VAI TRÒ CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TRONG VIỆC SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ TẠI NƯỚC MẶN, BÌNH ĐỊNH

    0
    128
    (Hình: với Lm. Gioan Võ Đình Đệ-tác giả bài viết-ở TGM Quy Nhơn, 2019)

    (Nhận thấy bài viết có nhiều thông tin quí giúp hiểu thêm cái nôi khai sinh chữ Quốc ngữ. Xin phép linh mục Gioan Võ Đình Đệ cho đăng lại…)

    Chữ quốc ngữ chúng ta đang sử dụng như dòng sông không ngừng chảy trong lòng dân tộc suốt gần 400 năm nay. Cây có cội, sông có nguồn. Ngay từ cội nguồn và cho đến hôm nay, “dòng sông quốc ngữ” ấy đã, đang được nhiều người qua nhiều thế hệ không ngừng khai thông, chắt lọc, giữ gìn, bồi đắp cho dòng quốc ngữ được trong hơn, được sáng hơn, được hữu ích hơn cho đời sống dân Việt của mình. Cuộc hội thảo hôm nay là một chứng từ sống động về nỗ lực của mỗi người chúng ta, cách nầy cách khác, góp phần vào việc khai thông, chắt lọc, giữ gìn, bồi đắp ấy.

    Đâu là cội nguồn phát tích của “dòng sông quốc ngữ”? Đó là một vấn đề đã được nhiều người qua nhiều thế hệ quan tâm nghiên cứu. Với tư cách một người con đất Việt đang được thừa hưởng giá trị tinh thần và được lớn lên từ hoa quả của “dòng sông quốc ngữ”, hôm nay chúng tôi xin được trình bày đề tài “VAI TRÒ CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TRONG VIỆC SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ TẠI NƯỚC MẶN, BÌNH ĐỊNH “. Đây là một nỗ lực mày mò tìm về cội nguồn chữ quốc ngữ, một cội nguồn có điểm xuất phát với một độ dài thời gian đã nghót nghét 400 năm. Đi ngược lại độ dài thời gian như thế để tìm tới nguồn cội quả là một thách đố đối với khả năng hạn hẹp và với phương tiện “một chiếc thuyền nan” ọp ẹp mỏng manh của mình. Do đó đề tài của chúng tôi ở đây như một góp phần nhỏ mọn trong việc tìm về nguồn cội chữ quốc ngữ. Chúng tôi xin cám ơn trước những học giả cao minh sẵn lòng chỉ giáo cho những điều còn thiếu sót.

    Chúng tôi xin trình bày đề tài với những nội dung sau đây :

    PHẦN I: CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẾN ĐÀNG TRONG

    1. Xác định một số vấn đề

    – Về địa hành chánh
    Nước Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ và có rất nhiều tên gọi khác nhau. Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi xin được dùng Việt Nam thay cho những cách gọi khác nhau trong các thời kỳ lịch sử.
    Sông Gianh – Nguồn Son, còn gọi là Linh Giang, trở thành ranh giới chia nước Việt Nam thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Cho dù địa giới Đàng Trong và Đàng Ngoài được xác lập từ năm 1627, tuy nhiên trong bài nầy xin được dùng Đàng Trong và Đàng Ngoài như là địa giới thuộc quyền chúa Nguyễn và chúa Trịnh từ năm 1600.
    Vào thế kỷ XVI, tại Đàng Trong, đã ra đời các đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại như phố cảng Hội An (Quảng nam), phố cảng Thanh Hà (Huế), phố cảng Nước Mặn (Qui Nhơn). Các phố cảng nầy chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ ngoại thương của các chúa Nguyễn. Đặc biệt Hội An và Nước Mặn là hai phố cảng gắn liền với lịch sử truyền bá Kitô giáo ở Đàng Trong.

    – Về địa tôn giáo
    Ngày 23/01/1576 giáo phận Macao được thành lập, gồm Nhật Bản, Macao, Trung Hoa, Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan. Lúc bấy giờ các tu sĩ Dòng Tên đã có một trung tâm được thành lập từ năm 1564-1565 tại Macao. Năm 1611, Tỉnh dòng Tên Nhật Bản được thành lập, Việt Nam thuộc vùng hoạt động truyền giáo của tỉnh dòng Nhật Bản. Ngay từ đầu, tầm ngắm truyền giáo của tỉnh dòng là Trung Hoa và Nhật Bản. Các nước nhỏ trong vùng như được bỏ ngõ cho các dòng khác. Từ cuối thế kỷ 16, có một số đoàn thừa sai của các dòng như dòng Phanxicô Tây Ban Nha, dòng Augustinô, dòng Đa Minh, nhờ theo các thương thuyền đã đến Quảng Nam và Thuận Hóa. Tuy nhiên, các thừa sai nầy chủ yếu chỉ làm linh hướng cho các thủy thủ trên các thương thuyền. Việc truyền giáo chưa bén rễ được. [1]
    Từ năm 1615, với các thừa sai Dòng Tên, công cuộc truyền giáo tại Đàng Trong có tổ chức và liên tục, các bản tường trình về khu truyền giáo được ghi ký rõ ràng. Nhờ đó, chúng ta có được những tài liệu chắc chắn và đầy đủ hơn.

    2. Cơ duyên cho các thừa sai dòng Tên ở Macao đến Đàng Trong.
    Ngày 27/01/1614, sắc lệnh cấm đạo ở Nhật được ban hành. Tất cả thừa sai bị trục xuất, thừa sai Dòng Tên ở Nhật về Macao. Chính sách bế quan tỏa cảng của Hoàng đế Nhật mỗi ngày một chặt chẽ. Không hy vọng có thể ẩn trốn ở đất Nhật một cách dễ dàng, các thừa sai ở Nhật tập trung về Macao rất đông, Bề trên Tỉnh dòng ở Macao đang lúng túng tìm hướng giải quyết vấn đề nhân sự.
    Giữa lúc đó thì có mấy thương gia người Bồ, trong đó có ông Ferdinand Costa trình bày cho Bề trên Tỉnh dòng về hoàn cảnh các kitô hữu Nhật đang tá túc ở Đàng Trong và môi trường thuận lợi cho việc truyền giáo ở Đàng Trong. [2] Dạo đó, tại cửa Hội An, việc thương mại giữa Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản đã rất sầm uất. Thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản được chúa Nguyễn cho qui tụ làm hai khu riêng biệt tại Hội An, được tổ chức theo luật lệ và phong tục của mỗi nước.
    Nghe biết câu chuyện, Bề trên dòng Tên ở Macao cử một đoàn thừa sai đến Đàng Trong, linh mục Buzomi làm trưởng đoàn.

    3. Đoàn thừa sai dòng Tên đầu tiên từ Macao đến Đàng Trong
    Trong mối quan hệ thương mại, các chúa Nguyễn đã có nhiều ưu ái đối với Nhật Bản. Một số kitô hữu là thương nhân Nhật Bản đã đến Hội An qua mối quan hệ thương mại Việt-Nhật đó. Ngoài ra, trong lúc ở Nhật bị cấm đạo, tận dụng sự ưu đãi của các chúa Nguyễn, các kitô hữu Nhật tìm đến Hội An vừa để tránh sự bách hại đang xảy ra tại Nhật, vừa kiếm kế mưu sinh. Như vậy, trước khi đoàn thừa sai dòng Tên từ Macao đến Cửa Hàn, tại Hội An đã có một số Nhật kiều kitô hữu. Sự kiện nầy được linh mục Đắc Lộ kể: “Hoàng đế Nhật đã nghiêm khắc cấm mọi công dân phải bỏ hết thương mại vì biết có rất nhiều giáo dân. Kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, họ đã kéo nhau lũ lượt đi, nhất là vào mùa chay, và cả ngoài mùa này nữa, mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội với các cha dòng biết nói tiếng Nhật và rước lễ, và mỗi lần có tới ba hay bốn chiếc tàu. Họ tự do đi, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ tiếp tục và rất được mãn nguyện và yên ủi về thiêng liêng”. [3]
    Vừa để phục vụ sinh hoạt tôn giáo cho những kitô hữu Nhật kiều nầy, vừa đáp lại thỉnh cầu của các thương nhân Bồ Đào Nha về việc truyền giáo cho cư dân Đàng Trong, các thừa sai dòng Tên tại Macao sẳn sàng lên đường. Nhờ thương thuyền ông Ferdinand Costa, ngày 18/01/1615, đoàn truyền giáo tới Cửa Hàn (Đà Nẵng).
    Lúc bấy giờ các thương nhân Bồ Đào Nha được các chúa Nguyễn cho phép xây dựng thương điếm ở Hội An như người Nhật, như người Trung Hoa, nhưng người Bồ không thực hiện. [4] Ở đây chỉ nêu lên sự kiện lịch sử, thương thuyền Bồ Đào Nha cập bến Cửa Hàn vào ngày 18/01/1615, trong đó có đoàn thừa sai dòng Tên. Các thừa sai cập bến Cửa Hàn, lập nhà thờ tại Cửa Hàn, bắt đầu làm việc tại Cửa Hàn. [5]

