13-12-2021
Hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị đối với Phạm Đoan Trang
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc hình sự đối với nhà hoạt động nhân quyền và blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và phóng thích bà ngay lập tức. Ngày 14 tháng Mười hai năm 2021, một tòa án ở Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử bà về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 của Bộ luật hình sự năm 1999. Bà có thể phải nhận mức án tối đa tới 12 năm tù.
“Blogger năng động Phạm Đoan Trang phải đối mặt với đòn trả đũa nặng nề của chính quyền vì những hoạt động ủng hộ tự do biểu đạt, tự do báo chí và nhân quyền của bà trong suốt một thập niên,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Qua việc truy tố bà, nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy họ sợ các tiếng nói phê phán có ảnh hưởng đến thế nào.”
Công an bắt bà Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, vào ngày mồng 6 tháng Mười năm 2020 ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sau đó áp giải bà ra Hà Nội. Sau khi đưa ra cáo buộc, họ giam giữ bà hơn một năm trước khi xét xử mà không cho tiếp xúc với luật sư. Vụ khởi tố và ngược đãi bà Trang là sự vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, đã được Việt Nam phê chuẩn từ năm 1982.
Phạm Đoan Trang đã tham gia nhiều vụ tuần hành ôn hòa phản đối các chính sách của chính quyền. Bà tham gia biểu tình bên ngoài đồn công an và tại các sân bay khi các nhà hoạt động thân hữu bị câu lưu, tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, và góp phần đi đầu trong các cuộc tuần hành bảo vệ môi trường. Bà thể hiện tình đoàn kết với các nhà hoạt động bè bạn bằng cách cố gắng tham dự các phiên xử họ do chính quyền dàn dựng, và bất chấp các rủi ro nghiêm trọng với bản thân mình, bà tới thăm hỏi gia đình các nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ để giúp đỡ và động viên họ.
Lực lượng an ninh của chính quyền Việt Nam thường xuyên trấn áp, sách nhiễu và hành hung bà. Năm 2009, công an câu lưu bà chín ngày vì lý do “an ninh quốc gia.” Các nhân viên an ninh sau đó còn nhiều lần câu lưu và thẩm vấn bà cũng như quản chế tại gia để ngăn cản bà không được đi tham gia biểu tình hay gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài.
Từ tháng Tư năm 2015, sau khi bị chấn thương vì an ninh dùng vũ lực giải tán một cuộc biểu tình vì môi trường ở Hà Nội, bà đi lại khó khăn với một bên chân bị tập tễnh trông thấy. Tháng Chín năm 2015, bà tới đồn công an quận Hai Bà Trưng ở Hà Nội để phản đối việc giam giữ tùy tiện một người bạn là nhà hoạt động Lê Thu Hà, cùng với nhiều người khác. Ở đó, nhân viên an ninh đánh đập những người biểu tình, làm bà chảy máu miệng.
Tháng Năm năm 2016, công an câu lưu và cản trở bà không được đi gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama, người đã mời bà tham dự buổi gặp mặt các nhà hoạt động trong chuyến thăm Hà Nội của ông. Tháng Mười một năm 2017, bà bị câu lưu sau khi gặp gỡ một phái đoàn Liên Âu đang chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền song phương thường niên giữa EU và Việt Nam. Công an tiếp tục câu lưu bà vào tháng Hai và tháng Sáu năm 2018 và thẩm vấn bà về các bài viết và hoạt động. Tháng Tám năm 2018, các nhân viên an ninh giải tán một buổi hòa nhạc bà đang dự ở Thành phố Hồ Chí Minh, lôi bà ra ngoài và áp giải về một đồn công an, rồi thẩm vấn và đánh đập bà. Sau đó, họ bỏ bà ngoài lề đường, ở đó bà bị sáu người đàn ông mặc thường phục đánh đập.
