Theo tác giả Bennet Murray trên trang Politico, năm mươi năm sau bước ngoặt của cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền cộng sản vẫn dập tắt các cuộc tranh luận về những kỷ niệm đau thương này.
Ngọc Đại là một người lính quân đội nhân dân 23 tuổi, đang chiến đấu chống lại người Mỹ gần căn cứ Khe Sanh bị bao vây, khi đơn vị ông nhận được một mệnh lệnh gây phấn khích. Họ sẽ ra khỏi rừng rậm, “giải phóng” cố đô Huế ở miền Trung và khởi động một cuộc nổi dậy trên toàn quốc.
Đó là ngày 30 tháng Giêng năm 1968, ba năm sau khi tổng thống Lyndon B.Johnson ra lệnh gởi 125.000 quân Mỹ đến Việt Nam để ngăn không cho cộng sản chiếm được miền Nam, và phần còn lại của Đông Nam Á.
Đại và các đồng chí của mình nhìn sự kiện này theo kiểu khác: với lòng tự hào dân tộc, họ có sứ mệnh thống nhất Việt Nam, tung ra cuộc tấn công bất ngờ vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Mỹ, mà nay được biết đến với tên cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (Tet Offensive).
Ông Đại, năm nay 73 tuổi, khi trả lời phỏng vấn tại nhà ở Hà Nội vào tháng Giêng đã nói: “Lòng căm thù của người lính miền Bắc là rất lớn. Tất cả các chiến sĩ đều tin rằng chúng tôi sẽ giải phóng được toàn bộ đất nước”.
Nguyễn Quý Đức, năm đó mới 9 tuổi, có kỷ niệm khác hẳn về dịp đầu năm 1968. Đức về thăm gia đình nhân dịp Tết nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Cha của anh là một tỉnh trưởng, đang cố gắng duy trì tình hình có vẻ bình thường, tại miền Nam đang bị chiến tranh hoành hành.
Lệnh ngưng bắn đã được thỏa thuận trong dịp Tết, với đa số quân nhân VNCH được về phép. Có nghĩa là một tuần lễ được nghỉ xả hơi trong thời chiến. Nhưng khi đang ngủ trong nhà của người ông, Đức bị những tiếng súng nổ đánh thức vào lúc một giờ sáng. Những người lính có nhiệm vụ bảo vệ gia đình đã biến đâu mất, xung quanh là những người đàn ông nói giọng miền Bắc.
“Mẹ tôi ra cửa và nói: “Tôi có hai cháu nhỏ ở đây”. Người bộ đội trả lời: “Chúng tôi sẽ bắn bất kỳ ai trông thấy, nếu bà không nói với chúng tôi về tất cả mọi người trong nhà”. Đức kể lại như thế, trong một nhà hàng hiện ông đang sở hữu ở Hà Nội. Đức nhìn thấy người cha bị dẫn đi và tin rằng ông sẽ bị sát hại, trong khi những người còn lại trong gia đình chen chúc dưới một căn hầm suốt nhiều ngày, cho đến khi được lính Mỹ và VNCH cứu thoát.
Tranh luận ở Mỹ, im lặng tại Việt Nam
Vào dịp kỷ niệm 50 năm, cuộc tiến công Tết Mậu Thân tại Huế và nhiều nơi khác được tranh luận và mổ xẻ trên báo chí, sách vở ; các cuộc hội nghị, chương trình truyền hình và triển lãm được tổ chức trên toàn nước Mỹ, nơi mà sự kiện này đã khiến cho dư luận trở nên chống đối chiến tranh. Nhưng tại Việt Nam, việc kỷ niệm thời điểm lịch sử – diễn ra trong dịp Tết năm nay vào ngày 16/2 – lại khác, nếu không nói là hoàn toàn khác. Và việc các ông Đại và Đức chấp nhận chia sẻ những kỷ niệm là khá hiếm hoi, trong một đất nước mà sự kiện này hiếm khi được công khai thảo luận.
Mặc cho những cải cách dần dà về thị trường của Hà Nội, và tình hữu nghị đang tăng lên với Hoa Kỳ, những chia rẽ lâu nay giữa miền Bắc và miền Nam còn khá sâu đậm ở Việt Nam. Đối với hàng triệu người miền Nam vẫn coi mình là bên thua cuộc trong chiến tranh, cùng với một số ít người miền Bắc nuối tiếc chế độ cộng sản, dịp kỷ niệm này là lời nhắc nhở đau thương về một quá khứ đau buồn.