    4. Các thừa sai dòng Tên thành lập các cư sở truyền giáo tại Đàng Trong :

    4.1. “Trú sở” Cửa Hàn :
    Đoàn thừa sai đầu tiên đến Cửa Hàn vào ngày 18/01/1615 gồm :
    – Linh mục Buzomi, Ý, Bề trên miền truyền giáo, rời Đàng Trong 1634
    – Linh mục Carvalho, Bồ Đào Nha, rời Đàng Trong 1616
    – Tu huynh Antonio Diaz, Bồ Đào Nha, rời Đàng Trong 1639
    Mục đích các thừa sai đến Đàng Trong là để phục vụ các nhu cầu tôn giáo cho số Nhật kiều kitô hữu. Tuy nhiên, trong khi làm mục vụ cho cộng đoàn kitô hữu Nhật kiều, các thừa sai đầu tiên dưới sự lãnh đạo của linh mục Buzomi nhận thấy “cơ duyên” có thể thực hiện việc truyền giáo cho cư dân trong vùng. “Cơ duyên” nầy là một tin tốt lành được gởi về Bề trên Tỉnh dòng ở Macao.
    Liền sau đó cho đến năm 1620, Bề trên nhà dòng ở Macao cử thêm các thừa sai đến Đàng Trong, đáng chú ý đến các thừa sai :
    – Linh mục François de Pina, Ý, 1617- mất tại Đàng Trong 1625 [6]
    – Linh mục Cristophoro Borri, Ý, 1618-1622
    – Linh mục Pierre Marquès, Nhật, 1618-1665, từ 1627-1663 ra vào Đàng Trong nhiều lần, và làm Bề trên cộng đoàn nhiều lần. [7]
    Các thừa sai đến Cửa Hàn, làm nhà thờ và nhà ở tại Cửa Hàn nhưng theo các bản báo cáo thường niên của các thừa sai từ năm 1615 đến 1620 mà chúng tôi hiện có, [8] cũng như những sử liệu khác liên quan đến việc các thừa sai dòng Tên hiện diện và hoạt động ở Đàng Trong từ năm 1615 đến năm 1617, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói đến việc thành lập một cư sở (Residentia) tại Đàng Trong theo Hiến pháp của Dòng. [9] Hoạt động của các thừa sai liên quan đến giai đoạn nầy chỉ được các sử liệu đề cập đến là giáo điểm truyền giáo Đàng Trong (Missione di Cocincina).
    Chi tiết “đưa về Hội An” Trong tường thuật của linh mục Borri: “linh mục Pina và tu huynh người Nhật được một ít giáo dân Nhật bí mật đưa về Hội An”[10] cho ta biết sự cố xảy ra tại Cửa Hàn (1617), lúc nầy nhà thờ Cửa Hàn và nhà ở của các thừa sai bị dân chúng đốt sạch. Các thừa sai xuống thuyền ra đi theo lệnh chúa Sãi tại Cửa Hàn. Mọi sự xảy ra tại Cửa Hàn. Lại nữa, sau khi ông Trần Đức Hòa qua đời, việc tài trợ đời sống hằng ngày cho các thừa sai ở Nước Mặn bị thiếu hụt. Linh mục Buzomi từ Nước Mặn đi Cửa Hàn để tìm tài trợ nơi các thương nhân Bồ. Những chi tiết nầy cho thấy giai đoạn đầu (1615-1617), một giai đoạn thử nghiệm, thăm dò mà còn gặp phải sự cố bị trục xuất, tình hình chưa ổn định, do đó việc thành lập cư sở theo Hiến pháp của Dòng chưa được thực hiện. Như thế, lúc bấy giờ Cửa Hàn chỉ là trú sở (cộng đoàn) của các thừa sai. Các thừa sai từ Cửa Hàn đến Hội An và lên tận Thanh Chiêm để làm mục vụ và truyền giáo.

    4.2. Cư sở Nước Mặn, Qui nhơn. [11]
    Năm 1616, trời không mưa, không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Dân chúng cho rằng trời hạn hán là do các thần nổi giận vì thấy dân chúng bỏ theo đạo mới để miếu mạo hoang vu, muốn cho các thần nguôi đi chỉ có cách là đuổi các đạo sư tây dương ra khỏi nước. Năm 1617, dân chúng yêu cầu chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trục xuất các thừa sai. Một đàng chúa Sãi muốn giữ các thừa sai lại để bảo đảm việc liên lạc thương mại với người Bồ, một đàng cần an dân. Sãi vương cho mời các thừa sai đến và thông báo ý của mình cho các thừa sai. Lúc bấy giờ đoàn thừa sai gồm có linh mục Buzomi, linh mục Pina và hai tu huynh. Tất cả đã xuống thuyền, nhưng thuyền không thể xuất bến vì gặp gió ngược. Các thừa sai phải lên bờ nhưng dân chúng không cho vào làng. Các thừa sai ở lại trên bãi biển. Linh mục Buzomi lâm bệnh nặng. May mắn thay, lúc bấy giờ ông Trần Đức Hòa, quan Tuần phủ Qui Nhơn, nghĩa đệ của chúa Sãi, [12] thấy hoàn cảnh của linh mục Buzomi, ông đưa linh mục Buzomi về tư dinh của ông ở Qui Nhơn [13] để chữa bệnh. Linh mục Pina được giáo dân Nhật bí mật đưa về Hội An nuôi dấu.
    Sau một năm được ông Trần Đức Hòa chữa bệnh tại Qui Nhơn, năm 1618, linh mục Buzomi cùng ông Trần Đức Hòa trở lại Cửa Hàn. Lúc bấy giờ linh mục Borri vừa có mặt tại Cửa Hàn. Ông Trần Đức Hòa và hai thừa sai về Hội An. Sau khi gặp nhau tại Hội An, ông Trần Đức Hòa đưa các thừa sai về Nước Mặn. [14]
    Đây là lời tường thuật của linh mục Borri, người trong cuộc : “Linh mục Buzomi, linh mục De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến… tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì cho đấu chiến thuyền, lúc thì cho đua thuyền, đặt giải thưởng cho thuyền nào thắng cuộc…Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Qui Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sẵn sàng. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc rất linh đình. Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh… Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi. Thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi. Ngày hôm sau, ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi tươm tất và thuận tiện không. Ông còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết …”. [15] Như thế cư sở Nước Mặn là cư sở đầu tiên được các thừa sai dòng Tên ở Đàng Trong thành lập vào tháng 7 năm 1618. [16] Từ năm 1618 đến năm 1620, số thừa sai hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn: linh mục Buzomi, linh mục Pina, linh mục Borri và tu huynh Diaz, trong đó linh mục Buzomi là Bề trên của cư sở. [17]

    4.3. Cư sở Hội An
    Đến Cửa Hàn trước nhưng các thừa sai lập cư sở đầu tiên của mình tại Nước Mặn. Bản báo cáo thường niên năm 1618, sau mục báo cáo chung về Giáo điểm truyền giáo Đàng Trong “Missione di Cocincina”, có mục báo cáo riêng về “Residentia di Pulocambi – Cư sở Pulocambi [Nước Mặn]”. Nơi bản báo cáo nầy, Hội An được nhắc đến như một “cộng đoàn” thuộc quyền linh mục Buzomi, Bề trên cư sở Nước Mặn. [18]
    Bản báo cáo thường niên năm 1619 do linh mục João Rodrigues Girão viết tại Macao ngày 20/12/1620, sau mục báo cáo tổng quát về Đàng Trong, có mục báo cáo riêng về mỗi Cư sở: Cư sở Hội An và Cư sở Nước Mặn. [19] Như vậy cư sở Hội An chính thức được thành lập vào khoảng cuối năm 1619, sau khi ông Trần Đức Hòa qua đời, nghĩa là sau khi linh mục Pina từ Nước Mặn về lại Hội An. Linh mục Marques là Bề trên tiên khởi của cư sở.

    4.4. Cư sở Thành Chiêm, Quảng Nam
    Theo hai báo cáo thường niên năm 1625 do linh mục Gaspar Luis và linh mục Antonio de Fontes viết năm 1626 tại Đàng Trong có ba cư sở: Hội An, Thanh Chiêm và Nước Mặn. [20] Ngoài ra sử liệu cũng cho biết năm 1624 linh mục Đắc Lộ và linh mục Fontes học tiếng Việt tại Thanh Chiêm do linh mục Pina dạy. Như vậy cư sở Thanh Chiêm được thành lập khi nào ?
    Khi linh mục Pina đến hoạt động truyền giáo ở Thanh Chiêm, linh mục Pina có mua một ngôi nhà. Trong thư linh mục Pina viết cho bề trên ở Macao về hoạt động truyền giáo năm 1622-1623, trong đó có nói đến cư sở nầy: “ …thưa cha đáng kính, con đã mua hai nhà của mẹ bà Gioanna tại Cacham, mỗi nhà gồm ba gian, một nhà dành cho chúng ta ở, nhà kia làm nhà nguyện…”. Căn cứ thư nầy, linh mục Đỗ Quang Chính cho rằng: “Việc thiết lập cư sở Thanh Chiêm được thực hiện 5 năm sau cư sở Nước Mặn”. [21]

    PHẦN II : VIỆC SÁNG TẠO CHỮ QUỐC NGỮ

    Truyền thống tốt đẹp của các thừa sai truyền giáo là phải viết báo cáo hằng năm gởi về cho Bề trên của mình. Việc làm tốt đẹp đó và công tác lưu trữ của các dòng đã để lại cho người đi sau nhiều kinh nghiệm quý báu. Dần dần rút kinh nghiệm về nội dung của báo cáo, một bảng chỉ dẫn được đúc kết và ra đời thường gọi là Chỉ dẫn các thừa sai khi làm việc truyền giáo:
    “Cha phải thu thập những thông tin về các dân tộc sống trên mọi đất nước mà cha đi qua; muốn như thế, cha phải ghi lại về lối sống, phong tục và kỹ năng của họ; rồi về thương mại, nghệ thuật và khoa học mà cha tìm thấy nơi quê hương của họ; về tôn giáo cùng với các tín điều, về các chức sắc trong tôn giáo ấy, về chính quyền, và cuối cùng về các vua chúa mà họ thuộc quyền. Cha tìm hiểu ngôn ngữ mà các dân tộc ấy dùng để nói; nếu có nhiều ngôn ngữ, thì hãy đặc biệt ghi lại ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều nhất, chủ yếu là trong giới bình dân. Cha tìm hiểu về chữ mà họ dùng để viết; về các chữ này, cha tìm cách hỏi những văn sĩ ưu tú mà cha gặp được, để ghi lại một bảng chữ cái, kể cả những dấu nối và dấu phân câu mà họ dùng; cha cũng chú ý ghi lại bằng mẫu tự La Tinh tương ứng, với cách phát âm, để ta có thể so sánh; và nếu các dân tộc ấy có văn phạm và từ điển của ngôn ngữ mình; thì cha làm thế nào để có được một bản mà gởi về Rôma, với điều kiện là giá cả không quá cao”. [22]
    Nội dung của chỉ dẫn đã được các thừa sai dòng Tên thực hiện ở Nhật Bản và Trung Hoa, ngay cả ở Việt Nam trước khi chỉ dẫn thành văn ra đời.

