trợ Hà Nội liên quan đến thăm dò và hợp tác khai thác dầu mỏ.

Mối liên hệ “bạn bè quốc tế” như trên đã hình thành một đối sách của chính Hà Nội, trong đó liên kết ngành công nghiệp dầu mỏ với chính trị cường quốc có thể là cơ hội tốt nhất để giữ được sự cương quyết và chủ quyền. Và cũng vì vậy, Hà Nội đã đưa “quốc gia ngoài khu vực” vào trong khu vực, đặt dấu gạch cho quan điểm của Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người đã tuyên bố các quốc gia bên ngoài như Mỹ không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông.

Chủ nghĩa dân tộc và “đồng minh quyền lực” Mỹ

Nhưng Biển Đông còn có một câu chuyện sâu xa hơn, đó là chủ nghĩa dân tộc.

Cũng theo Asiatimes, sự quyết đoán của Trung Quốc được thúc đẩy, một phần, bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan do Chủ tịch Tập Cận Bình dung dưỡng. Nhưng không giống như ở Bắc Kinh, những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đang thua về khía cạnh này, khi tìm cách chặn đứng lại “nhân danh tình đoàn kết xã hội chủ nghĩa và hữu hảo láng giềng”, cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng, vốn được góp sức một phần bởi thương mại Trung Quốc.

Và ngày 6.8, một cuộc biểu tình của một nhóm nhỏ nhà hoạt động đã diễn ra trước đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và nhanh chóng bị công an giải tán, tạo chỉ dấu lớn, chủ nghĩa dân tộc vẫn đang tiếp tục nguội lạnh.

Lợi thế lớn của Việt Nam bấy giờ là cách mà chính quyền Donald Trump lưu tâm đến Biển Đông, và chính lưu tâm này đã đưa Mỹ trở thành một “đồng minh quyền lực” của Hà Nội.

Mới đây, Mỹ đã cho tàu sân bay USS Ronald Reagan đi vào Biển Đông như một cam kết về tự do hàng hải cho khu vực biển này. Đáp trả lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự gần quần đảo Hoàng Sa (đang xung đột chủ quyền giữa các quốc gia ở Biển Đông) vào thứ ba và thứ tư.

Trước đó, trong sách trắng quốc phòng được phát hành lần đầu tiên trong nhiều năm vào tháng trước, Trung Quốc đã nhấn mạnh một điểm nhấn mới về sự sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện quân sự trong điều kiện chiến đấu thực tế và các khả năng chiến đấu mới của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Và lần này, nội dung tập trận bao gồm cả lực lượng không quân tuần tra và chiến đấu ở Biển Đông.

Sự tham vọng lẫn khả năng quân sự hóa vùng Biển Đông gây cho Mỹ nhiều lo ngại, và mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Epser tuyên bố rằng ông muốn huy động tên lửa tầm trung đến các địa điểm ở châu Á – Thái Bình Dương trong vài tháng tới. Một kết quả được cho là nảy sinh từ khi Mỹ rút khỏi hiệp ước INF mà Trung Quốc cho rằng, đã “cố tình rút ra để đánh Bắc Kinh”.

Và cách mà Washington thực hiện đối với khu vực Biển Đông đang cho thấy, quan điểm “hòa bình thông qua sức mạnh” đang được thực hành một cách tuần tự và chặt chẽ. Chuẩn Đô đốc tàu sân bay Ronald Reagan, ông Karl Thomas, nói với các nhà báo trong chuyến đi qua vùng Biển Đông rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ giúp cung cấp an ninh và ổn định, thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao giữa các quốc gia yêu sách đối thủ.

“Chúng tôi chỉ nghĩ rằng mọi người nên tuân theo luật pháp quốc tế và sự hiện diện của chúng tôi cho phép chúng tôi cung cấp sự an toàn, ổn định mang tính nền tảng cho những cuộc thảo luận này diễn ra”, ông Thomas nói.

Quan điểm này của ông Thomas cực kỳ phù hợp với đối sách của Hà Nội, trong đó tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhằm thúc đẩy cuộc chiến pháp lý về chủ quyền biển đảo vẫn đang diễn ra (đặc biệt là Bộ ứng xử quy tắc vẫn đang trong tiến trình đàm phán). Đảm bảo một bối cảnh an ninh và ổn định cần thiết trong tiến hành đàm phán, và hạn chế thấp nhất các cuộc xung đột quân sự diễn ra giữa Hà Nội với Bắc Kinh. Đây cũng là cơ sở, để Hà Nội tiếp tục sử dụng các tàu dân sự và bán quân sự để loại bỏ tàu khảo sát của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế tại Bãi Tư Chính.

Khi Bắc Kinh càng tỏ ra ngược ngạo và hung hăng, thậm chí biểu hiện hiếu chiến như cách mà Chuẩn đô đốc Trung Quốc Luo Yuan thể hiện, với tuyên bố “cho thấy Mỹ sợ hãi như thế nào”, bằng việc đánh chìm các tàu sân bay Mỹ để thống trị Biển Đông càng đẩy Mỹ trở thành “đồng minh quyền lực” của Việt Nam, và gia tăng quyết tâm phản ứng cứng rắn với Trung Quốc trong nội bộ ĐCSVN.

Bản thân Mỹ cũng ứng xử một cách khéo léo, để tạo một sự an tâm nhất định cho phía Hà Nội, thay vì lo ngại bị cuốn vào “trò chơi của các nước lớn”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây nói rằng, Washington sẽ không yêu cầu bất kỳ quốc gia châu Á nào đứng về phía họ khi họ tham gia vào khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng và tích cực mở rộng yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông.

Chỉ cần “lợi ích hội tụ một cách tự nhiên”, trong đó chặn đứng các tham vọng mở rộng của Bắc Kinh, thì quan hệ Việt – Mỹ sẽ đi dần đến “đồng minh” cần thiết.