Politico nhận định, những ai đã từng sống qua Tết Mậu Thân đều e ngại nói ra, trong một đất nước mà điều luật mơ hồ về tuyên truyền chống Nhà nước có khung hình phạt đến 20 năm tù. Hàng loạt vụ thanh trừng đã xảy ra tại Huế -thành phố nằm trong số những chiến trường đẫm máu nhất – nhưng chính quyền tránh không đề cập đến : chủ đề người Việt giết người Việt quá nhạy cảm.
Khởi đầu cho dịp kỷ niệm 50 năm tổng tấn công Tết Mậu Thân, có rất ít dấu hiệu được tuyên truyền rộng rãi. Thay vào đó, các áp-phích ở Hà Nội, vốn là nét đặc trưng trên khắp các đường phố, lại chào mừng 88 năm ngày thành lập Đảng 3/2. Lễ kỷ niệm chính thức Tết Mậu Thân 1968 diễn ra dưới dạng một bữa tiệc linh đình dành cho các cán bộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh, với các màn trình diễn văn nghệ.
Theo ông Nguyễn Quang A, 72 tuổi, một doanh nhân về hưu và cựu đảng viên đã trở thành một nhà ly khai ở Hà Nội, ký ức về Tết Mậu Thân chỉ được công khai nói đến bằng những từ ngữ mơ hồ. “Tôi nghĩ rằng Đảng muốn chôn vùi mọi kỷ niệm cũ, vì nó làm suy yếu tính chính danh của họ”.
Còn ông Đức, mà người cha là viên chức dân sự đã bị cầm tù 12 năm và không hề được xét xử, nói rằng thảm kịch không được biết đến rộng rãi này là hết sức đáng đau buồn. “Thật đau khổ khi đi một vòng, gặp gỡ nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, mà họ không hề hay biết về những gì đã xảy ra”.
Hầu hết những câu chuyện về trận đánh và các vụ thanh trừng ở Huế, chỉ được chia sẻ một cách an toàn bên ngoài Việt Nam. Nhưng trong những tuần lễ gần đây, tác giả bài viết đã tìm được một ít nhân chứng lớn tuổi, chấp nhận kể lại một cách thẳng thắn. Đặc biệt là họ chưa bao giờ thổ lộ về những kỷ niệm đẫm máu năm 1968.
Trận đánh Huế, rất dữ dội từ ngày 30 tháng Giêng cho đến tận đầu tháng Ba, là trung tâm của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Trong khi những thành phố khác được tái chiếm sau vài ngày, Huế lại bị chiếm đóng hầu như toàn bộ, chỉ có những nhóm nhỏ thủy quân lục chiến Mỹ và lính VNCH chống chọi với quân Bắc Việt trong trận chiến khốc liệt kéo dài cả tháng trời.
Huế và khói nhang Mậu Thân
Trong trận tiến công Huế, có 216 quân nhân Mỹ, hầu hết là thủy quân lục chiến, đã bị tử trận khi giành giật từng căn nhà một. Quân cộng sản chiến đấu kịch liệt, theo chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh”, tức tiến sát phòng tuyến của Mỹ để tránh bị dội pháo. Quân Bắc Việt có 2.400 người chết, còn phía VNCH có 452 quân nhân tử trận. Dù quân cộng sản buộc phải rút khỏi Huế, nhưng khả năng giữ được thành phố lâu như thế đã ảnh hưởng đến tuyên bố của chính quyền Johnson là chiến thắng sắp đến gần.
Ông Đức nhắc nhở rằng dù nhiều người Huế không hài lòng về sự hiện diện của người Mỹ tại Việt Nam, nhưng đã hoan nghênh việc quân Mỹ tham dự vào trận đánh và truy quét quân Bắc Việt, cho đến khi họ quay lại vào năm 1975.
Các vụ quân cộng sản giết hại hàng loạt thường dân Huế bị che giấu tại Việt Nam. Chính quyền chỉ mơ hồ nhìn nhận một số “sai lầm” trong trận chiến, và nhất quyết không chịu công nhận tính chất “thảm sát” như bên ngoài đều gọi. Những tin tức đầu tiên về các vụ sát hại này là từ các nghiên cứu của Mỹ, được tiến hành ngay sau trận chiến. Các hố chôn tập thể được phát hiện xung quanh thành phố. Nhiều người bị trúng đạn hoặc là nạn nhân của những quả bom đã san bằng Huế, những người khác bị trói và bị hành quyết, và một số trường hợp rõ ràng là bị chôn sống. Theo ước tính chính thức của VNCH, có 4.856 người bị sát hại tùy tiện ; còn theo Douglas Pike, một viên chức ngoại giao Mỹ nghiên cứu về trận đánh Huế, thì con số này là 2.800 người.