    1. THỪA SAI THÔNG BIẾT TIẾNG VIỆT ĐẦU TIÊN

    Các thừa sai dòng Tên đến Việt Nam là người ngoại quốc. Bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại lớn trong việc tiếp cận và truyền giáo cho người Việt. Chắc chắn các thừa sai phải tìm cách giải quyết vấn đề hệ trọng nầy. Họ làm thế nào ? Ở đâu ? Khi nào ?
    Lần theo các tài liệu chúng tôi đã tìm thấy, chúng tôi được biết:
    – Bản báo cáo thường niên năm 1618 cho thấy các thừa sai dòng Tên ở cư sở Nước Mặn đã soạn một quyển sách giáo lý bằng tiếng Việt (Nôm). [23]
    – Tác giả thư báo cáo thường niên năm 1619 cho thấy rằng “Các thừa sai dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác”. [24]
    – Mặc dù đến Việt Nam muộn hơn so với một số giáo sĩ khác, nhưng linh mục Pina lại là giáo sĩ Châu Âu đầu tiên nói thành thạo tiếng Việt, điều này đã được các giáo sĩ đến sau như: Gaspar Luiz và Alexandre de Rhodes xác nhận. [25]
    – Trong thư của linh mục Joaõ Roiz viết bằng tiếng Bồ Đào Nha vào năm 1621 tại Macao gởi cho linh mục Mutio Vitelleschi, Bề trên cả dòng Tên tại Roma, báo cáo về Đàng Trong, linh mục Joaõ Roiz xác nhận năm 1620 tại Đàng Trong đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là linh mục Pina và linh mục Borri. [26]
    – Cùng năm 1621, tại Macao, linh mục Gaspar Luis cũng viết một thư báo cáo về giáo đoàn truyền giáo Đàng Trong gởi cho linh mục Mutio Vitelleschi. Theo linh mục Đỗ Quang Chính, nội dung thư báo cáo của linh mục Gaspar Luis không khác nội dung thư của linh mục Joaõ Roiz. Tuy nhiên, linh mục Luis viết bằng tiếng La tinh.[27] Trong thư này linh mục Gaspar Luis viết: “Chúng con bắt đầu nhận được hoa trái mà chúng con hy vọng về việc hiểu được ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ mà chúng con đã tự tìm hiểu từ những năm trước”. Giải thích câu này, linh mục Léopold Cadière viết: “ Văn bản này minh định rằng linh mục Gaspar Luis đã trình lại ý của một hay nhiều lá thư đã nhận được từ các thừa sai đang làm việc tại Đàng Trong lúc bấy giờ. Các thừa sai nghiên cứu tiếng Việt lúc bấy giờ là linh mục Pina và linh mục Borri”. [28]
    – Chính linh mục Borri, người đương thời với linh mục Pina, thừa nhận : “Linh mục de Pina đi Hội An, thành phố của người Nhật, như chúng tôi nói dưới đây, ngài gặp linh mục Phêrô Marques, và họ cùng làm tại thành phố nầy một việc hữu ích quý giá …Linh mục Marques vì tinh thông tiếng Nhật nên chỉ trong một thời gian ngắn mà ngài đã cảm hóa được một ít giáo dân Nhật trụy lạc…Còn linh mục de Pina rất tinh thông tiếng Đàng Trong nên đã thuyết phục được nhiều người…” [29] Linh mục Borri còn xác nhận: “Mà vì cha rất tinh thông tiếng Đàng Trong và nói rất mực tự nhiên…” [30]
    Các sử liệu vừa nêu cho chúng ta biết thời điểm năm 1618-1620, các thừa sai làm việc tại Đàng Trong đã học biết tiếng Việt, trong đó đã có hai thừa sai thông thạo tiếng Việt. Trước khi tìm hiểu thực trạng tiếng Việt của hai thừa sai được các sử liệu nói đến, chúng tôi nhắc lại điều tác giả thư báo cáo thường niên năm 1619 đã được nêu trên “Các thừa sai dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác”. Nhắc lại điều nầy, chúng tôi muốn nói đến vai trò của linh mục Buzomi trong việc nghiên cứu ngôn ngữ bản địa và sáng tạo chữ quốc ngữ tại Nước Mặn.

    A. Linh mục Buzomi
    Thư linh mục Pina viết năm 1623 cho biết năm nầy linh mục Buzomi vẫn còn dùng thông ngôn. Trong thư viết năm 1626, linh mục Buzomi đã viết một vài chữ quốc ngữ. Linh mục Đỗ Quang Chính nhận định về những chữ quốc ngữ của linh mục Buzomi trong thư nầy: “Nhìn vào những chữ quốc ngữ của Buzomi, mặc dầu ít, nhưng đã thấy tiến triển, nếu đem so sánh với lối viết của João Roiz, C. Borri, Đắc Lộ, Gaspar Luis và Antonio de Fontes từ năm 1626 trở về trước”. Quả vậy, linh mục Buzomi viết một thư tại Nước Mặn đề ngày 20/5/1622, trong thư linh mục viết Thienchu thay vì Thien Chu như thư viết năm 1626, cách viết theo lối cách ngữ giống như ngày nay. [31]
    Nhận định của linh mục Đỗ Quang Chính cho thấy phần nào khả năng tiếng Việt của linh mục Buzomi: Mặc dù ít, nhưng đã thấy có một sự tiến triển. Điều nầy cũng gợi mở cho chúng ta thấy được vai trò của linh mục Buzomi trong việc chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác của các thừa sai tại Nuớc Mặn trong giai đoạn 1618-1619. Với tư cách là Bề trên, linh mục Buzomi triển khai chỉ dẫn các thừa sai như đã nêu trên, tạo thuận lợi, đôn kiểm, giám sát công việc nghiên cứu ngôn ngữ của linh mục Pina và linh mục Borri.[32] Như thế, qua việc tổ chức, đôn kiểm và giám sát, linh mục Buzomi đã tham gia việc nghiên cứu và sáng tạo chữ quốc ngữ cùng với linh mục Pina và linh mục Borri.
    Các sự kiện khác mà chúng ta biết được, đó là năm 1622, linh mục Emmanuel Borgès (Bồ) và linh mục Giovanni di Leira (Ý) từ Macao đến Đàng Trong. Hai ông đến Nước Mặn học tiếng Việt và tập sự công việc dưới sự hướng dẫn của linh mục Buzomi. [33] Cuối năm 1624, linh mục Gaspar Luis và linh mục Girolamo Majorica đến Nước Mặn học tiếng Việt. [34] Lúc bấy giờ chỉ có một mình linh mục Buzomi là Bề trên, là “lão làng” tại cư sở Nước Mặn và là thầy dạy cho các thừa sai đến sau.
    Như thế, cho dù bút tích của linh mục Buzomi hiện nay được tìm thấy còn ít ỏi, nhưng công việc ông làm cho thấy vai trò quan trọng của ông trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ trong giai đoạn tiên chinh: Vừa là người tổ chức, vừa là người giám sát, vừa là người đồng hành, vừa là thầy dạy.

