Anh Quang Phan (thành viên của nhóm Cổ sử – Từ nguyên) vừa có một bài thú vị về bánh chưng bánh tét, trong đó tác giả viết: “Cũng phải nói rõ ràng rằng như xăm mình, ăn trầu nhuộm răng đen, bánh Chưng, bánh Tét không phải riêng của người Kinh Việt. Ấy là tạo tác chung của cư dân Nam – Bắc Trường Giang Đông Nam Á cả lục địa và hải đảo.
Thế nên ta mới bắt gặp cái mẫu số chung rằng cũng là gạo nếp, thịt lợn đậu xanh, lá dong (lá chuối) cũng gói cũng luộc. Có khác chăng bánh chưng Trung Quốc có thêm Đậu Đỏ, Táo Mật, cũng có khi có vị ngọt khá đậm. Bánh Tét Nghệ An thì có khi chỉ toàn nếp, bánh Tét người Cham có cả lạc (Đậu Phộng), bánh dâng cúng thì không có thịt lợn”. Các bạn có thể đọc toàn văn ở (1).
Tôi muốn nói thêm về cái tên bánh chưng, bánh tét này, nhìn từ quê tôi (một làng thuộc Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Quê tôi trước đây không gọi “bánh chưng, bánh tét” như mọi người đang gọi bây giờ, mà gọi là “bánh chìa, bánh ống”. Đến nay, dù trước cơn bão “phổ thông hóa ngôn ngữ”, lớp trẻ đã gọi theo tên phổ biến nhưng lớp người lớn tuổi từ bố tôi trở lên vẫn gọi bánh chìa, bánh ống. Cách gọi này không phải của riêng làng tôi, có rất nhiều nơi đều gọi như thế, thậm chí có cả những vùng không thuộc Thanh Hóa. Tác giả Quang Phan trong bài viết đã dẫn cũng cho biết, người Mường cũng gọi “bánh Ống”. Ở đây, Thanh Hóa và Mường, và cả cái họ của tôi nữa, đều gợi một cái gì rất gần gũi Kinh – Mường.
Gọi là “bánh ống” vì có lẽ hình dạng của bánh giống cái ống (đặt nằm ngang hoặc bịt đầu), như ống tre, ống bương, ống luồng… Nếu Trung và Bắc gọi là CÁI bánh [ống] thì Nam (vùng Bình Phước tôi từng ở) gọi là ĐÒN bánh [tét]. Chữ ĐÒN và chữ ỐNG về hình dạng là giống nhau, cũng là trụ tròn.
Về chữ “tét” trong bánh tét (theo cách gọi của miền Nam), tôi đoán (vì chưa có điều kiện nghiên cứu) rằng nó có liên quan mật thiết với hành động cắt bánh. Đối với loại bánh ống này thì trước tiên là lột vỏ ở một đầu, rồi dùng dây lạt đã tước nhỏ để “tét” thành từng khoanh. Đến nay quê tôi vẫn dùng chữ “tét” để chỉ hành động cắt bánh này (Trong nói năng tự nhiên, làng tôi không ai nói “cắt bánh” [ống] bao giờ, chỉ nói “tét bánh”. Đây cũng là một hiện tượng khá phổ biến khi tên gọi của hành động đồng nhất với tên của đồ/ vật: cày, bừa, đục, cưa… (vừa là danh từ, vừa là động từ). Phải chăng, cái tên “bánh tét” cũng được sinh ra theo cùng một quy tắc như vậy?
Về chữ “chìa” trong bánh chìa (phổ thông gọi là bánh chưng) thì tôi chưa tìm được “gốc tích” và cũng chỉ suy đoán rằng, có thể cũng như tên gọi “bánh ống”, nó cũng gắn với hình dạng của bánh. “Chìa” để chỉ cái góc nhô ra (“chìa ra ba góc”), mà bánh chìa thì có 4 góc. Phải chăng chính vì hình dáng có góc này mà người dân ở một số vùng thuộc Thanh Hóa xưa mới gọi bánh chưng là bánh chìa?
2.