Tháng Giêng năm 2020, Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động bè bạn công bố ấn bản đầu tiên của Báo Cáo Đồng Tâm để làm sáng tỏ vụ xung đột bạo lực vì đất đai ở xã Đồng Tâm. Tháng Sáu năm 2020, chính quyền bắt giữ ba người cộng tác của bản báo cáo, bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Công an cáo buộc họ về tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Tháng Năm năm 2021, một tòa án ở tỉnh Hòa Bình đưa Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư ra xét xử, kết luận họ có tội và xử mỗi người tám năm tù giam, cộng thêm ba năm quản chế sau khi mãn hạn tù. Trịnh Bá Phương vẫn đang bị công an tạm giam từ tháng Sáu năm 2020. Một tòa án ở Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử ông cùng với nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Nguyễn Thị Tâm vào ngày mồng 3 tháng Mười một năm 2021. Phạm Đoan Trang công bố ấn bản thứ ba của Báo cáo Đồng Tâm vào ngày 25 tháng Chín năm 2021.
Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng các bài viết của Phạm Đoan Trang từ tháng Mười một năm 2017 đến tháng Mười hai năm 2018 đã vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Bà bị cáo buộc đã tàng trữ bất hợp pháp các tài liệu tiếng Anh: 1) “Brief Report on the Marine Life Disaster in Vietnam” (“Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”); 2) “General Assessments on Human Rights Situation in Vietnam” (“Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”); 3) “Report Assessment of the 2016 Law on Belief and Religion in Relation to the Exercise of the Right to Freedom of Religion and Belief in Vietnam” (“Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”); và 4) Tài liệu tiếng Việt “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.” Theo cáo trạng, “các tài liệu này có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân.” Nhà cầm quyền cũng cáo buộc Phạm Đoan Trang tôi tham gia thảo luận bàn tròn trực tuyến trên BBC Việt ngữ và trả lời phỏng vấn trên Đài Tự do Á châu (RFA) Việt ngữ.
“Viết về thảm họa môi trường, vi phạm nhân quyền, vấn đề thiếu tự do tôn giáo, và trả lời phỏng vấn trên truyền thông quốc tế không phải là tội, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cứ khăng khăng kết luận như thế,” ông Robertson nói. “Lẽ ra chính quyền nên hoan nghênh việc bà Phạm Đoan Trang tìm hiểu về những việc làm sai trái, lạm dụng và lạm quyền, thay vì trừng phạt bà.”
Phạm Đoan Trang từng là biên tập viên của Tuần Việt Nam, một tờ tuần báo mạng thuộc VietnamNet, một trong những trang mạng nhiều độc giả nhất của Việt Nam. Bà đã viết và đăng nhiều bài báo cả trên mạng lẫn trên giấy in. Bà là đồng tác giả của cuốn Bóng, Tự truyện của một người đồng tính, một tác phẩm bán chạy năm 2008 viết về nạn kỳ thị đối với người đồng tính nam ở Việt Nam và khát vọng đòi quyền bình đẳng của họ.
Bà tham gia cuốn Việt Nam và Tranh chấp Biển Đông xuất bản năm 2012. Bà cũng đóng góp cho hai tác phẩm tự xuất bản khác là Anh Ba Sàm – cuốn sách về việc làm và việc bị bỏ tù của blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh; và Từ Facebook xuống đường – cuốn sách ghi chép lại các cuộc biểu tình và hoạt động nhân quyền ở Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2016.
Phạm Đoan Trang là một blogger trực ngôn, viết về nhiều chủ đề như quyền của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, nữ quyền, các vấn đề môi trường, tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nạn công an bạo hành, nạn đàn áp các nhà hoạt động và nhiều lĩnh liên quan tới pháp luật và nhân quyền. Bà vận động cho cải cách bầu cử và giáo dục nhân quyền. Các bài báo và bài viết blog của bà thường tập trung vào vai trò của báo chí truyền thông trong đời sống xã hội và chính trị.