    B. Linh mục Pina

    Theo lời tường thuật của linh mục Borri đã nêu trên, linh mục de Pina từ đâu đi Hội An và đi Hội An khi nào ?
    Theo các nguồn sử liệu, linh mục Pina đến Đàng Trong năm 1617. [35] Chẳng may cho linh mục Pina, thời điểm ông đến Cửa Hàn là lúc xảy ra sự cố dân chúng không đồng ý cho các thừa sai hiện diện và giảng đạo trong vùng đất của họ. Bị áp lực của dân, chúa Sãi phải ra lệnh trục xuất các thừa sai, mặc dù lòng chúa không muốn. Do sự cố ấy, các thừa sai phải gạt nước mắt ra đi. Tuy nhiên, cuộc ra đi không thành vì sự tuần hoàn của thiên nhiên. Linh mục Borri tường thuật lại lời kể của người trong cuộc: Tuân theo lệnh chúa, khi các thừa sai bước xuống thuyền thì thuyền không thể nhổ neo để ra khỏi bến được vì gặp gió ngược, một thứ gió mùa, thổi suốt ba hoặc bốn tháng. Dân chúng thấy sự thể như vậy nhưng không muốn cho các thừa sai vào trong làng của họ. Họ buộc các thừa sai phải lưu lại trên một bãi biển cách xa dân cư, phơi mình dưới nắng nóng như thiêu đốt…lâm cảnh như thế, linh mục Buzomi bị bệnh nặng…Đang lúc các thừa sai gặp nạn, Quan phủ Qui Nhơn có việc về Quảng Nam, ông nghe, ông biết, ông thấy hoàn cảnh đáng thương của linh mục Buzomi, ông đưa linh mục Buzomi về Qui Nhơn cứu chữa.[36]
    Lúc xảy ra sự cố, đoàn thừa sai ở đây gồm có linh mục Buzomi, linh mục Pina, tu huynh Diaz (Bồ) và một tu huynh người Nhật. Linh mục Buzomi được Quan phủ Qui Nhơn đưa về Qui Nhơn để chữa bệnh. [37] Linh mục Pina và tu huynh người Nhật được giáo dân Nhật bí mật đưa về Hội An ẩn trú cho đến lúc được Quan phủ Qui Nhơn đưa về Nước Mặn vào năm 1618. [38] Như vậy lời tường thuật của linh mục Borri : “Linh mục Pina đi Hội An…” được hiểu là linh mục Pina từ Nước Mặn đi Hội An sau hai năm ở Nước Mặn dưới sự bảo trợ của Quan phủ Qui Nhơn. Đồng thời minh nhiên xác nhận linh mục Pina tinh thông tiếng Đàng Trong sau khi được nghiên cứu và học tại Nước Mặn.
    Theo linh mục Đỗ Quang Chính: “Lúc đầu Pina sống ở Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn với Buzomi và Borri. Hai năm sau ông trở lại Hội An, rồi năm 1623, Pina đến ở tại Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam Dinh”; [39] Cũng theo linh mục Đỗ Quang Chính: “Khoảng giữa năm 1618, Pina đi Nước Mặn, rồi khoảng đầu năm 1620 về Hội An, có lẽ đầu năm 1621 lại đi Nước Mặn, bỏ Nước Mặn về Hội An cuối năm 1621, sang năm 1623 đi lập cư sở Thành Chiêm.” [40]
    Sở dĩ linh mục Pina đi Hội An vì sau khi ông Trần Đức Hòa, quan phủ Qui Nhơn qua đời, [41] các thừa sai tại Nước Mặn mất đi vị ân nhân bảo trợ. Điều đó cũng có nghĩa là các thừa sai lâm vào tình thế thiếu phương tiện sinh sống và hoạt động. [42] Linh mục Borri, người trong cuộc đã viết: “Thế là chúng tôi bị dồn vào thế cùng cực trong tỉnh Qui Nhơn, ít mong có phương tiện sinh sống và làm tiến triển việc cứu rỗi và chinh phục các linh hồn. Chúng tôi dự định ra khỏi thế bí nầy và chia nhau đi nhiều nơi. Cha de Pina thì đi Hội An, thành phố của người Nhật như chúng tôi đã nói, với ý định là làm việc giúp các giáo dân mà cha đã từng cai quản và cũng để nhờ của bố thí của họ mà sinh sống.” [43] Tại thời điểm nầy chỉ có bốn linh mục và ba tu huynh tại Đàng Trong, được phân chia địa bàn làm việc như sau:
    Tại Hội An: Linh mục Marques và hai tu huynh người Nhật chăm sóc mục vụ cho người Nhật; Linh mục Pina thông thạo tiếng Việt, phục vụ người Việt;
    Tại Nước Mặn: Linh mục Buzomi, linh mục Borri và tu huynh Diaz ” [44]
    Các sử liệu trên đây đã cho thấy thời điểm năm 1620 linh mục Pina đã thông thạo tiếng Việt. Điều nầy ngầm nói rằng linh mục Pina đã thông thạo tiếng Việt sau khi nghiên cứu và học tiếng Việt tại Nước Mặn. Điều nầy Thư báo cáo thường niên năm 1619 đã xác định như đã nêu trên.
    Jason Michael Wilber, dịch giả bản báo cáo thường niên năm 1619 từ tiếng Bồ sang tiếng Anh, nhận định: “Tác giả bức thư cho thấy rằng các thừa sai dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ hơn bất cứ điều gì khác. Việc nghiên cứu ấy không phải đợi đến 32 năm sau, năm 1651, nó mới được thực hiện nơi quyển từ điển đầu tiên Việt-Bồ-La do Alexandre de Rhodes, thừa sai dòng Tên làm nên”. [45]
    Năm 1620 linh mục Pina đã thông thạo tiếng Việt. Rất tiếc, linh mục Pina đã mất sớm (15/12/1625) và cho đến nay bút tích tiếng Việt của linh mục Pina được tìm thấy rất ít. Nơi bản sao của một bức thư, bản gốc bức thư ấy được cho là của linh mục Pina viết tại Thành Chiêm năm 1623, bức thư được viết bằng tiếng Bồ, xen lẫn vài cụm từ La Tinh, Nhật hay Mã Lai, và nhất là vài tiếng Việt Nam được ghi bằng mẫu tự La tinh. [46] Trong thư có nói đến ông đã soạn một tập nhỏ về chính tả và các dấu thanh của tiếng Việt và đang soạn ngữ pháp. Tuy nhiên tài liệu nầy cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Ngoài ra các nguồn sử liệu còn cho biết linh mục Pina có soạn một quyển sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong. Thư báo cáo của linh mục João Roiz (bằng tiếng Bồ Đào Nha) và của linh mục Gaspar Luis (bằng tiếng La tinh), cùng một nội dung báo cáo về tình hình truyền giáo tại Đàng Trong năm 1620, được viết tại Macao vào năm 1621. Trong báo cáo, cả hai vị đều đề cập lúc bấy giờ có một cuốn sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đang được sử dụng hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo tại địa phương. Linh mục Gaspar Luis viết: “Quyển giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đã đem lại nhiều lợi ích; không chỉ trẻ nhỏ thấu hiểu mà còn cả người lớn tuổi cũng am tường…Nó cũng giúp cho những tín hữu Nhật trong việc thuyết phục được những người vợ [Việt Nam] của họ đã cưới trước đây mà chưa có phép cưới [trong đạo]. [47]
    Hai tác giả của hai thư cho biết tiện ích và hiệu quả của cuốn sách nhưng không cho biết cuốn sách giáo lý nầy soạn lúc nào, nội dung thế nào. Về tác giả thì hai vị chỉ nói trổng mà không nói đích danh ai. Linh mục João Roiz viết: “…pe lhes foi facil aprendere nas, – [cha ấy học tiếng dễ dàng]”, “o Padre que sabe a lingoa, està em Faifo – [một cha biết tiếng địa phương, đang ở Hội An]”; [48] còn linh mục Gaspar Luiz chỉ đề cập: “Ejus ope – chính nhờ công của vị ấy”. Dù sao, cách nói ấy cũng đủ cho thấy linh mục Pina là tác giả soạn thảo quyển sách giáo lý. [49]

    Quyển sách giáo lý nầy được soạn ở đâu ? Lúc nào ? Nội dung ?.
    – Linh mục Roland Jacques căn cứ vào bản báo cáo được ký tên Francisco Eugenio, tu sĩ dòng Tên người Ý ở Macao, cung cấp những thông tin từ một tài liệu sao chép tay với tựa đề “Annua del Collegio di Macao del 1618 – [Niêm Giám Học Viện Macao năm 1618]”, [50] xác định quyển sách giáo lý nầy được làm tại Nước Mặn vào năm 1618 dưới sự giám sát của linh mục Buzomi, bề trên cư sở Nước Mặn, lúc linh mục Buzomi bị “bịnh nặng, nên không đi giảng cho người ta trở lại được”. [51] Tác giả chính của cuốn sách là linh mục Pina và một người thanh niên Việt Nam cùng làm việc với ông. [52]
    Căn cứ bản báo cáo nầy, linh mục Roland Jacques viết: “Bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo ghi: “Người ấy [một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo] có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng …Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương, các kinh mà kitô hữu đã thuộc lòng…Các Kitô hữu chép lại tất cả những điều ấy, và đã bắt đầu lần hạt Mân côi y như tại xứ chúng ta.” ” [53]
    Căn cứ vào sự kiện sáng tác quyển sách giáo lý nầy, linh mục Roland Jacques cho rằng: “Những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina, linh mục dòng Tên, sinh ở Bồ Đào Nha”. [54]
    Quả vậy, mở đầu Bản báo cáo năm 1619, tác giả viết: “Trong báo cáo thường niên năm vừa qua (1618), tình hình truyền giáo tại Vương quốc Đàng Trong đã được đệ trình cho Cha kinh lý:…đồng thời các thừa sai đã học ngôn ngữ rất tốt, có thể giảng dạy trôi chảy mà không cần đến thông dịch viên. Năm nay những sự ấy vẫn được tiếp tục…”. [55]
    Bản báo cáo năm 1619 cho biết tiếp: “Sự hiểu biết ngôn ngữ địa phương của các thừa sai đang làm việc tại địa phương đã được cải thiện, nhờ việc rao giảng qua sự hiểu biết ấy đã đem lại đức tin rất thánh cho một số cư dân địa phương cũng như người ngoại quốc. Kết quả ấy chủ yếu là do một cha có kỹ năng tốt về ngôn ngữ. Cha nầy học ngôn ngữ rất tốt với sự nghiên cứu cần mẫn và siêng năng. Cha đã dịch những phần đầu tiên của giáo lý Kitô giáo sang ngôn ngữ địa phương theo mẫu sách giáo lý của Đức Hồng y Bellarmino. Cha ấy bây giờ cần hoàn thiện vốn từ vựng thay vì ngữ pháp, vì cha chưa có khả năng viết thứ ngôn ngữ địa phương, thứ ngôn ngữ giống như chữ Tàu”. [56]
    Hiện nay quyển sách giáo lý ấy chưa được tìm thấy, tuy nhiên về hình thức, các nhà nghiên cứu cho rằng sách được soạn bằng chữ Nôm. Theo linh mục Léopold Cadière, quyển sách giáo lý nầy được sáng tác bằng ngôn ngữ Đàng Trong, loại ngôn ngữ bình dân (chữ Nôm)…. Song song với việc biên tập, chắc chắn nó cũng được phiên âm bằng mẫu tự châu Âu để cho các thừa sai được tiện dùng. Dần dần bản phiên âm bằng mẫu tự châu Âu được sao chép kèm với chữ nôm phổ thông đã được giới bình dân yêu chuộng. Hẳn nhiên, đây là những bản sao bằng mẫu tự châu Âu rất quý báu đối với chúng ta, bởi vì nó cho chúng ta hình thái đầu tiên về việc la tinh hóa ngôn ngữ Việt Nam, một hình thái quốc ngữ “tiền Đắc Lộ”, trước chữ quốc ngữ của linh mục Đắc Lộ. Chúng ta có được một số chứng từ về những hình thái đầu tiên của việc la tinh hóa trong Bản tường trình của linh mục Borri. [57]