Khi dân Đàng ngoài di cư vào Đàng Trong suốt mấy trăm năm cho đến khi định hình lãnh thổ như ngày nay chúng ta thấy, có thể cư dân bản địa ở trong đó cũng đã có bánh chìa/ bánh chưng, bánh ống/ bánh tét rồi. Nhưng cũng có thể là do dân Đàng Ngoài mang vào. Và khả năng này là cũng rất cao. Vì sao? Tôi hỏi một số người lớn lứa tuổi bố và ông nội tôi, thì đều nhận được câu trả lời rằng thời các cụ còn bé chủ yếu là bánh ống, còn bánh chìa (tức bánh chưng) rất ít, thậm chí có nhà không làm. Một nồi bánh to chỉ có một vài cặp bánh chưng mà thôi, và dùng để đặt trên bàn thờ. Cũng theo Quang Phan, bánh chưng là sản phẩm của Kinh Lộ (vùng kinh thành và dọc đường lộ miền duyên hải Đại Việt), còn vùng Thanh Nghệ là bánh ống (tét). Ta có thể đoán rằng bánh chưng “di cư” từ Bắc vào Thanh Nghệ khá muộn và vẫn chiếm một vị trí khiêm tốn đến tận hôm nay như ở làng tôi khi mà trong nồi bánh nó vẫn thường ít hơn bánh ống (tét).
Lại nữa, ở miền Nam chủ yếu là bánh tét, đến mức gần như bánh chưng đến nay vẫn rất khó “chen chân” vào để có một vị trí khiêm tốn, điều này phải chăng có quan hệ với di dân Thanh Nghệ vào Nam từ thủa xưa? Vì dân Thanh Nghệ vốn chỉ có bánh ống nên khi vào Nam thì họ mang theo loại bánh ấy? Nếu điều này là đúng thì vẫn còn một câu hỏi cần trả lời là “Tại sao từ “bánh ống” mà khi vào Nam nó lại biến thành “bánh tét”?, trong khi chữ “tét” vẫn được dùng ở vùng Thanh Hóa để chỉ hành động cắt bánh nhưng lại không biến thành tên gọi của bánh.
Đêm ngồi nấu bánh chưng cùng anh Hoàng Tuấn Công trong núi lạnh, tôi mang cái suy nghĩ vẩn vơ của mình về tên bánh ra hỏi anh, anh cũng cho biết: Bố anh, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ, cũng nói rằng bánh ống cổ hơn bánh chưng, cái bánh chưng là có sau.
Phải chăng đã có một cuộc “di cư” như sau của bánh chưng, bánh tét: Bánh chưng di cư từ Bắc vào Thanh Nghệ (là địa bàn của bánh ống/ tét); bánh ống/ tét từ Thanh Nghệ lại di cư vào miền Nam? Và bánh chưng đã rất khó đi tiếp để “an cư lạc nghiệp” ở miền Nam khi mà ngay đến cả lúc dừng chân ở miền Trung nó đã không thể chiếm được một vị trí đủ lớn để đánh bại bánh ống?
Trên đây chỉ là những “suy luận” cá nhân, bàn tán cho vui trong lúc đang ngồi nấu bánh chưng (mà thực ra phải gọi là nấu bánh ống mới đúng, vì bánh ống trong chiếc nồi kia vẫn chiến số lượng áp đảo.
Dù sao đi nữa, chút nghĩ ngợi lan man này cũng mang đến cho tôi cái nhìn rằng văn hóa Việt Nam do gắn với đa sắc tộc và những biến động lịch sử liên miên, dữ dội, nên đã làm thành một bức tranh thật nhiều màu sắc, đẹp đẽ, đáng để cất công tìm kiếm, gìn giữ và phát triển. Và dù đến từ đâu, người Việt vẫn là anh em một nhà, ngôi nhà văn hóa đã trải qua biết bao thăng trầm, kết đọng…
(1) https://www.facebook.com/song.han…/posts/7160024910743973
Thái Hạo
I just could not leave your web site before suggesting that I really enjoyed the standard information a person supply to your visitors Is gonna be again steadily in order to check up on new posts