Ông Mark Bowden, tác giả cuốn “Huế 1968: Bước ngoặt cho cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam”xuất bản năm 2017, cho Politico biết ông ước tính khoảng 2.000 người đã bị sát hại trong một kế hoạch “thanh trừng” đã được định sẵn đối với những người làm việc cho chế độ miền Nam, cho dù ông tin rằng con số thực sự sẽ không bao giờ được biết đến. Bowden nói: “Chắc chắn là mỗi người mà tôi phỏng vấn, từ Việt Cộng, bộ đội Bắc Việt cho đến dân sự, không ai chối cãi những gì đã diễn ra. Điểm tranh cãi duy nhất là có bao nhiêu người đã chết”.
Ông Trương Văn Quý, một người dân Huế 74 tuổi, sống bằng nghề dạy đàn ghi-ta, là một phóng viên trẻ của báo VNCH trong trận chiến Tết Mậu Thân. Khi tin tức về vụ tấn công lan ra, ông đã từ Saigon ra Huế, và tận mắt thấy thảm cảnh. Trong khi gia đình ông vốn làm việc cho người Mỹ, đã chạy trốn được an toàn, nhiều người láng giềng không có được cái may mắn ấy. Ông Quý nhớ lại: “Tôi thấy những xác người được đưa ra khỏi hố chôn tập thể, họ đã bị chôn sống”.
Ông Đại, người bộ đội miền Bắc, nay là nhà soạn nhạc và nằm trong số tương đối ít các công dân Việt Nam công khai kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng, nhớ lại đã thấy có những người bị bắt và đẩy lên xe. Cấp trên nói với ông là những người này làm việc cho chính phủ VNCH, còn những người đi lùng bắt thuộc một “đơn vị bí mật”. Đại không biết số phận những người tù này ra sao, nhưng các đồng đội ông được lệnh: “Đưa ra xe, những người này cần phải được đưa đi cải tạo”… “Tôi nghe sơ qua từ những bộ đội khác là họ có nhiệm vụ đào một hố chôn tập thể”.
Ông Đức, đã di tản sang California năm 1975 và nhập quốc tịch Mỹ, trở về Việt Nam năm 2006, cố tránh đến Huế trong những ngày này. Nêu ra thuật ngữ trong văn hóa Việt, vốn tin tưởng sâu sắc vào những hiện tượng siêu nhiên, ông nói rằng các “hồn ma” vẫn vất vưởng trên thành phố. “Bạn đến một góc nào đó trên đường phố, và bạn nhớ ra rằng có một ngôi mộ ở đây vào năm 1968”.
Nhà sư Trần Viết Mẫn, 54 tuổi, trụ trì chùa Viên Quang ở Huế nói, những ký ức về Huế vẫn sống động, tục lệ thờ cúng tổ tiên thấm đẫm trong xã hội Việt Nam. Các thành viên trong gia đình của người quá cố hiện vẫn yên lặng cúng bái người thân tại nhà. Ông Mẫn nói rằng người dân Huế đã có được “hòa bình”, nhưng vẫn chưa đạt được “thái bình” trong tâm tưởng. “Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hòa bình vẫn chưa hoàn toàn đến”.
Nhà ly khai Nguyễn Quang A so sánh sự e dè của chính quyền Việt Nam trong việc nhìn nhận quá khứ, với thời kỳ hòa giải kéo dài sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh, việc hàn gắn vết thương cần có thời gian, ngay cả trong các xã hội dân chủ “vẫn còn là vấn đề”giữa các tiểu bang miền Bắc và miền Nam nước Mỹ.
Theo Politico, các nỗ lực hòa giải hầu như không hiện hữu tại Việt Nam. Nửa thế kỷ sau tổng tiến công Tết Mậu Thân, đảng Cộng Sản vẫn khăng khăng là không có nội chiến. Bày tỏ quan điểm khác dễ bị chụp mũ là “phản động”, với hậu quả là từ thất nghiệp cho đến những bản án tù lâu dài.
Ông Đức giải thích: “ Theo luận điệu tuyên truyền thì đảng đã lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ. Nhưng nói rằng không có nội chiến, là làm ngơ việc ba triệu người Việt đã ngã xuống khi cầm súng bắn lẫn nhau, điều đó làm tôi đau khổ và phẫn nộ”.
(Theo Thụy My RFI)