    C. Linh mục Cristophoro Borri
    Linh mục Cristophoro Borri đến Đàng Trong năm 1618 và rời khỏi Đàng Trong năm 1622. [58] Ông chỉ ở tại Cửa Hàn trong thời gian rất ngắn để đi tìm các đồng sự. Trong suốt thời gian 1618-1622, ông sống và làm việc tại Nước Mặn. Ông được Bề trên ở Macao cử đến Đàng Trong cùng với linh mục Pedro Marques. Ông đến Đàng Trong ngay trong lúc những người bạn thừa sai của ông đang lâm cảnh “dầu sôi lửa bỏng”. Vừa đến Cửa Hàn, việc đầu tiên là ông đi tìm các đồng sự của ông đã gặp nạn, đây cũng là sứ mạng của ông khi ông được Bề trên Tỉnh dòng cử ông đi. Ông đến Hội An. Ông gặp được linh mục Pina, người bạn rất thân thiết khi học ở Macao, và tu huynh người Nhật. Qua đây, ông cũng biết được tình trạng của linh mục Buzomi, bề trên miền truyền giáo, đang được Quan phủ Qui Nhơn chăm sóc ở Qui Nhơn suốt cả một năm qua.
    Sau khi gặp nhau, không để uổng phí thời gian, các thừa sai chia nhau địa bàn làm việc. Linh mục Marques ở lại Hội An chăm sóc mục vụ cho Nhật kiều kitô hữu với tư cách là Bề trên, cùng có linh mục Pina và một tu huynh người Nhật, hai người đã được giáo dân Nhật nuôi dấu ở đây từ một năm trước; Linh mục Borri đi Cửa Hàn để giúp người Bồ. Tuy nhiên sau đó không bao lâu, linh mục Buzomi cùng Quan phủ Qui Nhơn đến Cửa Hàn. Sau khi gặp nhau tay bắt mặt mừng tại Cửa Hàn, Quan phủ Qui Nhơn, linh mục Buzomi, và linh mục Borri cùng về Hội An. Sau cuộc hội ngộ vắn tắt tại Hội An, Quan phủ Qui Nhơn đưa linh mục Buzomi, linh mục Pina, linh mục Borri và tu huynh Diaz về Nước Mặn. Linh mục Marques và tu huynh người Nhật ở lại Hội An. [59]
    Tại Nước Mặn, được Quan phủ Qui Nhơn, một người dân yêu và các quan thuộc quyền quý chuộng, bảo trợ “tận răng”, [60] linh mục Borri cũng như linh mục Pina có điều kiện môi sinh rất thuận lợi để học, nghiên cứu và sáng tạo cách viết tiếng Việt theo mẫu tự la tinh. Trong thuận lợi đó, linh mục Borri đã để lại cho chúng ta một số “chữ quốc ngữ” trong tác phẩm ông viết tại Nước Mặn.
    Bởi tính quý giá của tác phẩm nên tác phẩm được xuất bản rất nhiều lần. Tác phẩm được linh mục Borri viết bằng tiếng Ý, xuất bản lần đầu năm 1631 tại Rôma. Sau đó không lâu, tác phẩm được dịch và xuất bản nhiều lần, ở nhiều nơi, bằng nhiều thứ tiếng thông dụng trên thế giới (Ý, La tinh, Hòa lan, Pháp, Đức, Anh và Việt Nam), nói theo ngôn ngữ thời nay là “best seller book 1631-1633”. [61] Tác phẩm của linh mục Borri hút khách khi tác phẩm vừa được xuất bản vì nó chứa đựng những thông tin đặc thù và sốt dẻo về đạo và đời của một vùng đất xa lạ đối với nhiều người Âu châu thời bấy giờ. Đối với chúng ta, nó đã cho chúng ta những tư liệu quý về đạo và đời của thời rất xa xưa, cách chúng ta ngót nghét 400 năm. Một trong những điều quý giá mà tác phẩm để lại cho chúng ta là một số chữ quốc ngữ thuở phôi thai. Hiện nay chúng ta đã có nhiều chuyên gia nghiên cứu về những chữ quốc ngữ phôi thai nầy.
    Linh mục Léopold Cadière, nhà nghiên cứu khoa học, sử học, ngôn ngữ học và tôn giáo dân tộc học đã nhận xét về tác phẩm của linh mục Borri: “Bản tường thuật của ông đã chứng tỏ ông có một kiến thức uyên thâm về thời đại và ngôn ngữ bản xứ của thời đại ấy. Một điều mà khiến cho bất cứ ai cũng phải nghĩ đến các khó khăn mà ông phải đối diện, ông chỉ nhận được sự giúp đỡ từ những người thông dịch kém cỏi, họ chỉ biết được lèo tèo một số từ cần thiết trong giao dịch mua bán. Ngoài thanh giọng của ngôn ngữ, ông còn cần phải phân biệt âm nầy với với nọ, phải giải quyết vấn đề ký âm tiếng Việt Nam bằng ký tự Âu châu. Nơi bản tường thuật, ông để lại cho chúng ta những tiêu bản quý báu về những hình thái tiên chinh của chữ quốc ngữ, một thứ chữ quốc ngữ trước thời linh mục Đắc Lộ. Những bút tích này của linh mục Borri quả là một bổ ích lớn lao cho những ai khi đi sâu nghiên cứu về sự hình thành chữ quốc ngữ “. [62]
    Trong khi nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm của linh mục Borri, dịch giả Hồng Nhuệ đã bộc bạch: “Có một vài câu chữ quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ nầy…Sau cùng cũng theo bản tường trình của ông, trước Phép giảng tám ngày của De Rhodes, đã có khởi thủy một sách hay một thánh giáo yếu lý từ những năm đầu của cuộc truyền giáo, nghĩa là vào những năm 1618-1620”. [63] Linh mục Léopold Cadière viết: “Dù trải qua thời gian ít ỏi ở Việt Nam, linh mục Cristoforo Borri đã tạm nắm bắt được ngôn ngữ xứ nầy. Điều nầy được thể hiện qua những từ và những câu tiếng Việt trong bản tường trình của ông”. [64]
    Chúng tôi xin nêu lên đây một câu trong những câu linh mục Borri đã viết trong tác phẩm mà dịch giả Hồng Nhuệ và linh mục Léopold Cadière đã nói đến:”Tuijciam, Biet” [65] – [Tui chẳng biết]. Sở dĩ chúng tôi muốn nêu lên câu nầy trong bầu khí hội thảo được tổ chức tại Bình Định hôm nay, vì chẳng những cái dáng mà còn cái âm của nó, âm giọng miền Trung Trung Bộ, [66] cách riêng âm giọng đặc sệt của Bình Định “nậu tui” đã bền bỉ “trơ gan cùng tuế nguyệt” từ 400 năm nay. Ngày nay chữ “tui” vẫn mang cái dáng và cái âm dung dị ấy len lỏi hiện diện trong ngôn ngữ đời thường của người Bình Định như:
    – “Nậu tui” để xưng hô ở ngôi thứ nhất số nhiều nhằm diễn tả những người cùng nghề, cùng chỗ ở, cùng sinh hoạt, cùng nhóm hay cùng hoàn cảnh…
    – Vợ chồng lớn tuổi, bạn bè nam nữ, hàng xóm thường xưng hô với nhau “tui dứ bèa, ông… “[tôi với bà, ông…]
    – Trong ca dao:
    ” Thương chồng phải luỵ mụ gia/ Chớ tui với bã có bà con chi!”
    “Chim liễu bó biểu chim quỳnh/ Biểu to biểu nhỏ, biểu mình thương tui”.
    – Trong Bài chòi Bình Định:
    Câu thai cho con bài Bát Bồng:
    “Chầu rày đã có trăng non/ Để tui lên xuống có con em bồng”.
    Câu thai cho con bài Bạch Huê:
    “Con vợ tui tốt tợ tiên sa/ Coi trong thiên hạ ai mà dám beng (dám bì, dám sánh)/ Lưng khòm rồi lại da đen/ Còn hai con mắt tợ khoen trống chầu/…”
    “Tuijciam, Biet” là lời của “Onsaij Ly”- [Ông sãi tên Ly hay Lý…], ông trụ trì một ngôi đền ở gần nhà các thừa sai tại Nước Mặn. [67] Chúng ta hình dung được rằng chữ viết ghi âm bao giờ cũng phản ánh âm giọng của cư dân nơi một vùng cụ thể. Do đó, một chữ “Tui” tuy đơn giản nhưng cho chúng ta thấy vai trò của các thừa sai ở tại Nước Mặn trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ, đồng thời nó cũng làm sáng tỏ điều các nhà nghiên cứu đã xác định như đã nêu trên đây: Ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ nầy tại Nước Mặn.