Với sự trợ giúp của các blogger khác, bà viết và xuất bản trên blog của mình lịch sử vắn tắt của “giới blog” Việt. Bà đã tường thuật tại chỗ về các vụ bắt giữ tùy tiện và trái pháp luật đối với các nhà hoạt động, người biểu tình và blogger, và về vụ ép phải đóng cửa một tờ báo mạng. Bà thường xuyên động viên người dân sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm để khuếch trương phong trào xã hội dân sự bất bạo động đang phát triển.
Phạm Đoan Trang cũng kiên trì vận động cho một hệ thống tư pháp công bằng và tôn trọng quyền của người dân. Bà là biên tập viên của tờ báo mạng Luật Khoa Tạp Chí, nơi xuất bản nhiều bài viết và bài dịch liên quan tới luật sư và nhân quyền, về cuộc đấu tranh chống nạn ép cung nhận tội, việc chính quyền sử dụng vũ lực, nạn bạo hành gia đình, cải cách pháp luật ở Trung Quốc, các vụ án tử hình nổi tiếng ở Việt Nam, bảo vệ nguyên tắc vô tội cho đến khi có phán quyết của tòa án, và nhiều vấn đề khác nữa.
Phạm Đoan Trang cũng viết về các vấn đề quốc tế như phong trào dân chủ ở Hồng Kông – bà đã sắp xếp các sự kiện và vấn đề chính của chủ đề này theo tuyến thời gian cho những độc giả Việt Nam không đọc được ngoại ngữ, hay tình trạng khủng hoảng nhân quyền ở Crimea. Về cả hai chủ đề này, bà cũng đã dịch các bài báo tiếng Anh về các vấn đề nói trên ra tiếng Việt, được nhiều người khác đăng tải ở Việt Nam.
Các việc Phạm Đoan Trang làm cũng hướng tới mục đích thu hút sự chú ý của quốc tế về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Blog của bà có đăng bản dịch ra tiếng Anh của các bài bà viết bằng tiếng Việt, trong đó có các lời kêu gọi phóng thích tù nhân chính trị. Ngoài ra có các bài viết khác bằng tiếng Anh như “Tường thuật về vụ Đàn áp các Blogger kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế ở Việt Nam,” “Vi phạm nguyên tắc khi Việt Nam trao trả những di dân người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc?” “Kiểm duyệt Báo chí ở Việt Nam,” và “Lược sử Phong trào viết blog ở Việt Nam.” Bà cũng là đồng biên tập của trang mạng Vietnam Right Now bằng tiếng Anh, nhằm mục đích cung cấp “thông tin khách quan, chính xác và kịp thời về tình hình chính trị xã hội hiện nay ở Việt Nam.”
Tháng Hai năm 2019, Phạm Đoan Trang tham gia sáng lập Nhà Xuất bản Tự do, nơi phát hành một loạt sách phi hư cấu của các tác giả Việt Nam về các chủ đề như khoa học chính trị, chính sách công và các vấn đề xã hội khác, như Chính trị của nhà nước công an trị, Phản kháng phi bạo lực, Chính trị bình dân, Những mảnh đời sau song sắt và Cẩm nang nuôi tù. Chính quyền coi những ấn phẩm này là nhạy cảm và đã ngăn cấm việc phát hành trên thực tế. Bà đã rời nhà xuất bản vào tháng Bảy năm 2020. Tháng Năm năm 2021, công an tuyên bố đã bắt một người vì bị cho là đang phân phối các đầu sách do Nhà Xuất bản Tự do phát hành.
“Chính quyền Việt Nam không bị truy cứu trách nhiệm gì về nhiều thập niên đàn áp những người lên tiếng phê phán như bà Phạm Đoan Trang,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Australia và Nhật Bản cần chấm dứt việc ém nhẹm những vi phạm nhân quyền có tính hệ thống của Việt Nam.”