    PHẦN III. KẾT LUẬN:

    Theo các nguồn sử liệu đã nêu trên, chúng tôi biết được các thừa sai dòng Tên ở Nước Mặn (từ giữa năm 1618, lúc thành lập cư sở cho đến đầu năm 1620) là những thừa sai tiên phong chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam hơn bất cứ điều gì khác. Trong đó linh mục Pina và linh mục Borri là hai thừa sai được người đương thời bình chọn là “cặp đôi hoàn hảo” đạt danh hiệu “thông thạo tiếng việt”. Đồng thời cũng được biết kết quả thực tiễn của việc học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo chữ quốc ngữ trong giai đoạn tiên chinh của các thừa sai tại Nước Mặn :
    – Một quyển sách Bổn đầu tiên (gồm giáo lý và kinh thường đọc) bằng tiếng Nôm đã ra đời. Song song với việc biên tập, chắc chắn nó cũng được ký âm bằng mẫu tự châu Âu để cho các thừa sai được tiện dùng. Hẳn nhiên, đây là những ký âm bằng mẫu tự châu Âu rất quý báu đối với chúng ta, bởi vì nó cho chúng ta hình thái tiên chinh về việc la tinh hóa ngôn ngữ Việt Nam, một hình thái quốc ngữ “tiền Đắc Lộ”. Tác giả của nó là linh mục Pina và một người thanh niên Việt Nam. Linh mục Pina đến tại Cửa Hàn năm 1617, chết đuối tại bờ biển Cửa Hàn vào ngày 15 tháng 12 năm 1625. [68] Trong thời gian 1617-1625, ông ở tại Cửa Hàn trong một thời gian rất ngắn ngủi, còn lại ông ở tại Hội An, Nước Mặn và Thanh Chiêm, trong đó Nước Mặn là nơi đầu tiên ông có cơ hội thuận lợi nhất để nghiên cứu, học hỏi và sáng tạo chữ quốc ngữ. Những năm về sau (1623-1625), theo ông, Thanh Chiêm là nơi học tiếng Việt tốt nhất.
    – “Relatione della nuova missione delli PP. della Compagnia di Giesù, al Regno della Cocincina – Tường trình về sứ mạng mới của các thừa sai dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong” của linh mục Borri là một tác phẩm, một tài liệu sử quý giá cả đạo lẫn đời, được viết tại Nước Mặn. Nơi bản tường thuật nầy, ông để lại cho chúng ta những tiêu bản quý báu về những hình thái tiên chinh của chữ quốc ngữ, một thứ chữ quốc ngữ trước thời linh mục Đắc Lộ. Những bút tích này của linh mục Borri quả là một bổ ích lớn lao cho những ai khi đi sâu nghiên cứu về sự hình thành chữ quốc ngữ.
    Quả vậy, chữ quốc ngữ hôm nay chúng ta đang dùng đã có một khởi đầu. Việc khởi đầu sáng tạo chữ quốc ngữ là một sáng kiến của các thừa sai dòng Tên phát xuất từ nhu cầu truyền giáo cho người Việt. Công cuộc khởi đầu ấy là công việc được đóng góp từ công sức của nhiều người, trong đó thành phần chủ chốt đầu tiên là số thừa sai dòng Tên làm việc tại cư sở Nước Mặn ở giai đoạn giữa năm 1618 đến đầu năm 1620. Trong đó linh mục Buzomi với tư cách người bề trên, người tổ chức, người đôn kiểm, giám sát, người anh cả, quảng đại gánh vác các công việc khác trong cộng đoàn như để tạo mọi thuận lợi cho hai người em của mình, linh mục Pina và linh mục Borri, chú tâm dùi mài học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo ngôn ngữ địa phương.
    Ngoài ra phải kể đến sự tham gia và đóng góp của những người Việt Nam mà người đầu tiên phải kể đến là ông Trần Đức Hòa, quan phủ Qui Nhơn. Việc các thừa sai gặp nạn ở Cửa Hàn có thể ví như mấy anh em trong một gia đình đang lâm cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Ông Trần Đức Hòa là một nhà hảo tâm quảng đại. Ông cưu mang, đùm bọc những con người “mồ côi” đang lâm cảnh đáng thương nầy. Ông lo cho những người nầy có điều kiện tốt nhất để đi tìm con chữ mà hôm nay chúng ta được thừa hưởng. Vì vậy danh tính của ông không thể thiếu trong danh sách những người đầu tiên chúng ta ghi ơn. Trong số những người đầu tiên tiêu biểu ở giai đoạn đầu nầy còn có những vị Sãi, người thanh niên mười sáu tuổi có tên thánh bổn mạng là Phêrô, những người buôn bán và bà con nông dân Việt Nam ở tại thương cảng Nước Mặn mà các thừa sai được tiếp xúc hằng ngày, những thương nhân Nhật Bản với vai trò thông ngôn dù chỉ biết lèo tèo một số từ cần thiết trong giao dịch thương mại.
    Như thế, lúc bấy giờ Nước Mặn chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ trong giai đoạn mà linh mục Léopold Cadière, nhà nghiên cứu khoa học, sử học, ngôn ngữ học và tôn giáo dân tộc học gọi là “hình thái tiên chinh của chữ quốc ngữ, một thứ chữ quốc ngữ trước thời linh mục Đắc Lộ”. Ngoài ra, Cư sở Nước Mặn cũng là “Trường Quốc Ngữ” đầu tiên được linh mục Buzomi vừa là người tổ chức, vừa là thầy dạy cho các thừa sai đến sau như Lm. Emmanuel Borges (1622), linh mục Giovanni di Leira (1622), Lm. Gaspar Luis (1624), Lm. Girolamo Majorica (1624).
    Với những gì đã được nêu trên cho thấy nguồn cội phát tích “dòng sông quốc ngữ” chính là Nước Mặn. Trong tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, chúng tôi mạo muội xin được đề nghị với Quý cấp thẩm quyền và Hội thảo hôm nay: Nên chăng, có một ngày Lễ hội Chữ Quốc Ngữ được tổ chức như một điểm nhấn trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã được tổ chức vào ngày 30 tháng Giêng và mùng 1, 2 tháng 2 âm lịch hằng năm tại chính nơi nó được sinh ra.

    Lm GIOAN VÕ ĐÌNH ĐỆ

    CHÚ THÍCH:

    [1]. ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, 2004, Định Hướng Tùng Thư , France, Tome I, trang 51-55.
    [2]. CRISTOPHORO BORRI, Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong, Bản dịch của Hồng Nhuệ, nxb. Thăng Long, Hoa Kỳ 1989, trang 60.
    [3]. ALEXANDRE DE RHODES, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch từ bản Pháp ngữ của Henri Albi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.36-37.
    [4]. VIỆN SỬ HỌC, Lịch sử Việt Nam, tập 4, Nxb Khoa học xã hội, 2007, trang 258
    [5]. ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, USA June 2006, Antôn & Đuốc Sáng , trang 19-20.
    [6]. Trong danh sách nầy linh mục Pina được ghi là người Ý. Trong bản dịch tiếng Pháp được đăng trong BAVH, Juillet-Déc. 1931 linh mục Pina cũng được ghi là người Ý (trang 341). Chúng tôi tìm thấy nơi bản tiếng Ý được xuất bản năm 1631: “Padre Francesco di Pina Portoghese” – [Cha Francesco di Pina người Bồ Đào Nha].
    Thực ra linh mục Francisco de Pina (1585-1625) sinh tại Guarda, Bồ Đào Nha. Linh mục Roland Jacques đã viết về sự sai lầm nầy trong tác phẩm của ông. (Xem Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, 2004, Định Hướng Tùng Thư, France, trang 81, chú thích 49).
    [7]. Theo Lm. Đỗ Quang Chính, Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 22, chú thích số 3 : “Linh mục Marques (1575-1670) sinh tại Nhật, cha là người Bồ, mẹ là người Nhật. Linh mục Marques ra vào Đàng Trong 6 lần (1618-1626) ; (1637-1639) ; (26/2-13/7/1652) ; (1653-1655) ; 1658 và 1670. ”
    [8]. – Nhóm tác giả, Lettere annue del Giappone, China, Goa, et Ethiopia. Scritte. Al M.R.P. generale della Compagnia di Giesù. Da Padri dell’istessa Compagnia ne gli anni 1615. 1616. 1617. 1618. 1619., nxb. Lazaro Scoriggio, Napoli 1621.
    – JASON MICHAEL WILBER, Transcription and Translation of a Yearly Letter From 1619 Found in the Japonica Sinica 71 from the Archivum Romanum Societatis Iesu, Brigham Young University, Decembre 2014, trang 15-43.
    [9]. – Cư sở (Residentia) là một loại nhà của các thừa sai Dòng Tên được Hiến pháp Dòng Tên quy định: Khu nhà lớn, có nhiều tu sĩ ở và có nhiều loại hình hoạt động tông đồ. (Xem ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, USA June 2006, Antôn & Đuốc Sáng , trang 60)
    [10]. CRISTOPHORO BORRI, sđd. trang 69.
    [11]. Cư sở nầy ngày nay tọa lạc tại vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ngày 15 tháng 7 năm 2011, Tòa Giám Mục Qui Nhơn đã dựng bia kỷ niệm.
    [12]. Ông Trần Đức Hòa là nghĩa đệ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Viện Sử Học Việt Nam, nxb. Thuận Hóa, tái bản lần thứ hai, Huế 2006, Quyển 3, Truyện các bề tôi 1 – Trần Đức Hòa). Khi biết được chúa Sãi bị giằng co, một đàng muốn giữ các thừa sai lại để bảo đảm việc liên lạc thương mại với người Bồ, một đàng cần an dân, nên với tư cách là nghĩa đệ của chúa Sãi, ông Trần Đức Hòa mạnh dạn đưa các thừa sai về Nước Mặn, một công việc vừa gói ghém tình nghĩa đối với chúa Sãi, vừa để an dân, vừa thể hiện đức nhân của bậc quân tử.
    [13]. Lúc bấy giờ Ông Trần Đức Hòa là quan Tuần phủ Qui Nhơn.
    [14]. CRISTOPHORO BORRI, Sđd, trang 64-71. (BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 342-348).
    [15]. CRISTOPHORO BORRI, Sđd , trang 72 – 78.
    [16]. – DANIELLO BARTOLI, Dell’istoria Delle Compagnia di Gesu, Della Cina, Torino 1825, V.17, Q.III, trang 269.
    – Lm. BÙI ĐỨC SINH, O.P., M.A., Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Calgary – Canada 2002, Quyển I, trang 94.
    [17]. ĐỖ QUANG CHINH SJ., Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, sđd., tr. 66.
    [18]. Lettere Annue Del Giappone, China, Goa, et Ethiopia… Generale della Compagnia di Giesù. Sđd, trang 392-401.
    [19]. JASON MICHAEL WILBER, sđd, trang 44-71.
    [20]. ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 32-35.
    [21]. ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, sđd. tr. 67-68
    [22]. ROLAND JACQUES, sđd., trang197.
    [23]. FRANCESCO EUGENIO, Lettera Annuale del Colegio di Macao…l’anno 1618, trong Lettere Annue Del Giappone, China, Goa, et Ethiopia… Generale della Compagnia di Giesù. Sđd, trang 400-401.
    [24]. JOÃO RODRIGUES GIRÃO, ANNUA DE COCHINCHINA DE 1619, JS 71, ARSI, Residençia de Nuocman da Provincia de PuloCamby, trang 008v, hàng 493-498.
    [25]. ALEXANDRE DE RHODES, Divers Voyages et Mission dv P. Alexandre de Rhodes En la Chine, & autres Royaumes de l’Orient…Paris 1653, p.72.
    [26]. JOÃO ROIZ, Annua de Cochinchina do anno de 1620 ARSI, JS. 72.f.3r. (Dẫn theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 79, chú thích số 1.)
    [27]. ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 26.
    – Thời bấy giờ việc thư từ qua lại khó khăn, có thể thất lạc vì nhiều lý do. Từ kinh nghiệm thực tiễn nầy, mỗi lần các thừa sai ở miền truyền giáo lập một văn bản báo cáo về Bề trên, thường phải viết ít là ba bản, một bản lưu, hai bản được gởi đi, mỗi bản được gởi đi mỗi hướng khác nhau hoặc mỗi bản được gởi đi cùng một hướng nhưng phải gởi cách khoảng nhau.
    [28]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotations à la lettre de Gaspar Luiz par Léopold Cadière, trang 409.
    [29]. CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 123. (BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 395-396)
    [30]. CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 88.
    [31]. ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch sử Chữ Quốc ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 38.
    [32]. ROLAND JACQUES, sđd., trang 85.
    [33]. Lm. BÙI ĐỨC SINH, sđd, Quyển I, trang 100.
    [34]. Ngày 07/12/1624, đoàn thừa sai dòng Tên từ Macao đến Đàng Trong. Linh mục Gaspar Luis và linh mục Girolamo Majorica học tiếng Việt tại Nước Mặn. Linh mục Alexandre de Rhodes và linh mục Antonio Fontes học tiếng Việt tại Thanh Chiêm.
    [35]. – BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotation à la lettre de Gaspar Luis par Léopold Cadière, trang 410.
    – ROLAND JACQUES, sđd., trang 81, chú thích 49.
    [36]. – CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 64-71.
    – Từ các chi tiết trong tường thuật của linh mục Borri về các sự kiện “không có lụt thường xảy ra vào mùa thu để gieo lúa” dẫn đến việc các thừa sai phải “bước xuống thuyền nhưng không ra khỏi bến được vì gặp gió ngược, thứ gió mùa thổi giằng giai đến ba bốn tháng”; “Quan phủ Qui Nhơn đưa linh mục Buzomi về Qui Nhơn để chữa bệnh, suốt một năm”, chúng tôi thiển nghĩ:
    (1). Sự kiện hạn hán xảy ra vào mùa thu năm 1616. Ở Trung Trung Bộ, mùa mưa dầm sinh ra lụt lội thường xảy ra trong khoảng thời gian từ giữa mùa Thu cho đến giữa mùa Đông (khoảng tháng 10 đến tháng 11 dương lịch). Theo kinh nghiệm dân gian, phải sau ngày 23/10/ Âm lịch, bà con nông dân mới “xuống giống”. Bởi vì kinh nghiệm thường nghiệm của bà con cho biết “Ông tha Bà cũng không tha/ Cho nên có lụt Hăm ba tháng Mười (Âm lịch). Có thể sau ngày 23/10 Âm lịch năm 1616, bà con nông dân Cửa Hàn chờ mãi mà không thấy mưa. Dần dần bà con tìm lý do để lý giải hiện tượng bất thường của thiên nhiên. Cuối cùng, bà con đổ trách nhiệm cho các thừa sai mà hậu quả là các thừa sai phải gạt nước mắt ra đi.
    (2). Ba thừa sai xuống thuyền theo lệnh chúa Sãi vào khoảng đầu tháng 6 năm 1617. (Xem thư báo cáo của Học Viện Macao năm 1617 do Antonio di Sousa viết xong tại Macao vào ngày 08/01/1618. Đoạn cuối phần báo cáo về miền truyền giáo Đàng Trong).
    – Trong khoảng thời gian nầy là cuối mùa gió Nồm, gió từ biển (hướng Đông Nam) thổi vào vùng ven biển Trung Trung Bộ. Người địa phương thường nói “Nồm già hay Nồm săn” để chỉ những lúc gió Nồm thổi mạnh. Những lúc đó sóng rất lớn, những con tàu buồm thô sơ thuở ấy không thể nào cưỡng gió để ra khơi được. Mùa gió Nồm, thuyền từ biển vào bến thì thuận lợi vì thuận theo chiều gió, do đó Ca dao trong vùng có câu: “Lạy Bà cho nổi gió Nồm/ Chồng tôi còn ở ngoài khơi chưa về “; “Gió lên bớ bà Vọng Phu/ Chồng bà nhờ gió thuyền mau trở về”. Ngoài ra, khi các thừa sai không thể ra khơi được vì sự cố “Nồm già”, dân chúng thua thiên nhiên, nhưng không cho ba thừa sai vào làng. Ba thừa sai phải “phơi mình liên tục dưới cái nắng nóng như thiêu của mặt trời xứ nầy”, mùa nắng như thế chỉ có nơi tháng 6-7 của mùa hè ở xứ nầy. Như vậy việc linh mục Borri cho biết “suốt một năm linh mục Buzomi ở Qui Nhơn để chữa bệnh”, có thể tính từ khoảng đầu tháng 6/1617 đến cuối tháng 5/1618. Cũng trong khoảng thời gian ấy, linh mục Pina và tu huynh người Nhật được một ít giáo dân Nhật bí mật đưa về nuôi dấu tại Hội An.
    – Theo dõi các chuyến linh mục Đắc Lộ theo tàu buôn Bồ Đào Nha từ Macao vào – ra Đàng Trong từ năm 1640-1645 (Vào: tháng 2/1640; 12/1640; 1/1642; 1/1644. Ra: tháng 8/1640; 7/1641; 7/1643; 7/1645). Chúng ta thấy thời gian thuận lợi cho tàu xuất bến ra khỏi Đàng Trong là vào khoảng tháng 7 và tháng 8. Thời điểm nầy là mùa gió Nam (gió Lào), gió từ đất liền thổi ra biển, sóng biển rất êm. Cư dân địa phương gọi là “Nam cồ” khi gió Nam thổi mạnh; khi gió Nam thổi nhẹ gọi là “Nam non”.
    [37]. Bài tường thuật không đề cập đến tu huynh Diaz (Bồ), chỉ đề cập đến một tu huynh người Nhật được giáo dân Nhật bí mật đưa về trú ẩn tại Hội An với linh mục Pina. Theo chúng tôi, tu huynh Diaz đã được Quan phủ Qui Nhơn đưa đi theo linh mục Buzomi về Qui Nhơn để giúp linh mục Buzomi đang lúc lâm trọng bệnh.
    [38]. Xem:
    – BAVH, Juillet-Déc. 1931, sđd., trang 342-348.
    – CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 69-71.
    [39]. ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, sđd. trang 22.
    [40]. ĐỖ QUANG CHÍNH SJ. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Sđd. trang 45.
    [41]. Về việc ông Trần Đức Hòa qua đời, linh mục Borri không nói rõ năm tháng ngày giờ. Linh mục Borri chỉ tường thuật rất chi tiết về việc mai táng. Tuy nhiên báo cáo thường niên về hoạt động của các thừa sai tại Đàng Trong từ năm 1619, cho biết quan phủ Qui Nhơn đã qua đời trong năm 1619. Hiện nay chúng tôi chưa tìm được các nguồn sử liệu xã hội đề cập đến vấn đề nầy. Có hai nguồn sử liệu xã hội đề cập đến việc ông Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Sãi:
    (1). “Năm Hy Tông thứ 11 (1623) Đức Hòa vào chầu, tiến cử Duy Từ …” (QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Nhất Thống Chí, Viện Sử Học, nxb. Thuận Hóa, tái bản lần thứ hai, Huế 2006, tập 3, Quyển 9, tỉnh Bình Định, trang 60)
    (2). ” Hy Tông Hoàng Đế năm thứ 14, Đinh Mão (1627)…” (QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Viện Sử Học Việt Nam, nxb. Thuận Hóa, tái bản lần thứ hai, Huế 2006, Quyển 3, Truyện các bề tôi 1 – Đào Duy Từ).
    Hai tài liệu trên có sự chênh lệch về năm ông Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn. Ngoài ra hai tài liệu nầy còn cho thấy ông Trần Đức Hòa còn sống ít nhất cho đến năm 1623. Điều nầy không phù hợp với bản báo cáo của các thừa sai về tình hình hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong năm 1619 và tường thuật của linh mục Borri về những sự kiện liên quan đến việc qua đời của ông Trần Đức Hòa.
    Theo chúng tôi, hai nguồn sử liệu nêu trên được biên soạn quá muộn, sau hơn 200 năm so với sự kiện lịch sử. Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên được biên soạn từ 1841 – 1852; Đại Nam Nhất Thống Chí được biên soạn từ 1865-1882. Do đó vấn đề thiếu chính xác hoặc do chủ quan nhằm mục đích nào đó có thể xảy ra.
    [42]. Theo báo cáo thường niên của các thừa sai năm 1619, sau khi quan phủ Qui Nhơn qua đời, các thừa sai tại Nước Mặn vẫn được con trai của ông, ông Đề lĩnh, người kế nhiệm ông, đối xử tử tế. Tuy nhiên theo tường thuật của Borri, người trong cuộc, nói lên tình cảnh thực tế. Thực tế ở đây được hiểu theo nghĩa ông Đề lĩnh vẫn đối xử tử tế với các thừa sai, các thừa sai vẫn được nhà phủ Qui Nhơn giữ tình thân thiết, vẫn hoạt động tự do, tuy nhiên vấn đề trợ cấp vật chất bị thiếu thốn.
    [43]. CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 88.
    [44]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, sđd., trang 412.
    [45]. JASON MICHAEL WILBER, sđd, trang 13.
    [46]. ROLAND JACQUES, Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ, Bức thư của Francisco de Pina, Trần Duy Nhiên chuyển ngữ. Tài liệu Tập San ĐỊNH HƯỚNG (xem phần “Cách trình bày của bản chép tay” ).

    [47]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, Lettre du Père Gaspar Luis sur la Concincina, trang 127-128.
    [48]. Sau gần 02 năm ở Nước Mặn, lúc này (1620) cha Pina đang ở Hội An. Xem ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch sử chữ Quốc ngữ, sđd, trang 26.
    [49]. – ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sđd. chú thích số 1, trang 23.
    – ĐỖ QUANG CHÍNH SJ. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Sđd., trang 40.
    [50]. ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Sđd., phần chú thích cuối trang 82.
    [51]. Câu văn được Roland Jacques trích từ trang 183v của thư Annua del Collegio di Macao del 1618.
    [52]. ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha …, sđd, trang 85
    [53]. – ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha …, sđd, trang 82-83
    – Thư báo cáo thường niên năm 1618 của Học viện Macao gởi cho Bề trên Tổng quyền ở Rôma được Francesco Eugenio viết xong tại Macao ngày 21/01/1619. Thư báo cáo về tình hình truyền giáo của 4 khu vực: Nhật và Trung Hoa; Đàng Trong; Cư sở Nước Mặn và Cambogia. Quyển sách giáo lý được báo cáo trong phần sinh hoạt của Cư sở Nước Mặn. Xem FRANCESCO EUGENIO, Lettera Annuale del Colegio di Macao…l’anno 1618 trong Lettere Annue Del Giappone, China, Goa, et Ethiopia… Generale della Compagnia di Giesù. Sđd, trang 401.
    [54]. ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, sđd, trang 81.
    [55]. JOÃO RODRIGUES GIRÃO, ANNUA DE COCHINCHINA DE 1619, Japonica Sinica 71, Archivum Romanum Societatis Iesu, trang 002, từ hàng 9 đến 15.
    [56]. JOÃO RODRIGUES GIRÃO, ANNUA DE COCHINCHINA DE 1619, JS 71, ARSI, sđd., trang 002, từ hàng 22 đến 35.
    [57]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 420.
    [58]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 396.
    [59]. CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 67-71.
    [60]. CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 72-78 (BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 348-353)
    [61]. Xem BAVH, Juillet-Déc. 1931, Notice sur Cristoforo Borri et sur les édition de sa relation par Charles B. Maybon, trang 276, chú thích số 1.
    – Bản tiếng Ý gồm hai phần. Phần I có 8 chương, phần II có 11 chương.
    – Bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy được đăng trong BAVH, Juillet-Déc.1931, đủ như bản tiếng Ý.
    – Bản dịch tiếng Việt của Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị với tựa đề “Xứ Đàng Trong năm 1621”, nhà xuất bản Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, tháng 9/2014. Bản dịch nầy chỉ có 13 chương xuyên suốt, không theo kết cấu phần và chương của bản tiếng Ý. Trong số 13 chương, 8 chương đầu theo đúng thứ tự như bản tiếng Ý. Năm chương tiếp theo (9-13): Chương 9 của bản dịch là chương 3 phần II của bản tiếng Ý; Chương 10 của bản dịch là chương 4 phần II của bản tiếng Ý, tuy nhiên bản dịch bị cắt bỏ rất nhiều so với bản tiếng Ý; Chương 11 của bản dịch là chương 6, phần II của bản tiếng Ý, tuy nhiên nơi bản dịch tựa đề của chương bị thay đổi và cắt bỏ một số đoạn so với bản tiếng Ý; Chương 12 của bản dịch với đề chương “Đời sống tinh thần ở Đàng Trong” là một tổng hợp chương 7 và chương 8 phần II của bản tiếng Ý, tuy nhiên bản dịch đã cắt bỏ bản tiếng Ý rất nhiều; Chương 13 của bản dịch là chương 11 phần II của bản tiếng Ý, tuy nhiên bản dịch đã cắt bỏ bản tiếng Ý rất nhiều. Nói chung bản dịch nầy cắt bỏ quá nhiều điều mà linh mục Borri đã viết trong bản tiếng Ý được xuất bản năm 1631.
    – Bản dịch tiếng Việt của Hồng Nhuệ với tựa đề “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631”, nhà xuất bản Thăng Long, nhà in Thiên Hà, Hoa Kỳ 1989. Bản dịch nầy được dịch giả dịch từ bản dịch tiếng Pháp của linh mục Antoine de la Croix xuất bản ở Lille năm 1631, bản dịch thiếu chương 11 phần II của bản tiếng Ý.
    [62]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 262-263.
    [63]. CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 06.
    Về Sách giáo lý nầy, dịch giả căn cứ vào lời tường thuật của linh mục Borri về một cuộc “cá độ” tại Nước mặn giữa linh mục với một vị quan cai quản khu phố Nước Mặn về vấn đề nguyệt thực sắp xảy ra. Nếu quan thua, quan phải đến nghe “giáo lý tám ngày” tại nhà các thừa sai. Nếu quan thắng, linh mục phải cấp cho quan một áo dài bằng lụa. (xem CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 102).
    [64]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotations à la Lettre de Gaspar Luis par Léopold Cadière, trang 410.
    [65]. BAVH, Juillet-Déc. 1931, trang 328.
    Trong bản tiếng Ý: “Tuijciam, Biet”.
    [66]. xem VÕ LONG TÊ, Lịch sử văn học Công Giáo Việt Nam, nhà xuất bản Tư Duy, Sài Gòn 1965, trang188-189.
    [67]. – CRISTOPHORO BORRI, sđd, trang 108.
    – Câu chuyện nầy được đề cập đến trong Annua de Cochinchina de 1619 – báo cáo thường niên năm 1619, phần báo cáo về cư sở Nước Mặn – Residençia de Nuocman da Provincia de PuloCamby (trang 010-010v, hàng 585 đến hàng 633).
    [68]. – ROLAND JACQUES, sđd., trang 89, chú thích số 58.
    – Linh mục Pina chết đuối tại Cửa Hàn, được đưa về an táng tại Hội An. (xem DANIELLO BARTOLI, Dell’Istoria Della Compagni Di Gesù La Cina, Libro Quarto, Torino 1825, trang 67-68).

    (Hình: với Lm. Gioan Võ Đình Đệ-tác giả bài viết-ở TGM Quy Nhơn, 2019)

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here